Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-TC/KTKT

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KIỂM KÊ ĐÁNH GIÁ TÀI SẢN XÉT ĐỊNH VỐN CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ theo Thông tư số 057-TTg ngày 24 tháng 02 năm 1959 của Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm Bộ Tài chính hướng dẫn cho các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị tiến hành công tác kiểm kê đánh giá tài sản xét định vốn (gọi tắt là công tác kiểm kê) các xí nghiệp quốc doanh địa phương (gọi tắt là xí nghiệp địa phương ) trong năm 1959, Bộ chúng tôi xin giải thích rõ thêm những vấn đề về ý nghĩa mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung công tác kiểm kê cũng như những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp cần áp dụng để tiến hành công tác kiểm kê cho có kết quả.

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC KIỂM KÊ

Các xí nghiệp quốc doanh địa phương cùng với các xí nghiệp quốc doanh trung ương giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và ngày càng phát triển mạnh theo đà kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Các xí nghiệp địa phương cần phải được quản lý theo phương pháp xã hội chủ nghĩa, nghĩa là phải tuân theo những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế. Muốn vậy điều quan trọng trước hết là phải kiểm kê đánh giá lại tài sản và xét định vốn ở các xí nghiệp địa phương.

Mục đích của công tác kiểm kê là để các xí nghiệp địa phương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị nắm được toàn bộ tài sản của các xí nghiệp địa phương, trên cơ sở đó xí nghiệp bước đầu thực hành kế hoạch hóa toàn diện, kể cả kế hoạch hóa về mặt tài vụ, đưa xí nghiệp bước vào con đường quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế.

Tác dụng của công tác kiểm kê thì rất lớn nhưng yêu cầu cụ thể của công tác kiểm kê là:

- Kiểm kê tài sản phải được tuyệt đối chính xác về mặt số lượng và tương đối chính xác về mặt chất lượng.

- Tất cả tài sản đều phải được đánh giá lại theo một số tiêu chuẩn thống nhất.

- Sơ bộ xét định vốn cố định và vốn lưu động giao cho các xí nghiệp độc lập kinh doanh.

- Trên cơ sở kết quả của công tác kiểm kê, xây dựng một số chế độ quản lý cụ thể để củng cố và phát huy kết quả đó.

II. PHẠM VI KIỂM KÊ

Tất cả các xí nghiệp địa phương hiện đang sản xuất kinh doanh và tất cả các xí nghiệp địa phương sẽ chuyển sang sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 1959 đều phải kiểm kê đánh giá lại tài sản xét định vốn kỳ này.

Riêng đối với các xí nghiệp địa phương đã kiểm kê đánh giá lại xét định vốn năm 1957 vào dịp kiểm kê các xí nghiệp quốc doanh do Trung ương quản lý thì kỳ này không phải tiến hành kiểm kê đánh giá lại tài sản xét định vốn như quy định trong thông tư này.

Xí nghiệp địa phương nào thuộc phạm vi phải kiểm kê kỳ này sẽ do Ủy ban Hành chính các tỉnh, thành phố, Khu tự trị quyết định và phải báo cáo lên cho Bộ Tài chính biết để theo dõi.

III. THỜI GIAN TIẾN HÀNH CÔNG TÁC KIỂM KÊ

Tùy tình hình cụ thể của từng địa phương, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, Khu tự trị quyết định để các xí nghiệp địa phương tiến hành kiểm kê sau khi đã chuẩn bị đầy đủ.

Thời hạn phải hoàn thành công tác kiểm kê đánh giá lại tài sản xét định vốn ở các địa phương và gửi báo cáo lên Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 30-9-1959 như thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, để Bộ Tài chính có thể tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.

IV. HỆ THỐNG TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH CÔNG TÁC KIỂM KÊ

Trách nhiệm lãnh đạo tiến hành công tác kiểm kê trong xí nghiệp địa phương là trách nhiệm của Đảng ủy xí nghiệp và của Ban Quản đốc xí nghiệp.

Trách nhiệm lãnh đạo các xí nghiệp địa phương trong toàn tỉnh, thành phố, khu tự trị tiến hành công tác kiểm kê là trách nhiệm của các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị và trách nhiệm của các Ty, Sở chủ quản xí nghiệp.

Nhưng vì công tác kiểm kê là một công tác quan trọng và phức tạp, nên cần phải có tổ chức chuyên trách để giúp việc.

Ở xí nghiệp cơ sở cần thành lập “Ban kiểm kê xí nghiệp ” để giúp Đảng ủy xí nghiệp và Ban quản đốc xí nghiệp lãnh đạo tiến hành công tác kiểm kê.

Thành phần Ban kiểm kê xí nghiệp gồm 1 quản đốc làm trưởng ban, các cán bộ tài vụ kế toán, kỹ thuật, kế hoạch, cung tiêu làm ủy viên, ngoài ra có các đại biểu Đảng ủy, Công đoàn, Thanh niên làm ủy viên.

Thành phần cán bộ kỹ thuật trong Ban kiêm kê xí nghiệp là rất cần thiết, vì thế đối với những xí nghiệp nhỏ không có cán bộ kỹ thuật thì cần cử một công nhân kỹ thuật làm ủy viên.

Tùy tình hình cụ thể xí nghiệp to hay nhỏ, Đảng ủy xí nghiệp và Ban quản đốc xí nghiệp quyết định số người cụ thể trong Ban kiểm kê xí nghiệp và báo cáo lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị xét duyệt.

Ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị cần thành lập “Ban kiểm kê tỉnh”(thành phố, khu tự trị) để giúp Ủy ban hành chính lãnh đạo các xí nghiệp tiến hành công tác kiểm kê.

Thành phần Ban kiểm kê tỉnh, thành phố, Khu tự trị gồm:

- Một Phó Chủ tịch hoặc một ủy viên Ủy ban hành chính: Trưởng ban

- Một Chánh, Phó Giám đốc Sở hoặc Trưởng, Phó Ty Tài chính: Ủy viên thường trực

- Các Chánh, Phó Giám đốc Sở hoặc Trưởng, Phó Ty chủ quản xí nghiệp (mỗi Ty, Sở một người ): Ủy viên.

- Và một số cán bộ chuyên trách: Ủy viên.

Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể cử thêm các quản đốc xí nghiệp làm ủy viên của ban kiểm kê tỉnh.

Danh sách của Ban kiểm kê tỉnh, thành phố, Khu tự trị do Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, Khu tự trị quyết định và gửi bản sao lên cho Bộ Tài chính biết để theo dõi.

Ở Trung ương thì như đã quy định trong thông tư của Thủ tướng Chính phủ cụ thể như sau:

Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn kiểm tra đôn đốc các Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, Khu tự trị tiến hành công tác kiểm kê và tổng kết công tác kiểm kê.

Các Bộ có liên quan như các Bộ Công nghiệp, Giao thông, Nông lâm, Kiến trúc, Văn hóa…có trách nhiệm chỉ thị và theo dõi các Ty, Sở, chủ quản xí nghiệp thuộc Bộ mình tiến hành công tác kiểm kê, đồng thời giúp đỡ các Ty, Sở, về các mặt: Lập kế hoạch kinh tế quốc dân ở xí nghiệp, cung cấp giá cả, hướng dẫn về kỹ thuật kiểm kê, hướng dẫn về kinh nghiệm quản lý xí nghiệp.

V. NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG PHÁP KIỂM KÊ.

- Nội dung của công tác kiểm kê các xí nghiệp địa phương gồm ba phần việc chính sau đây:

1. Kiểm kê tất cả các loại tài sản của xí nghiệp địa phương, nghĩa là cân, đo, đong, đếm các hiện vật và đối chiếu sổ sách các khoản tiền vay, nợ, gửi, đồng thời xét định giá trị còn lại của tài sản.

2. Đánh giá lại tất cả tài sản của xí nghiệp theo điều kiện giá trong vòng 9 tháng đầu năm 1959 và theo một tiêu chuẩn thống nhất.

3. Xét định kế hoạch vốn năm 1959 cho xí nghiệp, kể cả vốn cố định và vốn lưu động.

Ngoài ra cần phải làm thêm một số việc có liên quan dưới đây:

1. Nghiên cứu áp dụng một số chế độ cần thiết như chế độ kế toán, chế độ quản lý và bảo quản tài sản, vv… để củng cố và phát huy kết quả của công tác kiểm kê.

2. Có kế hoạch giải quyết các tài sản thừa, ứ đọng phát hiện trong quá trình kiểm kê để đưa ra phục vụ cho sản xuất kiến thiết.

- Những nguyên tắc và phương pháp dùng để áp dụng trong công tác kiểm kê các xí nghiệp địa phương thì các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị căn cứ vào Thông tư số 057-TTg ngày 24-2-1959 của Thủ tướng Chính phủ và hai bản thể lệ số 01-UB/TL và số 02-UB/TL ngày 1 tháng 6 năm 1957 của Ủy ban kiểm kê toàn quốc và quy định cụ thể cho thích hợp với các xí nghiệp của địa phương mình.

Bộ Tài chính sẽ có văn kiện hướng dẫn cụ thể sau.

VI. NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý TRONG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO KIỂM KÊ

Muốn bảo đảm công tác kiểm kê tiến hành được nhanh, gọn, tốt, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị, các Đảng ủy và Ban quản đốc xí nghiệp địa phương cần chú ý mấy vấn đề sau đây:

1. Phải hết sức coi trọng công tác tư tưởng. Công tác kiểm kê là một công tác chính trị, công tác kinh tế quan trọng thiết thân cho việc lãnh đạo và quản lý xí nghiệp, đưa xí nghiệp vào con đường quản lý theo phương pháp xã hội chủ nghĩa, nên cần phải làm cho toàn thể Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị, Đảng ủy xí nghiệp, Ban quản đốc xí nghiệp và toàn thể cán bộ công nhân trong các xí nghiệp địa phương thấm nhuần ý nghĩa mục đích của công tác kiểm kê để có quyết tâm thực hiện.

2. Phải dựa vào quần chúng để tiến hành công tác kiểm kê. Công tác kiểm kê đòi hỏi kết hợp các mặt công tác kế hoạch, kỹ thuật, tài vụ, cung tiêu, nên không thể chỉ đơn độc lãnh đạo xí nghiệp cùng với một số cán bộ chuyên trách làm được. Phải giáo dục quần chúng, dựa vào quần chúng, phát động quần chúng công nhân cùng tiến hành nhất là phải dựa và công nhân kỹ thuật lâu năm trong nghề thì công tác kiểm kê mới đạt được kết quả tốt.

3. Phải coi trọng công tác chuẩn bị. Công tác chuẩn bị tốt thì việc tiến hành kiểm kê được nhanh gọn tốt không phải đi đường vòng. Chuẩn bị phải chú ý đầy đủ các mặt tư tưởng, tổ chức, nghiệp vụ, chế độ, nhưng phải đặt công tác tư tưởng lên hàng đầu. Khi tiến hành lại nên làm thí điểm một bộ phận trước khi mở rộng toàn diện.

Để thiết thực bắt tay vào việc chuẩn bị, mong các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị khai hội Ủy ban mở rộng có các Chánh, Phó Giám đốc Sở, hoặc Trưởng, Phó Ty Tài chính và chủ quản xí nghiệp để thảo luận ý nghĩa mục đích của công tác kiểm kê, thành lập các tổ chức chuyên trách ở tỉnh, thành phố, Khu tự trị, đặt kế hoạch tổ chức học tập cho các Đảng ủy, Ban quản đốc xí nghiệp và cán bộ công nhân viên các xí nghiệp địa phương, đồng thời chuẩn bị về mặt nghiệp vụ, chế độ, vạch ra chương trình công tác, tạo điều kiện thuận lợi bước đầu để công tác kiểm kê tiến hành được kết quả tốt.

Sau khi nhận được thông tư này, đề nghị cứ 10 ngày một lần các Ủy ban hành chính hành tỉnh, thành phố, Khu tự trị báo cáo tiến độ công tác về cho Bộ Tài chính biết để theo dõi giúp đỡ.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính