Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

B TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2020/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2020

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 312/2016/TT-BTC NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật bảo hiểm tiền gửi ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;

Thực hiện Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Thực hiện Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

Thực hiện Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Bổ sung điểm e khoản 2 Điều 4 như sau:

“e) Thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo dõi chi tiết riêng khoản thu nhập này trong quỹ dự phòng nghiệp vụ.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4khoản 5 Điều 5 như sau:

“4. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn hoạt động để mua trái phiếu Chính phủ, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Quỹ dự phòng nghiệp vụ được sử dụng để:

a) Chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được:

- Tiếp nhận hỗ trợ hoặc vay của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phần chênh lệch giữa giá bán và giá vốn (chênh lệch dương hoặc chênh lệch âm sau khi đã được xử lý từ khoản dự phòng rủi ro theo quy định) của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được hạch toán vào quỹ dự phòng nghiệp vụ.

b) Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ để cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến khả năng chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ khoản cho vay, đôn đốc thu hồi nợ để giảm thiểu rủi ro mất vốn.

c) Bù đắp các tổn thất không thu hồi được vốn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 7a Thông tư này.”

3. Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:

“a) Hàng năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng mức trích từ nguồn thu hoạt động đầu tư vốn hoạt động để hạch toán vào thu nhập và gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 1 năm kế hoạch, kèm theo phương án sử dụng vốn, dự kiến thu nhập, chi phí và các tài liệu khác có liên quan.

b) Trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định mức cụ thể được trích cho năm kế hoạch cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Mức trích được xác định theo nguyên tắc đảm bảo để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bù đắp chi phí hoạt động nghiệp vụ và trích lập các quỹ theo quy định.”

4. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 7 như sau:

“c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định tại điểm 1.9 khoản 1 Điều 19 Thông tư này.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 7 như sau:

“b) Quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sụt giảm do chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; sử dụng để bù đắp tổn thất cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.”

6. Bổ sung điểm d và điểm đ khoản 4 Điều 7 như sau:

“d) Sử dụng vốn hoạt động để mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quy định làm ảnh hưởng đến thu nhập trong năm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

đ) Bán trái phiếu Chính phủ, bán trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để chi trả bảo hiểm tiền gửi.”

7. Bổ sung Điều 7a như sau:

“Điều 7a. Xử lý tổn thất trong trường hợp cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

a) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng số dư của khoản thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đang theo dõi chi tiết riêng trong quỹ dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư này để bù đắp các tổn thất không thu hồi được vốn cho vay đặc biệt. Trường hợp số dư của khoản thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt không đủ bù đắp tổn thất, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ để bù đắp theo quy định của pháp luật.

b) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản cho vay đặc biệt.”

8. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.9 khoản 1 Điều 19 như sau:

“1.9. Chi dự phòng rủi ro (bao gồm cả chi dự phòng đối với trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ) thực hiện theo quy định của pháp luật về trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.”

9. Sửa đổi, bổ sung tiết g điểm 1.10 khoản 1 Điều 19 như sau:

“g) Chi cho khoản tổn thất tài sản còn lại (bao gồm cả tổn thất trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ) sau khi đã được bù đắp bằng dự phòng rủi ro và các nguồn khác (nếu có) theo chế độ quy định.”

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 21 như sau:

“3. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam làm căn cứ để trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2khoản 3 Điều 24 như sau:

“2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện rà soát kế hoạch tài chính. Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao các chỉ tiêu kế hoạch tài chính và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm kế hoạch và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

a) Các chỉ tiêu kế hoạch tài chính bao gồm:

- Tổng thu nhập trừ tổng chi phí chưa có lương;

- Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác nước ngoài;

- Chi nghiên cứu khoa học;

- Chi đào tạo và tập huấn cán bộ;

- Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch tài chính, trường hợp không thực hiện được các chỉ tiêu tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh kế hoạch tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

b) Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, hướng dẫn (nếu có). Các chỉ tiêu đánh giá này không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn).

3. Căn cứ các chỉ tiêu kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao tại điểm a khoản 2 Điều này, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phê duyệt kế hoạch tài chính chi tiết để thực hiện.”

12. Bổ sung khoản 4 Điều 25 như sau:

“4. Phương thức gửi báo cáo:

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện báo cáo dưới hình thức văn bản giấy và được gửi đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính.”

13. Bổ sung Điều 25a như sau:

“Điều 25a. Công bố thông tin doanh nghiệp

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.”

14. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 29 như sau:

“3. Căn cứ vào quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, trong vòng 120 ngày kể từ ngày Thông tư này được ký ban hành, Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải ban hành quy chế tài chính nội bộ để làm căn cứ thực hiện và gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một bản để theo dõi, giám sát.”

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét, giải quyết./.