Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-TT/LB

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1960

THÔNG TƯ

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, QUÂN NHÂN VÀO HỌC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NĂM 1960-1961.

Để phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, nhiệm vụ là phải ra sức đào tạo những cán bộ chính trị, những thanh niên công nông ưu tú thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật đông đảo, và trung thành với chủ nghĩa xã hội.

Các kế hoạch Nhà nước sắp xếp đòi hỏi nhiều cán bộ chuyên môn kỹ thuật, cho nên “Phải hết sức chú trọng bồi dưỡng số cán bộ hiện có và tích cực đào tạo thật nhiều cán bộ mới, tăng thêm số lượng và nâng cao trình độ cán bộ kinh tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học”. (Trích nghị quyết Trung ương lần thứ 14). “Cần tích cực mở rộng các Trường Đại học và chuyên nghiệp hiện có, mở thêm nhiều trường mới, nhất là bên cạnh xí nghiệp, nông trường để đào tạo cán bộ kỹ thuật và huấn luyện công nhân” (Trích báo cáo Thủ tướng Chính phủ đọc ở khoá họp Quốc hội thứ 11).

Để bảo đảm thực hiện đường lối và nhiệm vụ trên đây, năm nay các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính các cấp cần hết sức chú trọng chọn cử nhiều cán bộ, công nhân, quân nhân vào học các trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp.

Liên bộ Nội vụ - Giáo dục quy định những điều sau đây trong việc chọn cử cán bộ, công nhân, quân nhân đi học các trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp năm 1960-1961.

I. TIÊU CHUẨN

1. Chính trị:

Lịch sử rõ ràng.

Lập trường tư tưởng tốt (tin tưởng và quyết tâm đi theo xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng phục vụ nhân dân).

Tinh thần và thái độ công tác tốt.

Có ý thức tổ chức và kỷ luật.

2. Văn hoá: Phải có trình độ văn hoá tương đương với trình độ lớp 10 phổ thông (nếu vào các trường Đại học) và lớp 7 phổ thông (nếu vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp).

Đối với những cán bộ, công nhân, bộ đối nếu đang học lớp 10 hoặc lớp 7 thì cơ quan nên tích cực tổ chức bổ túc văn hoá thời gian 2, 3 tháng để kịp giới thiệu đi học.

3. Tuổi và sức khoẻ: Từ 35 tuổi trở xuống. Đối với cán bộ miền Nam, miền Núi; phụ nữ và những cán bộ ngành nào đi học ngành ấy thì Bộ sở quan và nhà trường có thể thoả thuận châm chước nếu tuổi cao hơn sự quy định trên đây.

Có đủ sức khoẻ để theo học (theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục).

II. NHỮNG CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, QUÂN NHÂN ĐƯỢC CHỌN CỬ ĐI HỌC.

A. TRONG BIÊN CHẾ:

1. Cán bộ trong biên chế hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc các ngành Dân, Chính, Đảng và quân nhân tại ngũ phải có 3 năm liên tục công tác tính đến ngày 1-9-1960.

2. Công nhân xí nghiệp, công, nông, lâm trường trong biên chế trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kiến thiết, thuộc thành phần lao động; cán bộ Kinh công tác miền Núi, cán bộ phụ nữ phải có 2 năm liên tục công tác tính đến ngày 1-9-1960.

3. Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam tập kết có tham gia kháng chiến trong biên chế các ngành, cán bộ, công nhân, quân nhân người dân tộc thiểu số đang công tác trong biên chế các ngành không tính thâm niên công tác.

4. Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam không có tham gia kháng chiến (trước là học sinh) đang công tác ở các cơ quan, các địa phương, các xí nghiệp, công, nông, lâm trường trong biên chế thì phải có 1 năm tham gia công tác hay sản xuất tính đến ngày 1-9-1960.

B. NGOÀI BIÊN CHẾ:

1. Cán bộ xã và cán bộ thôn, xóm, tổ, v.v… đang công tác phải có thời gian tham gia các công tác liên tục 3 năm tính đến 1-9-1960.

Những cán bộ xã và cán bộ thôn, xóm, tổ v.v.. đang công tác (kể cả bộ đội phục viên làm công tác ở xã) là những cán bộ thực sự hoạt động ở các ngành kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quân sự ở xã có làm công tác lãnh đạo từ một đơn vị nhỏ lên đến toàn xã (ví dụ: tiểu đội trưởng, tiểu đội phó dân quân; tổ trưởng, tổ phó tổ lao động hợp tác xã, tổ trưởng, tổ phó thanh niên lao động, giáo viên dân lập, y tế xã, trưởng phó ban các ngành ở xã, uỷ viên Uỷ ban hành chính, các Ban chấp hành các đoàn thể, các ban quản trị hợp tác xã, v.v…)

2. Những người làm công tác tạm tuyển, phù động liên tục trên 2 năm (đối với công nhân) và trên 3 năm (đối với cán bộ nhân viên) nếu vì biên chế của cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường chưa cho phép tuyển dụng chính thức được thì sẽ do các đoàn thể ở nơi đó (Công đoàn, Thanh niên, v.v…) đề nghị và do Thủ trưởng nơi đó quyết định (thủ tục chọn cử hay đi học theo đúng phần IV trong thông tư này).

Quân nhân phục viên trong năm 1959 còn ở ngoài biên chế các cơ quan cũng được chọn cử đi học nếu thời gian ở Quân đội được 3 năm.

3. Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam tập kết có tham gia kháng chiến hiện nay ở ngoài biên chế cũng không tính thâm niên công tác. Nếu không có tham gia kháng chiến (trước là học sinh) thì phải có 1 năm tham gia sản xuất tính đến ngày 1-9-1960.

4. Cán bộ, công nhân, quân nhân người dân tộc thiểu số đang công tác ngoài biên chế cũng không tính thâm niên công tác.

C. Cán bộ chuyên môn kỹ thuật trung, sơ cấp của các ngành đào tạo bằng con đường bổ túc hay vào các trường chính quy thì do các Bộ, các ngành quyết định về thâm niên công tác.

III. QUYỀN LỢI CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, QUÂN NHÂN ĐI HỌC.

Tất cả những cán bộ, công nhân, quân nhân được chọn lọc cử đi học, được hưởng các quyền lợi sau đây:

1. Được nghỉ công tác chuyên môn để ôn tập văn hoá, nếu ở trong biên chế được hưởng lương. Thời gian nghỉ từ 1 đến 2 tháng tính đến ngày thi kiểm tra văn hoá do cơ quan quyết định. Cơ quan nào có nhiều cán bộ đi học, tổ chức lớp tập trung để bổ túc văn hoá được thì thời gian nghỉ có thể đến 2 hay 3 tháng nhưng cần trao đổi trước với Liên Bộ Nội vụ - Giáo dục.

Cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ, kiểm soát việc ôn tập văn hoá được tốt.

2. Đối với những cán bộ, công nhân, quân nhân có 1 năm tham gia kháng chiến (tính đến tháng 7-1954), những cán bộ, công nhân, quân nhân người dân tộc thiểu số, những anh hùng và chiến sĩ thi đua của các Bộ, các cơ quan trung ương và các tỉnh, khu, thành năm 1958-1959 nếu có văn bằng tốt nghiệp lớp 10 phổ thông (vào Đại học) và lớp 7 phổ thông (vào trung cấp) hoặc những văn bằng tốt nghiệp tương đương (theo quy chế của Bộ Giáo dục đã định) thì được miễn kiểm tra văn hoá.

Ngoài ra tất cả, cán bộ, công nhân, quân nhân khác phải qua một kỳ thi kiểm tra văn hoá .

3. Cán bộ, công nhân trong biên chế, quân nhân tại ngũ đủ tiêu chuẩn được chọn cử đi học đã nói ở mục A phần II thì được hưởng chế độ sinh hoạt phí của cán bộ đi học.

Cán bộ, nhân viên, công nhân, quân nhân ngoài biên chế đủ tiêu chuẩn được chọn đi học đã nói ở mục B phần II thì được hưởng học bỗng.

4. Cán bộ, công nhân, quân nhân được chọn cử đi học, nếu trước công tác ở ngành nào nên theo học trường của ngành ấy, nhưng nhất thiết phải phục tùng sự phân phối ngành học của các Bộ, các Trường theo nhu cầu đào tạo cán bộ của kế hoạch Nhà nước.

5. Nếu không được vào học thì những cán bộ, công nhân, quân nhân được chọn cử đi học sẽ trở về cơ quan, đơn vị cũ công tác.

Các vấn đề khác, theo đúng quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CHỌN CỬ CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, QUÂN NHÂN ĐI HỌC.

Cán bộ, công nhân, quân nhân được chọn cử đi học phải được cơ quan, đơn vị nơi đương sự công tác xét chọn và do các cấp sau đây quyết định giới thiệu:

1. Cán bộ, công nhân (từ xã đến tỉnh) các ngành Chính, Dân, Đảng thuộc các biên chế hành chính, sự nghiêp, doanh nghiệp thuộc tỉnh, thành, khu do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành, khu chịu trách nhiệm chọn cử và giới thiệu đi học (do Phòng tổ chức cán bộ của Uỷ ban phụ trách giúp Uỷ ban vấn đề này).

2. Cán bộ, công nhân thuộc biên chế hành chính, sự nghiệp doanh nghiệp của các ngành Chính, Dân, Đảng trực thuộc các Bộ, các Cơ quan trung ương do Thủ tướng các Bộ, các Uỷ ban và các Ban chịu trách nhiệm chọn cử và giới thiệu đi học (do Vụ, Phòng tổ chức và cán bộ các Bộ, các cơ quan, phụ trách giúp Bộ và các cơ quan vấn đề này).

Công nhân xí nghiệp, công, nông, lâm trường trực thuộc các Bộ sẽ do Bộ chọn cử giới thiệu, không uỷ nhiệm cho các cơ quan đó giới thiệu thẳng đến các trường.

3. Các cơ sở sản xuất miền Nam trực thuộc Ban Thống nhất sẽ do Ban Thống nhất chọn cử và giới thiệu; nếu trực thuộc địa phương sẽ do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành, khu quyết định.

4. Quân nhân tại ngũ phải được cấp chỉ huy từ Trung đoàn trở lên quyết định giới thiệu đi học. Cán bộ, quân nhân ở cơ quan Bộ Quốc phòng do Cục chọn cử và giới thiệu đi học.

5. Cán bộ, công nhân, quân nhân được chọn cử đi học, phải có giấy quyết định giới thiệu (có mẫu kèm theo thông tư) và phải nộp đủ hồ sơ theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục.

6. Không chuyển cán bộ chuyên môn kỹ thuật ngành này sang học ngành khác. Nếu có cá biệt xin đổi ngành thì Bộ sở quan trao đổi ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi quyết định.

V. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

1. Các Bộ, các cơ quan trung ương, các Uỷ ban hành chính các tỉnh, khu, thành cần phổ biến rộng rãi thông tư này cho cán bộ, công nhân, quân nhân khắp các cơ sở được biết, đồng thời có kế hoạch chọn cử người đi học.

2. Việc chọn cử cần nghiêm túc, xem trọng cả 3 tiêu chuẩn chính trị, văn hoá, và tuổi, sức khoẻ, chủ yếu là bảo đảm chính trị tốt; tránh bản vị, thành kiến, cảm tình cá nhân chọn người không đủ tiêu chuẩn.

3. Cần hướng dẫn việc lập hồ sơ cho đầy đủ và tổ chức, đôn đốc việc ôn tập văn hoá được tốt.

Sau khi quyết định chọn cử cán bộ, công nhân, quân nhân đi học, các cấp có thẩm quyền nói ở trên lập danh sách tập thể kèm theo hồ sơ gửi đến các cơ quan chiêu sinh theo quy định trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục.

Đối với những cán bộ, công nhân, quân nhân thi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, nếu đủ tiêu chuẩn được miễn kiểm tra văn hoá thì hồ sơ gửi thẳng về Nhà trường định đi học mà không nộp ở Ty, Sở Giáo dục địa phương.

4. Các trường khi nhận được hồ sơ, cần kiểm tra chu đáo để bảo đảm hồ sơ đầy đủ, đúng thể thức. Những trường hợp hồ sơ không đúng quy chế và thông tư thì Nhà trường cần báo cho các nơi bổ sung hồ sơ đầy đủ.

5. Các Bộ, các cơ quan, các Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh, thành sau khi chọn cử cán bộ đi học cần gửi danh sách về Liên bộ biết để theo dõi (có mẫu kèm theo).

6. Thời gian nộp hồ sơ sẽ căn cứ vào kế hoạch chiêu sinh của các trường trên các thông tư và báo chí.

Theo đà phát triển nhanh chóng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, việc đào tạo cán bộ rất cần thiết và vẫn theo phương châm “phát triển tận lực”. Do đó yêu cầu các Bộ, các Cơ quan trung ương, các Uỷ ban hành chính, các cấp phải hết sức chú trọng việc điều động nhiều cán bộ đi học và phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn nhất là bảo đảm tốt về chính trị.

Trong khi thi hành thông tư này, có gặp khó khăn trở ngại gì, đề nghị báo cáo cho Liên bộ ngay,để góp ý kiến giải quyết kịp thời.

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC





Nguyễn Văn Huyên

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu

MẨU BÁO CÁO

DANH SÁCH CÁN BỘ CHỌN CỬ GIỚI THIỆU ĐI HỌC

TÊN CƠ QUAN:
Số:

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÁO CÁO DANH SÁCH CÁN BỘ CHỌN GIỚI THIỆU ĐI HỌC

Số thứ tự

HỌ VÀ TÊN

Tuổi

Quê quán

(miền)

Chức vụ công tác hiện nay

(bậc lương)

Có văn bằng tốt nghiệp hay học lực tương đương

Tên ngành trường định xin thi

GHI CHÚ

CHÚ THÍCH:

1. Mẫu này dùng cho các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố, khu và Bộ. Sau khi đã tổng hợp tình hình cán bộ do cơ quan công nhận giới thiệu đi học, báo cáo cho Liên Bộ Nội vụ - Giáo dục biết.

2. Làm thành 3 bản:

1 bản gửi cho Bộ Nội vụ.

1 bản gửi cho Bộ Giáo dục.

1 bản kèm theo hồ sơ gửi đến cho các Trường Đại học hay Ty, Sở Giáo dục.

MẪU QUYẾT ĐỊNH

CHỌN GIỚI THIỆU CÁN BỘ ĐI HỌC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP 1960

TÊN CƠ QUAN:
Số:

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

QUYẾT ĐỊNH CHỌN CỬ GIỚI THIỆU CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, QUÂN NHÂN ĐI HỌC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NIÊN KHOÁ 1960-1961

Theo thông tư số 23-TT/LB ngày 8-4-1960 của Liên Bộ Nội vụ - Giáo dục về việc chọn cử giới thiệu cán bộ, công nhân viên đi thi vào các Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp niên khoá 1960-1961.

1. – Xét ông...................................... tuổi.............. ngày....... tháng........ năm.............. sinh

- Chính, trụ quán tại........................................................................................................

- Hiện nay công tác tại:..................................................................................................

- Chức vụ........................................... Bậc lương (nếu có)....................... (ghi rõ là đảng viên Đảng Lao động Việt nam hay ngoài Đảng, thuộc dân tộc nào ? Miền Nam tập kết ?)

- Đã tham gia công tác cách mạng liên tục được ....................... năm, kể từ ngày ........ tháng....

năm ................................................... đến ngày 1-7-1959. (Nếu có thời gian mất liên tục công tác mà được xét chọn thì ghi rõ lý do).

- Tinh thần và thái độ công tác, tư tưởng, lập trường trong quá trình hoạt động............

- Trình độ văn hoá: đã tốt nghiệp bằng ......................................... hay có học lực tương đương lớp

2. – Theo đề nghị của cơ quan......... ông......................... đang công tác.

3. – Xét ông...................................... có đủ các tiêu chuẩn nói ở phần I và II của thông tư số 23-TT/LB ngày 8-4-1960 của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục.

4. - Quyết định chọn: Ông .............................................. được chọn giới thiệu đi học ở trường niên khoá 1960-1961.

5. – Đề nghị Liên bộ Nội vụ - Giáo dục cho ông........... được hưởng các quyền lợi chiếu cố trong thông tư Liên Bộ Nội vụ - Giáo dục số 23-TT/LB ngày 8-4-1960.

Ngày …….tháng…….năm 1960
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
(Ghi rõ tên và đóng dấu)