Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA III

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi: Các Ủy ban hành chính khu, Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương,

Theo quyết định số 239-NQ-TVQH ngày 24 tháng 02 năm 1964 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III sẽ tiến hành vào ngày chủ nhật 26-04-1964. Các địa phương cần thi hành đúng luật bầu cử đại biểu Quốc hội và những quy định về thể lệ bầu cử đại biểu Quốc hội nói trong thông tư số 057-TTg ngày 04 tháng 03 năm 1960.

Căn cứ luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quy định và nói rõ thêm một số điểm cụ thể áp dụng trong kỳ bầu cử này:

- Về việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử, các địa phương cần hoàn thành những công tác dưới đây theo đúng thời hạn như sau:

+ Thành lập xong các Ban bầu cử trước ngày 12 tháng 3 năm 1964;

+ Ấn định và công bố các khu vực bỏ phiếu trước ngày 17 tháng 03 năm 1964;

+ Lập và niêm yết danh sách cử tri, thu nhận đơn và các giấy tờ khác của những người ứng cử trước ngày 27 tháng 03 năm 1964;

+ Thành lập xong các tổ bầu cử, lập và công bố danh sách những người ứng cử trước ngày 06 tháng 04 năm 1964;

+ Phát thẻ cử tri và phát phiếu bầu cử cho các tổ bầu cử trước ngày 19 tháng 04 năm 1964;

- Về việc lập danh sách cử tri, cần nắm vững yêu cầu là không bỏ sót một người nào cơ quyền bầu cử, không ghi nhầm một người nào không có quyền bầu cử vào danh sách.

Việc xét định tư cách cử tri vẫn căn cứ vào những nguyên tắc đã được quy định trong các thông tư số 057-TTg ngày 04 tháng 03 năm 1960 và số 94-TTg ngày 12 tháng 04 năm 1960 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong việc xét cho “địa chủ thường” chưa thay đổi thành phần được tham gia bầu cử, các địa phương cần chú ý áp dụng đúng những nguyên tắc và thủ tục quy định trong Thông tư số 94-TTg nói trên, nghĩa là phải do Ủy ban hành chính xã đề nghị, Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y thì“địa chủ thường” mới được tham gia bầu cử.

- Để đỡ tốn kém cho ngân sách Nhà nước, các địa phương có thể sử dụng cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội này những thẻ cử tri đã in để dùng cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua; nơi nào còn thiếu thì sẽ in thêm, nhưng phải bảo đảm mẫu thẻ được thống nhất. Ngoài ra, các Ban bầu cử, tổ bầu cử có thể dùng con dấu cũ của kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II, nhưng cần xóa các “Khóa II” trên con dấu đó.

Khi bầu cử xong, các Ủy ban hành chính thanh phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố, xã, thị trấn cần bảo quản tốt những vật liệu đã dùng trong cuộc bầu cử như: con dấu, hòm phiếu, thẻ cử tri chưa dùng đến, v.v…, đồng thời phải làm cho nhân dân có ý thức giữ gìn thẻ cử tri để dùng cho các cuộc bầu cử sau này.

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng và phải tiến hành theo đúng như những nguyên tắc, thể lệ đã được pháp luật quy định; các Ủy ban hành chính địa phương cần coi trọng việc tuyên truyền giáo dục trong cán bộ và nhân dân, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm thực hiện đầy đủ những nguyên tắc, thể lệ ấy, bảo đảm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này thu được kết qủa tốt.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng