Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2021/TT-BCT

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ DANH MỤC CHỦNG LOẠI, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG KHOÁNG SẢN XUẤT KHẨU DO BỘ CÔNG THƯƠNG QUẢN LÝ

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu đối với các loại khoáng sản do Bộ Công Thương quản lý (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và than đá) theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân có hoạt động liên quan đến xuất khẩu khoáng sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chế biến khoáng sản là quá trình áp dụng từng phương pháp riêng biệt hoặc kết hợp các phương pháp (chọn tay, rửa, nghiền-sàng phân loại theo cỡ hạt; nung, sấy, cưa, cắt, tuyển trọng lực, tuyển từ, tuyển điện, hoá tuyển, thủy luyện; luyện kim hoặc phương pháp khác) làm thay đổi hình thái, tính chất của khoáng sản nguyên khai để tạo ra một hoặc nhiều sản phẩm dưới dạng: quặng tinh, kim loại, hợp kim, hợp chất hóa học, khoáng chất công nghiệp có quy cách, tính chất phù hợp nhu cầu sử dụng, có giá trị sử dụng và giá trị thương mại cao hơn khoáng sản nguyên khai.

2. Quặng tinh (hay còn gọi là tinh quặng) là sản phẩm từ quá trình Chế biến khoáng sản, chưa làm thay đổi cấu trúc hóa học của các thành phần hợp chất có trong khoáng sản nguyên khai nhưng nâng cao hàm lượng thành phần khoáng vật hoặc khoáng chất có ích trong khoáng sản nguyên khai để đạt được quy cách, tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu cho quá trình chế biến tiếp theo.

3. Khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp là khoáng sản được quy định tại Điều 14 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ.

Điều 4. Danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu

1. Khoáng sản xuất khẩu là khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp, có tên trong Danh mục chủng loại và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng tương ứng tại Phụ lục 1 Thông tư này.

2. Thương nhân xuất khẩu khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 hăm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành để đánh giá về chủng loại, chất lượng khoáng sản xuất khẩu.

Điều 5. Báo cáo thực hiện xuất khẩu khoáng sản

1. Nội dung báo cáo thực hiện xuất khẩu khoáng sản theo Mẫu số 01Mẫu số 02 tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

2. Báo cáo xuất khẩu khoáng sản thực hiện như sau:

a) Thương nhân lập báo cáo định kỳ hàng quý (có phát sinh xuất khẩu) theo Mẫu số 01 tại Phụ lục 2 gửi về Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp), Sở Công Thương, Cục Hải quan cấp tỉnh nơi thương nhân có trụ sở chính chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu quý tiếp theo.

b) Sở Công Thương cấp tỉnh (hoặc cơ quan chuyên môn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ) nơi có thương nhân xuất khẩu khoáng sản lập báo cáo tổng hợp theo 6 tháng và hàng năm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục 2 gửi về Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) chậm nhất vào ngày 31 tháng 7 và ngày 31 tháng 01 hàng năm.

3. Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu báo cáo đột xuất để phục vụ công tác quản lý, thương nhân có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu.

4. Việc gửi báo gáo về Bộ Công Thương thực hiện theo hình thức gửi trực tiếp tại văn thư Bộ hoặc qua bưu điện đến Bộ Công Thương hoặc qua địa chỉ email: CucCN@moit.gov.vn.

Điều 6. Trách nhiệm quản lý

1. Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về xuất khẩu khoáng sản theo Thông tư này và quy định của pháp luật liên quan; xử lý các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu khoáng sản.

2. Căn cứ tình hình thực tế hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản trong nước, xuất khẩu và chủ trương, định hướng xuất khẩu khoáng sản của Đảng và Chính phủ trong từng thời kỳ, Cục Công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, bổ sung Thông tư này khi cần thiết.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 và thay thế Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản, Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 7 năm 2016 về sửa đổi một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

2. Bãi bỏ Điều 5 Thông tư số 13/2020/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và Điều 5 Thông tư số 41/2019/TT-BCT ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ sung Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại một số Thông tư của Bộ Công Thương.

3. Trường hợp các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác được dẫn chiếu tại Thông tư này bị bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định của văn bản bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Các cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân có hoạt động liên quan đến xuất khẩu khoáng sản chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý./.