Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2018/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI HOẶC XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO

Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao.

2. Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao làm công tác huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập thể dục thể thao tham dự kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp là kỳ thăng hạng thông qua hình thức thi hoặc xét thăng hạng cho viên chức.

2. Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện vận động viên đạt huy chương tại các giải thể thao quốc tế là huấn luyện viên đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia được phân công trực tiếp huấn luyện, chỉ đạo các vận động viên tham gia thi đấu giành được huy chương tại giải thể thao quốc tế.

3. Môn thể thao Olympic là môn thể thao đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại các Đại hội Thể thao Olympic.

4. Môn thể thao ASIAD là môn thể thao đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại các Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD).

Điều 3. Nguyên tắc thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Việc cử viên chức tham dự kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập thể dục thể thao.

2. Viên chức chỉ được tham dự kỳ thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ.

3. Viên chức chỉ được tham dự kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh thăng hạng theo quy định của pháp luật. Trường hợp số lượng người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhiều hơn số lượng bảo đảm cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập thể dục thể thao đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì cơ quan có thẩm quyền cử viên chức dự kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp duyệt xét căn cứ vào các tiêu chí cơ bản theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Thành tích huấn luyện;

b) Thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ;

c) Số năm giữ hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ;

d) Viên chức đăng ký dự kỳ thăng hạng là nữ.

4. Việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Điều 4. Tiêu chuẩn, điều kiện tham dự kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Cơ quan sử dụng viên chức có nhu cầu bố trí viên chức vào vị trí thăng hạng và viên chức được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ thăng hạng.

2. Được cơ quan sử dụng viên chức đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

3. Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký thăng hạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV).

Điều 5. Xác định các trường hợp áp dụng hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao

1. Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này được đăng ký dự thi thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I), mã số V.10.01.01. Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III), mã số V.10.01.03, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này được đăng ký dự thi thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02.

2. Viên chức quy định tại Khoản 1 Điều này và là huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc tế quy định tại Điều 12 Thông tư này, được đăng ký tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên huấn luyện viên cao cấp (hạng I), mã số V.10.01.01 và huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02 mà không phải thi thăng hạng (sau đây gọi tắt là xét thăng hạng đặc cách).

3. Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV), mã số V.10.01.04 nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III), mã số V.10.01.03 mà không phải thi thăng hạng.

Chương II

THI THĂNG HẠNG

Mục 1. THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP TỪ HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (HẠNG II) LÊN HUẤN LUYỆN VIÊN CAO CẤP (HẠNG I)

Điều 6. Nội dung và hình thức thi

1. Bài thi kiến thức chung

a) Nội dung thi:

- Quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp;

- Công tác đào tạo tài năng thể thao và hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao;

- Phương pháp xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển của môn thể thao cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành, ngành;

- Hệ thống các cơ quan nhà nước; pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I);

- Nội dung kiến thức của đề thi về lĩnh vực thể dục thể thao chiếm 60%, về chính trị, quản lý nhà nước và pháp luật viên chức chiếm 40%.

b) Hình thức thi: Viết.

c) Thời gian thi: 180 phút.

2. Bài thi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nội dung thi: Đánh giá trình độ, năng lực và kỹ năng xây dựng đề án, trình bày và bảo vệ các nội dung đề án về chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp dự thi.

b) Hình thức thi: Viết và bảo vệ đề án.

c) Thời gian bảo vệ đề án: Tối đa 30 phút/người.

3. Bài thi ngoại ngữ

a) Nội dung thi: Các kỹ năng đọc hiểu, viết, nghe và phỏng vấn (hội thoại) ở bậc 3 (B1), một trong các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc theo đăng ký của viên chức.

b) Hình thức thi: Viết và phỏng vấn (hội thoại).

c) Thời gian thi: Viết 90 phút và phỏng vấn (hội thoại) 15 phút/người.

4. Bài thi tin học

a) Nội dung thi: Kiểm tra kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I).

b) Hình thức thi: Trắc nghiệm hoặc thực hành trên máy tính.

c) Thời gian thi: 45 phút.

Điều 7. Miễn thi ngoại ngữ

Viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Viên chức có bằng đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ;

2. Viên chức tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam;

3. Viên chức có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 theo khung tham chiếu Châu Âu trở lên quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đây gọi là Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT), do các cơ sở đào tạo ngoại ngữ trong nước, các trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc tế cấp chứng chỉ, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Điều 8. Miễn thi tin học

Viên chức được miễn thi môn tin học trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc công nghệ thông tin trở lên.

Mục 2. THI THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP TỪ HUẤN LUYỆN VIÊN (HẠNG III) LÊN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (HẠNG II)

Điều 9. Nội dung và hình thức thi

1. Bài thi kiến thức chung

a) Nội dung thi:

- Quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao;

- Quản lý nhà nước về thể thao thành tích cao;

- Định hướng chiến lược phát triển của ngành về thể thao thành tích cao trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay;

- Lý luận chung về nhà nước, hành chính nhà nước và pháp luật về viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II);

- Nội dung kiến thức của đề thi về lĩnh vực thể dục thể thao chiếm 60%, về chính trị, quản lý nhà nước và pháp luật viên chức chiếm 40%.

b) Hình thức thi: Viết.

c) Thời gian thi: 180 phút.

2. Bài thi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nội dung thi: kiểm tra và đánh giá trình độ, năng lực, đề xuất giải pháp giải quyết đối với vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn gắn với tiêu chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính.

b) Hình thức thi: Viết.

c) Thời gian thi: 120 phút/người.

3. Bài thi ngoại ngữ

a) Nội dung thi: Các kỹ năng đọc hiểu, viết, nghe và phỏng vấn (hội thoại) ở bậc 2 (A2) theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II), một trong các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc theo đăng ký của viên chức.

b) Hình thức thi: Viết và phỏng vấn (hội thoại).

c) Thời gian thi: Viết 90 phút và phỏng vấn (hội thoại) 15 phút/người.

4. Bài thi tin học

a) Nội dung thi: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II).

b) Hình thức thi: Trắc nghiệm hoặc thực hành trên máy tính.

c) Thời gian thi: 45 phút.

Điều 10. Miễn thi ngoại ngữ

Viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Viên chức tính đến thời hạn nộp hồ sơ dự thi thăng hạng theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ;

2. Viên chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp theo thẩm quyền;

3. Viên chức là người dân tộc thiểu số đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;

4. Viên chức có bằng đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ;

5. Viên chức tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam;

6. Viên chức có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 theo khung tham chiếu Châu Âu trở lên quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.

Điều 11. Miễn thi tin học

Viên chức được miễn thi môn tin học trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc công nghệ thông tin trở lên.

Chương III

XÉT THĂNG HẠNG

Mục 1. XÉT THĂNG HẠNG ĐẶC CÁCH CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP TỪ HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (HẠNG II) LÊN HUẤN LUYỆN VIÊN CAO CẤP (HẠNG I) VÀ TỪ HUẤN LUYỆN VIÊN (HẠNG III) LÊN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (HẠNG II)

Điều 12. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đặc cách

Viên chức được đăng ký xét thăng hạng đặc cách theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này khi trực tiếp huấn luyện vận động viên đạt ít nhất một trong các thành tích sau đây:

1. Đối với viên chức được xét thăng hạng đặc cách lên chức danh huấn luyện viên cao cấp (hạng I), mã số V.10.01.01:

a) Huy chương vàng, bạc, đồng tại các Đại hội Olympic;

b) Huy chương vàng, bạc, đồng tại các Đại hội Paralympic;

c) Huy chương vàng tại giải vô địch thế giới, cúp thế giới của các môn thể thao Olympic;

d) Huy chương vàng tại ASIAD;

đ) Huy chương vàng tại Đại hội Olympic trẻ.

2. Đối với viên chức được xét thăng hạng đặc cách lên chức danh huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02:

a) Huy chương vàng, bạc, đồng tại ASIAD;

b) Huy chương vàng, bạc, đồng tại ASIAN Para Games;

c) Huy chương vàng giải vô địch Châu Á của các môn thể thao Olympic, ASIAD;

d) Huy chương vàng, bạc, đồng tại giải vô địch thế giới, cúp thế giới của các môn thể thao ASIAD;

đ) Huy chương vàng, bạc, đồng tại Đại hội Olympic trẻ.

Điều 13. Hình thức xét thăng hạng đặc cách

1. Viên chức được xét thăng hạng đặc cách thông qua việc xét hồ sơ dự thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Việc xét thăng hạng đặc cách được thực hiện thông qua Hội đồng xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp. Hội đồng xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (sau đây gọi là Thông tư số 12/2012/TT-BNV).

3. Hội đồng xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp chỉ tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 75% thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền. Những thành viên Hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu.

Điều 14. Nội dung xét thăng hạng đặc cách

1. Chấm điểm hồ sơ: Đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Cách tính điểm hồ sơ: Điểm hồ sơ được tính theo thang điểm 100 và tiêu chí đánh giá căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức đăng ký dự xét thăng hạng đặc cách tương ứng, cụ thể như sau:

a) Nhóm tiêu chí đánh giá về khả năng thực hiện nhiệm vụ: 10 điểm;

b) Nhóm tiêu chí đánh giá về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp: 10 điểm;

c) Nhóm tiêu chí đánh giá về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm;

d) Nhóm tiêu chí đánh giá về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 60 điểm.

3. Việc chấm điểm các nhóm tiêu chí đánh giá quy định tại điểm a, d Khoản 2 Điều này được xem xét thông qua biên bản ghi nhận xét, đánh giá của đại diện lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thể dục thể thao, các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể của đơn vị và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cử viên chức dự xét thăng hạng đặc cách.

Điều 15. Xác định viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp và thông báo kết quả

1. Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng đặc cách phải đủ các điều kiện sau:

a) Có đủ hồ sơ theo quy định;

b) Kết quả được xét bằng điểm chấm hồ sơ phải đạt 100 điểm.

2. Kết quả xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thông báo tới cá nhân, đơn vị tham dự kỳ xét chậm nhất sau 15 ngày làm việc, tính từ thời điểm hoàn thành kỳ xét thăng hạng đặc cách.

3. Viên chức không trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này không được bảo lưu kết quả cho kỳ xét thăng hạng đặc cách lần sau.

4. Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng đặc cách báo cáo người có thẩm quyền xem xét quyết định công nhận kết quả xét thăng hạng.

Mục 2. XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP TỪ HƯỚNG DẪN VIÊN (HẠNG IV) LÊN HUẤN LUYỆN VIÊN (HẠNG III)

Điều 16. Hình thức xét thăng hạng

1. Viên chức được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thông qua việc xét hồ sơ đăng ký xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn về trình độ hiểu biết, năng lực chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III).

2. Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên huấn luyện viên (hạng III) được thực hiện thông qua Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 12/2012/TT-BNV.

3. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 75% thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền. Những thành viên Hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu.

Điều 17. Nội dung xét thăng hạng

1. Chấm điểm hồ sơ: Đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này. Cách tính điểm và căn cứ chấm điểm hồ sơ theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 14 Thông tư này.

2. Kiểm tra, sát hạch theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III):

a) Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng quyết định thành lập Ban kiểm tra, sát hạch và tổ chức việc xây dựng đề phỏng vấn theo đúng quy định;

b) Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng tổ chức chọn đề phỏng vấn, đề phỏng vấn phải có số dư ít nhất là 01 đề so với số viên chức dự xét thăng hạng của chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) để viên chức bốc thăm;

c) Nội dung đề phỏng vấn phải căn cứ vào năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III); kết cấu đề phỏng vấn phải đảm bảo tính chính xác, khoa học. Mỗi đề phỏng vấn được chấm theo thang điểm 100, phải có đáp án và thang điểm chi tiết. Đề phỏng vấn phải được đóng trong phong bì, niêm phong và bảo quản theo chế độ tài liệu mật; việc giao nhận, mở đề phỏng vấn đều phải lập biên bản theo quy định;

d) Mỗi viên chức dự thi phỏng vấn được 02 thành viên chấm thi độc lập. Nếu điểm của 02 thành viên chấm chênh lệch nhau từ 10% trở xuống so với điểm tối đa thì lấy điểm bình quân, nếu chênh lệch trên 10% so với điểm tối đa thì 02 thành viên chấm phỏng vấn trao đổi để thống nhất, nếu không thống nhất được thì chuyển 02 kết quả lên Trưởng ban kiểm tra, sát hạch để báo cáo Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng xem xét, quyết định;

đ) Kết quả chấm phỏng vấn phải được tổng hợp vào bảng kết quả có chữ ký của các thành viên chấm và bàn giao cho Trưởng ban kiểm tra, sát hạch.

3. Tổng hợp kết quả xét tuyển:

a) Sau khi tổ chức kiểm tra, sát hạch, Trưởng ban kiểm tra, sát hạch bàn giao kết quả phỏng vấn của các thí sinh dự xét tuyển cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng xét tuyển;

b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng xét tuyển có trách nhiệm tổng hợp kết quả xét tuyển của các thí sinh trên cơ sở điểm chấm hồ sơ và điểm phỏng vấn để báo cáo Hội đồng xét tuyển.

Điều 18. Xác định viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng và thông báo kết quả

1. Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng phải đủ các điều kiện sau:

a) Có đủ hồ sơ theo quy định;

b) Kết quả được xét bằng điểm chấm hồ sơ phải đạt 100 điểm và điểm phỏng vấn phải đạt từ 55 điểm trở lên.

2. Kết quả xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thông báo tới cá nhân, đơn vị tham dự kỳ xét chậm nhất sau 15 ngày làm việc, tính từ thời điểm hoàn thành kỳ xét thăng hạng.

3. Viên chức không trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều này không được bảo lưu kết quả cho kỳ xét thăng hạng lần sau.

4. Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng báo cáo người có thẩm quyền xem xét quyết định công nhận kết quả xét thăng hạng.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này, theo thẩm quyền được giao cử viên chức tham dự kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp và chịu trách nhiệm về điều kiện, tiêu chuẩn của viên chức tham dự kỳ thăng hạng theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo thẩm quyền được giao tổ chức kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao đảm bảo các quy định tại Thông tư này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cá nhân, tổ chức phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Tổng cục Thể dục thể thao) để xem xét, giải quyết ./.