BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2002/TT-BTC | Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2002 |
Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12/11/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 9/06/ 2000;
Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11/2/2000 của Chính phủ quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai;
Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và hạch toán đối với những doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam có vốn góp thành lập doanh nghiệp liên doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi doanh nghiệp liên doanh chấm dứt hoạt động như sau:
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Thông tư này quy định việc xử lý tài chính và hạch toán đối với:
1.1 Phần tài sản, tiền vốn của doanh nghiệp Nhà nước được chia từ liên doanh khi liên doanh chấm dứt hoạt động trong các trường hợp:
- Hết thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư;
- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp liên doanh;
- Theo quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài do vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc quy định của giấy phép đầu tư;
- Do bị tuyên bố phá sản.
1.2 Doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng hoặc mua lại phần vốn góp liên doanh.
2. Khi doanh nghiệp liên doanh chấm dứt hoạt động, các bên góp vốn liên doanh có trách nhiệm thành lập Ban thanh lý để tiến hành thanh lý, thực hiện phương án phân chia, xử lý tài sản, tiền vốn theo đúng điều lệ và hợp đồng liên doanh, đảm bảo công bằng và đúng pháp luật (Trừ trường hợp liên doanh bị tuyên bố phá sản thì thủ tục giải quyết theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp).
3. Doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam, căn cứ vào kết quả phân chia tài sản và tiền vốn của Ban thanh lý doanh nghiệp liên doanh (hoặc quyết định của Toà án), có trách nhiệm tiếp nhận tài sản được chia từ liên doanh, xử lý tài chính và hạch toán theo quy định tại phần II và III của Thông tư này.
Doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam bao gồm:
- Tổng Công ty, doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc các Tổng Công ty, doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước đây đưa một bộ phận doanh nghiệp hoặc một phần tài sản, tiền vốn góp liên doanh;
- Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước trước đây đã đưa toàn bộ giá trị doanh nghiệp góp vốn thành lập liên doanh, không còn tồn tại pháp nhân doanh nghiệp Nhà nước:
+ Nếu doanh nghiệp là thành viên các Tổng Công ty Nhà nước thì Đại diện đối tác bên Việt Nam là các Tổng Công ty Nhà nước.
+ Nếu là doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ định doanh nghiệp làm đại diện đối tác bên Việt Nam thực hiện tiếp nhận tài sản, tiền vốn được chia từ liên doanh.
4. Nguyên tắc chung để xử lý tài chính và hạch toán khi doanh nghiệp liên doanh chấm dứt hoạt động bao gồm:
Trường hợp giá trị tài sản và tiền vốn nhận về từ việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp liên doanh lớn hơn giá trị vốn góp liên doanh, doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam được hạch toán tăng nguồn vốn kinh doanh. Trường hợp nhỏ hơn giá trị vốn góp liên doanh thì doanh nghiệp được sử dụng Quỹ dự phòng tài chính để bù đắp, nếu thiếu doanh nghiệp hạch toán vào chi phí hoạt động tài chính.
Trường hợp doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài, không có khả năng tài chính để tự bù đắp, doanh nghiệp báo cáo Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp Trung ương) và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp địa phương) xem xét và xử lý cho giảm vốn kinh doanh.
1. Trường hợp doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam nhận lại hoặc được chia từ liên doanh giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển của thời gian liên doanh chưa sử dụng (dưới đây gọi là giá trị còn lại của quyền sử dụng đất):
1.1 Nếu trước đây doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam đã góp vốn liên doanh bằng tiền sử dụng đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà số tiền đó không có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước, khi liên doanh chấm dứt hoạt động doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn còn lại được Nhà nước giao đất và không phải nộp tiền thu về sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước nhưng phải nộp thuế sử dụng đất (thuế đất) cho Nhà nước theo quy định hiện hành.
1.2 Nếu trước đây doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam đã góp vốn liên doanh bằng tiền sử dụng đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà tiền đó có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước hoặc là đất doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam được Nhà nước cho thuê đất, được dùng giá trị quyền sử dụng đất( tiền thuê đất) để góp liên doanh với nước ngoài và tiền thuê đất đã được chuyển thành phần vốn Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp thì khi liên doanh chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thuê hoặc giao đất còn lại và có trách nhiệm bảo toàn số vốn Nhà nước tương ứng với tiền thuê đất đã được Nhà nước giao để góp liên doanh, thực hiện nộp tiền thu về sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước tính từ thời điểm sử dụng tiền thuê đất góp vốn liên doanh theo các quy định hiện hành.
1.3 Trường hợp liên doanh bị giải thể hoặc phá sản, doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam được chia giá trị còn lại của quyền sử dụng đất mà đất đó trước đây không phải là đất góp liên doanh của doanh nghiệp thì giá trị còn lại của quyền sử dụng đất coi như tài sản được chia. Doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn giao đất, thuê đất còn lại. Khi hết thời hạn sử dụng đất doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai.
Giá trị còn lại của quyền sử dụng đất được chia quy định tại điểm 1 phần II nói trên nếu có chênh lệch tăng (hoặc giảm) so với vốn góp liên doanh thì doanh nghiệp hạch toán số chênh lệch như quy định tại điểm 4 phần I Thông tư này.
2. Đối với tài sản khác được chia là nhà cửa, máy móc, thiết bị, tiền, công nợ phải thu hoặc các khoản lỗ, công nợ phải trả, doanh nghiệp căn cứ vào kết quả phân chia tài sản của Ban thanh lý doanh nghiệp liên doanh (hoặc quyết định của Toà án) để hạch toán như quy định tại điểm 4 phần I của Thông tư này.
3. Các khoản lãi phải trả phát sinh do vay vốn để đem góp liên doanh, nếu doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam chưa hạch toán thì được hạch toán vào chi phí hoạt động tài chính.
4. Trường hợp doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam mua lại phần vốn của bên đối tác nước ngoài thì doanh nghiệp hạch toán tăng tài sản và nguồn vốn tương ứng theo các quy định hiện hành về mua tài sản.
5. Trường hợp doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam được phép chuyển nhượng lại vốn góp liên doanh cho bên nước ngoài hoặc đối tác thứ ba (kể cả trường hợp liên doanh còn hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động):
5.1 Nếu chuyển nhượng toàn bộ vốn góp liên doanh (bao gồm cả quyền sử dụng đất) doanh nghiệp hạch toán như thanh lý một khoản đầu tư tài chính, số tiền thu được từ việc chuyển nhượng hạch toán vào thu nhập tài chính; giá trị vốn góp liên doanh và các chi phí chuyển nhượng phát sinh hạch toán vào chi phí hoạt động tài chính. Trường hợp có phát sinh lợi nhuận thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
5.2 Nếu doanh nghiệp chỉ chuyển nhượng một phần vốn góp liên doanh, giá trị quyền sử dụng đất không chuyển nhượng mà cho bên đối tác nước ngoài hoặc bên thứ ba thuê hoặc thuê lại thì số tiền thu được từ phần vốn chuyển nhượng, doanh nghiệp hạch toán như điểm 5.1 nêu trên. Tiền thu về cho thuê đất hàng năm, hạch toán vào thu nhập tài chính của doanh nghiệp.
Trường hợp phát sinh lỗ thì phần chênh lệch giữa giá trị vốn góp liên doanh và số tiền thu được từ chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp hạch toán theo quy định tại điểm 4 phần I Thông tư này.
6. Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản khi góp vốn liên doanh được đánh giá cao hơn so với giá trị quyền sử dụng đất và tài sản ghi trên sổ kế toán nay liên doanh chấm dứt hoạt động, sau khi doanh nghiệp đã nhận lại tài sản được chia và hạch toán như quy định trên, nếu trường hợp giá trị tài sản nhận về cao hơn mặt bằng giá hiện hành, doanh nghiệp xác định chênh lệch giá và báo cáo Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp Nhà nước Trung ương) và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp Nhà nước địa phương) xem xét điều chỉnh giá trị tài sản và vốn cho phù hợp.
III. QUY ĐỊNH HẠCH TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ CHỦ YẾU
1. Khi liên doanh chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam căn cứ vào giá trị tài sản được nhận (quyền sử dụng đất, tài sản cố định, công cụ, dụng cụ, nguyên vật liệu, thành phẩm, nợ phải thu, tiền...) đã được Ban thanh lý doanh nghiệp liên doanh (hoặc của Toà án) quyết định, đồng thời xác định số chênh lệch (tăng hoặc giảm) so với vốn góp liên doanh, ghi:
1.1 Trường hợp giá trị tài sản nhận được có chênh lệch thấp hơn so với vốn góp liên doanh (vốn góp ghi trên sổ kế toán đã được liên doanh chấp nhận), số chênh lệch trước hết được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính, nếu thiếu hạch toán vào chi phí tài chính, doanh nghiệp ghi:
Nợ TK 111,112 - (nhận bằng tiền)
Nợ TK 138 - (nhận các khoản nợ phải thu)
Nợ các TK 152,155,156 - (nhận nguyên vật liệu, hàng hoá)
Nợ TK 211- TSCĐ hữu hình (giá trị còn lại)
Nợ TK 213- TSCĐ vô hình
(nhận giá trị còn lại quyền sử dụng đất, tài sản vô hình khác)
Nợ TK 415- Quỹ dự phòng tài chính (phần chênh lệch giảm)
Nợ TK 811- Chi phí hoạt động tài chính (phần chênh lệch giảm còn lại)
Có TK 222- Góp vốn liên doanh (số vốn đã góp)
1.2 Trường hợp giá trị tài sản nhận được có chênh lệch cao hơn so với vốn góp liên doanh (vốn góp ghi trên sổ kế toán đã được liên doanh chấp nhận), số chênh lệch ghi tăng nguồn vốn kinh doanh, doanh nghiệp ghi:
Nợ các TK 111,112- (nhận bằng tiền)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (nhận các khoản nợ phải thu)
Nợ các TK 152,155,156- (nhận nguyên vật liệu, hàng hoá)
Nợ TK 211- TSCĐ hữu hình (giá trị còn lại)
Nợ TK 213- TSCĐ vô hình
(nhận giá trị còn lại quyền sử dụng đất, tài sản vô hình khác)
Có TK 222- Góp vốn liên doanh (số vốn đã góp)
Có TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (phần chênh lệch tăng)
2. Trường hợp chuyển nhượng vốn góp liên doanh:
2.1 Trường hợp giá chuyển nhượng cao hơn giá trị vốn góp liên doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112- (số tiền thực nhận)
Có TK 222 - Góp vốn liên doanh (số vốn đã góp)
Có TK 711 - Thu nhập hoạt động tài chính (phần chênh lệch tăng)
2.2 Trường hợp giá chuyển nhượng thấp hơn giá trị vốn góp liên doanh, doanh nghiệp ghi:
Nợ các TK 111, 112- (số tiền thực nhận)
Nợ TK 811- Chi phí hoạt động tài chính (phần chênh lệch giảm)
Có TK 222- Góp vốn liên doanh (số vốn đã góp)
2.3 Chi phí chuyển nhượng phát sinh (nếu có), doanh nghiệp ghi:
Nợ TK 811- Chi phí hoạt động tài chính
Có TK 111,112
2.4 Kết chuyển chi phí chuyển nhượng phát sinh và thu nhập chuyển nhượng (nếu có) để xác định kết quả thu nhập chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp ghi:
+ Kết chuyển chi phí chuyển nhượng vốn góp liên doanh:
Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 811- Chi phí hoạt động tài chính
+ Kết chuyển thu nhập chuyển nhượng vốn góp liên doanh:
Nợ TK 711- Thu nhập hoạt động tài chính
Có TK 911- Xác định kết quả kinh doanh
3. Xử lý các vấn đề khác có liên quan đến quá trình nhận lại vốn góp liên doanh
3.1 Nếu doanh nghiệp vay vốn để góp vốn liên doanh nhưng chưa trả được gốc vay hoặc vay nhưng chưa trả được lãi vay trên số vốn vay để góp liên doanh thì doanh nghiệp phải xác định số lãi vay phải trả theo cam kết vay tính vào chi phí tài chính của kỳ kinh doanh, doanh nghiệp ghi:
Nợ TK 811- Chi phí hoạt động tài chính
Có TK 335- Chi phí phải trả
3.2 Trường hợp doanh nghiệp khó khăn được Nhà nước cho ghi giảm vốn, khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép giảm vốn kinh doanh, doanh nghiệp ghi:
Nợ TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (chi tiết theo nguồn vốn)
Có TK 222- Góp vốn liên doanh
Hoặc:
Nợ TK 411- Nguồn vốn kinh doanh (chi tiết theo nguồn vốn)
Có TK 211, 213 - (chênh lệch giá trị tài sản được đánh giá cao hơn so với giá trị trên số sách kế toán khi đem góp liên doanh)
Các Hợp đồng hợp tác kinh doanh nếu tạo ra tài sản chung giữa các bên khi chấm dứt hoạt động thì cũng được áp dụng theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trường hợp có vướng mắc, các doanh nghiệp cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.
Trần Văn Tá (Đã ký) |
- 1 Quyết định 1381/QĐ-BTC năm 2017 về Quy chế phối hợp kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp tại tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Luật đất đai sửa đổi 2001
- 3 Nghị định 24/2000/NĐ-CP Hướng dẫn Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- 4 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2000
- 5 Nghị định 04/2000/NĐ-CP về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai
- 6 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996
- 7 Luật Phá sản doanh nghiệp 1993
- 1 Luật đất đai sửa đổi 2001
- 2 Công văn về việc xử lý những vấn đề về tài chính trước khi doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần
- 3 Quyết định 1381/QĐ-BTC năm 2017 về Quy chế phối hợp kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp tại tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành