Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 21/2011/TT-BCA

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN CÁC QUYẾT ĐỊNH CHƯA CHO NHẬP CẢNH, CHƯA ĐƯỢC XUẤT CẢNH, TẠM HOÃN XUẤT CẢNH

Căn cứ Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Sau khi trao đổi với các Bộ, ngành có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và việc gia hạn, giải tỏa các quyết định đó như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và việc gia hạn, giải tỏa các quyết định đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và gia hạn, giải tỏa các quyết định đó; với cơ quan thực hiện và với người có nghĩa vụ chấp hành các quyết định đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chưa cho nhập cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không cho phép người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài và công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

2. Chưa được xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh.

3. Tạm hoãn xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định tạm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam.

4. Gia hạn quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định kéo dài thêm thời hạn áp dụng các quyết định đó.

5. Giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không áp dụng các biện pháp này nữa.

Chương 2.

TIẾP NHẬN VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CHƯA CHO NHẬP CẢNH, CHƯA ĐƯỢC XUẤT CẢNH, TẠM HOÃN XUẤT CẢNH

MỤC 1. TIẾP NHẬN VĂN BẢN THÔNG BÁO VỀ QUYẾT ĐỊNH CHƯA CHO NHẬP CẢNH, CHƯA ĐƯỢC XUẤT CẢNH, TẠM HOÃN XUẤT CẢNH

Điều 4. Tiếp nhận văn bản thông báo về quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

1. Văn bản thông báo về quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan, người có thẩm quyền gồm:

a) Về việc chưa cho nhập cảnh:

- Văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an đối với những trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ Khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 4 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây viết gọn là Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10);

- Văn bản của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10.

b) Về việc chưa được xuất cảnh:

- Văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền nêu tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sau đây viết gọn là Nghị định số 136/2007/NĐ-CP) đối với các trường hợp chưa được xuất cảnh quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 21 Nghị định này;

- Văn bản của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế đối với những trường hợp quy định tại điểm a và điểm c Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;

- Đối với những trường hợp có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh quy định tại Khoản 7 Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trực tiếp ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định đó theo quy định của Thông tư này.

c) Về việc tạm hoãn xuất cảnh:

- Văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền nêu tại Khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10 đối với những trường hợp quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh này;

- Văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an đối với những trường hợp quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10 trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn bản của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế đối với những trường hợp quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;

2. Văn bản thông báo về quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an ngay sau khi người có thẩm quyền ra quyết định.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thực hiện các quyết định đó theo các quy định tại Mục 2 của Thông tư này.

Điều 5. Về thời hạn áp dụng quyết định, việc gia hạn và hiệu lực thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

1. Thời hạn áp dụng quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh ghi tại văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư này được xác định căn cứ vào tính chất, mức độ, yêu cầu của từng trường hợp cụ thể, nhưng không quá 03 năm cho mỗi trường hợp.

2. Trường hợp cần gia hạn thời hạn áp dụng quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh thì trước khi hết thời hạn áp dụng đã ghi trong quyết định ít nhất 30 ngày, cơ quan, người có thẩm quyền nêu tại Điều 4 Thông tư này phải có văn bản thông báo về việc gia hạn thời hạn áp dụng quyết định gửi tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện.

3. Hiệu lực của quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh được tính từ khi Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan tới việc thực hiện các quyết định đó theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này đến khi hết thời hạn áp dụng quyết định ghi trong văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền. Các quyết định này đương nhiên hết hiệu lực khi đã hết thời hạn áp dụng quyết định nếu Cục Quản lý xuất nhập cảnh không nhận được văn bản về việc gia hạn của cơ quan, người có thẩm quyền.

4. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

Điều 6. Nội dung, cách thức thông báo quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

1. Văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Thông tư này phải là bản chính, gồm:

a) Tên cơ quan, chữ ký của người có thẩm quyền (ghi rõ họ tên, chức danh) và đóng dấu của cơ quan; số điện thoại liên hệ của cán bộ cơ quan mà người có thẩm quyền giao trách nhiệm trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến người có nghĩa vụ chấp hành quyết định việc chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh.

b) Thông tin về người có nghĩa vụ chấp hành quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh gồm những nội dung cụ thể sau:

- Họ và tên;

- Ngày tháng năm sinh, nơi sinh;

- Giới tính;

- Quốc tịch;

- Số hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân;

- Ảnh cỡ 4x6 cm;

- Địa chỉ cư trú hiện tại;

- Thời hạn, lý do ngăn chặn;

- Biện pháp xử lý khi phát hiện.

2. Văn bản thông báo này được gửi ngay tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh bằng cách trực tiếp, qua đường công văn hoặc đường chuyển phát nhanh của bưu điện.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh (kể cả khi gia hạn và giải tỏa các quyết định này) có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người có nghĩa vụ chấp hành các quyết định đó biết, trừ trường hợp vì lý do cần giữ bí mật cho công tác điều tra tội phạm hoặc lý do an ninh.

4. Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm gửi văn bản thông báo quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Bộ trưởng Bộ Công an nêu tại gạch đầu dòng thứ hai, điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư này tới cơ quan, người có thẩm quyền đã đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.

MỤC 2. THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CHƯA CHO NHẬP CẢNH, CHƯA ĐƯỢC XUẤT CẢNH, TẠM HOÃN XUẤT CẢNH

Điều 7. Kiểm tra, bổ sung thông tin liên quan tới việc thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

1. Cục Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra tính hợp lệ và nội dung văn bản thông báo về quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Trường hợp văn bản thông báo không đủ thông tin theo quy định thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị bổ sung.

2. Trường hợp có sự thay đổi về nội dung thông tin đã ghi tại văn bản thông báo thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời có văn bản thông báo về sự thay đổi đó cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Điều 8. Nhập dữ liệu và thông báo để thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

1. Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm nhập đầy đủ, chính xác dữ liệu thông tin ghi tại văn bản thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền về quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, việc gia hạn của các quyết định này và thông báo ngay cho các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện.

2. Việc nhập dữ liệu và thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh nêu tại Khoản 1 Điều này phải được hoàn tất trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi nhận được văn bản thông báo hợp lệ của cơ quan, người có thẩm quyền.

Điều 9. Thi hành quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

1. Khi nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh về quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh nêu tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Công an quản lý; lực lượng Bộ đội biên phòng kiểm soát tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

2. Trường hợp cơ quan nêu tại Khoản 1 Điều này phát hiện người có nghĩa vụ chấp hành quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, thì sau khi thực hiện quyết định đó phải thông báo kết quả về Cục Quản lý xuất nhập cảnh để thống nhất quản lý theo quy định của Chính phủ.

3. Trong trường hợp cần thiết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc không cấp hoặc hủy hộ chiếu, thị thực, giấy tờ khác có giá trị xuất nhập cảnh của Việt Nam đối với người có nghĩa vụ chấp hành quyết định chưa được nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và thông báo cho cơ quan đã cấp các giấy tờ này biết.

Điều 10. Về việc giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh

1. Trong thời hạn áp dụng quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh (kể cả gia hạn các quyết định này), nếu thấy cần phải giải tỏa các quyết định này thì cơ quan, người có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh và cho người có nghĩa vụ chấp hành quyết định này biết để thực hiện.

2. Sau khi tiếp nhận văn bản thông báo về việc giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhập dữ liệu và thông báo cho các cơ quan liên quan để thực hiện.

3. Các cơ quan nêu tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này có trách nhiệm thực hiện việc giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Giao Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì tổ chức thực hiện Thông tư này; ban hành quy trình nhập dữ liệu và thông báo thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2011. Các quy định trước đây của Bộ Công an trái với Thông tư này đều bãi bỏ./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ (để phối hợp thực hiện);
- Tòa án nhân dân tối cao (để phối hợp thực hiện);
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp thực hiện);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để phối hợp thực hiện);
- Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ TP. Hồ Chí Minh (để thực hiện);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Luu: VT, A61, V19, 300b.

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh