Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TC/CĐKT

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1994

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22-TC/CĐKT NGÀY 19-3-1994 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 7-CP NGÀY 29-1-1994 CỦA CHÍNH PHỦ

Thi hành Nghị định số 7-CP ngày 29-1- 1994 của Chính phủ ban hành Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Kiểm toán độc lập là loại hình hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán do các kiểm toán viên chuyên nghiệp của các tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan.

Chức năng của các kiểm toán độc lập là kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, trung thực và hợp lý của các số liệu, tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan (dưới đây gọi tắt là đơn vị) và trên cơ sở kết quả kiểm toán đưa ra những kết luận đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ tài chính, kế toán và hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Các số liệu, tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán của các đơn vị đã được kiểm tra, xác nhận của kiểm toán độc lập, là căn cứ tin cậy đáp ứng yêu cầu của đơn vị, của các cơ quan Nhà nước và của tất cả các tổ chức, cá nhân có quan hệ và quan tâm tới hoạt động của đơn vị.

2. Đối tượng của kiểm toán độc lập chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ngoài các doanh nghiệp, đối tượng kiểm toán độc lập còn có thể là các đơn vị hành chính sự nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế, khi các tổ chức này có nhu cầu hoặc khi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan thuế hoặc cơ quan Nhà nước yêu cầu.

Đối với các đối tượng kiểm toán là các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoạt động theo Luật công ty, công việc kiểm toán được thực hiện hàng năm và báo cáo quyết toán năm gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp ở Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm toán độc lập khác được Bộ Tài chính chấp thuận.

Đối với các đối tượng kiểm toán khác, trong giai đoạn trước mắt, công việc kiểm toán được tiến hành khi đơn vị kế toán có nhu cầu (nhu cầu của doanh nghiệp, của Hội đồng quản trị, của Đại hội xã viên...) hoặc khi cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước yêu cầu (cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan thuế) và chỉ tiến hành trong phạm vi các nội dung được yêu cầu (quyết toán năm, quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành, xác định giá trị vốn góp liên doanh, giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, xác định kết quả kinh doanh, thanh lý, nhượng bán tài sản...).

3. Công việc kiểm toán độc lập do các kiểm toán viên chuyên nghiệp (gọi tắt là kiểm toán viên) thực hiện.

Kiểm toán viên là người được Nhà nước công nhận được phép hành nghề trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Kiểm toán viên phải đăng ký hành nghề tại một tổ chức kiểm toán được thành lập hợp pháp.

4. Tổ chức kiểm toán độc lập là một doanh nghiệp (Công ty kiểm toán hoặc Văn phòng kiểm toán) phải do các cơ quan, tổ chức, người sáng lập đứng ra thành lập và theo các quy định hiện hành về thành lập doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) và theo các quy định về thành lập tổ chức kiểm toán tại Quy chế kiểm toán độc lập.

5. Các tổ chức kiểm toán nước ngoài hoạt động kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán trên lãnh thổ Việt Nam dưới hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các tổ chức kiểm toán Việt Nam hoặc Công ty kiểm toán 100% vốn nước ngoài phải được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư của Việt Nam cấp giấy phép sau khi có sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Hoạt động của kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán nước ngoài phải tuân thủ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Các quy định trong Quy chế kiểm toán độc lập, các chế độ, chính sách hiện hành của Việt Nam và các thông lệ kiểm toán quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

6. Các đơn vị, tổ chức có yêu cầu kiểm toán được tự do lựa chọn các tổ chức kiểm toán Việt Nam hoặc nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam để ký kết hợp đồng kiểm toán. Trường hợp đơn vị mời tổ chức kiểm toán nước ngoài chưa được phép hoạt động ở Việt nam thì đơn vị phải báo cáo và được Bộ Tài chính chấp thuận, đồng thời đơn vị phải chịu trách nhiệm nộp thay số thuế mà tổ chức kiểm toán nước ngoài phải nộp cho Nhà nước Việt Nam theo luật định về hoạt động này tại Việt Nam.

7. Công Việc kiểm toán phải thực hiện theo các phương pháp và chuẩn mực kiểm toán hiện hành của Việt Nam và theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế được nhà nước Việt Nam thừa nhận. Khi kết thúc công việc kiểm toán, kiểm toán viên phải lập báo cáo kiểm toán, ghi ý kiến nhận xét của mình vào báo cáo kiểm toán và chịu hoàn toàn trách nhiệm về các ý kiến nhận xét đó. Báo cáo kiểm toán phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tính trung thực, hợp lý của các số liệu trên báo cáo kế toán của đơn vị.

- Tình hình thực hiện công tác kế toán ở đơn vị và việc chấp hành chế độ, thể lệ kế toán.

- Những kiến nghị.

Báo cáo kiểm toán phải trung thực, khách quan. Báo cáo kiểm toán phải có chữ ký kiểm toán viên và phải được lãnh đạo của các tổ chức kiểm toán xác nhận, ký tên, đóng dấu.

II. KIỂM TOÁN VIÊN.

1. Công dân Việt Nam được công nhận là kiểm toán viên hành nghề kiểm toán phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Có lý lịch rõ ràng được cơ quan nơi công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận, có phẩm chất trung thực, liêm khiết, nắm vững luật pháp và chính sách, chế độ kinh tế, tài chính, kế toán, thống kê của Nhà nước, không có tiền án, tiền sự.

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trung học chuyên ngành tài chính kế toán , đã làm công tác tài chính kế toán từ 5 năm trở lên (nếu tốt nghiệp đại học) hoặc 10 năm trở lên nếu tốt nghiệp trung học).

- Đã qua kỳ thi tuyển kiểm toán viên do Hội đồng thi cấp Nhà nước tổ chức và được Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp chứng chỉ.

- Được chấp nhận vào làm việc tại một tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp ở Việt Nam và đã được đăng ký danh sách kiểm toán viên tại Bộ Tài chính.

Công chức Nhà nước đương chức không được đăng ký hành nghề kiểm toán trong tổ chức kiểm toán độc lập.

2. Công dân nước ngoài muốn hành nghề kiểm toán ở Việt Nam phải có đủ các điều kiện:

- Được phép cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

- Có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính Việt Nam cấp hoặc có chứng chỉ kiểm toán viên được cấp bởi một tổ chức kiểm toán quốc tế mà Bộ Tài chính Vịêt Nam thừa nhận và phải nắm vững luật pháp kinh tế, tài chính, kế toán và kiểm toán của Việt Nam.

- Được chấp nhận vào làm việc tại một tổ chức kiểm toán được thành lập hợp pháp tại Việt Nam.

- Đã đăng ký danh sách kiểm toán viên tại Bộ Tài chính.

3. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và thi tuyển kiểm toán viên thực hiện theo chương trình và quy chế thống nhất do Bộ Tài chính quy định.

Người dự thi trúng tuyển được Hội đồng thi tuyển Nhà nước cấp giấy chứng nhận trúng tuyển kiểm toán viên và được Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp chứng chỉ kiểm toán viên khi được đăng ký vào làm việc tại một tổ chức kiểm toán động lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Chứng chỉ kiểm toán viên được cấp có giá trị trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn nói trên người có chứng chỉ phải làm thủ tục để đổi chứng chỉ mới.

4. Kiểm toán viên được thực hiện các dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán sau đây:

- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ tài liệu, số liệu kế toán, việc chấp hành chế độ, thể lệ kế toán, tài chính của Nhà nước.

- Kiểm tra và xác nhận mức độ trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán do các đơn vị kế toán lập ra.

- Kiểm tra xác nhận giá trị vốn góp của các bên tham gia liên doanh, của các cổ đông, kiểm tra xác nhận tính trung thực, hợp lý đầy đủ của các số liệu kế toán và các báo cáo quyết toán của các đơn vị liên doanh, giải thể, sáp nhập, chia tách, cổ phần hoá, phá sản và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Giám định tài chính, kế toán và các dịch vụ tư vấn về quản lý tài chính, kế toán, thuế... theo yêu cầu của khách hàng.

Ngoài các dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán nêu trên kiểm toán viên có thể thực hiện các dịch vụ tư vấn khác theo nội dung hoạt động ghi trong giấy phép thành lập của tổ chức kiểm toán.

5. Kiểm toán viên phải thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo đúng các nguyên tắc sau đây:

- Tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

- Bảo đảm trung thực, độc lập, khách quan, công bằng và bí mật số liệu.

- Tuân thủ các chuẩn mực kế toán và kiểm toán hiện hành của Việt Nam và các chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế phổ biến được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

6. Kiểm toán viên chỉ được thực hiện dịch vụ kiểm toán cho các đơn vị khách hàng mà kiểm toán viên không có quan hệ về mặt kinh tế (như góp vốn cổ phần, cho vay vốn, ký hợp đồng gia công, dịch vụ, đại lý tiêu thụ hàng hoá...), không có quan hệ họ hàng thân thuộc với người lãnh đạo đơn vị (vợ, chồng, cha, mẹ, ông, bà, con hoặc anh em ruột) và không làm dịch vụ giữ sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán cho đơn vị.

7. Kiểm toán viên có trách nhiệm:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc kiểm toán quy định; thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng kiểm toán; lập báo cáo kiểm toán, ký tên vào báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức kiểm toán độc lập, và trước khách hàng về sự trung thực, khách quan của kết quả kiểm toán và ý kiến nhận xét trong báo cáo kiểm toán.

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kiểm toán viên không được gây trở ngại hoặc can thiệp vào công việc điều hành của đơn vị đang kiểm toán và không được nhận bất cứ một khoản tiền nào ngoài phí kiểm toán đã thoả thuận trong hợp đồng kiểm toán.

- Kiểm toán viên vi phạm chế độ kiểm toán, vi phạm pháp luật (như cố ý làm sai quy định, thông đồng bao che cho người phạm lỗi, dùng thủ thuật nghiệp vụ để che giấu sai sót, nhận hối lộ, báo cáo kiểm toán thiếu khách quan, trung thực...) thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ có thể bị thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên và bị xử lý theo luật pháp hiện hành; nếu vì những vi phạm và thiếu sót mà gây thiệt hại vật chất cho khách hàng thì kiểm toán viên phải bồi thường thiệt hại.

8. Kiểm toán viên có quyền:

- Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ (tuân theo pháp luật, các chuẩn mực và phương pháp nghiệp vụ chuyên môn).

- Yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu về kế toán, tài chính và các tài liệu khác có liên quan đến nội dung kiểm toán.

- Đối chiếu xác minh các thông tin kinh tế có liên quan tới đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị (nếu cần).

- Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện đơn vị được kiểm toán có hiện tượng vi phạm pháp luật, thì kiểm toán viên được quyền thông báo và kiến nghị đơn vị có biện pháp sửa chữa sai phạm và có quyền ghi ý kiến của mình vào báo cáo kiểm toán.

- Kiểm toán viên có quyền khước từ làm kiểm toán cho khách hàng nếu xét thấy không đủ điều kiện hoặc không đủ khả năng để kiểm toán.

III. TỔ CHỨC KIỂM TOÁN

1. Các cơ quan, tổ chức, người sáng lập muốn thành lập tổ chức kiểm toán độc lập (Công ty hoặc Văn phòng Kiểm toán) phải có các điều kiện sau đây:

- Có đủ các điều kiện quy định của pháp luật hiện hành về việc thành lập các loại doanh nghiệp (doanh nghiệp Nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, tuỳ theo từng trường hợp).

- Có ít nhất 5 người trở lên được cấp chứng chỉ kiểm toán viên. Người đứng đầu tổ chức kiểm toán phải là kiểm toán viên.

- Được Bộ trưởng Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về việc cho phép thành lập và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập theo quy định của pháp luật. Trình tự và thể thức thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập tổ chức kiểm toán độc lập được thực hiện theo pháp luật hiện hành đối với việc thành lập các loại doanh nghiệp.

2. Tổ chức kiểm toán độc lập sau khi có giấy phép thành lập phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải công bố trên báo Trung ương và địa phương về tên, địa chỉ, nhiệm vụ, chức năng và người lãnh đạo đơn vị theo luật định. Mọi thay đổi của tổ chức kiểm toán độc lập về những nội dung đã đăng ký tại cơ quan Nhà nước đều phải đăng ký lại hoặc xin phép bổ xung.

3. Tổ chức kiểm toán độc lập phải đăng ký danh sách kiểm toán viên của tổ chức mình tại Bộ Tài chính.

Sau 15 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán đăng ký danh sách kiểm toán viên, Bộ tài chính sẽ cấp chứng chỉ kiểm toán viên cho các kiểm toán viên đã trúng tuyển kỳ thi kiểm toán viên và được chấp nhận vào làm việc tại tổ chức kiểm toán.

Trong quá trình hoạt động, tổ chức kiểm toán phải báo cáo kịp thời cho Bộ Tài chính danh sách những kiểm toán viên bỏ nghề, chuyển công tác khác hoặc bị truất quyền hành nghề để xoá tên khỏi danh sách kiểm toán viên và thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên đã cấp.

Các kiểm toán viên bỏ nghề, chuyển công tác khác hoặc bị truất quyền hành nghề kiểm toán phải nộp văn bằng chứng chỉ kiểm toán viên cho Bộ Tài chính trong thời hạn một tháng kể từ ngày chính thức thôi làm việc tại tổ chức kiểm toán. Quá thời hạn trên văn bằng chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ trưởng Tài chính cấp không còn hiệu lực pháp lý.

4. Tổ chức kiểm toán độc lập chịu trách nhiệm quản lý diều hành mọi hoạt động nghề nghiệp của kiểm toán viên thuộc tổ chức mình quản lý.

Trường hợp kiểm toán viên vi phạm các nguyên tắc, quy chế hành nghề thì tổ chức kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới. Nếu kiểm toán viên gây thiệt hại cho khách hàng thì tổ chức kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước khách hàng về việc bồi thường thiệt hại theo đúng điều khoản đã cam kết trong hợp đồng kiểm toán.

5. Tổ chức kiểm toán độc lập là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, được thu phí dịch vụ để trang trải các khoản chi phí. Mức thu phí của từng hợp đồng kiểm toán do 2 bên thoả thuận căn cứ vào khối lượng, tính chất phức tạp của công việc, thời gian làm việc và khung giá phí kiểm toán do Bộ Tài chính quy định.

Tổ chức kiểm toán độc lập phải mua bảo hiểm tại các tổ chức bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để đề phòng rủi ro khi phải bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng.

6. Tổ chức kiểm toán độc lập phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách Nhà nước theo luật định.

IV. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚCC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN

1. Hoạt động của các tổ chức kiểm toán độc lập phải tuân theo pháp luật Nhà nước và phải chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước như một doanh nghiệp.

Các số liệu, tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đã có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập, được các cơ quan Nhà nước tin cậy và sử dụng phục vụ yêu cầu quản lý của mình. Trường hợp số liệu, tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán đã có xác nhận của kiểm toán nhưng không đủ độ tin cậy cần thiết hoặc có nghi vấn thì cơ quan quản lý Nhà nước trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được giao, trực tiếp kiểm tra lại và đưa ra quyết định quản lý trên cơ sở kết quả kiểm tra của mình. Doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan phải chấp hành quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời yêu cầu tổ chức kiểm toán xem xét lại báo cáo kết quả kiểm toán, nếu có bất đồng và tranh chấp thì kiến nghị lên cơ quan tài chính địa phương hoặc Bộ Tài chính xem xét xử lý.

2. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán trong nền kinh tế quốc dân. Chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính được thực hiện bằng các biện pháp:

- Ban hành và hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán áp dụng trong nền kinh tế quốc dân.

- Ban hành và chỉ đạo thực hiện chương trình nội dung đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán viên, quy chế thi tuyển và cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên, thành lập hộ đồng thi tuyển cấp Nhà nước và tổ chức các cuộc thi tuyển để cấp chứng chỉ kiểm toán viên.

- Thẩm định và thông báo ý kiến đối với các hồ sơ xin phép thành lập tổ chức kiểm toán. Tổ chức đăng ký và quản lý thống nhất danh sách kiểm toán viên.

- Quy định khung giá phí kiểm toán, sau khi thoả thuận với Ban Vật giá Chính phủ, để áp dụng thống nhất trong hoạt động kiểm toán.

- Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật và quy chế kiểm toán trong hoạt động của các tổ chức kiểm toán, xử lý các bất đồng và tranh chấp về kết quả kiểm toán phát sinh. Mọi bất đồng và tranh chấp về kết quả kiểm toán, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính là ý kiến cuối cùng.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các tổ chức kiểm toán đã thành lập trước ngày Quy chế kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động theo điều lệ đã đăng ký, xúc tiến các công việc chuẩn bị cho cán bộ chuyên viên tham dự các kỳ thi tuyển kiểm toán viên, tiến hành đăng ký danh sách kiểm toán viên với Bộ Tài chính và tổ chức lại hoạt động của mình theo đúng Quy chế.

Hồ Tế

(Đã Ký)