Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦY LỢI

*******

Số : 21-TT/TC/TN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1977

THÔNG TƯ

TỔ CHỨC CÔNG TY QUẢN LÝ THỦY NÔNG

Nhà nước và nhân dân ta đã và đang tập trung cao độ đầu tư lớn công của phát triển nhanh thủy lợi, cùng với những hệ thống thủy nông đã có, tiếp tục xây dựng quy mô lớn hàng loạt hệ thống thủy nông mới trên cả nước, nhằm mục đích giải quyết tốt yêu cầu nước của sản xuất nông nghiệp và các yêu cầu dùng nước khác; do đó vấn đề quản lý khai thác, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả cao hệ thống thủy nông là một trong những nhiệm vụ giữa vị trí đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định hàng đầu và mở đường trong thực hiện nhiệm vụ cơ bản của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay là tạo ra một bước ngoặt mới phát triển vượt bậc về nông nghiệp.

Vì vậy, việc kiện toàn và tăng cường tổ chức, quản lý hệ thống thủy nông, đưa công tác quản lý vào nề nếp, đúng chế độ và tiến lên một bước phát triển mới cao hơn, nhằm đáp ứng đầy đủ và tốt nhất những yêu cầu mới của sản xuất nông nghiệp và các mặt lợi dụng tổng hợp khác, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, nghị quyết hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IV là một công tác hết sức cấp bách và cần thiết hiện nay.

Căn cứ vào nghị định số 141-CP ngày 26-09-1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông, nghị quyết số 19-CP ngày 29-01-1976, nghị quyết số 61-CP ngày 05-04-1976 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường quản lý kinh tế, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, và các văn bản có liên quan khác, qua thực hiện hoàn chỉnh thủy nông, và kinh nghiệm tổ chức hoạt động của Công ty thủy nông trong những năm qua; sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thủy lợi ban hành thông tư hướng dẫn tổ chức công ty quản lý thủy nông, gọi tắt là công ty thủy nông.

I .VỊ TRÍ, ĐẶC ĐIỂM, TÍNH CHẤT VÀ NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC CÔNG TY THỦY NÔNG

1. Vị trí, đặc điểm và tính chất công tác quản lý thủy nông.

Hệ thống công trình thủy nông là một tập hợp công trình có liên quan chặt chẽ với nhau, bao gồm một hoặc một số công trình đầu mối, một mạng lưới kênh các cấp và những công trình trên kênh và qua kênh; làm nhiệm vụ tưới và tiêu nước cho một lưu vực đất đai nông nghiệp nhất định, gọi tắt là hệ thống thủy nông.

Ngoài ra, trên hệ thống thủy nông còn có thể có những công trình kết hợp khai thác các mặt tổng hợp lợi dụng như giao thông, phát điện, thủy sản…

Hệ thống thủy nông là cơ sở vật chất kỹ thuật có giá trị kinh tế lớn, nhằm mục đích giải quyết tốt yêu cầu nước phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh, tăng vụ, mở rộng diện tích và cải tạo đất, tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Nước là biện pháp kỹ thuật giữ vị trí hàng đầu, có tính chất mở đường trong các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp.

Công trình trong hệ thống thủy nông rất đa dạng, lắp đặt nhiều máy móc thiết bị cơ điện, có kỹ thuật phức tạp và hiện đại, hoạt động của chúng có quan hệ hữu cơ chặt chẽ và ràng buộc lẫn nhau. Các công trình, máy móc thiết bị hầu hết nằm trong nước, trong đất và trên mặt đất, chịu tác động thường xuyên và trực tiếp của các điều kiện tự nhiên, của các yếu tố địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn, các điều kiện kỹ thuật và chịu lực phức tạp khác.

Quá trình dẫn nước tưới từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, và tháo nước tiêu từ mặt ruộng ra đến công trình đầu mối, là quá trình vận hành công trình và điều khiển các máy móc thiết bị để đạt được lưu lượng nước, mực nước, thời gian tưới và tiêu nước, theo dây chuyền sản xuất mang tính chất công nghiệp. Đồng thời, đây là quá trình vận động liên tục có năng lượng của dòng nước, phản ánh tính khách quan của quy luật dòng chảy.

Vì vậy, hệ thống thủy nông là một tổng thể hoàn chỉnh, không thể chia cắt, phải quản lý thống nhất toàn bộ hệ thống theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật, đồng thời phải thích ứng với tình hình biến động của thiên nhiên, của sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống thủy nông phân bố trên diện rộng của địa bàn sản xuất nông nghiệp, do Nhà nước và nhân dân cùng làm, phục vụ chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hệ thống thủy nông là tài sản quý báu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Do đó chính quyền các cấp, các ngành và quần chúng giữa vị trí quan trọng trong quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa hoàn chỉnh và khai thác sử dụng hệ thống thủy nông.

2. Yêu cầu và nội dung công tác quản lý thủy nông.

Xuất phát từ vị trí, tính chất và đặc điểm của hệ thống thủy nông, công tác quản lý thủy nông phải đảm bảo những yêu cầu sau :

Phải quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành hệ thống công trình thủy nông đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật theo phương thức quản lý công nghiệp, nhằm đảm bảo công trình hoạt động đạt và vượt năng lực thiết kế.

Phải sử dụng hệ thống thủy nông hợp lý đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, đảm bảo giải quyết tốt yêu cầu nước đối với sản xuất nông nghiệp và các mặt lợi nhuận tổng hợp khác. Không được vì các mặt khai thác tổng hợp và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của hệ thống.

Phải quản lý tốt hệ thống công trình thủy nông, nhằm giảm bớt chi phí quản lý sản xuất, phục vụ đạt hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở đường lối chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và chế độ kinh doanh hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Công tác quản lý khai thác bảo vệ hệ thống thủy nông bao gồm nhiều mặt phong phú, được quy tụ trong 3 nội dung cơ bản sau:

a) Quản lý công trình;

b) Quản lý nước;

c) Quản lý kinh doanh.

Ba nội dung quản lý có quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau, có tác động thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình thực hiện, do đó phải đồng thời thực hiện tốt cả ba nội dung quản lý, không được xem nhẹ một nội dung nào.

3. Nguyên tắc tổ chức công ty thủy nông.

Ngoài những nguyên tắc chung về tổ chức bộ máy quản lý kinh tế và các đơn vị xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, tổ chức công ty thủy nông còn phải căn cứ vào những nguyên tắc sau đây:

A. Tổ chức công ty thủy nông phải đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống thủy nông.

Công ty thủy nông thống nhất chỉ đạo các mặt nội dung công tác quản lý thủy nông đối với tất cả các công trình trong hệ thống thủy nông từ công trình đầu mối đến công trình tưới và tiêu nước cho từng đơn vị dùng nước (hợp tác xã sản xuất nông nghiệp…). Đồng thời tổ chức công ty thủy nông phải quán triệt nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và theo vùng lãnh thổ.

Hệ thống thủy nông phục vụ riêng cho từng địa phương thì giao cho địa phương quản lý, hệ thống thủy nông phục vụ cho hai địa phương trở lên thì cấp trên quản lý:

- Hệ thống thủy nông liên xã - hợp tác xã do huyện quản lý;

- Hệ thống thủy nông liên huyện do tỉnh quản lý;

- Hệ thống thủy nông liên tỉnh do trung ương quản lý (Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Bắc Đuống…)

Hệ thống công trình thủy nông là tài sản xã hội chủ nghĩa, các cấp, các ngành và nhân dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Công trình thủy nông nằm trên phạm vi địa phương nào, địa phương đó phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bất luận hệ thống thủy nông đó thuộc trung ương hay địa phương quản lý.

B. Lấy hệ thống thủy nông làm cơ sở tổ chức công ty thủy nông:

a) Mỗi hệ thống thủy nông lớn, tổ chức một công ty thủy nông :

- Hệ thống thủy nông liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì lập công ty thủy nông liên tỉnh do Bộ Thủy lợi quản lý, hoặc ủy quyền cho ty (sở) thủy lợi của tỉnh hưởng lợi nhiều quản lý.

- Hệ thống thủy nông liên quan đến nhiều huyện trong một tỉnh, thành phố thì tổ chức công ty thủy nông liên huyện do ty (sở) thủy lợi quản lý.

- Hệ thống thủy nông liên quan đến nhiều xã, hợp tác xã nông nghiệp trong một huyện, thì tổ chức công ty thủy nông huyện, do Ủy ban nhân dân huyện quản lý.

- Đối với những hệ thống thủy nông nhỏ, nhưng có kỹ thuật phức tạp (trạm bơm điện, hồ, đập chứa nước…) có thể tổ chức một công ty thủy nông theo hình thức liên hiệp nhiều hệ thống thủy nông ở gần nhau trên cùng một địa bàn huyện, hoặc một vùng lãnh thổ nhất định, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức quản lý đủ sức mạnh làm chủ hệ thống thủy nông, giảm bớt đầu mối tổ chức, khắc phục tổ chức quản lý phân tán nhỏ, manh mún, khó đáp ứng kịp thời các khâu hậu cần, trang thiết bị kỹ thuật và nâng cao trình độ quản lý các mặt.

b) Hệ thống thủy nông nhỏ nằm gọn trong phạm vi một hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức đội thủy nông do hợp tác xã quản lý, tổ chức theo thông tư số 3-TT/NN ngày 18-03-1977 của Bộ Nông nghiệp. Ngoài ra, những hệ thống thủy nông liên quan đến một số hợp tác xã nông nghiệp trong một xã hoặc một vài xã, có thể tổ chức ban quản lý thủy nông do xã hoặc phòng thủy lợi huyện quản lý.

c) Công ty thủy nông có chức năng quản lý thống nhất toàn bộ hệ thống thủy nông; song để kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và nhân dân trong việc quản lý, phát huy vai trò làm chủ tập thể và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (kể cả đơn vị dùng nước khác) trong việc quản lý hệ thống thủy nông và những công trình trong hệ thống làm nhiệm vụ tưới và tiêu nước cho đồng ruộng của nội bộ từng hợp tác xã không liên quan đến hợp tác xã khác, thì giao cho hợp tác xã quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng, tu sửa và vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật, nhằm đảm bảo yêu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã và đảm bảo tính quản lý thống nhất của toàn bộ hệ thống thủy nông từ công trình đầu mối đến mặt ruộng.

C. Công trình thủy nôngđơn vị kinh tế cơ sở hạch toán độc lập có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ tài chính và được quản lý theo chế độ thủ trưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy công ty.

II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÔNG TY THỦY NÔNG

Để đảm bảo yêu cầu và thực hiện đầy đủ các mặt nội dung quản lý hệ thống thủy nông, công ty thủy nông có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :

1. Lập và thực hiện kế hoạch :

Căn cứ nhiệm vụ chính trị của đơn vị, kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương, và kế hoạch công tác của ngành do cấp trên giao, công ty lập và thực hiện kế hoạch tưới tiêu nước, kế hoạch hoàn chỉnh, sửa chữa, bổ sung, nâng cao hệ thống công trình, kế hoạch tài chính, vật tư, lao động, trang thiết bị và các kế hoạch khác, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp và các chỉ tiêu kế hoạch chuyên ngành đã được giao.

2. Lập đồ án kỹ thuật:

Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ của hệ thống thủy nông, đề xuất yêu cầu hoàn chỉnh sửa chữa, bổ sung, nâng cao hệ thống công trình thủy nông. Tổ chức lực lượng những việc có khả năng đảm nhiệm trong nhiệm vụ lập đồ án kỹ thuật, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên trách về quy hoạch, khảo sát và thiết kế giúp bổ sung quy hoạch, lập nhiệm vụ thiết kế và thiết kế kỹ thuật mà công ty không tự làm lấy được. Công ty trực tiếp ký kết hợp đồng và cung cấp tài liệu cần thiết cho các đơn vị đó, nghiệm thu đồ án đã làm xong, trình cấp trên xét duyệt, công ty chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch và các đồ án kỹ thuật đó.

3. Quản lý công trình :

- Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng, tu sửa và vận hành tất cả các công trình trong hệ thống thủy nông thuộc phạm vi trách nhiệm của công ty, theo đúng quy hoạch và thiết kế, quy trình vận hành hệ thống và các quy trình, quy phạm kỹ thuật cụ thể , nhằm đảm bảo công trình an toàn, phục vụ đắc lực sản xuất nông nghiệp và các mặt khác.

- Thực hiện chức năng bên A trong sửa chữa hoàn chỉnh, bổ sung, nâng cao các công trình trong hệ thống theo đúng quy định cho đơn vị chủ quản trong công tác quản lý xây dựng cơ bản.

- Tổ chức thực hiện quan trắc thường xuyên, định kỳ và đột xuất sự diễn biến của công trình trong hệ thống, phát hiện kịp thời những hư hỏng và có kế hoạch, biện pháp xử lý. Ghi chép lưu trữ bảo quản các hồ sơ tài liệu, số liệu kỹ thuật công trình theo đúng chế độ thể lệ quy định.

- Tổ chức lực lượng bảo vệ, bảo dưỡng và sửa chữa các hạng mục được phân cấp, phối hợp với các địa phương, các xã, hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức phong trào quần bảo vệ, bảo dưỡng công trình thủy nông.

- Tích cực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhằm hoàn thiện công trình, nâng cao hiệu suất công trình và thiết bị máy móc, nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ và công nhân viên.

Công ty thủy nông là cơ quan trực tiếp duy nhất có trách nhiệm và quyền hạn đóng mở công trình, vận hành máy bơm theo đúng quy trình, quy phạm của Nhà nước ban hành. Trường hợp muốn đóng mở các cống dưới đê thuộc phạm vi chống lụt bão, khi vượt quá quy định cho phép phải thỉnh thị Ban chỉ huy chống lụt bão tỉnh, thành hoặc trung ương.

Công ty thủy nông có quyền lập biên bản và đề nghị mức độ xử lý, hay truy tố trước toà án những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm điều lệ của Nhà nước đã quy định về quản lý hệ thống thủy nông.

4. Quản lý nước:

- Lập quy trình vận hành hệ thống trình cấp trên xét duyệt. Tổ chức thực hiện quy trình, thường xuyên rút kinh nghiệm thực tế để bổ sung, nâng cao quy trình hệ thống.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành nông nghiệp, lập kế hoạch tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từng vụ, hàng năm, dài hạn và các kế hoạch cung cấp nước khác (nếu có) trình cấp có thẩm quyền xét duyệt. Căn cứ kế hoạch được duyệt, tiến hành ký kết hợp đồng dùng nước với các đơn vị dùng nước (hợp tác xã nông nghiệp, nông trường…); tổ chức thực hiện việc tưới, tiêu nước theo kế hoạch và hợp đồng.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp, hướng dẫn các đơn vị dùng nước làm thực nghiệm tưới, tiêu nước khoa học, nhằm mở rộng diện tích được tưới, tiêu nước khoa học, phục vụ yêu cầu thâm canh, chuyên canh, cải tạo đất.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp và các đơn vị dùng nước, tiến hành các biện pháp phòng chống úng, hạn, phù hợp với yêu cầu từng vụ, từng loại cây trồng và từng vùng trong hệ thống thủy nông, tổ chức lấy nước phù sa bón ruộng.

- Tổ chức thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trong hệ thống thủy nông. Thu thập, lưu trữ và bảo quản hồ sơ tài liệu quản lý nước.

- Công ty thủy nông là đơn vị có trách nhiệm và quyền hạn quản lý nguồn nước tưới và tiêu trong toàn bộ hệ thống thủy nông.

5. Quản lý kinh doanh :

- Tổ chức thực hiện chế độ hạch toán kinh tế trong công tác quản lý khai thác, bảo vệ hệ thống thủy nông, không ngừng phát huy năng lực sản xuất, cải tiến và đổi mới công trình trang thiết bị kỹ thuật; nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc, hạ giá thành sản phẩm và chi phí quản lý, thực hiện tái sản xuất mở rộng với hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Trước mắt thực hiện quản lý kinh tế theo chế độ tài vụ gán thu, bù chi, ngân sách Nhà nước cấp phát phần chênh lệch, theo quyết định số 16-QĐ/LB ngày 20-10-1972 của liên Bộ Thủy lợi – Tài chính.

- Phối hợp với chính quyền, ngân hàng, tài chính, lương thực và nông nghiệp, tổ chức thu nộp thủy lợi phí đầy đủ, nhanh gọn, đúng chế độ, chính sách của Nhà nước quy định.

- Phối hợp với ngành điện lực giải quyết tốt các hợp đồng cung cấp điện để bom nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Phối hợp với các ngành thủy sản, giao thông, lâm nghiệp, điện lực, du lịch…tổ chức tốt các hoạt động kinh doanh tổng hợp nhằm lợi dụng khai thác hết khả năng nguồn lợi của hệ thống thủy nông .

- Thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ và thể lệ về quản lý tài chính, quản lý đầu tư thiết bị, về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

- Tổ chức thực hiện tốt công tác ghi chép, thống kê, thông tin kinh tế phục vụ quản lý thủy nông .

- Công ty thủy nông là đơn vị kinh tế cơ sở hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu, được quyền tự chủ về tài chính, được quyền giao dịch và ký kết các hợp đồng kinh tế, trong phạm vi chi tiêu kế hoạch đã được cấp trên xét duyệt.

6. Tổ chức quản lý, sử dụng và đào tạo cán bộ, công nhân viên:

- Công ty chịu trách nhiệm xây dựng và cân đối kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân viên hàng năm; tổ chức sắp xếp và bố trí lao động hợp lý có năng suất cao, đáp ứng nhiệm vụ quản lý sản xuất phục vụ kinh doanh, tiến bộ kỹ thuật và các mặt khác.

- Quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công nhân viên của công ty theo sự phân công, phân cấp quản lý, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao năng lực quản lý kinh tế, kỹ thuật và nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ, công nhân viên của công ty, và hướng dẫn bồi dưỡng lực lượng làm công tác thủy nông ở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (nội thủy nông ) và các đơn vị dùng nước khác.

- Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ tiền lương, nguyên tắc phân phối theo lao động và biện pháp kích thích vật chất.

- Đảm bảo phòng hộ lao động, an toàn lao động, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho cán bộ, công nhân viên.

- Tổ chức tốt phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, tổng kết khen thưởng thi đua kịp thời, ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, vô kỷ luật.

- Công ty thủy nông được quyền tuyển dụng và cho thôi việc cán bộ, công nhân viên theo đúng quy định của Nhà nước.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC CÔNG TY THỦY NÔNG[1]

Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức công ty thủy nông bao gồm:

1. Lãnh đạo công ty;

2. Các bộ môn chức năng giúp việc, bao gồm những bộ phận sau đây:

- Phòng quản lý công trình (gọi tắt là phòng công trình)

- Phòng quản lý nước,

- Phòng kế hoạch và vật tư,

- Phòng kế toán, tài vụ và thống kê,

- Phòng tổ chức và tiền lương,

- Phòng hành chính, quản trị và y tế;

3. Ban kiết thiết, (Ban kiến thiết tổ chức theo quyết định số 391-QĐ/CB ngày 09-05-1975);

4. Đội sửa chữa công trình (gọi tắt là đội sửa chữa);

5. Đội quản lý công trình đầu mối (gọi tắt là đội công trình đầu mối)(1);

6. Trạm thủy nông.

Trạm thủy nông là tổ chức sản xuất, chịu sự chỉ đạo toàn diện của chủ nhiệm công ty thủy nông (mang tính chất như một phân xưởng).

Trạm thủy nông tuy trực thuộc công ty về mọi mặt, nhưng hoạt động của trạm lại trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện. Trạm thủy nông là tổ chức của công ty thủy, nông liên huyện hoặc liên tỉnh đặt tại địa bàn cấp huyện, nhằm gắn được sự chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở cấp huyện và các cơ sở sản xuất nông nghiệp (hợp tác xã nông nghiệp) thông qua chế độ hợp đồng kinh tế kỹ thuật.

Trạm thủy nông tổ chức theo lưu vực cấp kênh hoặc công trình, phạm vi phụ trách thường gắn liền với địa bàn huyện. Trạm có nhiệm vụ:

- Thực hiện việc điều hòa phân phối nước trong phạm vi trạm theo đúng kế hoạch của công ty giao. Đôn đốc, hướng dẫn cụm, thủy nông làm nhiệm vụ điều hòa, phân phối nước cho các đơn vị dùng nước, lập thủ tục hợp đồng từng đợt ngắn.

- Quản lý vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình thuộc trạm quản lý theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật. Đề xuất yêu cầu tu sửa, hoàn chỉnh, bổ sung, nâng cao công trình, tham gia làm chức năng bên A.

Đối với những công trình liên quan đến nhiều trạm trong hệ thống (không thuộc phạm vu quản lý của đội quản lý công trình đầu mối), công ty thủy nông có thể ủy quyền cho trạm quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên; những việc vận hành công trình đó phải theo đúng chỉ thị, mệnh lệnh của chủ nhiệm công ty.

- Quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương, và các ngành nông nghiệp, giao thông, ngân hàng, tài chính, lương thực để đảm bảo phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp của địa phương, hướng dẫn các đơn vị dùng nước về kỹ thuật nghiệp vụ quản lý thủy nông, về tưới tiêu nước khoa học, về kế hoạch bảo vệ, sửa chữa, hoàn chỉnh công trình, về thu nộp thủy lợi phí, vận tải phí…

- Trạm thủy nông thực hiện hạch toán bộ phận trong công ty, có tài khoản và con dấu (tư cách pháp nhân không đầy đủ) được công ty ủy quyền giao dịch một số mặt công tác với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Căn cứ vào phạm vi và phân bố công trình, trạm bố trí các cụm thủy nông.

Cụm thủy nông là tổ chức sản xuất của trạm thủy nông, có nhiệm vụ :

- Trực tiếp vận hành công trình, điều hòa phân phối nước đến từng đơn vị dùng nước theo đúng hợp đồng và kế hoạch cho trạm và công ty thủy nông.

- Trực tiếp bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình, tham gia nghiệm thu, quản lý công trình.

- Chuẩn bị thủ tục ban đầu giúp cấp trên ký kết hợp đồng dùng nước với đơn vị dùng nước, theo dõi xác nhận kết quả thực hiện hợp đồng.

- Quan hệ chặt chẽ với chính quyền xã, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và đội thủy nông, để làm tốt công tác bảo vệ công trình, hướng dẫn giúp đỡ các đơn vị dùng nước xây dựng kế hoạch dùng nước đơn vị, công tác tưới tiêu khoa học, gần đất, nước, cây trồng…phục vụ thâm canh cải tạo đất.

IV. XẾP HẠNG VÀ BIÊN CHẾ TỔ CHỨC CÔNG TY THỦY NÔNG.

A. Xếp hạng công ty thủy nông :

Công ty thủy nông là đơn vị kinh tế cơ sở hạch toán độc lập, có bộ máy tuơng đối hoàn chỉnh về các mặt, đủ điều kiện đưa vào xếp hạng theo quy định chung của Nhà nước.

Công ty thủy nông giữ vị trí quan trọng trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp và các mặt khác trong nền kinh tế quốc dân, công ty quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật phức tạp hiện đại có giá trị tài sản và sản phẩm lớn, các yếu tố đó được thể hiện chủ yếu qua phạm vi diện tích được tưới và tiêu nước của hệ thống thủy nông. Vì vậy, việc xếp hạng công ty thủy nông lấy chỉ tiêu diện tích tưới hoặc tiêu nước của hệ thống thủy nông thuộc phạm vi công ty quản lý làm căn cứ.

Công ty thủy nông được xếp thành 6 hạng như sau :

1. Công ty thủy nông hạng I có diện tích tưới hoặc tiêu trên 100 000 hécta;

2. Công ty thủy nông hạng II có diện tích tưới hoặc tiêu từ 50 000 hécta đến 100 000 hécta;

3. Công ty thủy nông hạng III có diện tích tưới hoặc tiêu từ 20 000 hécta đến 50 000 hécta;

4. Công ty thủy nông hạng IV có diện tích tưới hoặc tiêu từ 10 000 hécta đến 20 000 hécta;

5. Công ty thủy nông hạng V có diện tích tưới hoặc tiêu từ 5 000 hécta đến 10 000 hécta.

6. Công ty thủy nông hạng VI có diện tích tưới hoặc tiêu dưới 5000 hécta.

Cơ quan quyết định thành lập tổ chức công ty thủy nông, đồng thời quyết định việc xếp hạng công ty đó theo tiêu chuẩn này.

Ngoài căn cứ tiêu chuẩn xếp hạng nói trên, đối với những công ty thủy nông quản lý hệ thống thủy nông có nhiệm vụ phục vụ nhiều ngành kinh tế khác tương đối lớn (như hệ thống thủy nông Núi cốc phục vụ công nghiệp gang thép Thái Nguyên…), hoặc hệ thống thủy nông có kỹ thuật đặc biệt phức tạp (như hệ thống thủy nông Bắc Hà Nam Ninh…), thì công ty được xếp nâng lên một hạng.

B. Biên chế tổ chức của công ty thủy nông(2)

V. HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ HỆ THỐNG THỦY NÔNG

Ngoài tổ chức chuyên trách quản lý hệ thống thủy nông, mỗi hệ thống thủy nông liên tỉnh, liên huyện tổ chức một hội đồng quản lý hệ thống thủy nông, nhằm phát huy dân chủ và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý khai thác, bảo vệ và bảo dưỡng hệ thống công trình thủy nông.

Hội đồng quản lý hệ thống thủy nông có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Thông qua quy trình vận hành hệ thống thủy nông, quy hoạch và kế hoạch sửa chữa, hoàn chỉnh, bổ sung, nâng cao hệ thống công trình thủy nông, kế hoạch điều hòa phân phối nước, kế hoạch phân bổ chi tiêu, nhiệm vụ đóng góp nhân lực, vật lực và kinh phí phục vụ cho việc quản lý hệ thống trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Qua theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng mà kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong quản lý khai thác, bảo vệ hệ thống, trong kế hoạch điều hòa phân phối nước, sử dụng nước giữa các địa phương (tỉnh, huyện…) và giữa các địa phương (tỉnh, huyện…) và giữa các ngành có liên quan (thủy nông, điện, giao thông, thủy sản…)

3. Trong những trường hợp cần thiết, chủ tịch hội đồng được quyền ra quyết định kịp thời giải quyết tốt nhiệm vụ quản lý khai thác và bảo vệ hệ thống thủy nông.

Thành viên của hội đồng quản lý hệ thống thủy nông bao gồm:

- Đối với hệ thống thủy nông liên tỉnh, đại diện Bộ Thủy lợi làm chủ tịch hội đồng, đại diện Ủy ban nhân dân và trưởng ty (sở) thủy lợi các tỉnh, thành, trong phạm vi hệ thống thủy nông làm ủy viên, chủ nhiệm công ty thủy nông làm thư ký thường trực của hội đồng.

- Đối với hệ thống thủy nông liên huyện, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh, thành làm chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban nhân các huyện trong phạm vi hệ thống thủy nông làm ủy viên, chủ nhiệm công ty thủy nông làm thư ký thường trực của hội đồng.

- Đối với hệ thống thủy nông còn có khai thác tổng hợp lợi dụng lớn (như điện, thủy sản…), thành phần hội đồng còn có thể có đại diện các cơ quan của các ngành đó.

Bộ trưởng Bộ Thủy lợi ra quyết định thành lập hội đồng quản lý hệ thống thủy nông liên tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành ra quyết định thành lập hội đồng quản lý hệ thống thủy nông liên huyện của tỉnh.

VI. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÔNG TY THỦY NÔNG

1. Công ty thủy nông trực thuộc sự chỉ đạo toàn diện của cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý. Cơ quan cấp trên trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra mọi hoạt động sản xuất, phục vụ kinh doanh và các mặt khác của công ty thủy nông theo kế hoạch của ngành và của địa phương giao.

2. Đối với Cục thủy nông, công ty thủy nông chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý thủy nông; đồng thời chịu sự đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật, quy hoạch và kế hoạch quản lý khai thác hệ thống; theo đúng quy định báo các thường xuyên và đột xuất về Cục các mặt hoạt động của công ty.

3. Đối với chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân huyện trong hệ thống thủy nông liên huyện, liên tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong hệ thống thủy nông liên tỉnh), công ty thủy nông liên huyện, liên tỉnh phải:

a) Xin ý kiến khi lập quy hoạch hoàn chỉnh, bổ sung, nâng cao hệ thống công trình thủy nông có liên quan đến phương hướng kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên lãnh thổ của huyện hoặc của tỉnh;

b) Khi lập kế hoạch hành năm và từng vụ sản xuất phải bàn bạc và báo cáo dự án kế hoạch với Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh (trong hệ thống liên tỉnh), để Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia ý kiến trước khi gửi dự án ấy lên cấp trên. Khi có kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt, công ty thủy nông phải thông báo nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch có quan hệ đến kế hoạch sản xuất của địa phương, đến trách nhiệm địa phương đóng góp nhân lực, vật lực và những điều kiện cần thiết khác trong công tác quản lý hệ thống thủy nông, và thường xuyên thông báo kết quả thực hiện các kế hoạch đó;

c) Kiến nghị với Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh tổ chức sự phối hợp hoạt động của các ngành có liên quan (nông nghiệp, điện, giao thông, thủy sản…) trên địa bàn huyện hoặc tỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp từng vụ và hàng năm;

d) Chịu sự kiểm tra, đôn đốc của chính quền địa phương trong việc thực hiện kế hoạch phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện hoặc tỉnh.

Chịu sự giám sát về chấp hành chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ, trật tự, trị an, văn hóa, giáo dục…;

e) Dưới sự chỉ đạo và giám sát của chính quyền địa phương, công ty quan hệ chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế kỹ thuật, như hợp đồng dùng nước với các hợp tác xã nông nghiệp, hợp đồng sửa chữa công trình, tu bổ nạo vét kênh mương. Chính quyền cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị ở địa phương cung cấp kịp thời và đầy đủ nhân lực, vật tư do địa phương sản xuất theo hợp đồng kinh tế giữa đôi bên;

g) Kiến nghị với chính quyền địa phương, lãnh đạo việc thực hiện quy trình, quy phạm quản lý bảo vệ công trình, quy trình vận hành hệ thống, việc thu nộp thủy lợi phí, xử lý kịp thời các vụ phạm pháp quản lý thủy nông, tham gia kiểm tra định kỳ trước và sau lũ, giải quyết việc tranh chấp nước, kế hoạch điều hòa phân phối nước, thực hiện chính sách chế độ của Nhà nước, chăm lo cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ, công nhân viên của công ty thủy nông đóng ở địa phương;

h) Đối với cán bộ, công nhân viên của công ty thủy nông công tác trên địa bàn huyện, tỉnh, chịu sự giám sát kiểm tra của chính quyền về mặt phẩm chất, quan hệ với nhân dân địa phương, ngằm ngăn ngừa những hành động vi phạm đạo đức, pháp luật, hoặc xúc phạm đến quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động;

i) Để kịp thời giải quyết các mối quan hệ trên với chính quyền cấp huyện và các cơ sở sản xuất (hợp tác xã sản xuất nông nghiệp), công ty thủy nông ủy quyền cho các trạm thủy nông trực tiếp quan hệ với các tổ chức đó, để giải quyết một số công tác cụ thể như kế hoạch và hợp đồng tưới tiêu nước, hướng dẫn giúp đỡ hợp tác xã về công tác quản lý thủy nông, vấn đề tưới tiêu nước khoa học phục vụ thâm canh cải tạo đất…

4. Phòng thủy lợi là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện, vừa là cơ quan chuyên ngành cấp dưới của Bộ và ty (sở) thủy lợi. Phòng thủy lợi có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện, kế hoạch tu sửa, hoàn chỉnh, nâng cao công trình, thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật, thu nộp thủy lợi phí và các hoạt động khác của công ty thủy nông huyện, của trạm thủy nông trực thuộc công ty thủy nông liên huyện và liên tỉnh.

Phòng thủy lợi với công trình thủy nông huyện và với trạm thủy nông phải tăng cường mối quan hệ trong ngành chặt chẽ, tạo mọi điều kiện cho nhau hoàn thành tốt phần trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện kế hoạch công tác của ngành thuộc lĩnh vực quản lý thủy nông, kế hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện và các mặt công tác có liên quan khác.

Phòng thủy lợi cần nắm vững chức năng chính của mình là quản lý hành chính kinh tế và kỹ thuật, chứ không trực tiếp chỉ đạo tác nghiệp cụ thể trong các mặt hoạt động sản xuất phục vụ và kinh doanh của công ty thủy nông huyện, của trạm thủy nông thuộc công ty thủy nông liên huyện hoặc công ty thủy nông liên tỉnh.

5. Công ty thủy nông liên huyện, liên tỉnh chịu sự chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng quản lý hệ thống thủy nông.

6. Công ty thủy nông liên tỉnh đối với các ty (sở) thủy lợi trong hệ thống thủy nông cần phải:

a) Trước khi xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành và trình Bộ duyệt, công ty thủy nông và các ty (sở) thủy lợi phải bàn bạc thống nhất ý kiến về các vấn đề: quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế hoàn chỉnh, bổ sung, nâng cao hệ thống thủy nông; kế hoạch tưới và tiêu nước và các kế hoạch khác của từng vụ sản xuất và hàng năm; dự án nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch, phân bổ về nhân lực, vật lực, kinh phí đóng góp của từng tỉnh vào việc tu bổ sửa chữa hoàn chỉnh công trình; về quy trình vận hành và kế hoạch dùng nước của hệ thống, giải quyết những mâu thuẩn tranh chấp về nước giữa các địa phương; về kế hoạch bảo vệ an toàn công trình nằm ở các địa phương, kế hoạch thu thủy lợi phí và tỷ lệ đóng góp, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công nhân của công ty và đội thủy nông của hợp tác xã.

b) Trao đổi thống nhất với ty (hoặc sở) để ty (sở) giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc ty (sở) đảm nhiệm những phần việc về quy hoạch, khảo sát và thiết kế, tổ chức thi công những công trình và hạng mục công trình phân cấp cho địa phương đảm nhiệm thực hiện, để công ty thủy nông ký kết hợp đồng cụ thể với các đơn vị đó. Ty (sở) thủy lợi giám sát và đôn đốc kiểm tra đôi bên trong việc thực hiện các hợp đồng đó.

c) Thông báo tình hình thực hiện kế hoạch quản lý khai thác hệ thống thủy nông từng vụ sản xuất và hàng năm và những vấn đế có liên quan khác, giúp cho công ty nắm chắc tình hình báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh và đôn đốc chính quyền cấp huyện và phòng thủy lợi đảm bảo thực hiện tốt những nhiệm vụ kế hoạch trên giao cho địa phương.

7. Công ty thủy nông huyện đối với ty (sở) thủy lợi:

Công ty thủy nông huyện là đơn vị kinh tế độc lập, trực thuộc sự quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân huyện; đồng thời là những đơn vị tổ chức cơ sở của ngành dọc thủy lợi từ huyện đến trung ương.

Do đó trong mọi hoạt động của mình, công ty chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ và đôn đốc kiểm tra về kinh tế, kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý thủy nông của ty (sở) thủy lợi.

Công ty phải báo cáo và thống nhất với ty (sở) về quy hoạch, kế hoạch khảo sát và thiết kế sửa chữa hoàn chỉnh, bổ sung nâng cao hệ thống thủy nông, về quy trình vận hành hệ thống thủy nông về kế hoạch tưới tiêu nước từng vụ sản xuất và hàng năm, kế hoạch yêu cầu cung cấp vốn, vật tư thiết bị, lao động …để ty (sở) chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện giúp đỡ.

Công ty chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quy trình, quy phạm kỹ thuật quản lý thủy nông của ty (sở) thủy lợi.

Công ty thủy nông huyện phải thường xuyên báo cáo các mặt hoạt động của công ty về ty (sở) thủy lợi theo quy định.

VII. NHỮNG ĐIỂM LƯU Ý KHI THỰC HIỆN

1. Thông tư này áp dụng cho việc tổ chức công ty quản lý thủy nông, trong những điều kiện và tình hình mới của sản xuất nông nghiệp, của quản lý về kinh tế xã hội chủ nghĩa nói chung và quản lý khai thác hệ thống thủy nông nói riêng. Văn bản có nhiều điểm mới bổ sung và sửa đổi cụ thể, những điều quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ, không có hiệu lực thi hành.

2. Đối với hệ thống thủy nông đang xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và ty (sở) thủy lợi phải bố trí cán bộ kỹ thuật quản lý nằm trong biên chế ban kiến thiết công trình để theo dõi chất lượng thi công, nắm chắc được thực trạng công trình và làm tốt công tác nghiệm thu.

Khi hệ thống thủy nông đã đưa vào khai thác từng phần, phải thành lập ban chuẩn bị quản lý để kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và quản lý khai thác kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Khi hệ thống thủy nông đã xây dựng hoàn thành, cần bàn giao ngay để đưa toàn bộ hệ thống vào phục vụ sản xuất. Trên cơ sở ban chuẩn bị quản lý mà thành lập và hoàn chỉnh bộ máy quản lý thủy nông theo đúng thông tư này.

3. Để có căn cứ tổ chức công ty thủy nông, Bộ ban hành kèm theo thông tư này bản Danh bạ hệ thống thủy nông(1).

4. Đối với những nơi chưa tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, những hệ thống thủy nông nhỏ trong một xã, có thể tố chức ban quản lý do xã quản lý, chi phí quản lý (tu sửa công trình, thù lao cho trưởng, phó ban và công nhân…) do các hộ dùng nước đóng góp đài thọ.

5. Ủy ban nhân dân và ty (sở) thủy lợi tỉnh, thành căn cứ vào thông tư này, và dựa vào tình hình đặc điểm cụ thể của hệ thống thủy nông mà xây dựng phương án tổ chức công ty thủy nông ở địa phương. Trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành quyết định, phải báo cáo Bộ Thủy lợi tham gia ý kiến.

Trong khi thực hiện có những vấn đề cụ thể mà thông tư này chưa đề cập hoặc cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương thì phải báo các Bộ quyết định mới được thi hành.

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI




Nguyễn Thanh Bình



[1] Không in cụ thể nhiệm vụ của các đơn vị này.