Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 21/2020/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2020

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 81/2014/TT-BGTVT NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2014 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ VIỆC VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG VÀ HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG CHUNG, THÔNG TƯ SỐ 14/2015/TT-BGTVT NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BỒI THƯỜNG ỨNG TRƯỚC KHÔNG HOÀN LẠI TRONG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH BẰNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG VÀ THÔNG TƯ SỐ 33/2016/TT-BGTVT NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG VÀ BÁO CÁO SỐ LIỆU TRONG NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 06 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt năm số 61/2014/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung;

Căn cứ Nghị định số 66/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ quy định về Nhà chức trách hàng không;

Căn cứ Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động không chung;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng không Viện Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung (sau đây gọi tắt là Thông tư số 81/2014/TT- BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014), Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (sau đây gọi tắt là Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015) và Thông tư số 33/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc báo cáo hoạt động và báo cáo số liệu trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư số 33/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2014/TT- BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 như sau:

1. Sửa đổi các điểm c và d khoản 1 Điều 1 như sau:

“c) Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam;

d) Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp;”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Kế hoạch khai thác đội tàu bay của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không (sau đây gọi là hãng hàng không) và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung Việt Nam

1. Hãng hàng không và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung có trách nhiệm xây dựng kế hoạch khai thác đội tàu bay của doanh nghiệp hàng năm (từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12), trung hạn (5 năm) và dài hạn (từ 10 năm trở lên) để thực hiện hoạt động vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung tại Việt Nam.

2. Kế hoạch khai thác đội tàu bay đối với hãng hàng không và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung phải có các nội dung sau:

a) Dự báo nhu cầu của thị trường vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế, từng đường bay mà hãng dự kiến khai thác;

b) Dự kiến mạng đường bay; sản lượng vận chuyển, luân chuyển (hành khách, hàng hóa); hệ số sử dụng tải; thị phần của hãng trên toàn mạng quốc tế, nội địa và trên từng đường bay;

c) Số lượng theo loại tàu bay dự kiến khai thác toàn mạng; loại tàu bay dự kiến khai thác trên từng đường bay của hãng;

d) Kế hoạch đảm bảo nguồn lực (nhân lực, tài chính) để khai thác, bảo dưỡng đội tàu bay.

3. Trong trường hợp các nội dung của kế hoạch khai thác đội tàu bay quy định tại Điều này được sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trong vòng 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp quyết định sửa đổi, bổ sung kế hoạch.

4. Hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam kế hoạch khai thác đội tàu bay, chi tiết báo cáo như sau:

a) Tên báo cáo: kế hoạch khai thác đội tàu bay;

b) Nội dung báo cáo: các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo bằng hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử được gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật;

d) Thời hạn gửi báo cáo: ngày 01 tháng 11 hàng năm của năm trước năm kế hoạch (đối với kế hoạch hàng năm) và trước 60 ngày kể từ ngày dự kiến bắt đầu kế hoạch (đối với kế hoạch trung hạn và dài hạn);

đ) Thời gian chốt số liệu báo cáo: tính đến ngày 31 tháng 10 hàng năm của năm trước năm kế hoạch;

e) Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này.”.

3. Sửa đổi Điều 6 như sau:

“Điều 6. Ban hành Điều lệ vận chuyển

Hãng hàng không có trách nhiệm xây dựng, đăng ký và ban hành Điều lệ vận chuyển. Điều lệ vận chuyển phải có các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, quyền và nghĩa vụ của khách hàng phù hợp với các quy định của pháp luật.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3, khoản 5 Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 như sau:

“1. Chuyến bay bị chậm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) muộn hơn 15 phút so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay căn cứ. Lịch bay căn cứ là phiên bản cuối cùng lịch bay ngày của hãng hàng không được cập nhật tới Cục Hàng không Việt Nam, các Cảng vụ hàng không, các Công ty Quản lý bay khu vực liên quan không muộn hơn 22h00 giờ Hà Nội (15h00 UTC) của ngày hôm trước ngày khai thác.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:

“3. Chuyến bay bị hủy là chuyến bay không được thực hiện trên cơ sở lịch hủy của hãng hàng không.”;

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Chuyến bay khởi hành sớm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) sớm hơn thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay căn cứ.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam

1. Hãng hàng không nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các Giấy tờ có giá trị tương đương của hãng hàng không (bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh);

c) Bản sao Điều lệ hoạt động của hãng hàng không (bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh);

d) Bản sao các tài liệu xác nhận quyền sử dụng trụ sở nơi đặt Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé tại Việt Nam;

đ) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) đối với văn bản bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé (bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh).

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này, trong trường hợp không cấp Giấp phép, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấp phép chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị hãng hàng không hoàn chỉnh hồ sơ và thời hạn giải quyết tính từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định.

3. Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hiệu lực do bị thu hồi trong trường hợp vi phạm các quy định tại khoản 5 Điều 123 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hoặc theo đề nghị của hãng hàng không.

4. Trường hợp thay đổi một trong các nội dung của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé đã được cấp, hãng hàng không nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về thông tin trong hồ sơ.

a) Hồ sơ bao gồm: văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và các tài liệu liên quan đến nội dung đề nghị thay đổi bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định và cấp lại Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này;

Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấp phép chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị hãng hàng không hoàn chỉnh hồ sơ và thời hạn giải quyết tính từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định.

5. Hãng hàng không đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé nộp lệ phí theo quy định pháp luật.

6. Hãng hàng không đề nghị cấp lại Giấp phép do Giấp phép bị hỏng, bị mất thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 4 Điều này.

7. Trong trường hợp Giấy phép bị thu hồi, Cục Hàng không Việt Nam ban hành quyết định thu hồi Giấy phép và hãng hàng không phải chấm dứt ngay hoạt động của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé.”.

6. Bãi bỏ Điều 11.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

“Điều 12. Thông báo, báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam

1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé của các hãng hàng không nước ngoài có nghĩa vụ thông báo hoạt động của mình về Cục Hàng không Việt Nam bằng hình thức bản giấy hoặc bản điện tử hoặc fax theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Hãng hàng không phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác nội dung của thông báo hoạt động.

2. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé phải hoạt động tại trụ sở đã đăng ký và đăng tin trên một tờ báo được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp, với những nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé;

b) Tên, địa chỉ trụ sở của hãng hàng không nước ngoài;

c) Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé;

d) Danh sách người nước ngoài làm việc (tên, quốc tịch, số hộ chiếu và giấy phép lao động còn hiệu lực (nếu có);

đ) Số, ngày cấp, thời hạn của Giấy phép;

e) Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé.

3. Trong trường hợp thay đổi nhân sự là người nước ngoài, Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé có trách nhiệm thông báo thông tin thay đổi về Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.

4. Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé có trách nhiệm báo cáo hoạt động định kỳ hàng năm về Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của nội dung báo cáo, chi tiết như sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé của các hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam;

b) Nội dung báo cáo: thông tin về Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé; hoạt động của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé; các đánh giá chung và đề xuất;

c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo bằng hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử được gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật;

d) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo;

đ) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 31 tháng 01 của năm kế tiếp năm báo cáo;

e) Mẫu đề cương báo cáo theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

“Điều 13. Chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam

1. Hoạt động của Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

a) Theo đề nghị của hãng hàng không nước ngoài;

b) Hãng hàng không nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của nước nơi hãng hàng không đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;

c) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé bị thu hồi theo quy định tại khoản 5 Điều 123 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

2. Trong thời hạn 30 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này, Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đến Cục Hàng không Việt Nam, các chủ nợ, người lao động, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan khác. Thông báo phải nêu rõ thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, được niêm yết công khai tại trụ sở Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé đăng tin trên một tờ báo được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp.

3. Hãng hàng không nước ngoài, Văn phòng đại diện, Văn phòng bán vé có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ nợ và các nghĩa vụ khác với tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.”.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

“Điều 14. Thủ tục đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp

1. Doanh nghiệp Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

c) Bản sao mẫu vận đơn hàng không thứ cấp của doanh nghiệp giao nhận.

2. Doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp của doanh nghiệp giao nhận nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

c) Bản sao mẫu vận đơn hàng không thứ cấp của doanh nghiệp giao nhận nước ngoài;

d) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy tờ có giá trị tương đương của doanh nghiệp giao nhận nước ngoài.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này, trong trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ và thời hạn giải quyết tính từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định.

4. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp nộp lệ phí theo quy định pháp luật.

5. Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp do Cục Hàng không Việt Nam cấp có hiệu lực kể từ ngày ký và bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Theo đề nghị của doanh nghiệp;

b) Doanh nghiệp ngừng hoạt động 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan cấp Giấy chứng nhận.

6. Trường hợp Giấy chứng nhận bị thu hồi, Cục Hàng không Việt Nam ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và doanh nghiệp phải chấm dứt ngay hoạt động đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp theo Giấy chứng nhận đã được cấp.”.

10. Bãi bỏ Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 81/2014/TT- BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014.

11. Thay thế các Phụ lục IV, VI, VII, IX, X ban hành kèm theo Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 tương ứng với các Phụ lục I, II, III, IV, V ban hành kèm theo Thông tư này.

12. Bổ sung các Phụ lục XIII, XIV, XV vào Thông tư số 81/2014/TT- BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 tương ứng với các Phụ lục VI, VII, VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015 như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

“Điều 4. Nghĩa vụ của người vận chuyển

1. Bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay với mức quy định tại Điều 8 của Thông tư này trong trường hợp từ chối vận chuyển hoặc hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài, trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Thông tư này.

2. Công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của người vận chuyển, tại cảng hàng không, văn phòng đại diện, văn phòng bán vé và hệ thống đại lý bán vé của người vận chuyển về các trường hợp được bồi thường ứng trước không hoàn lại, mức bồi thường, chi tiết phương thức và thời hạn bồi thường, địa chỉ cụ thể thực hiện việc bồi thường.

3. Cung cấp thông tin cho Cảng vụ hàng không, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách về nguyên nhân hủy chuyến bay, chuyến bay bị chậm kéo dài ngay sau khi có quyết định hủy hoặc sau khi xác định chuyến bay bị chậm kéo dài để thực hiện việc giám sát, cập nhật lên hệ thống thông tin của cảng hàng không, sân bay.

4. Trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm chuyến bay dự kiến cất cánh (trường hợp chuyến bay hủy) hoặc cất cánh thực tế (trường hợp chuyến bay có hành khách bị từ chối vận chuyển hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài) hoặc đột xuất theo yêu cầu của Cảng vụ hàng không, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo đến Cảng vụ hàng không việc bồi thường ứng trước không hoàn lại của các chuyến bay theo nội dung sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với hành khách bị từ chối vận chuyển, hủy chuyến bay;

b) Nội dung báo cáo: thông tin về chuyến bay của hãng hàng không; thông tin hành khách bị từ chối vận chuyển, bị hủy chuyến bay và giải pháp xử lý của hãng hàng không;

c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo bằng hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử được gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật;

d) Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời khiếu nại của hành khách bị từ chối vận chuyển, bị hủy chuyến hoặc bị chậm kéo dài.

6. Ghi nhận địa chỉ liên hệ được hành khách cung cấp như: số điện thoại di động, số điện thoại cố định, thư điện tử hoặc số điện thoại của người thân trong trường hợp không liên lạc được trực tiếp để cung cấp các thông tin về tình hình hủy chuyến, chuyến bay bị chậm kéo dài trước 24 giờ so với giờ cất cánh dự kiến làm cơ sở cho việc miễn trừ nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

“Điều 13. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng không

1. Niêm yết công khai độ dài đường bay và các quy định của Thông tư này tại cảng hàng không.

2. Kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền việc thực hiện nghĩa vụ người vận chuyển các trường hợp hành khách bị từ chối vận chuyển, chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài của người vận chuyển theo quy định tại Thông tư này.

3. Báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu cho Cục Hàng không Việt Nam về việc giám sát việc bồi thường ứng trước không hoàn lại của các hãng hàng không.

Báo cáo định kỳ hàng tháng về việc giám sát việc bồi thường ứng trước không hoàn lại của các hãng hàng không theo các nội dung như sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo giám sát về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại của các hãng hàng không;

b) Nội dung báo cáo: thông tin về hãng hàng không, chuyến bay (số hiệu, hành trình), ngày thực hiện chuyến bay, số lượng khách nhận bồi thường, hình thức bồi thường, thông tin hành khách nhận bồi thường, các thông tin khác (nếu có);

c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo bằng hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử được gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật;

d) Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 10 của tháng kế tiếp;

đ) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng;

e) Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.”.

3. Thay thế Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015 tương ứng với Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bổ sung Phụ lục II vào Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015 tương ứng với Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2016/TT- BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 4 như sau:

“a) Báo cáo số liệu vận chuyển từng chuyến bay, số liệu giờ cất cánh, hạ cánh thực tế của từng chuyến bay tại cảng hàng không, sân bay (hàng tuần) theo Mẫu CV-1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này: số liệu từ thứ Tư tuần trước đến thứ Ba tuần này, báo cáo trước 10 giờ 00 thứ Năm hàng tuần;”.

2. Bãi bỏ điểm g khoản 3 Điều 4.

3. Thay thế các Mẫu CV-1 và QLB-6 ban hành kèm theo Thông tư số 33/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 tương ứng với các Phụ lục XI, XII ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Bãi bỏ Mẫu QLB-7 ban hành kèm theo Thông tư số 33/2016/TT- BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.

2. Thông tư này bãi bỏ:

a) Thông tư số 52/2018/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung;

b) Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không và Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.