Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2022/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CƠ SỞ, VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết điểm d khoản 6 Điều 15 và khoản 1 Điều 17 Luật Thú y, bao gồm:

a) Trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;

b) Điều kiện được công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. An toàn sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là việc áp dụng các biện pháp lý hóa, sinh học và quản lý nhằm giảm thiểu, loại trừ các tác nhân gây bệnh có nguy cơ xâm nhiễm từ bên ngoài vào, tồn tại, lây lan bên trong, phát tán ra khỏi cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

2. Giám sát dịch bệnh động vật là toàn bộ các hoạt động theo dõi, kiểm tra, đánh giá sức khỏe động vật trong suốt quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại cơ sở, vùng để phát hiện, dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ, tác nhân gây bệnh và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Điều 3. Cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Cục Thú y thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với:

a) Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;

b) Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp xã phục vụ xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;

c) Vùng an toàn dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp tỉnh.

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cơ quan thẩm định và cấp Giấy chứng nhận gọi chung là Cơ quan thú y.

Điều 4. Quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh

1. Được hưởng các quyền lợi theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 39 và khoản 2 Điều 55 Luật Thú y.

2. Được miễn lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh được công nhận an toàn trong quá trình thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; được sử dụng kết quả xét nghiệm tại điểm a và điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này để làm thủ tục kiểm dịch vận chuyển động vật theo các quy định hiện hành.

3. Được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xuất bán sản phẩm, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật.

4. Được hỗ trợ tham gia các chương trình giám sát dịch bệnh động vật của Nhà nước đối với các bệnh chưa được công nhận an toàn; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

5. Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Kế hoạch an toàn sinh học

1. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch an toàn sinh học

a) Đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất tại cơ sở; ứng phó kịp thời với những thay đổi mối nguy gây mất an toàn sinh học tại cơ sở và các khu vực xung quanh; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

b) Đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Ủy ban nhân dân theo phân công, phân cấp tổ chức xây dựng và thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất tại vùng; ứng phó kịp thời với những thay đổi mối nguy gây mất an toàn sinh học tại vùng và các khu vực xung quanh; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

2. Nội dung kế hoạch an toàn sinh học

a) Các biện pháp chủ động phòng bệnh cho động vật nuôi theo quy định hiện hành;

b) Nhận diện, phân tích nguy cơ và các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tác nhân gây bệnh có thể xâm nhiễm từ ngoài vào hoặc lây lan bên trong cơ sở hoặc vùng;

c) Tổng hợp, cung cấp thông tin, số liệu, bằng chứng về các nguy cơ dịch bệnh, khả năng tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào hoặc phát tán ra khỏi cơ sở hoặc vùng thông qua các hoạt động tại cơ sở hoặc vùng.

3. Cơ sở, vùng phải tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về kiểm soát dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn cho người trực tiếp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và những người khác có liên quan của cơ sở, vùng.

Điều 6. Kế hoạch giám sát dịch bệnh

1. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch giám sát dịch bệnh

a) Đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện, bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Thú y và các khoản 2, 3 và 4 Điều này; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

b) Đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Ủy ban nhân dân theo phân công, phân cấp tổ chức xây dựng và thực hiện, bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Luật Thú y và các khoản 2, 3 và 4 Điều này; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

2. Kế hoạch giám sát dịch bệnh phải được xây dựng, thiết kế bảo đảm mục tiêu phát hiện có hoặc không có tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn hoặc đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vắc xin của động vật nuôi đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn.

3. Nội dung kế hoạch giám sát dịch bệnh

a) Theo dõi, ghi chép tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu động vật nghi mắc bệnh, các triệu chứng, bệnh tích của bệnh trong suốt quá trình nuôi;

b) Quy trình báo cáo dịch bệnh cho nhân viên thú y, chính quyền hoặc cơ quan thú y địa phương trong trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm; kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và tổ chức điều tra dịch tễ, xác định nguyên nhân;

c) Giám sát tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn, các dấu hiệu động vật nuôi đã bị nhiễm tác nhân gây bệnh hoặc các xét nghiệm khang định động vật nuôi đạt mức độ đáp ứng miễn dịch đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn;

d) Đối tượng giám sát: Động vật giống, động vật nuôi, động vật hoang dã mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn; vật chủ trung gian có khả năng mang tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn. Đối với động vật thủy sản, ngoài các đối tượng lấy mẫu giám sát nêu trên phải bổ sung thêm mẫu giám sát là thức ăn tươi sống (nếu có) và nguồn nước cấp cho khu vực sản xuất;

đ) Địa điểm giám sát: Khu vực sản xuất, nơi cách ly động vật, nơi bảo quản thức ăn dùng cho động vật, nguồn cung cấp nước, khu vực có nguy cơ xuất hiện tác nhân gây bệnh;

e) Lấy mẫu và xét nghiệm mẫu giám sát: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

4. Thời gian giám sát

a) Thời gian giám sát được tính từ ngày chủ cơ sở, Ủy ban nhân dân thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh;

b) Thời gian giám sát đảm bảo tối thiểu 12 tháng (bao gồm cả thời gian nghỉ giữa các vụ nuôi trong năm) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh.

Điều 7. Lấy mẫu và xét nghiệm mẫu

1. Đối với cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn

a) Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê;

b) Cơ sở không áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát bệnh để phát hiện tác nhân gây bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên; số lượng mẫu giám sát theo quy định tại mục I của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với bệnh đăng ký công nhận an toàn (không có tác nhân gây bệnh hoặc không có kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên);

c) Cơ sở áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch; số lượng mẫu giám sát sau tiêm phòng theo quy định tại mục II của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; tỷ lệ động vật có đáp ứng miễn dịch đối với bệnh đăng ký công nhận an toàn phải dạt từ 70% trở lên;

d) Trường hợp kết quả giám sát sau tiêm phòng không đạt yêu cầu hoặc không thực hiện giám sát sau tiêm phòng, cơ sở được phép áp dụng giám sát bệnh để phát hiện tác nhân gây bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên theo quy định tại điểm b khoản này, hoặc thực hiện việc tiêm phòng lại và giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch theo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Tần suất lấy mẫu: Lấy mẫu tối thiểu 02 lần/12 tháng, mỗi lần cách nhau ít nhất 03 tháng đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh; lấy mẫu tối thiểu 01 lần/12 tháng đối với cơ sở duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh.

2. Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản

a) Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê;

b) Số lượng mẫu giám sát theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Phương thức giám sát phát hiện tác nhân gây bệnh và kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn;

c) Tần suất lấy mẫu: Thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Đối với vùng chăn nuôi động vật trên cạn

a) Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê nhiều giai đoạn;

b) Vùng không áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát bệnh để phát hiện mầm bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên; số lượng mẫu giám sát theo quy định tại mục III của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số mẫu âm tính với bệnh đăng ký công nhận an toàn (không có tác nhân gây bệnh hoặc không có kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên);

c) Vùng áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin: Thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch; số lượng mẫu giám sát theo quy định tại mục II của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; tỷ lệ động vật có đáp ứng miễn dịch đối với bệnh đăng ký công nhận an toàn phải đạt từ 70% trở lên;

d) Trường hợp kết quả giám sát sau tiêm phòng không đạt yêu cầu hoặc không thực hiện giám sát sau tiêm phòng, vùng được phép áp dụng giám sát bệnh để phát hiện mầm bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên theo quy định tại điểm b khoản này, hoặc thực hiện việc tiêm phòng lại và giám sát sau tiêm phòng để đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng theo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Tần suất lấy mẫu: Lấy mẫu tối thiểu 02 lần/12 tháng, mỗi lần cách nhau ít nhất 03 tháng đối với vùng lần đầu đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh; lấy mẫu tối thiểu 01 lần/12 tháng đối với vùng duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh;

e) Phương pháp lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu giám sát đối với cơ sở được lựa chọn trong vùng theo quy định tại khoản 5 Điều này.

4. Đối với vùng nuôi trồng thủy sản

a) Căn cứ vào số lượng cơ sở hoạt động và số ao/bể đang sản xuất trong cơ sở tại thời điểm lấy mẫu để tính số lượng cơ sở và số lượng ao/bể cần phải lấy mẫu giám sát, áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo xác suất thống kê để lựa chọn cơ sở, ao/bể lấy mẫu;

b) Số lượng cơ sở cần phải lấy mẫu giám sát và số lượng mẫu cần lấy tại mỗi cơ sở theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Phương thức giám sát là phát hiện tác nhân gây bệnh và kết quả xét nghiệm phải bảo đảm 100% số cơ sở âm tính đối với tác nhân gây bệnh đăng ký công nhận an toàn;

c) Tần suất lấy mẫu: Thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

d) Phương pháp lấy mẫu, chủng loại mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu giám sát đối với cơ sở được lựa chọn trong vùng theo quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Phương pháp lấy mẫu, chủng loại mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu giám sát

a) Thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc theo hướng dẫn của Cục Thú y đối với từng bệnh cụ thể;

b) Trường hợp cơ sở có nhân viên kỹ thuật đã được Cơ quan thú y tập huấn lấy mẫu, bảo quản mẫu: Cơ sở chủ động lấy mẫu theo kế hoạch và phải thống nhất với Cơ quan thú y để giám sát quá trình lấy mẫu;

c) Trường hợp cơ sở chưa có nhân viên kỹ thuật được Cơ quan thú y tập huấn lấy mẫu, bảo quản mẫu: Cơ sở thống nhất với Cơ quan thú y để tổ chức lấy mẫu cho cơ sở;

d) Các hoạt động lấy mẫu, giám sát lấy mẫu phải có biên bản lưu giữ trong hồ sơ giám sát tại cơ sở hoặc tại vùng.

6. Xét nghiệm mẫu giám sát

a) Mẫu giám sát phục vụ mục đích đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm trực thuộc Cục Thú y, được công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 17025 và phải sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y;

b) Mẫu giám sát phục vụ mục đích đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh nhưng không thuộc điểm a khoản này phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm trực thuộc Cơ quan thú y được công nhận phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 17025, được Cục Thú y đánh giá và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định; sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y;

c) Mẫu giám sát phục vụ mục đích duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này hoặc phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật); sử dụng phép thử theo hướng dẫn của Cục Thú y.

7. Trường hợp kết quả xét nghiệm mẫu giám sát dương tính với bệnh đăng ký công nhận an toàn, Cơ quan thú y hướng dẫn cơ sở, vùng thực hiện các biện pháp chống dịch bệnh theo quy định. Chủ cơ sở, Ủy ban nhân dân theo phân công, phân cấp điều chỉnh và thực hiện lại các kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh theo thời gian quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này, bắt đầu từ thời điểm xử lý xong dịch bệnh.

Điều 8. Kế hoạch ứng phó dịch bệnh

1. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch ứng phó dịch bệnh

a) Đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Chủ cơ sở tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và có biện pháp khắc phục, bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tại cơ sở, hoặc các sự cố ở khu vực xung quanh có nguy cơ gây mất an toàn dịch bệnh cho cơ sở; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

b) Đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh: Ủy ban nhân dân theo phân công, phân cấp tổ chức xây dựng và thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và có biện pháp khắc phục, bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tại cơ sở hoặc các sự cố ở khu vực xung quanh có nguy cơ gây mất an toàn dịch bệnh cho cơ sở; lưu giữ thông tin, dữ liệu theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

2. Nội dung kế hoạch ứng phó dịch bệnh

a) Dự phòng các nguồn lực, bảo đảm phân công rõ trách nhiệm những người tham gia, đáp ứng yêu cầu để xử lý dịch bệnh; tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tại cơ sở hoặc vùng hoặc tại khu vực xung quanh; dự phòng đủ kinh phí, hóa chất, bảo hộ cá nhân, phương tiện, dụng cụ chuyên dùng để xử lý dịch bệnh; có phương án xử lý động vật chết, mắc bệnh, nghi mắc bệnh và động vật tại cơ sở hoặc vùng theo quy định;

b) Báo cáo cho chính quyền địa phương và Cơ quan thú y về tình hình và các biện pháp xử lý dịch bệnh tại cơ sở hoặc vùng để xác định nguyên nhân và hạn chế lây lan dịch bệnh;

c) Phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện điều tra, chẩn đoán, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh;

d) Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường theo quy định;

đ) Chỉ nuôi, thả lại tại nơi đã xảy ra dịch bệnh sau khi đã xử lý xong dịch bệnh động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cơ quan thú y.

Điều 9. Cơ sở, vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu

1. Cơ sở, vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu phải thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

2. Căn cứ quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu và hướng dẫn của Cục Thú y, chủ cơ sở (đối với cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh) hoặc Ủy ban nhân dân theo phân công, phân cấp (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh) tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh và kế hoạch ứng phó dịch bệnh.

3. Tần suất, số lượng mẫu, phương thức giám sát, tỷ lệ lưu hành theo quy định của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu hoặc theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.

4. Mẫu giám sát phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

Chương II

CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Mục 1. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Điều 10. Điều kiện được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan thú y

a) Vị trí địa lý đáp ứng các quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản; tách biệt với cơ sở khác có chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cùng loài động vật cảm nhiễm; tách biệt với các nguồn có khả năng làm lây nhiễm bệnh đăng ký công nhận an toàn;

b) Khu vực xử lý xác động vật, chất thải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thú y; khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải ngăn cách với các khu vực khác của cơ sở; các khu vực có nguy cơ nhiễm chéo phải có biển cảnh báo và bố trí tách biệt với nhau, bao gồm: Kho để vật tư nông nghiệp; khu nuôi cách ly động vật; khu vực mổ khám; khu xử lý xác động vật; khu vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

c) Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh theo quy định hiện hành;

d) Có biện pháp ngăn chặn động vật hoang dã, các loài động vật khác và vật chủ trung gian truyền bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

đ) Có hệ thống khử trùng, tiêu độc cho người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết khác tại lối ra, vào cơ sở, khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

e) Có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phù hợp với đối tượng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, dễ vệ sinh, khử trùng để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh;

g) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Có kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

3. Không xảy ra dịch bệnh động vật: Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

4. Hoạt động thú y tại cơ sở bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật

a) Thực hiện theo quy định tương ứng tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25, 27, 28, 29, 32, 33 và Điều 35 Luật Thú y, quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định tại Thông tư này;

b) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 11. Tình trạng dịch bệnh tại cơ sở đăng ký công nhận an toàn toàn dịch bệnh

1. Đối với các cơ sở lần đầu có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong thời gian dưới 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh được xem xét công nhận an toàn dịch bệnh khi đáp ứng:

a) Không có bệnh đăng ký công nhận an toàn trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu hoạt động đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký công nhận;

b) Địa bàn cấp xã nơi có cơ sở đăng ký không có bệnh đăng ký công nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký;

c) Tần suất, phương pháp lấy mẫu thực hiện theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 7 Thông tư này. Mẫu giám sát có kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

2. Đối với các cơ sở không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này: Không có bệnh đăng ký công nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký và mẫu giám sát có kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

Điều 12. Quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

1. Thông tin, dữ liệu phải lưu giữ

a) Thực hành an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và quản lý của cơ sở;

b) Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào cơ sở;

c) Hoạt động phòng bệnh cho động vật nuôi (loại vắc xin sử dụng, ngày sử dụng vắc xin); nguồn thức ăn (loại, số lượng); hoạt động vệ sinh, khử trùng tiêu độc (loại hóa chất khử trùng, liều lượng); nhật ký người ra, vào cơ sở;

d) Thông tin về tình trạng dịch bệnh tại cơ sở và các biện pháp xử lý động vật mắc bệnh (nếu có): Thời gian phát bệnh, dấu hiệu của bệnh, số lượng động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo từng ngày, kết quả xét nghiệm (phòng xét nghiệm, loại mẫu, số lượng mẫu, ngày gửi mẫu và kết quả xét nghiệm); thuốc, vắc xin thú y và thời gian sử dụng; biện pháp xử lý động vật mắc bệnh; cấp nước, xử lý nước thải; xử lý môi trường và biện pháp chống dịch;

đ) Tài liệu đào tạo, tập huấn;

e) Hồ sơ gốc đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh.

2. Thời gian lưu giữ dữ liệu, tài liệu theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

3. Hệ thống truy xuất nguồn gốc

a) Đảm bảo lưu giữ đầy đủ các loại thông tin, dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có biện pháp đánh dấu, nhận diện đối với từng cá thể hoặc có biện pháp truy xuất phù hợp đối với cơ sở chăn nuôi, ao nuôi, đợt nuôi theo hướng dẫn của Cơ quan thú y;

c) Hệ thống dữ liệu phải bảo đảm truy xuất được động vật đưa vào, ra khỏi cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tình trạng sức khỏe động vật và các hoạt động thú y có liên quan trong suốt quá trình nuôi;

d) Có hệ thống quản lý, nhận diện nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ các lô thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm nhập vào và sử dụng trong cơ sở.

Mục 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Điều 13. Hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Chủ cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan thú y theo một trong các hình thức: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

2. Hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật gồm:

a) Đơn đăng ký theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản mô tả thông tin về cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với trường hợp cơ sở chưa đạt yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 16, chủ cơ sở gửi báo cáo khắc phục sai lỗi đến Cơ quan thú y theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 14. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thú y tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo cho chủ cơ sở về kế hoạch đánh giá thực tế tại cơ sở. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở để hoàn thiện.

2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư này, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thú y tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo bằng văn bản cho chủ cơ sở để hoàn thiện.

Điều 15. Tổ chức đánh giá cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thẩm định xong nội dung của hồ sơ, Cơ quan thú y thành lập Đoàn đánh giá và thực hiện đánh giá tại cơ sở theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

2. Thành phần Đoàn đánh giá gồm:

a) Trưởng đoàn: Là lãnh đạo cấp phòng trở lên của Cơ quan thú y;

b) Thành viên: Là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cấp phòng của Cơ quan thú y và các đơn vị khác có liên quan.

3. Số lượng thành viên tham gia Đoàn đánh giá: Không quá 05 người.

Điều 16. Nội dung đánh giá tại cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Đánh giá mức độ đáp ứng các quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Thông tư này. Đối với các nội dung có liên quan đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đạt yêu cầu, cơ sở được miễn đánh giá các nội dung đó.

2. Kiểm tra việc quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

3. Kiểm tra kiến thức và thực hành của người phụ trách thú y tại cơ sở về các dấu hiệu để nhận biết dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý tình huống khi xuất hiện dịch bệnh động vật tại cơ sở.

4. Trong quá trình đánh giá tại cơ sở, nếu phát hiện động vật có dấu hiệu nghi mắc bệnh hoặc cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, Đoàn đánh giá thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

5. Tại thời điểm kết thúc việc kiểm tra, đánh giá tại cơ sở, Đoàn đánh giá:

a) Lập biên bản theo mẫu tại Phụ lục VII (đối với kiểm tra, đánh giá cơ sở đăng ký an toàn dịch bệnh động vật trên cạn) hoặc Phụ lục X (đối với kiểm tra, đánh giá cơ sở đăng ký an toàn dịch bệnh động vật thủy sản) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thông báo kết quả đánh giá cho chủ cơ sở, đồng thời báo cáo kết quả đánh giá bằng văn bản cho lãnh đạo Cơ quan thú y;

c) Thống nhất với cơ sở về thời gian, nội dung khắc phục sai lỗi với các trường hợp chưa đạt yêu cầu.

6. Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh lây lan sang người hoặc dịch bệnh động vật nguy hiểm phải công bố dịch theo quy định của pháp luật về thú y

a) Đoàn đánh giá áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến đối với cơ sở đáp ứng yêu cầu về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật thực hiện (máy tính, đường truyền internet, ứng dụng phần mềm, máy ghi âm, ghi hình). Cơ quan thú y cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đối với cơ sở đạt yêu cầu theo quy định;

b) Chủ cơ sở chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin, dữ liệu, tài liệu, hình ảnh, hồ sơ cung cấp cho Đoàn đánh giá;

c) Trường hợp cần thiết, Cơ quan thú y tổ chức đánh giá trực tiếp tại cơ sở sau khi thiên tai, dịch bệnh đã được kiểm soát theo quy định của pháp luật;

d) Tạm hoãn tối đa 06 tháng hoạt động đánh giá định kỳ theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

Điều 17. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc đánh giá tại cơ sở hoặc kể từ ngày nhận kết quả xét nghiệm bệnh theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư này:

a) Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở đạt yêu cầu và bổ sung tên cơ sở vào danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật;

b) Cơ quan thú y có văn bản trả lời nêu rõ lý do với trường hợp cơ sở có kết quả đánh giá không đạt yêu cầu.

2. Mẫu Giấy chứng nhận

a) Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại mục 1 của Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu;

b) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại mục 2 của Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp cơ sở thay đổi địa điểm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải thực hiện các kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh và ứng phó dịch bệnh theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 và Điều 8 Thông tư này; thực hiện đăng ký công nhận theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 và Điều 14 Thông tư này. Cơ quan thú y thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại các Điều 15, 16, 17 và Điều 18 Thông tư này.

Điều 18. Hiệu lực Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Giấy chứng nhận có hiệu lực 05 năm kể từ ngày cấp.

2. Giấy chứng nhận hết hiệu lực thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Sau 05 năm kể từ ngày cấp;

b) Cơ sở bị giải thể hoặc không còn hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đối với loại động vật đã được công nhận an toàn dịch bệnh;

c) Xảy ra bệnh hoặc phát hiện tác nhân gây bệnh đã được công nhận an toàn tại cơ sở;

d) Không thực hiện các biện pháp duy trì điều kiện cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Điều 21 Thông tư này hoặc không thực hiện khắc phục sai lỗi theo kết quả kiểm tra của Cơ quan thú y;

đ) Cung cấp hồ sơ, dữ liệu không chính xác theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 16 Thông tư này.

3. Cơ quan thú y đưa tên cơ sở ra khỏi danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với các cơ sở quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 19. Cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Cơ quan thú y thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với các trường hợp sau:

a) Cơ sở có Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Thông tư này;

b) Cơ sở có Giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực nhưng bị hỏng, thất lạc hoặc có sự thay đổi, bổ sung thông tin về cơ sở trên Giấy chứng nhận;

c) Cơ sở quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 18 Thông tư này đã thực hiện các biện pháp khắc phục sai lỗi và thực hiện các biện pháp duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh;

d) Cơ sở quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Thông tư này; đã xử lý dịch bệnh theo quy định và thực hiện giám sát dịch bệnh theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

a) Chủ cơ sở đăng ký cấp lại Giấy nhận an toàn dịch bệnh động vật nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan thú y theo một trong các hình thức: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Cơ sở thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Thông tư này, chủ cơ sở gửi hồ sơ trong khoảng thời gian 03 tháng trước khi hết hiệu lực của Giấy chứng nhận;

b) Hồ sơ đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật bao gồm: Đơn đăng ký theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và báo cáo khắc phục sai lỗi (đối với cơ sở quy định tại điểm c khoản 1 Điều này), báo cáo xử lý dịch bệnh và kết quả giám sát dịch bệnh (đối với cơ sở quy định tại điểm d khoản 1 Điều này);

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, căn cứ kết quả đánh giá định kỳ hàng năm hoặc báo cáo khắc phục sai lỗi (đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này) hoặc báo cáo xử lý dịch bệnh và kết quả giám sát dịch bệnh (đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này), Cơ quan thú y thẩm định và cấp lại Giấy chứng nhận cho cơ sở. Trường hợp không cấp lại, Cơ quan thú y trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Mẫu Giấy chứng nhận được cấp lại: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này.

4. Hiệu lực của Giấy chứng nhận được cấp lại

a) Đối với trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này, hiệu lực của Giấy chứng nhận là 05 năm kể từ ngày cấp lại;

b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì hiệu lực của Giấy chứng nhận được giữ nguyên như Giấy chứng nhận đã được cấp trước đó.

Điều 20. Đánh giá định kỳ, đột xuất cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Đánh giá định kỳ

Định kỳ hằng năm, theo kế hoạch quy định tại khoản 4 Điều 35 hoặc khoản 4 Điều 36 Thông tư này, Cơ quan thú y thông báo và thực hiện kế hoạch đánh giá 01 lần tại cơ sở đã được công nhận an toàn, nội dung đánh giá bao gồm:

a) Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 16 Thông tư này và kết quả triển khai các kế hoạch của cơ sở trong năm;

b) Kết quả xét nghiệm bệnh của phòng thử nghiệm theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Thông tư này và việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch động vật.

2. Đánh giá đột xuất

Cơ quan thú y thành lập Đoàn đánh giá khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Phát hiện cơ sở an toàn dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh;

b) Theo yêu cầu của nước nhập khẩu (đối với các trường hợp cơ sở an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu hoặc hỗn hợp);

c) Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

3. Kết quả kiểm tra, đánh giá định kỳ tại cơ sở an toàn dịch bệnh được thể hiện trong Biên bản kiểm tra của Đoàn đánh giá. Các trường hợp kiểm tra không đạt yêu cầu, Cơ quan thú y phải có thông báo bằng văn bản trong đó ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thành khắc phục sai lỗi.

4. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh thực hiện đánh giá theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Thông tư này.

Điều 21. Duy trì điều kiện của cơ sở sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Duy trì điều kiện đối với cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Điều 10 Thông tư này. Thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh đối với bệnh đã được công nhận an toàn, bao gồm cả việc lấy mẫu đúng, đủ số lượng với tần suất tối thiểu 01 lần/12 tháng và gửi mẫu xét nghiệm bệnh theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

2. Thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cơ quan thú y.

3. Duy trì thực hiện kế hoạch an toàn sinh học theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

4. Quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc động vật, vật tư đầu vào cơ sở theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Chương III

VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Mục 1. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Điều 22. Điều kiện được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan thú y

a) Vùng chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản do Cơ quan thú y xác định và đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật quyết định và chỉ đạo tổ chức xây dựng;

b) Hoạt động phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong vùng phải bảo đảm có đủ nguồn lực để kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;

c) Có biện pháp kiểm soát đối với động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trước khi vào vùng an toàn dịch bệnh động vật nhằm giảm thiểu nguy cơ tác nhân gây bệnh xâm nhiễm, lây lan trong vùng;

d) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 Thông tư này;

đ) Các cơ sở giết mổ động vật, chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh trong vùng phải được Cơ quan thú y giám sát và tuân thủ quy định của pháp luật về thú y.

2. Có kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

3. Không xảy ra dịch bệnh động vật: Thực hiện theo quy định tại Điều 23 Thông tư này.

4. Hoạt động thú y tại vùng được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

Điều 23. Tình trạng dịch bệnh trong vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Không có ca bệnh của bệnh đăng ký công nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.

2. Có kết quả giám sát đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 24. Quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

1. Các cơ sở trong vùng tuân thủ việc lưu giữ thông tin theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổng hợp lưu giữ các tài liệu liên quan đến hoạt động chung của vùng.

3. Tài liệu lưu giữ tại vùng phải cung cấp được các bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng thường xuyên và có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh.

4. Thông tin, dữ liệu phải được ghi chép, lưu giữ minh bạch, thuận lợi cho việc kiểm tra, truy xuất.

Điều 25. Hoạt động thú y trong vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật

Hoạt động thú y trong vùng được thực hiện theo quy định tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25 và Điều 27 Luật Thú y (đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn) hoặc các Điều 32, 33 và Điều 35 Luật Thú y (đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật thủy sản), các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật (trong phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y) và các quy định tại Thông tư này.

Mục 2. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Điều 26. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp xã, phường, thị trấn), Ủy ban nhân dân cấp cấp huyện (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương), Ủy ban nhân dân cấp cấp tỉnh (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ chức lập hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh và nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan thú y theo một trong các hình thức: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.

2. Hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật gồm:

a) Văn bản đề nghị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản mô tả thông tin về vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với trường hợp vùng chưa đạt yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 29, Ủy ban nhân dân gửi báo cáo khắc phục sai lỗi đến Cơ quan thú y theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 27. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thú y tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo cho Ủy ban nhân dân về kế hoạch đánh giá thực tế tại vùng. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân để hoàn thiện.

2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư này, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thú y tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan thú y thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân để hoàn thiện.

Điều 28. Tổ chức đánh giá vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thẩm định xong nội dung của hồ sơ, Cơ quan thú y tổ chức Đoàn đánh giá và thực hiện đánh giá tại vùng theo quy định tại Điều 29 Thông tư này.

2. Thành phần Đoàn đánh giá gồm:

a) Trưởng đoàn: Là lãnh đạo cấp phòng trở lên của Cơ quan thú y;

b) Thành viên: Là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cấp phòng của Cơ quan thú y và các đơn vị khác có liên quan.

3. Số lượng thành viên tham gia Đoàn đánh giá: Không quá 07 người.

Điều 29. Nội dung đánh giá tại vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Tại thời điểm đánh giá, Đoàn lựa chọn ngẫu nhiên một số cơ sở trong vùng để đánh giá các nội dung theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 16 Thông tư này và điều kiện an toàn sinh học các khu vực chung trong vùng.

2. Đánh giá mức độ đáp ứng các quy định tại các Điều 22, 23 và Điều 25 Thông tư này.

3. Kiểm tra việc quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

4. Trong quá trình đánh giá, nếu phát hiện động vật có dấu hiệu nghi mắc bệnh hoặc không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, Đoàn đánh giá lấy mẫu để xét nghiệm theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

5. Tại thời điểm kết thúc việc kiểm tra, đánh giá tại vùng, Đoàn đánh giá:

a) Lập biên bản theo mẫu tại Phụ lục VIII (đối với vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật trên cạn) hoặc Phụ lục IX (đối với vùng đăng ký an toàn bệnh Dại động vật) hoặc Phụ lục XI (đối với vùng đăng ký an toàn dịch bệnh động vật thủy sản) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thông báo kết quả đánh giá cho Ủy ban nhân dân, đồng thời báo cáo kết quả đánh giá bằng văn bản cho lãnh đạo Cơ quan thú y;

c) Thống nhất với Ủy ban nhân dân về thời gian, nội dung khắc phục sai lỗi với các trường hợp không đạt yêu cầu.

6. Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh lây lan sang người hoặc dịch bệnh động vật nguy hiểm phải công bố dịch theo quy định của pháp luật về thú y: Thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều 16 Thông tư này.

Điều 30. Cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc đánh giá tại vùng hoặc kể từ ngày nhận kết quả xét nghiệm bệnh theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Thông tư này:

a) Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận cho vùng đạt yêu cầu và bổ sung tên vùng vào danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật;

b) Cơ quan thú y có văn bản trả lời nêu rõ lý do với trường hợp vùng có kết quả đánh giá không đạt yêu cầu.

2. Mẫu Giấy chứng nhận: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này.

Điều 31. Hiệu lực Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Giấy chứng nhận có hiệu lực 05 năm kể từ ngày cấp.

2. Giấy chứng nhận hết hiệu lực thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Sau 05 năm kể từ ngày cấp;

b) Ủy ban nhân dân có văn bản gửi Cơ quan thú y thông báo không có nguyện vọng duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh của vùng;

c) Vùng xảy ra bệnh hoặc phát hiện tác nhân gây bệnh đã được công nhận an toàn tại vùng;

d) Không thực hiện các biện pháp duy trì điều kiện vùng an toàn dịch bệnh quy định tại Điều 34 Thông tư này hoặc không thực hiện khắc phục sai lỗi theo kết quả kiểm tra của Cơ quan thú y;

đ) Cung cấp hồ sơ, dữ liệu không chính xác theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 16 Thông tư này.

3. Cơ quan thú y đưa tên vùng ra khỏi danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với các vùng quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 32. Cấp lại Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Cơ quan thú y thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận đối với các trường hợp sau:

a) Vùng có Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Thông tư này;

b) Vùng có Giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực nhưng bị hỏng, thất lạc hoặc có sự thay đổi, bổ sung thông tin trên Giấy chứng nhận;

c) Đã thực hiện các biện pháp khắc phục sai lỗi và thực hiện các biện pháp duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh đối với trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 31 Thông tư này;

d) Xảy ra bệnh hoặc phát hiện tác nhân gây bệnh đã được công nhận an toàn tại vùng; đã xử lý dịch bệnh theo quy định và thực hiện giám sát dịch bệnh theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

a) Ủy ban nhân dân nơi đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan thú y theo một trong các hình thức sau: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Vùng thuộc trường hợp có Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Thông tư này, Ủy ban nhân dân gửi hồ sơ trong khoảng thời gian 03 tháng trước khi hết hiệu lực của Giấy chứng nhận;

b) Hồ sơ đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật bao gồm: Văn bản đề nghị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và báo cáo khắc phục sai lỗi (đối với vùng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này), báo cáo xử lý dịch bệnh và kết quả giám sát dịch bệnh (đối với vùng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này);

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, căn cứ vào kết quả đánh giá định kỳ hàng năm hoặc báo cáo khắc phục sai lỗi (đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này), hoặc báo cáo kết quả xử lý dịch bệnh và giám sát dịch bệnh (đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này) Cơ quan thú y thẩm định và cấp lại Giấy chứng nhận cho vùng. Trường hợp không cấp lại, Cơ quan thú y phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Mẫu Giấy chứng nhận được cấp lại: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này.

4. Hiệu lực của Giấy chứng nhận được cấp lại

a) Đối với trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này, hiệu lực của Giấy chứng nhận là 05 năm kể từ ngày cấp lại;

b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, hiệu lực của Giấy chứng nhận được giữ nguyên như Giấy chứng nhận đã được cấp trước đó.

Điều 33. Đánh giá định kỳ, đột xuất tại vùng an toàn dịch bệnh động vật

1. Đánh giá định kỳ

Định kỳ hằng năm, theo kế hoạch quy định tại khoản 4 Điều 35 hoặc khoản 4 Điều 36 Thông tư này, Cơ quan thú y thông báo và thực hiện kế hoạch đánh giá 01 lần đối với vùng đã được công nhận an toàn, nội dung đánh giá bao gồm:

a) Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 29 Thông tư này và kết quả triển khai các kế hoạch hoạt động của vùng trong năm;

b) Kết quả xét nghiệm bệnh của Phòng thử nghiệm theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này và việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch động vật.

2. Đánh giá đột xuất

Cơ quan thú y thành lập Đoàn đánh giá khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Phát hiện vùng an toàn dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh;

b) Theo yêu cầu của nước nhập khẩu (đối với các trường hợp vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu hoặc hỗn hợp);

c) Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

3. Kết quả kiểm tra, đánh giá định kỳ tại vùng an toàn dịch bệnh được thể hiện trong Biên bản kiểm tra của Đoàn đánh giá. Các trường hợp kiểm tra không đạt yêu cầu, Cơ quan thú y phải có thông báo bằng văn bản trong đó ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thành khắc phục sai lỗi.

4. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh thực hiện đánh giá theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Thông tư này.

Điều 34. Duy trì điều kiện của vùng sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật

1. Duy trì điều kiện đối với vùng an toàn dịch bệnh theo quy định tại Điều 22 Thông tư này. Thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh đối với bệnh đã được công nhận an toàn, bao gồm cả việc lấy mẫu đúng, đủ số lượng với tần suất tối thiểu 01 lần/12 tháng và gửi mẫu xét nghiệm bệnh theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 7 Thông tư này.

2. Thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại vùng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cơ quan thú y.

3. Duy trì thực hiện kế hoạch an toàn sinh học theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

4. Quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc động vật, vật tư đầu vào vùng theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN

Điều 35. Cục Thú y

1. Tổ chức hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

2. Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận của Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư này; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động của phòng thử nghiệm xét nghiệm bệnh động vật theo quy định tại khoản 6 Điều 7 của Thông tư này.

3. Công bố danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cổng thông tin điện tử của Cục Thú y.

4. Tổ chức quản lý và hằng năm xây dựng kế hoạch đánh giá định kỳ các cơ sở, vùng đã được công nhận an toàn dịch bệnh.

5. Bảo mật và lưu giữ hồ sơ liên quan đến việc đăng ký, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và công nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

6. Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về:

a) Lấy mẫu, bảo quản mẫu cho cơ quan thú y cấp tỉnh và các cơ sở, vùng có nhu cầu;

b) Kiểm tra, đánh giá và công nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

7. Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, bao gồm hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm mẫu giám sát dịch bệnh động vật trên phạm vi toàn quốc.

8. Tổ chức kiểm tra, đánh giá đột xuất khi phát hiện vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, làm lây lan dịch bệnh.

9. Tổ chức xây dựng hệ thống báo cáo trực tuyến quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin và có lộ trình chuyển đổi số trong công tác thú y, quản lý cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Điều 36. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh

1. Tổ chức thẩm định, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Thú y trong quá trình thẩm định, kiểm tra, đánh giá và cấp, cấp lại Giấy chứng nhận, kiểm tra, thanh tra hoạt động của phòng thử nghiệm xét nghiệm bệnh động vật trên địa bàn.

3. Công bố công khai danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cổng thông tin điện tử hoặc tại trụ sở của đơn vị.

4. Tổ chức quản lý và hằng năm xây dựng kế hoạch đánh giá định kỳ các cơ sở, vùng đã được công nhận an toàn dịch bệnh. Tổ chức kiểm tra, đánh giá đột xuất theo thẩm quyền khi phát hiện vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, làm lây lan dịch bệnh.

5. Bảo mật và lưu giữ hồ sơ liên quan đến việc đăng ký, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và công nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

6. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo thẩm quyền, bao gồm cả lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật tại các cơ sở do Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận.

7. Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về lấy mẫu, bảo quản mẫu cho các cơ sở, vùng có nhu cầu.

8. Báo cáo Cục Thú y

a) Những trường hợp vượt thẩm quyền xử lý hoặc chưa có quy định;

b) Danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được cấp, cấp lại Giấy chứng nhận; danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật có Giấy chứng nhận hết hiệu lực ở địa phương;

c) Thông tin, số liệu về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Điều 37. Cơ sở, vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh

1. Tuân thủ các hướng dẫn, kế hoạch giám sát dịch bệnh đã được phê duyệt.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện việc giám sát, thẩm định, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tại cơ sở, vùng đăng ký an toàn dịch bệnh.

3. Thực hiện duy trì điều kiện của cơ sở, vùng theo quy định tại Điều 21 hoặc Điều 34 Thông tư này sau khi được công nhận an toàn dịch bệnh.

4. Thông báo kịp thời và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu của nước nhập khẩu.

5. Cung cấp, báo cáo đầy đủ thông tin, dữ liệu về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh thông qua hệ thống báo cáo trực tuyến quốc gia.

6. Chi trả các chi phí liên quan theo quy định hiện hành.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các cơ sở, vùng đã triển khai xây dựng an toàn dịch bệnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực, việc cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm xây dựng.

2. Đối với các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được cấp Giấy chứng nhận:

a) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, cần phải bổ sung: Kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh, kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Thông tư này;

b) Duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định tại Điều 21 hoặc Điều 34 Thông tư này.

Điều 39. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Các Bộ, ngành liên quan;
- UBND các tỉnh, TP;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Cục Thú y;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP;
- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, TP;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Lưu; VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

PHỤ LỤC I

MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ
CÔNG NHẬN CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…………, ngày…… tháng….. năm……..

ĐƠN ĐĂNG KÝ
CÔNG NHẬN CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

□ TRÊN CẠN □ THỦY SẢN

Kính gửi: (Cơ quan thú y)

1. Tên cơ sở : ……………………………………………………………………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………….

Điện thoại:………………… Fax:………………… Email: ……………………………………..

Cơ sở thuộc trường hợp:

□ Mới xây dựng, lần đầu có hoạt động

□ Cơ sở đã hoạt động….. năm, từ năm: ………………….

2. Tên chủ cơ sở: …………………………………………………………………………………

Địa chỉ thường trú: …………………………………………………………………………………

Điện thoại:…………………………… Fax:…………………. Email: ……………………………

3. Đăng ký cấp Giấy chứng nhận:

□ Cấp □ Cấp lại, lý do xin cấp lại: ………………………………………………………………

4. Đối tượng nuôi (ghi tên loài và tên khoa học của loài đối với động vật thủy sản):

…………………………………………………………………………………………………

5. Loại hình hoạt động:

□ Sản xuất giống □ Nuôi thương phẩm □ Làm cảnh

□ Khác (ghi rõ): ………………………

6. Thị trường tiêu thụ: □ Nội địa □ Xuất khẩu □ Hỗn hợp

7. Cơ sở đăng ký công nhận an toàn đối với bệnh: ………………………………….……

8. Hồ sơ đăng ký gồm (Liệt kê thành phần hồ sơ theo quy định): …………………….……

Tôi xin cam đoan các thông tin trên đây là hoàn toàn chính xác.

Đề nghị……… cấp/cấp lại Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh./.

Người làm đơn
(ký, ghi họ tên, đóng dấu (nếu có))

PHỤ LỤC II

MẪU VĂN BẢN ĐĂNG KÝ
CÔNG NHẬN VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

ỦY BAN NHÂN DÂN ….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………………
V/v đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật

………, ngày ... tháng ... năm….

Kính gửi: (Cơ quan thú y).

Thực hiện quy định tại Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, Ủy ban nhân dân xã/huyện/tỉnh….. đề nghị .... cấp/cấp lại Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

1. Đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh

(Ghi rõ tên bệnh và tên loài động vật nuôi đăng ký công nhận an toàn).

2. Thị trường tiêu thụ

(Ghi rõ thị trường tiêu thụ: Nội địa, xuất khẩu, hỗn hợp).

3. Hồ sơ đăng ký

(Liệt kê thành phần hồ sơ theo quy định).


Nơi nhận:
- Như trên;
- ….
- Lưu:……

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH….
(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC III

BẢN MÔ TẢ THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ ĐĂNG KÝ CÔNG NHÂN AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

A. BẢN MÔ TẢ THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ ĐĂNG KÝ CÔNG NHẬN AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin về s

Tên cơ sở: ………………………………………………………………………………………….

Người đại diện…………………………………………………… chức vụ: …………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………

Địa chỉ cơ sở: ………………………………………………………………………………………

Điện thoại:……………………………………… Email: ………………………………………….

Vị trí địa lý: Kinh độ………………………… Vĩ độ: ……………………………………………..

Phân loại cơ sở:

□ Sản xuất giống □ Thương phẩm □ Làm cảnh

□ Khác ………………………………………………………………………………………………

- Tổng diện tích đất tự nhiên ……………………………………………………………………..

- Vùng tiếp giáp xung quanh ……………………………………………………………………..

2. Cơ sở vật chất (Gửi kèm sơ đồ bố trí mặt bằng của cơ sở)

- Hàng rào (tường) ngăn cách:

□ Có □ Không

- Khu hành chính gồm: Phòng thường trực:

□ Có □ Không

Phòng giao dịch:

□ Có □ Không

- Khu chăn nuôi: (sơ đồ bố trí mặt bằng khu chăn nuôi)

- Khu nhà kho: Có kho thức ăn riêng biệt với diện tích ………………………………………

Có kho chứa dụng cụ, phương tiện chăn nuôi với diện tích.

- Khu xử lý chất thải: Bể hoặc nơi tập trung chất thải: □ Có □ Không

(Nếu , mô tả hệ thống xử chất thải) ……………………………………………………….

- Khu cách ly: Động vật mới nhập: □ Có □ Không

Động vật bệnh: □ Có □ Không

- Khu vực xử lý động vật: □ Có □ Không

- Bảo hộ lao động cá nhân (quần, áo, ủng, mũ,...) dùng trong khu chăn nuôi: □ Có □ Không

- Phòng thay quần áo: □ Có □ Không

- Phòng tắm sát trùng trước khi vào khu chăn nuôi: □ Có □ Không

- Hố sát trùng ở cổng trước khu chăn nuôi: □ Có □ Không

3. Quy mô, cơ cấu đàn, sản phẩm, sản lượng

Ghi rõ quy mô, cơ cấu, sản phẩm, sản lượng hàng năm ……………………………………

4. Nguồn nhân lực

Ghi rõ số lượng, trình độ chuyên môn của người quản lý kỹ thuật/phụ trách thú y của cơ sở; các khóa đào tạo, tập huấn đã tham gia và được cấp chứng nhận,....

5. Hệ thống quản lý chăn nuôi

Mô tả việc thực hiện các quy định của pháp luật về chăn nuôi.

6. Tình hình dịch bệnh tại cơ sở

- Tình hình dịch bệnh động vật tại cơ sở trong 12 tháng qua.

- Công tác tiêm phòng hàng năm, đại trà, bổ sung, số lượng, tỷ lệ tiêm mỗi loại bệnh.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH AN TOÀN SINH HỌC

Nội dung chính bao gồm:

1. Các biện pháp chủ động phòng bệnh cho động vật nuôi theo quy định hiện hành.

2. Xác định các mối nguy (liệt kê các mối nguy theo điều kiện tự nhiên và xã hội tại cơ sở), phân tích nguy cơ.

3. Các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tác nhân gây bệnh có thể xâm nhiễm từ ngoài vào hoặc lây lan bên trong cơ sở (mô tả các quy trình an toàn sinh học tại cơ sở tương ứng với các mối nguy tại điểm 2 nêu trên).

4. Kết quả thực hiện quy trình an toàn sinh học (đánh giá kết quả theo từng quy trình và đánh giá hiệu quả việc thực hiện các quy trình).

5. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có).

Ghi chú: Cơ sở cung cấp kế hoạch an toàn sinh học và các tài liệu, số liệu chứng minh việc triển khai tại thời điểm kiểm tra thực tế tại cơ sở.

III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH GIÁM SÁT DỊCH BỆNH

Nội dung chính bao gồm:

1. Mô tả nội dung của kế hoạch giám sát dịch bệnh (bao gồm thời gian bắt đầu giám sát, thiết kế giám sát,...).

2. Kết quả giám sát bị động (bao gồm thông tin về tổng đàn, tình trạng sức khỏe động vật nuôi, số lượng động vật mắc bệnh, thời gian xảy ra bệnh, số lượng mẫu xét nghiệm và kết quả xét nghiệm,...).

3. Kết quả giám sát chủ động (bao gồm thông tin về tổng đàn, tần suất, thời gian lấy mẫu, số lượng mẫu, kết quả xét nghiệm,...).

Ghi chú: Kết quả xét. nghiệm, biên bản và báo cáo kết quả xử lý dịch bệnh trong trường hợp có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại cơ sở.

IV. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ DỊCH BỆNH

Nội dung chính bao gồm:

1. Các biện pháp đã áp dụng và kết quả xử lý động vật mắc bệnh.

2. Các biện pháp phòng bệnh đã áp dụng và kết quả thực hiện đối với động vật tại cơ sở.

3. Biện pháp và kết quả xử lý đối khu vực chăn nuôi (vệ sinh, tiêu độc, khử trùng,...).

4. Biện pháp và kết quả kiểm soát tác nhân gây bệnh đối với con người, phương tiện, nước thải, chất thải trong chăn nuôi.

5. Kết quả điều tra truy xuất nguồn bệnh xuất hiện tại cơ sở.

6. Kết quả thực hiện báo cáo dịch bệnh.

Ghi chú: Kết quả xét nghiệm, biên bản và báo cáo kết quả xử dịch bệnh trong trường hợp kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại cơ sở.

B. BẢN MÔ TẢ THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ ĐĂNG KÝ CÔNG NHẬN AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Thông tin về cơ sở

Tên cơ sở: …………………………………………………………………………………………

Người đại diện………………………………… chức vụ: ………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………..

Địa chỉ cơ sở nuôi: ……………………………………………………………………………….

Điện thoại:………………………… Email: …………………………………………….………..

Vị trí địa lý: Kinh độ………………………… Vĩ độ: …………………………………………….

Phân loại cơ sở :

□ Sản xuất giống □ Thương phẩm □ Làm cảnh

□ Khác …………………………………………………………..

- Đã đăng ký và được cấp mã cơ sở nuôi: □ Có □ Không

- Cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản: …………………………………

- Hình thức nuôi: □ Nuôi kín □ Nuôi hở

- Phương thức nuôi: ……………………………………………………………………………….

- Các khu vực xung quanh ………………………………………………………………………..

- Hệ thống tường rào bao quanh cơ sở: □ Có □ Không; ngăn cách

với cơ sở xung quanh bằng ………………………………………………………………………

- Nguồn nước: □ Ngọt □ Mặn

- Vị trí giao thông: ………………………………………………………………………………….

- Hệ thống điện: ……………………………………………………………………………………

2. Điều kiện cơ sở (tùy thuộc cơ sở sản xuất giống hay nuôi thương phẩm để mô tả theo thực tế)

a) Diện tích cơ sở (ghi chi tiết từng hạng mục): ……………………………………………….

b) Điều kiện cơ sở hạ tầng ……………………………………………………………………….

- Sơ đồ bố trí mặt bằng (bản vẽ kèm theo)

- Cơ sở có sự tách biệt cố định ngăn cách hoàn toàn với khu vực bên ngoài cơ sở: □ Không □ Có, bằng (ghi rõ: tường/rào chắn, hệ thống bờ, sông ngòi ...,): ………………………

- Khu vực xung quanh cơ sở là?

□ Khu dân cư □ Khu nuôi loài thủy sản cảm nhiễm

□ Khu vực nuôi khác

- Cơ sở chủ động hoàn toàn nguồn nước cung cấp cho công tác nuôi trồng thủy sản? □ Không □ Có

- Hệ thống cấp thoát nước: □ Có □ Không

Hệ thống cấp nước, thoát nước tách biệt □ Có □ Không

Khu vực xử lý nước □ Có □ Không

- Hệ thống xử lý nước trước khi nuôi: □ Có □ Không

Mô tả công nghệ xử lý nước đang áp dụng (ví dụ: Lọc, siêu âm, điện hóa, hóa chất, vi sinh,...)

- Hệ thống xử lý nước thải sau khi nuôi: □ Có □ Không

- Hệ thống chỉ dẫn cho người và phương tiện: □ Có □ Không

- Hệ thống thu gom, xử lý rác, chất thải: □ Có □ Không

- Khu vực kho thức ăn, vật tư hóa chất: □ Có □ Không

- Hệ thống khử trùng tiêu độc: □ Có □ Không

- Khu vực văn phòng tách biệt khu vực sản xuất: □ Có □ Không

- Hệ thống ngăn chặn/xua đuổi động vật hoang dã: □ Có □ Không

c) Danh mục trang thiết bị phục vụ sản xuất (liệt kê danh sách tên, số lượng và chức năng).

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH AN TOÀN SINH HỌC

Nội dung chính bao gồm:

1. Các biện pháp chủ động phòng bệnh cho động vật nuôi theo quy định hiện hành.

2. Xác định các mối nguy (liệt kê các mối ngay theo điều kiện tự nhiên và xã hội tại cơ sở), phân tích nguy cơ.

3. Các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tác nhân gây bệnh có thể xâm nhiễm từ ngoài vào hoặc lây lan bên trong cơ sở (mô tả các quy trình an toàn sinh học tại cơ sở tương ứng với các mối nguy tại điểm 2 nêu trên).

4. Kết quả thực hiện quy trình an toàn sinh học (đánh giá kết quả theo từng quy trình và đánh giá hiệu quả việc thực hiện các quy trình).

5. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có).

Ghi chú: Kế hoạch an toàn sinh học và các tài liệu, số liệu chứng minh việc triển khai được cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại cơ sở.

III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH GIÁM SÁT DỊCH BỆNH

1. Tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản

a) Tình hình nuôi trồng thủy sản trong thời gian giám sát

- Tổng diện tích nuôi………………….. tổng diện tích của cơ sở……………………………

- Tổng số lượng trại/nhà/khu nuôi: …………………………………………………………….

- Tổng số lượng ao/bể ………………………………………………………………………….

- Tổng số lượng thủy sản:

Thủy sản bố mẹ: ………………………………………………………………………..(con)

Thủy sản thương phẩm:………………………………………………………………… (con)

Thủy sản giống:……………………………………………………………………..…… (con)

Trứng: ……………………………………………………………………………………………

Loại khác (ghi rõ): ………………………………………………………………………………

b) Tổng số lượng thủy sản nhập cơ sở:

- Thủy sản bố mẹ: Số con………………………………….. số lần nhập………………………

- Thủy sản giống: Số con…………………………………….. số lần nhập…………………….

- Thủy sản thương phẩm: Số con…………………………… số lần nhập…………………….

- Trứng thủy sản: Số lượng…………………………………… số lần nhập……………………

- Loại khác (ghi rõ): Số lượng………………………………. số lần nhập………………………

c) Tổng số lượng/khối lượng thủy sản sản xuất:

- Tổng số lượng thủy sản giống sản xuất:…………………………………… (con hoặc kg).

- Tổng số lượng/khối lượng thủy sản xuất bán:……………………………… (con hoặc kg).

- Tổng số lượng/khối lượng thủy sản tiêu hủy:………………………………. (con hoặc kg).

2. Thông tin chung về kết quả giám sát chủ động

Thời gian giám sát từ: Từ ngày tháng năm ... đến ngày tháng năm ...

Bệnh được giám sát: ………………………………………………………………………………

Tỷ lệ lưu hành theo thiết kế chứng minh an toàn dịch bệnh:………………. (%)

Tần suất lấy mẫu: …………………………………………………………………………………

Tổng số lần lấy mẫu: ………………………………………………………………………………

Tổng số mẫu đơn đã lấy: …………………………………………………………………………

Trong đó: Mẫu thủy sản:…………………………………………… (mẫu)

Mẫu môi trường:……………………………………………………. (mẫu)

Mẫu thức ăn tươi sống:…………………………………………….. (mẫu)

Vật chủ trung gian tự nhiên:………………………………………… (mẫu)

Mẫu khác (nêu chi tiết tên loại mẫu và số lượng), ……………………….

Số lượng ao/bể được lấy mẫu trong mỗi lần như sau:

Lần lấy mẫu

Ngày tháng năm lấy mẫu

Số lượng ao/bể nuôi tại thời điểm lấy mẫu

Số lượng ao/bể được chọn giám sát

Số lượng mẫu lấy xét nghiệm

Thủy sản

Môi trường

…..

1

2

Tổng cộng

Mẫu xét nghiệm là: □ Mẫu đơn, đối với các loại mẫu:…………………

□ Mẫu gộp, áp dụng đối với các loại mẫu: ………………………………

3. Kết quả giám sát

Có xảy ra dịch bệnh không? □ Không □ Có, cụ thể như sau:

- Tổng số ao/bể xảy ra bệnh………………….. trong đó số ao/ bể xảy ra bệnh:………………… (ao/bể), tỷ lệ ………………..(%) đối với bệnh: …………………….

- Kết quả xét nghiệm: □ Không □ Có

- Tổng lượng thủy sản chết/thiệt hại: ………………………………………..

Kết quả giám sát chủ động dịch bệnh (ghi rõ đối với từng bệnh):

- Tổng số mẫu dương tính:……………………. trên tổng số mẫu xét nghiệm …………………… (mẫu), tỷ lệ dương tính là………………. %.

- Mẫu phát hiện dương tính với bệnh được lấy vào thời gian (ngày, tháng, năm)

- Loại mẫu dương tính:…………………. , tuổi thủy sản bị nhiễm tác nhân gây bệnh (nếu có)……………… tại ao/bể số ………………. trại số ……………….

- Biện pháp xử lý: □ Điều trị □ Thu hoạch □ Tiêu hủy

Bảng tổng hợp kết quả giám sát chủ động dịch bệnh

Số lần lấy mẫu

Ngày tháng năm

Tên bệnh

Loại mẫu dương tính

Đối tượng nuôi

Tuổi thủy sản

Mã ao/trại dương tính

Số mẫu dương tính

Biện pháp xử lý

Tổng

Ghi chú: Kết quả giám sát của từng lần lấy mẫu, Bản thống kê số ao …………….. hoặc số lượng thủy sản được nuôi trước khi lấy mẫu xét nghiệm, Biên bản lấy mẫu, giao nhận mẫu, phiếu trả lời kết quả xét nghiệm - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại cơ sở.

IV. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ DỊCH BỆNH

Nội dung chính bao gồm:

1. Các biện pháp đã áp dụng và kết quả xử lý động vật mắc bệnh.

2. Các biện pháp phòng bệnh đã áp dụng và kết quả thực hiện đối với động vật tại cơ sở.

3. Biện pháp và kết quả xử lý đối khu vực nuôi trồng thủy sản (vệ sinh, tiêu độc, khử trùng,...).

4. Biện pháp và kết quả kiểm soát tác nhân gây bệnh đối với con người, phương tiện, nước thải, chất thải trong chăn nuôi.

5. Kết quả điều tra truy xuất nguồn bệnh xuất hiện tại cơ sở.

6. Kết quả thực hiện báo cáo dịch bệnh.

Ghi chú: Biên bản và báo cáo kết quả xử lý dịch bệnh trong trường hợp có động vật dương tính với tác nhân gây bệnh - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại cơ sở.

PHỤ LỤC IV

BẢN MÔ TẢ THÔNG TIN VỀ VÙNG ĐĂNG KÝ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn)

A. BẢN MÔ TẢ THÔNG TIN VỀ VÙNG ĐĂNG KÝ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………………

………, ngày …… tháng …… năm ……

I. THÔNG TIN CHUNG

Tên vùng (tên xã/huyện/tỉnh): …………………………………………………………………….

Người đại diện ………………………………………….. Chức vụ: ……………………………..

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………

Điện thoại: ……………………………………. Email: ……………………………………………

Mô tả về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng; tình hình chăn nuôi và dịch bệnh động vật trong vùng, hệ thống thú y.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH AN TOÀN SINH HỌC

Nội dung chính bao gồm:

1. Các biện pháp chủ động phòng bệnh cho động vật nuôi theo quy định hiện hành.

2. Xác định các mối nguy (liệt kê các mối nguy theo điều kiện tự nhiên và xã hội tại vùng), phân tích nguy cơ.

3. Các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tác nhân gây bệnh có thể xâm nhiễm từ ngoài vào hoặc lây lan bên trong vùng.

4. Kết quả thực hiện quy trình an toàn sinh học (đánh giá kết quả theo từng quy trình và đánh giá hiệu quả việc thực hiện các quy trình).

5. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có).

Ghi chú: Vùng cung cấp kế hoạch an toàn sinh học và các tài liệu, số liệu chng minh việc triển khai tại thời điểm kiểm tra thực tế tại vùng.

III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH GIÁM SÁT DỊCH BỆNH

Nội dung chính bao gồm:

1. Mô tả nội dung của kế hoạch giám sát dịch bệnh (bao gồm thời gian bắt đầu giám sát, thiết kế giám sát,...).

2. Kết quả giám sát bị động (bao gồm thông tin về tng đàn, tình trạng sức khỏe động vật nuôi, số lượng động vật mắc bệnh, thời gian xảy ra bệnh, số lượng mẫu xét nghim và kết quả xét nghiệm,...).

3. Kết quả giám sát chủ động (bao gồm thông tin về tổng đàn, tần suất, thời gian lấy mẫu, số lượng mẫu, kết quả xét nghiệm,...).

Ghi chú: Kết quả xét nghiệm, biên bản và báo cáo kết quả xử lý dịch bệnh trong trường hợp có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại vùng.

IV. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ DỊCH BỆNH

Nội dung chính bao gồm:

1. Các biện pháp đã áp dụng và kết quả xử lý động vật mắc bệnh.

2. Các biện pháp phòng bệnh đã áp dụng và kết quả thực hiện đối với động vật tại vùng.

3. Biện pháp và kết quả kiểm soát tác nhân gây bệnh đối với con người, phương tiện, nước thải, chất thải trong chăn nuôi.

4. Kết quả điều tra truy xuất nguồn bệnh xuất hiện tại vùng.

5. Kết quả thực hiện báo cáo dịch bệnh.

Ghi chú: Kết quả xét nghiệm, biên bản và báo cáo kết quả xử dịch bệnh trong trường hợp có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại vùng.

B. BẢN MÔ TẢ THÔNG TIN VỀ VÙNG ĐĂNG KÝ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN

ỦY BAN NHÂN DÂN....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………………

………, ngày …… tháng …… năm ……

I. THÔNG TIN CHUNG

Tên vùng: …………………………………………………………………………………………...

Người đại diện ………………………………………….. Chức vụ: ……………………………..

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………

Điện thoại: ……………………………………. Email: ……………………………………………

Tổng số cơ sở nuôi trong vùng: ………………………………………………………………….

Tổng diện tích vùng nuôi: ………………………………………………………………………….

Các loài nuôi/sản xuất trong vùng: ……………………………………………………………….

Vùng nuôi tiếp giáp với các xã/huyện/tỉnh: ………………………………………………………

1. Đặc điểm tình hình

Mô tả về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng; tình hình nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản và dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng, hệ thống thú y.

2. Kế hoạch xây dựng và quản lý vùng an toàn dịch bệnh

a) Mục đích, yêu cầu

b) Nội dung kế hoạch

c) Giải pháp thực hiện kế hoạch

- Về tổ chức, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra

- Về nguồn lực

- Các biện pháp phòng bệnh

- Giám sát dịch bệnh

- Các giải pháp kỹ thuật khác (các biện pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra, vệ sinh, khử trùng tiêu độc, kiểm dịch vận chuyển giống động vật, quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y, quản lý người hành nghề thú y, ...)

- Giải pháp về thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động thú y trên địa bàn; tập huấn cho người nuôi trồng thủy sản, nhân viên thú y xã, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống thú y địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước, các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

d) Nguồn kinh phí và cơ chế tài chính

đ) Tổ chức thực hiện: Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai kế hoạch; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.

3. Điều kiện thực tế vùng sản xuất thủy sản

a) Mô tả diện tích vùng nuôi (ghi chi tiết từng hạng mục); điều kiện cơ sở hạ tầng của vùng kèm theo bản đồ địa lý vùng nuôi, bản vẽ vị trí các cơ sở nuôi trong vùng (đối với loài động vật cảm nhiễm với bệnh đăng ký công nhận an toàn); mô tả hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước trong vùng; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải trong quá trình nuôi tại vùng; mô tả hệ thống cung ứng vật tư đầu vào cho vùng (con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm cải tạo, xử lý môi trường,...); khu vực mua bán động vật thủy sản, ...

b) Mô tả, đánh giá sơ bộ về hệ thống sản xuất của các cơ sở nuôi trong vùng, bao gồm: Điều kiện cơ sở vật chất, mô hình nuôi, công nghệ nuôi; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải trong quá trình nuôi của cơ sở; hệ thống khử trùng tiêu độc tại các cơ sở; biện pháp ngăn cản/xua đuổi động vật hoang dã tại cơ sở; hệ thống cung ứng vật tư đầu vào cho cơ sở (con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm cải tạo, xử lý môi trường,...).

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH AN TOÀN SINH HỌC

1. Thông tin chung về kế hoạch an toàn sinh hc

a) Kế hoạch an toàn sinh học của vùng

(Ghi rõ ngày, tháng, năm ban hành; mục tiêu; số lượng các quy trình an toàn sinh học)

b) Xác định các mối nguy tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào vùng

(Liệt kê các mối nguy theo điều kiện tự nhiên và xã hội tại vùng)

c) Danh sách các quy trình an toàn sinh học tại vùng

(Danh sách này phải phù hp với các mối nguy tại điểm b nêu trên)

d) Số lượng cơ sở nuôi trồng thủy sản trong vùng có xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch an toàn sinh học

(Ghi rõ số lượng, tỷ lệ cơ sở có thực hiện kế hoạch an toàn sinh học)

đ) Tổ chức thực hiện kế hoạch an toàn sinh học

(Phân công nhiệm vụ, cách thức tổ chức thực hiện các quy trình chung của vùng; ghi chép, quản lý thông tin chung tại vùng)

2. Kết quả thực hiện

Nội dung chính bao gồm kết quả triển khai các nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư này; cụ thể:

1. Các biện pháp chủ động phòng bệnh cho động vật nuôi theo quy định hiện hành (như sử dụng vắc xin, ...).

2. Kết quả thực hiện các quy trình an toàn sinh học kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tác nhân gây bệnh có thể xâm nhiễm từ ngoài vào hoặc lây lan bên trong vùng ánh giá kết quả theo từng quy trình và đánh giá hiệu quả việc thực hiện các quy trình).

3. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có).

Ghi chú: Vùng cung cấp kế hoạch an toàn sinh học và các tài liệu, s liệu chứng minh việc triển khai tại thời điểm kiểm tra thực tế tại vùng.

III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH GIÁM SÁT DỊCH BỆNH

1. Tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản

a) Tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong thời gian giám sát

- Tổng diện tích nuôi ………………………… tổng diện tích của vùng ………………………

- Tổng số lượng cơ sở: ……………………. (cơ sở). Trong đó số lượng:

□ Sản xuất giống: ……………………. (cơ sở) □ Thương phẩm: ………………. (cơ sở)

□ Ương dưỡng giống: ……………………. (cơ sở) □ Khác ……………………. (cơ sở)

- Tổng số lượng cơ sở nuôi trồng thủy sản: ……………………. (cơ sở)

- Tổng số lượng ao/bể : …………………….

- Tổng số lượng thủy sản:

Thủy sản bố mẹ: ……………………………………………………………………….. (con)

Thủy sản thương phẩm: ………………………………………………………………. (con)

Thủy sản giống: ………………………………………………………………………… (con)

Trứng: …………………………………………………………………………… (…………...)

b) Tổng số lượng thủy sản nhập vào vùng nuôi

- Thủy sản bố mẹ: Số con ……………………. số lần nhập …………………….

- Thủy sản giống: Số con ……………………. số lần nhập …………………….

- Trứng thủy sản: Số lượng ……………………. số lần nhập …………………….

c) Tổng số lượng/khối lượng thủy sản sản xuất

- Tổng số lượng thủy sản giống sản xuất: ……………………. (con hoặc kg)

- Tổng số lượng/khối lượng thủy sản xuất bán: ……………………. (con hoặc kg)

- Tổng số lượng/khối lượng thủy sản bị tiêu hủy: ……………………. (con hoặc kg)

2. Thông tin chung về giám sát chủ động

Ghi rõ thời gian giám sát (ngày, tháng, năm)

Bệnh được giám sát (ghi rõ tên từng bệnh)

Mô tả về thiết kế giám sát dịch bệnh đối với cấp cơ sở, cấp ao của mỗi cơ sở được lựa chọn giám sát; tần suất lấy mẫu giám sát; tổng số cơ sở được giám sát; tổng số lần lấy mẫu; tổng số mẫu đơn đã lấy (ghi rõ tên và số lượng từng loại mẫu, bao gồm: động vật thủy sản: mẫu môi trường: mẫu thức ăn tươi sống; vật ch trung gian tự nhiên; mẫu khác); mẫu xét nghiệm (ghi rõ tên và số lượng mẫu đơn, mẫu gộp), ...

- Số lượng ao/bể được lấy mẫu như sau:

Số lần lấy mẫu

Ngày tháng năm lấy mẫu

Số lưng cơ sở nuôi tại thời điểm lấy mẫu

Số lượng cơ sở được giám sát

Tổng số lượng ao của các cơ sở được giám sát

Số lượng ao/b được chọn giám sát

Số lượng mẫu lấy xét nghiệm

Thủy sản

Môi trường

(Ghi rõ từng loại mẫu khác)

1

2

...

Tổng cộng

3. Kết quả giám sát dịch bệnh

a) Kết quả giám sát bị động (bao gồm thông tin về tổng đàn, tình trạng sức khỏe động vật nuôi, số lượng động vật mắc bệnh, thời gian xảy ra bệnh, số lượng mẫu xét nghiệm và kết quả xét nghiệm,...).

- Ghi rõ nội dung theo dõi sức khỏe thủy sản tại các cơ sở trong vùng (số lượng thy sản chết; tiêu thụ thức ăn; sử dụng thuốc hóa chất; các ch tiêu môi trường nuôi; số lượng và tỷ lệ cơ sở thiệt hại do bệnh; số lượng và tỷ lệ ao/bể thiệt hại do bệnh; thời gian xảy ra bệnh (ngày, tháng năm theo từng bệnh)); loài thủy sản bị mắc bệnh, tuổi mắc bệnh; tổng lượng thủy sản chết/thiệt hại,…

- Ghi rõ tổng số lần lấy mẫu, số lượng mẫu lấy khi thủy sản chết; số mẫu dương tính với bệnh đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh,...

b) Giám sát chủ động (bao gồm thông tin về tng đàn, tần suất, thời gian lấy mẫu, số lượng mẫu, kết quả xét nghiệm,...).

- Ghi rõ kết quả giám sát đối với từng bệnh (tng s cơ sở giám sát, tổng s cơ sở dương tính, t lệ cơ sở dương tính; tổng s mẫu xét nghiệm, tổng số mẫu dương tính, tỷ lệ mẫu dương tính; thời gian lấy mẫu đối với mẫu cho kết quả dương tính; tác nhân gây bệnh được phát hiện tại cơ sở (ghi tên, địa chỉ của cơ sở)); ghi rõ loại mẫu dương tính, tuổi thủy sản bị nhiễm tác nhân gây bệnh, ...

- Mô tả biện pháp xử lý tại cơ sở.

Bảng tổng hợp dữ liệu cơ sở dương tính với tác nhân gây bệnh

Số lần lấy mẫu

Ngày, tháng, năm

Tên bệnh

Loại mẫu dương tính

Số cơ sở dương tính (*)

Đối tượng nuôi

Tuổi thủy sản

Số mẫu dương tính

Biện pháp xử lý

* Đối với từng cơ s dương tính, liệt kê và ghi rõ tên cơ sở, địa chỉ, đối tượng nuôi, loại mẫu dương tính, tuổi thủy sản.

Ghi chú: Kết quả xét nghiệm, biên bản và báo cáo kết quả xử lý dịch bệnh trong trường hợp có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại vùng.

IV. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ DỊCH BỆNH

1. Diễn biến dịch bệnh tại vùng

Mô tả cụ thể trong thời gian triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, vùng đã xảy ra dịch bệnh gì và đã tổ chức ứng phó dịch bệnh như thế nào, cụ thể:

- Vùng xảy ra bệnh tại …………………. cơ sở, với tổng số lần xảy ra bệnh trong thời gian giám sát: …………………. (lần).

- Tổng số lần xảy ra bệnh không thuộc danh sách các bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh: …………………. (lần).

- Tổng số ao/bể xảy ra bệnh: ………………….………………….………………………………

- Tổng số/khối lượng thủy sản xử lý do dịch bệnh xảy ra: ………………….…………………

- Diễn biến bệnh tại vùng cụ thể như sau:

Tên bệnh

Thời gian phát hiện bệnh (ngày, tháng, năm)

Tên thủy sản bị bệnh

Lứa tuổi

Số cơ sở xảy ra bệnh

Số ao/b bị bệnh

Số lượng thủy sản phải xử lý (kg)

Thời gian xử lý xong bệnh (ngày, tháng, năm)

2. Kết quả ứng phó dịch bệnh

a) Đối với cơ sở bị bệnh

Mô tả các biện pháp và kết quả xử lý đối với ao/ bể bị bệnh (xử lý thủy sản mắc bệnh; thức ăn tươi sng nhiễm tác nhân gây bệnh (nếu có); đối với nước ao/bể nuôi bị bệnh; đối với công cụ dùng cho ao/bể nuôi bị bệnh; đối với bảo hộ lao động, công cụ dụng cụ vận chuyển, xử lý ao/bể bị bệnh; công tác vệ sinh khử trùng khu vực bị bệnh và cơ sở bị bệnh; xử lý đối với hệ thống nước cấp, nước thoát, khu vực nước thải).

b) Đối với cơ sở không bị bệnh (nêu rõ từng biện pháp áp dụng đối với các cơ sở này nhằm nâng cao khả năng bảo vệ, ngăn chặn sự xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào cơ sở, các giải pháp mang tính bao quát vùng như: Kiểm soát vận chuyển thủy sản, thức ăn tươi sống, ... ra, vào vùng; quản lý động vật hoang dã tại các cơ sở; khử trùng tiêu độc; quản lý người ra vào tại các cơ sở).

3. Kết quả điều tra, truy xuất, xác định nguồn bệnh xuất hiện tại vùng (mô tả việc điều tra, xác minh ổ dịch)

4. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh áp dụng đối với vùng

5. Công tác báo cáo, phối hợp với Cơ quan thú y

Ghi chú: Kết quả xét nghiệm, biên bản và báo cáo kết quả xử lý dịch bệnh trong trường hợp có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh - cung cấp tại thời điểm kiểm tra thực tế tại vùng.

PHỤ LỤC V

SỐ LƯỢNG MẪU GIÁM SÁT ĐỐI VỚI ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. Giám sát chủ động bệnh động vật

1. Số lượng gia súc, gia cầm phải lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện tác nhân gây bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên

a) Công thức tính số mẫu: Số lượng gia súc, gia cầm được lấy mẫu để xét nghiệm phải tính dựa trên tỷ lệ hiện mắc dự đoán là 5% theo công thức sau:

Riêng đối với bệnh Lao bò, kiểm tra bằng phản ứng tiêm nội bì đối với 100% động vật thuộc diện phải kiểm tra.

b) Bảng tính số lượng gia súc, gia cầm phải lấy mẫu để phát hiện mầm bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên

Tổng đàn

Tỷ lệ hiện mắc dự đoán

0,1%

0,5%

1%

2%

5%

10

10

10

10

10

10

20

20

20

20

20

19

30

30

30

30

30

26

40

40

40

40

39

31

50

50

50

50

48

35

100

100

100

96

78

45

200

200

190

155

105

51

500

500

349

225

129

56

1000

950

450

258

138

57

5000

2253

564

290

147

59

10000

2588

581

294

148

59

2995

598

299

149

59

2. Xử lý kết quả kiểm tra

a) Trường hợp không phát hiện bệnh: Đàn gia súc, gia cầm được đánh giá là không có mầm bệnh lưu hành đối với bệnh được kiểm tra; cơ sở được sử dụng kết quả kiểm tra, xét nghiệm để đăng ký cơ sở an toàn dịch bệnh.

b) Trường hợp phát hiện bệnh, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cụ thể đối với từng bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Trường hợp cơ sở thuộc vùng an toàn dịch bệnh nhưng chưa được lựa chọn lấy mẫu theo kế hoạch giám sát dịch bệnh của vùng, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận thì Cơ quan thú y thực hiện lấy mẫu 01 lần tại thời điểm kiểm tra, đánh giá.

II. Giám sát sau tiêm phòng

1. Số lượng gia súc, gia cầm phải lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng:

a) Công thức tính:

n1 = Số mẫu huyết thanh cần lấy

p = Tỷ lệ có đáp ứng miễn dịch ước đoán

d = Sai số ước lượng (Ví dụ: 10%)

b) Bảng tính số lượng gia súc, gia cầm phải lấy mẫu để đánh giá đáp ứng miễn dịch:

Tỷ lệ có kháng thể bảo hộ ước đoán

Sai số ước lượng

10%

5%

1%

10%

35

138

3457

20%

61

246

6147

30%

81

323

8067

40%

92

369

9220

50%

96

384

9604

60%

92

369

9220

70%

81

323

8067

80%

61

246

6147

90%

35

138

3457

Ghi chú: Yêu cầu số lượng mẫu huyết thanh cần lấy là 61 mẫu (dựa trên Tỷ lệ có đáp ứng miễn dịch ước đoán là 80% và sai số ước lượng là 10%).

b) Trường hợp quy mô đàn dưới 2000 con thì tính số lượng gia súc, gia cầm phải lấy mẫu huyết thanh theo công thức sau:

n2 =

N x n1

n2 = Số mẫu huyết thanh cần lấy

N: Tổng đàn

n1: Số mẫu huyết thanh cần lấy (theo công thức tại điểm a nêu trên)

N n1

2. Xử lý kết quả xét nghiệm

a) Trường hợp tỷ lệ đáp ứng miễn dịch đạt từ 70% trở lên, đàn gia súc, gia cầm được đánh giá là có miễn dịch đạt tỷ lệ bảo hộ và cơ sở được sử dụng kết quả kiểm tra, xét nghiệm để đăng ký cơ sở an toàn dịch bệnh.

b) Trường hợp tỷ lệ đáp ứng miễn dịch đạt dưới 70%, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn cơ sở tổ chức tiêm phòng lại hoặc áp dụng biện pháp giám sát bệnh tại mục A của Phụ lục này.

III. Chọn mẫu nhiều giai đoạn áp dụng đối với vùng an toàn dịch bệnh động vật trên cạn

1. Giai đoạn 1: Tính số lượng xã (đối với vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, tỉnh) để thực hiện lấy mẫu giám sát.

a) Lập danh sách các xã trong vùng.

b) Trường hợp giám sát bệnh động vật: Tính số lượng xã phải lấy mẫu dựa trên tỷ lệ hiện mắc dự đoán (đối với cấp xã) là 5%, sử dụng công thức hoặc Bảng tính số lượng tại mục I của Phụ lục này.

c) Trường hợp giám sát sau tiêm phòng: Tính số lượng xã phải lấy mẫu để đánh giá tỷ lệ bảo hộ (đối với cấp xã) có đạt mức 80% hay không (sai số ước lượng là 10%), sử dụng công thức hoặc Bảng tính số lượng tại mục II của Phụ lục này.

d) Lựa chọn ngẫu nhiên số lượng xã tính được theo điểm b hoặc điểm c mục này từ danh sách các xã theo điểm a mục này.

2. Giai đoạn 2: Tính số cơ sở để thực hiện lấy mẫu giám sát

a) Lập danh sách cơ sở chăn nuôi trong xã được chọn từ mục 1 nêu trên.

b) Trường hợp giám sát bệnh động vật: Tính số lượng cơ sở chăn nuôi phải lấy mẫu dựa trên tỷ lệ hiện mắc dự đoán (đối với cấp cơ sở chăn nuôi) là 5%, sử dụng công thức hoặc Bảng tính số lượng tại mục I của Phụ lục này.

c) Trường hợp giám sát sau tiêm phòng: Tính số lượng cơ sở chăn nuôi phải lấy mẫu để đánh giá tỷ lệ bảo hộ (đối với cấp cơ sở chăn nuôi) có đạt mức 70% hay không (sai số ước lượng là 10%), sử dụng công thức hoặc Bảng tính số lượng tại mục II của Phụ lục này.

d) Lựa chọn ngẫu nhiên các cơ sở chăn nuôi tính được theo điểm b hoặc điểm c mục này từ danh sách các cơ sở tại điểm a mục này.

đ) Các cơ sở đã được lấy mẫu và xét nghiệm tại điểm d mục này, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận thì được sử dụng kết quả xét nghiệm để đăng ký cấp Giấy chứng nhận.

3. Giai đoạn 3: Tính số lượng động vật nuôi trong cơ sở cần phải lấy mẫu.

a) Trường hợp giám sát bệnh động vật: Tính số lượng động vật phải lấy mẫu dựa trên tỷ lệ hiện mắc dự đoán (đối với cấp động vật nuôi) là 10%, sử dụng công thức hoặc Bảng tính số lượng tại mục I của Phụ lục này.

b) Trường hợp giám sát sau tiêm phòng: Tính số lượng động vật phải lấy mẫu để đánh giá tỷ lệ bảo hộ (đối với cấp động vật nuôi) có đạt mức 70% hay không (sai số ước lượng là 10%), sử dụng công thức hoặc Bảng tính số lượng tại mục II của Phụ lục này.

c) Lựa chọn ngẫu nhiên số lượng động vật trong mỗi cơ sở chăn nuôi tính được theo điểm a hoặc điểm b mục này.

4. Xử lý kết quả kiểm tra, xét nghiệm theo hướng dẫn tại mục I và mục II của Phụ lục này./.

PHỤ LỤC VI

SỐ LƯỢNG MẪU GIÁM SÁT ĐỐI VỚI ĐỘNG VẬT THỦY SẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. Đối với xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

1. Số lượng ao/bể cần chọn để lấy mẫu giám sát chủ động phát hiện tác nhân gây bệnh

Bước 1. Lập danh sách các ao/bể đang nuôi tại cơ sở tại thời điểm giám sát. Các ao/bể được lập chứa các thông tin cơ bản như: kích cỡ/diện tích, tình trạng đang nuôi, mã ao, mã trại (cơ sở có nhiều trại, trong mỗi trại có nhiều ao) tên thủy sản nuôi, lứa tuổi.

Bước 2. Tính số lượng ao/ bể phải lấy mẫu theo công thức:

Trong đó:

- n: Là số ao/bể cần lấy mẫu giám sát.

- α: Mức độ tin cậy = 1 - p. Trong đó, độ tin cậy của thiết kế p = 95%, ta có α = 0,05.

- D: Là số ao/bể có thể bị bệnh, được tính bằng công thức D = Se x P x N. Trong đó:

Se: Độ nhạy của phương pháp xét nghiệm, giá trị này do phòng thử nghiệm thực hiện xét nghiệm mẫu cung cấp.

P: Tỷ lệ lưu hành bệnh, tác nhân gây bệnh ở cấp độ ao, áp dụng P = 5% (khuyến khích cơ sở áp dụng P = 2% theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới). Trường hợp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, tỷ lệ lưu hành bệnh được áp dụng theo quy định của nước nhập khẩu (nếu có).

N: Là tổng số ao/bể hiện đang nuôi tại thời điểm lấy mẫu dự kiến.

Bước 3. Lập danh sách ao/bể cần lấy mẫu

Dựa trên danh sách ao/bể được lập tại Bước 1 và số lượng ao phải lấy mẫu được tính tại Bước 2, tiến hành chọn ao/bể phải lấy mẫu bằng phương pháp lấy mẫu xác suất (ly mẫu ngẫu nhiên hoặc lấy mẫu hệ thống).

Lưu ý: Tại mỗi vòng ly mẫu, thực hiện lại cả 3 bước nêu trên đ lập danh sách ao/b cn ly mẫu.

2. Số lượng mẫu lấy xét nghiệm để phát hiện tác nhân gây bệnh

- Số lượng mẫu thủy sản, môi trường tại mỗi ao/ bể: Lấy tại 3 - 5 vị trí cách đều và đại diện cho ao/bể. Số lượng thủy sản cần lấy theo hướng dẫn của Cơ quan thú y nhưng phải đảm bảo đủ để xét nghiệm và lưu mẫu.

- Số lượng mẫu thức ăn tươi sống, số lượng động vật trung gian truyền bệnh: Thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi một loại lấy một mẫu đại diện được lấy ở tối thiểu 3 vị trí của cơ sở.

- Trường hợp xây dựng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, số lượng mẫu xét nghiệm thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.

- Trường hợp cơ sở thuộc vùng an toàn dịch bệnh nhưng chưa được lựa chọn lấy mẫu theo kế hoạch giám sát dịch bệnh của vùng, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận, Cơ quan thú y thực hiện lấy mẫu 01 lần tại thời điểm kiểm tra, đánh giá.

II. Đối với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

1. Số lượng cơ sở cần chọn để lấy mẫu giám sát chủ động để phát hiện tác nhân gây bệnh

Bước 1. Thống kê, lập danh sách các cơ sở đang nuôi tại vùng đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh. Các cơ sở được lập gồm các thông tin cơ bản như: Tên cơ sở, mã số của cơ sở (nếu có), địa chỉ, số điện thoại (thông tin để liên hệ khác), đối tượng thủy sản nuôi, số lượng ao/bể, danh sách ao nuôi của cơ sở.

Bước 2. Tính số lượng cơ sở cần chọn để giám sát bệnh theo công thức:

Trong đó:

- n: Là số cơ sở cần lấy mẫu giám sát;

- α: Mức độ tin cậy = 1 - p. Trong đó, độ tin cậy của thiết kế p = 95%, ta có α = 0,05.

- D: Là số ao/bể có thể bị bệnh, được tính bằng công thức D = Se x P x N. Trong đó:

Se: Độ nhạy của phương pháp xét nghiệm, giá trị này do phòng thử nghiệm thực hiện xét nghiệm mẫu cung cấp.

P: Tỷ lệ lưu hành bệnh, tác nhân gây bệnh ở cấp cơ sở, áp dụng P = 5% (khuyến khích cơ sở áp dụng P = 2% theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới). Trường hợp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu, tỷ lệ lưu hành bệnh được áp dụng theo quy định của nước nhập khẩu (nếu có).

N: Là tổng số cơ sở hiện đang nuôi tại thời điểm lấy mẫu dự kiến.

Bước 3. Lập danh sách cơ sở cần lấy mẫu

Dựa trên danh sách cơ sở được lập tại Bước 1 và số lượng cơ sở cần chọn ra để giám sát bệnh được tính tại Bước 2, tiến hành chọn cơ sở và lập danh sách cơ sở cần giám sát bằng phương pháp lấy mẫu xác suất (lấy mẫu ngẫu nhiên hoặc lấy mẫu hệ thống).

Các cơ sở đã được lấy mẫu và xét nghiệm tại mục này, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận thì được sử dụng kết quả xét nghiệm để đăng ký cấp Giấy chứng nhận.

Lưu ý: Tại mỗi vòng lấy mẫu, thực hiệu lại cả 3 bước nêu trên để lập danh sách cơ sở cần lấy mẫu.

2. Số lượng ao/bể cần chọn để lấy mẫu giám sát và số lượng mẫu cần lấy để xét nghiệm tại mỗi cơ sở thực hiện theo hướng dẫn tại Mục I Phụ lục này

PHỤ LỤC VII

MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CƠ QUAN CHỦ QUẢN CẤP TRÊN
CƠ QUAN THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………, ngày tháng năm ……

BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

A. THÔNG TIN CHUNG

1. Ngày kiểm tra, đánh giá:

……………………………………………………………………..

2. Tên cơ sở được kiểm tra, đánh giá: ……………………………………………………….

- Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………….

- Đối tượng nuôi: …………………………………………………………………………………...

- Điện thoại: …………………………….. Fax: ………………….. Email: ………………………

- Tên và số giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập: ……………..

…………………………………………………………..……………………………………………

Tên cơ quan cấp: ………………………………………….. Ngày cấp: …………………………

- Người đại diện của cơ sở: ……………………………………… Chức vụ: …………………..

- Mã số cơ sở (nếu có): ……………………………………………………………………………

3. Thành phần Đoàn đánh giá:

Trường đoàn: Ông (bà): ………………………………………… Chức vụ: …………………….

Thành viên: Ông (bà): ………………………………………… Chức vụ: ……………………….

- Ông (bà): …………………………………………. Chức vụ: ……………………………………

- Ông (bà): …………………………………………. Chức vụ: ……………………………………

…………………………………………………………..……………………………………………

B. NHÓM CHỈ TIÊU KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

TT

Chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá

Kết quả kiểm tra, đánh giá

Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá

Đạt

Mức lỗi

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

I

Yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh động vật

1

Địa điểm chăn nuôi phải theo quy hoạch của địa phương hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép

[ ]

[ ]

- Đạt: Đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi hoặc phù hợp quy hoạch của địa phương hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép chăn nuôi.

- Nghiêm trọng: Không phù hợp quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép chăn nuôi.

2

Đảm bảo khoảng cách từ cơ sở đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi hoặc đảm bảo khoảng cách theo quy định tại Điều 5 Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT.

- Nặng: Có nhiều nhất 1 trong các tiêu chí khoảng cách thấp hơn quy định nhưng không dưới 70% khoảng cách quy định tại Điều 5 Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT.

- Nghiêm trọng: Có từ 2 tiêu chí khoảng cách trở lên thấp hơn quy định tại Điều 5 Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT.

3

Có biện pháp ngăn ngừa động vật khác xâm nhập vào khu vực chăn nuôi

[ ]

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có tường và cổng bao kín khu vực chăn nuôi.

- Nhẹ: Có hàng rào, cổng bao quanh khu vực chăn nuôi

- Nặng: Không có tường, rào bao quanh khu vực chăn nuôi, nhưng các dãy chuồng nuôi được xây tường kín đảm bảo vật nuôi khác không tự do ra vào được

- Nghiêm trọng: Không có tường, rào bao khu vực chăn nuôi; các dãy chuồng nuôi được xây tường nhưng vật nuôi khác có thể tự do ra vào được

4

Cổng vào khu chăn nuôi phải được áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cho người và phương tiện đi qua

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có hố sát trùng ở cổng trại có đủ chiều rộng để ít nhất 01 vòng bánh xe ô tô tải lăn qua; có nhật ký thực hiện

- Nhẹ: Có hố sát trùng ở cổng trại nhưng không đủ chiều rộng để ít nhất 01 vòng bánh xe ô tô tải lăn qua

- Nghiêm trọng: Không có hố sát trùng tại cổng trại

5

Bố trí, thiết kế khu chăn nuôi có đầy đủ các khu vực xử lý chất thải, khu nuôi cách ly động vật; nơi vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ chăn nuôi.

[ ]

[ ]

- Đạt: Có đầy đủ khu xử lý chất thải, khu nuôi cách ly động vật, nơi khử trùng tiêu độc dụng cụ chăn nuôi; có nhật ký thực hiện

- Nghiêm trọng: Các trường hợp còn lại

6

Lối ra vào khu chăn nuôi phải được áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cho người và phương tiện đi qua

[ ]

[ ]

- Đạt: Có phòng tắm sát trùng cho người hoặc có hố, chậu sát trùng tại các cửa chuồng nuôi

- Nghiêm trọng: Không có phòng tắm sát trùng cho người hoặc hố, chậu sát trùng tại các cửa chuồng nuôi

7

Khu vực sản xuất, chế biến và kho chứa thức ăn chăn nuôi phải cách biệt nơi để hóa chất độc hại, khu vực xử lý chất thải, đảm bảo đủ điều kiện bảo quản thức ăn

[ ]

[ ]

- Đạt: Cách biệt với nơi để hóa chất độc hại, khu xử lý chất thải

- Nghiêm trọng: Liền kề khu xử lý chất thải hoặc để hóa chất độc hại trong khu sản xuất, chế biến, kho chứa thức ăn chăn nuôi

8

Nước sử dụng trong chăn nuôi phải đảm bảo đạt yêu cầu theo QCVN 01-39:2011/BNNPTNT hoặc đã được xử lý để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật

[ ]

[ ]

- Đạt: Đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi hoặc được xét nghiệm đạt QCVN 01-39:2011/BNNPTNT hoặc đã xử lý qua lọc và hóa chất hoặc sử dụng nước máy công cộng

- Nghiêm trọng: Sử dụng nước giếng hoặc nước mặt nhưng không xử lý qua lọc và hóa chất

9

Nơi bảo quản thuốc thú y, vắc xin thú y phải đảm bảo đủ điều kiện bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất

[ ]

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Kho có máy phát điện, tủ, giá để thuốc, có tủ lạnh bảo quản vắc xin, có nhiệt kế, ẩm kế theo dõi nhiệt độ, độ ẩm của kho và nhiệt kế theo dõi nhiệt độ tủ vắc xin

- Nhẹ: Kho có máy phát điện, tủ, giá để thuốc, có tủ lạnh bảo quản vắc xin, nhưng không có nhiệt kế, ẩm kế theo dõi nhiệt độ, độ ẩm của kho hoặc nhiệt kế theo dõi nhiệt độ tủ vắc xin

- Nặng: Kho có tủ, giá để thuốc, có tủ lạnh bảo quản vắc xin, nhưng không có máy phát điện

- Nghiêm trọng: Không có kho bảo quản thuốc, vắc xin hoặc không có tủ lạnh để bảo quản vắc xin

10

Có nội quy trang trại, quy trình chăn nuôi, lịch tiêm phòng, lịch vệ sinh khử trùng tiêu độc

[ ]

[ ]

- Đạt: Có nội quy trang trại, quy trình chăn nuôi, lịch tiêm phòng, lịch vệ sinh khử trùng tiêu độc và thực hiện đúng các lịch, quy trình đã ban hành

- Nặng: Không có nội quy trang trại hoặc quy trình chăn nuôi hoặc lịch tiêm phòng hoặc lịch vệ sinh khử trùng tiêu độc hoặc không thực hiện đúng các lịch, quy trình

11

Có quần áo lao động, ủng cho khách và người làm việc trong trại

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có đầy đủ quần áo lao động, ủng cho khách và người làm việc trong trại

- Nhẹ: Có nhưng không đủ quần áo lao động, ủng cho khách và người làm việc trong trại

- Nặng: Không có quần áo lao động, ủng cho khách và người làm việc trong trại

12

Diệt vật chủ trung gian định kỳ và sau mỗi đợt nuôi

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Thực hiện diệt vật chủ trung gian, có sơ đồ đặt bẫy, bả và có ghi sổ sử dụng thuốc

- Nhẹ: Thực hiện diệt vật chủ trung gian, có ghi sổ sử dụng thuốc nhưng không có sơ đồ đặt bẫy, bả

- Nặng: Không thực hiện diệt vật chủ trung gian

13

Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thú y

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi hoặc có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hoặc Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được thu gom, xử lý không gây ô nhiễm môi trường; nước thải chăn nuôi được xử lý trước khi xả ra môi trường đảm bảo QCVN về nước thải chăn nuôi

- Nặng: Chất thải rắn, nước thải được thu gom xử lý nhưng chưa triệt để

- Nghiêm trọng: Chất thải rắn hoặc nước thải không được thu gom, xả thẳng ra môi trường

14

Động vật nuôi trong cơ sở được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định

[ ]

[ ]

- Đạt: Động vật trong cơ sở được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định

- Nghiêm trọng: Động vật trong cơ sở không được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định

15

Động vật đưa vào cơ sở nuôi có nguồn gốc từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật hoặc đã được kiểm tra xác định không mang tác nhân gây bệnh hoặc đã được phòng bệnh bằng vắc xin đối với bệnh đăng ký an toàn và còn thời gian miễn dịch.

[ ]

[ ]

- Đạt: Động vật đưa vào cơ sở nuôi có nguồn gốc từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật hoặc đã được kiểm tra xác định không mang tác nhân gây bệnh hoặc đã được phòng bệnh bằng vắc xin đối với bệnh đăng ký an toàn và còn thời gian miễn dịch.

- Nghiêm trọng: các trường hợp còn lại

II

Yêu cầu về giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở

16

Có sổ hoặc hệ thống lưu trữ theo dõi biến động đàn, dịch bệnh, sổ theo dõi tiêm phòng, sổ theo dõi sử dụng thuốc thú y, sổ theo dõi khách ra vào trại và được ghi chép đầy đủ thông tin

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có sổ hoặc hệ thống lưu trữ và được ghi chép, lưu trữ đầy đủ thông tin

- Nặng: Có sổ hoặc hệ thống lưu trữ nhưng không được ghi chép, lưu trữ đầy đủ thông tin

- Nghiêm trọng: Không có sổ hoặc hệ thống lưu trữ

17

Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng hoặc giám sát bệnh đúng, đủ số lượng và kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu của cơ sở an toàn dịch bệnh.

(Tiêu chí này đánh giá sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu lấy khi kiểm tra, đánh giá)

[ ]

[ ]

- Đạt: Khi lấy mẫu lần đầu hoặc định kỳ đúng, đủ số lượng và kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu của cơ sở an toàn dịch bệnh

- Nghiêm trọng: Không lấy mẫu hoặc lấy mẫu không đúng, đủ số lượng theo quy định hoặc kết quả xét nghiệm không đạt yêu cầu của cơ sở an toàn dịch

III

Yêu cầu về hoạt động thú y tại cơ sở

18

Có người phụ trách công tác thú y

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có người phụ trách công tác thú y từ trung cấp thú y, chăn nuôi-thú y trở lên

- Nhẹ: Có người phụ trách công tác thú y không có trình độ từ trung cấp thú y, chăn nuôi-thú y trở lên

- Nặng: Không có người phụ trách công tác thú y

19

Cơ sở nắm bắt được thông tin về hệ thống thú y ở cơ sở để khai báo kịp thời khi có dịch xảy ra

[ ]

[ ]

- Đạt: Chủ cơ sở biết đến hệ thống thú y cấp xã nơi trang trại chăn nuôi

- Nặng: Chủ cơ sở không biết đến hệ thống thú y cấp xã nơi trang trại chăn nuôi

20

Kiến thức của người trực tiếp tham gia sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về dấu hiệu bệnh lý, xử lý tình huống khi cơ sở xuất hiện dịch bệnh đăng ký công nhận an toàn

[ ]

[ ]

- Đạt: Người trực tiếp tham gia sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nắm vững kiến thức về dấu hiệu bệnh lý, xử lý tình huống khi cơ sở xuất hiện dịch bệnh đăng ký công nhận an toàn.

- Nặng: Người trực tiếp tham gia sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không nắm vững kiến thức về dấu hiệu bệnh lý, xử lý tình huống khi cơ sở xuất hiện dịch bệnh đăng ký công nhận an toàn.

IV

Yêu cầu về tình trạng dịch bệnh động vật tại cơ sở

21

Không có ca bệnh của bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá.

[ ]

[ ]

- Đạt: Không có ca bệnh của bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá.

- Nghiêm trọng: Có ca bệnh của bệnh đăng ký công nhận an toàn trong khoảng 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá

Tổng

Kết quả kiểm tra, đánh giá

Xếp loại kết quả

Xếp loại kết quả

Mức lỗi

Đạt

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

Đạt

≥ 17

-

0

0

Đạt

≥ 17

≤ 4

≤ 2

0

Không đạt

-

-

-

≥ 1

Không đạt

-

-

> 2

-

Ghi chú: ( - ) Không tính đến

C. LẤY MẪU VÀ CHỈ ĐỊNH CHỈ TIÊU PHÂN TÍCH (kèm theo Biên bn ly mẫu)

1. Thông tin v mẫu ly

- Loại mẫu: …………………………………………………………………………………………..

- Số lượng mẫu: …………………………………………………………………………………….

- .………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích:

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

D. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN ĐÁNH GIÁ

1. Nhận xét của Đoàn đánh giá:

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

2. Đề xuất xếp loại cơ sở:

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Đ. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………


ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu có)

……, ngày tháng năm ……
TRƯỞNG ĐOÀN ĐÁNH GIÁ
(Ký, ghi rõ họ tên)

(*) Đoàn đánh giá ghi rõ các sai lỗi phát hiện trong quá trình kiểm tra, đánh giá, yêu cầu thời gian cơ sở khắc phục và gi báo cáo kết quả khắc phục cho Cơ quan thú y.

PHỤ LỤC VIII

MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2022/TT-BNNPTNT ngày tháng 12 năm 2022 của Bộ trưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CƠ QUAN CHỦ QUẢN
CẤP TRÊN
CƠ QUAN THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………, ngày tháng năm ……

BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

A. THÔNG TIN CHUNG

1. Ngày kiểm tra: ……………………………………………………………………………….

2. Vùng kiểm tra: ……………………………………………………………………………….

- Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………….

- Đại diện liên hệ: ………………………………………. Chức vụ: …………………………..

- Điện thoại: …………………………. Fax: ………………… Email: ………………………...

- Số cơ sở trong vùng: ………………………………… Tổng diện tích: …………………….

- Mã số vùng: …………………………………………………………………………………….

3. Thành phần Đoàn đánh giá:

Trưởng đoàn: Ông (bà): ……………………………………… Chức vụ: ……………………

Thành viên: Ông (bà): ……………………………………… Chức vụ: ………………………

- Ông (bà): ………………………………………………….. Chức vụ: ……………………….

- Ông (bà): ………………………………………………….. Chức vụ: ……………………….

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

B. NHÓM CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ

Phần 1. Kiểm tra đánh giá tại UBND vùng đăng ký an toàn dịch bệnh

TT

Chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá

Kết quả đánh giá

Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá

Đạt

Mức li

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

1

Vị trí địa lý

[ ]

[ ]

- Đạt: Đáp ứng các quy định pháp luật về thú y, chăn nuôi.

- Nặng: Không đáp ứng các quy định pháp luật về thú y, chăn nuôi.

2

Cơ sở hạ tầng

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có quy định và triển khai thực hiện quy định đảm bảo các yếu tố nguy cơ bên ngoài không xâm nhiễm vào vùng an toàn dịch bệnh.

- Nhẹ: Có quy định và triển khai chưa đầy đủ việc thực hiện quy định đảm bảo các yếu tố nguy cơ bên ngoài không xâm nhiễm vào vùng an toàn dịch bệnh.

- Nặng: Không có quy định đảm bảo các yếu tố nguy cơ bên ngoài không xâm nhiễm vào vùng an toàn dịch bệnh.

3

Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng hoặc giám sát bệnh đúng, đủ số lượng và kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu của cơ sở an toàn dịch bệnh.

(Tiêu chí này đánh giá sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu ly khi kiểm tra, đánh giá)

[ ]

[ ]

- Đạt: Khi lấy mẫu lần đầu hoặc định kỳ đúng, đủ số lượng và kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu của vùng an toàn dịch bệnh

- Nghiêm trọng: Không lấy mẫu hoặc lấy mẫu không đúng, đủ số lượng theo quy định hoặc kết quả xét nghiệm không đạt yêu cầu của vùng an toàn dịch bệnh

4

Không có ca bệnh của bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.

[ ]

[ ]

- Đạt: Không có ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh được phát hiện trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá

- Nghiêm trọng: Có ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong khoảng thời gian 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá

5

Dự phòng các nguồn lực ứng phó dịch bệnh

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có bố trí nguồn kinh phí dự phòng ứng phó dịch bệnh và phân công trách nhiệm các thành viên tham gia ứng phó dịch bệnh.

- Nhẹ: Có bố trí nguồn kinh phí dự phòng ứng phó dịch bệnh; không phân công trách nhiệm các thành viên tham gia ứng phó dịch bệnh.

- Nặng: Không bố trí nguồn kinh phí dự phòng ứng phó dịch bệnh.

6

Kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng an toàn dịch bệnh

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Kiểm soát chặt chẽ theo quy định hiện hành đối với động vật, sản phẩm động vật, hoặc thức ăn cho động vật có nguy cơ mang tác nhân gây bệnh vào vùng đăng ký an toàn dịch bệnh.

- Nặng: Kiểm soát chưa chặt chẽ, đầy đủ theo quy định hiện hành đối với động vật, sản phẩm động vật, hoặc thức ăn cho động vật có nguy cơ mang tác nhân gây bệnh vào vùng đăng ký an toàn dịch bệnh

- Nghiêm trọng: Không kiểm soát theo quy định hiện hành đối với động vật, sản phẩm động vật, hoặc thức ăn cho động vật có nguy cơ mang tác nhân gây bệnh vào vùng đăng ký an toàn dịch bệnh.

7

Quản lý thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

[ ]

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Thực hiện đầy đủ việc lưu giữ thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc; tài liệu lưu giữ tại vùng an toàn dịch bệnh đảm bảo cung cấp được các bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng thường xuyên và có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, giám sát; đảm bảo truy xuất các dữ liệu của vùng, các cơ sở trong vùng

- Nhẹ: Thực hiện đầy đủ việc lưu giữ thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc; tài liệu lưu giữ tại các vùng an toàn dịch bệnh chưa đảm bảo cung cấp được các bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng thường xuyên và có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, giám sát; khó khăn trong việc truy xuất các dữ liệu của vùng, các cơ sở trong vùng

- Nặng: Không thực hiện đầy đủ việc lưu giữ thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

- Nghiêm trọng: Không thực hiện việc lưu giữ thông tin, dữ liệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc

8

Hoạt động thú y trong vùng

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có hệ thống thú y và hoạt động thú y trong vùng được thực hiện theo quy định tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25 và 30 của Luật Thú y và các quy định hiện hành

- Nặng: Có hệ thống thú y; tuy nhiên hoạt động thú y trong vùng không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành

- Nghiêm trọng: Không có hệ thống thú y; hoạt động thú y trong vùng không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành

Tng

Kết quả kiểm tra, đánh giá

Đánh giá kết quả đi với vùng

Kết quả đánh giá

Mức lỗi

Đạt

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

Đạt

≥ 6

-

0

0

Đạt

≥ 7

≤ 1

≤ 1

0

Không đạt

-

-

-

≥ 1

Không đạt

-

-

≥ 2

0

Ghi chú: (-) Không tính đến

Phần 2. Kiểm tra ngẫu nhiên mt số cơ sở chăn nuôi trong vùng

- Lựa chọn ngẫu nhiên và tiến hành kiểm tra ít nhất 03 cơ sở trong vùng; mỗi cơ sở sử dụng 01 bảng đánh giá theo quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

- Vùng sẽ không đạt an toàn dịch bệnh nếu có từ 01 cơ sở được kiểm tra đánh giá trở lên không đạt.

C. KẾT QUẢ LẤY MẪU GIÁM SÁT (nếu có, kèm theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm)

1. Thông tin về mẫu

- Ngày lấy mẫu: …………………………………………………………………………………….

- Loại mẫu: ………………………………………………………………………………………….

- Số lượng mẫu: ……………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

2. Kết quả lấy mẫu giám sát:

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

D. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN ĐÁNH GIÁ

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Đ. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN VÙNG

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

……, ngày tháng năm ……
ĐẠI DIỆN VÙNG ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu, nếu có)

……, ngày tháng năm ……
TRƯỞNG ĐOÀN ĐÁNH GIÁ
(Ký, ghi rõ họ tên)

(*) Đoàn đánh giá ghi rõ các sai li phát hiện trong quá trình kiểm tra, đánh giá, yêu cu thời gian vùng khắc phục và gi báo cáo kết quả khắc phc cho Cơ quan thú y.

PHỤ LỤC IX

MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÙNG AN TOÀN BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CƠ QUAN CHỦ QUẢN
CẤP TRÊN
CƠ QUAN THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……………, ngày tháng năm……

BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÙNG AN TOÀN BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT

A. THÔNG TIN CHUNG

1. Ngày kiểm tra, đánh giá: …………………………………………………………………….

2. Tên vùng kiểm tra, đánh giá:………………………………………………………………..

- Địa chỉ cơ quan đề nghị kiểm tra, đánh giá: ………………………………………………….

- Điện thoại: …………………..Fax: ………………Email:………………………………………

- Người đại diện của vùng: ……………………Chức vụ: .....................................................

3. Thành phần Đoàn đánh giá:

Trưởng đoàn: Ông (bà): ……………………………….Chức vụ:…………………………….

Thành viên: Ông (bà): …………………………………Chức vụ:……………………………..

- Ông (bà): ………………………………………Chức vụ:…………………………………….

- Ông (bà): ………………………………………Chức vụ:…………………………………….

B. NHÓM CHỈ TIÊU KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

TT

Chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá

Kết quả kiểm tra, đánh giá

Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá

Đạt

Mức lỗi

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

I

Yêu cầu về phòng, chống bệnh Dại động vật

1

Công tác quản lý chó, mèo nuôi: UBND cấp xã lập sổ theo dõi chó, mèo nuôi, hàng năm thống kê, rà soát tổng đàn chó, mèo trên địa bàn; người dân chủ động kê khai chăn nuôi theo Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Tất cả UBND cấp xã trong vùng lập sổ theo dõi chó, mèo nuôi theo quy định; cập nhật tổng đàn chó mèo khi người dân kê khai chăn nuôi.

- Nhẹ: Tất cả UBND cấp xã trong vùng lập sổ theo dõi chó, mèo nuôi theo quy định; có xã không cập nhật tổng đàn chó, mèo nuôi khi người dân kê khai chăn nuôi

- Nghiêm trọng: Có từ 01 UBND cấp xã trong vùng trở lên không lập lập sổ theo dõi chó, mèo nuôi.

2

Công tác xử lý chó thả rông: UBND cấp xã thành lập đội bắt chó thả rông; Đội bắt giữ chó thả rông hoạt động hiệu quả, không có đơn thư phản ánh về tình trạng chó thả rông trên địa bàn

[ ]

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Tất cả UBND cấp xã trong vùng thành lập đội bắt chó thả rông và có nhật ký hoạt động của đội; không có đơn thư phản ánh về tình trạng chó thả rông trên địa bàn

- Nhẹ: Tất cả UBND cấp xã trong vùng thành lập đội bắt chó thả rông và có nhật ký hoạt động của đội nhưng vẫn còn có đơn thư phản ánh về tình trạng chó thả rông trên địa bàn

- Nặng: Tất cả UBND cấp xã trong vùng thành lập đội bắt chó thả rông nhưng có từ 01 xã trở lên không ghi nhật ký hoạt động của đội

- Nghiêm trọng: Có 01 UBND cấp xã trong vùng trở lên không thành lập đội bắt giữ chó thả rông

3

Kết quả tiêm phòng vắc xin Dại trên đàn chó, mèo toàn vùng đạt trên 70% tổng đàn chó, mèo

[ ]

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo của toàn vùng đạt từ 70% tổng đàn chó mèo trở lên và 100% đơn vị cấp thôn trong vùng có tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo đạt từ 70% tổng đàn chó mèo trở lên

- Nhẹ: Tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo của toàn vùng đạt từ 70% tổng đàn chó mèo trở lên và có không quá 30% đơn vị cấp thôn trong vùng có tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo đạt dưới 70% tổng đàn chó mèo

- Nặng: Tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo của toàn vùng đạt từ 70% tổng đàn chó mèo trở lên và có nhiều hơn 30% đơn vị cấp thôn trong vùng có tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo đạt dưới 70% tổng đàn chó mèo

- Nghiêm trọng: Tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó mèo của toàn vùng đạt dưới 70% tổng đàn chó mèo

4

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống bệnh Dại

[ ]

[ ]

- Đạt: Tất cả UBND cấp xã trong vùng đều tổ chức tập huấn, tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại hàng năm đến người dân và cán bộ liên quan

- Nhẹ: Có UBND cấp xã trong vùng có tổ chức tập huấn, tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại nhưng không thường xuyên hàng năm đến người dân và cán bộ liên quan

5

Kết quả phối hợp liên ngành thú y và y tế trong phòng chống bệnh truyền lây giữa người và động vật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Có kế hoạch liên ngành giữa ngành thú y và y tế cùng cấp trong vùng được ký kết hàng năm; có báo cáo hàng tháng về tình hình bệnh truyền lây trên địa bàn giữa ngành y tế và ngành thú y; có báo cáo đột xuất giữa ngành y tế và thú y khi có ca bệnh truyền lây diễn biến bất thường trong vùng.

- Nhẹ: Kế hoạch liên ngành giữa ngành thú y và y tế cùng cấp trong vùng được ký kết hàng năm; không có báo cáo tháng hoặc có nhưng không đầy đủ về tình hình bệnh truyền lây trên địa bàn giữa ngành y tế và ngành thú y.

- Nặng: Không có kế hoạch liên ngành giữa ngành thú y và y tế cùng cấp trong vùng được ký kết hàng năm.

II

Yêu cầu về giám sát dịch bệnh Dại trên chó, mèo

6

Có sổ theo dõi dịch bệnh động vật hàng ngày và được ghi chép đầy đủ

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Tất cả UBND cấp xã trong vùng có sổ theo dõi dịch bệnh động vật hàng ngày và được ghi chép đầy đủ.

- Nhẹ: Tất cả UBND cấp xã trong vùng có sổ theo dõi dịch bệnh động vật hàng ngày và có xã ghi không đầy đủ.

- Nặng: Có ít nhất 01 UBND cấp xã không có sổ theo dõi dịch bệnh hàng ngày

7

Kết quả giám sát sau tiêm phòng vắc xin Dại trên đàn chó, mèo đạt tỷ lệ đáp ứng miễn dịch từ 70% trở lên

[ ]

[ ]

- Đạt: Lấy mẫu đúng, đủ số lượng và có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch từ 70% trở lên

- Nghiêm trọng: Không lấy mẫu giám sát đúng, đủ số lượng theo quy định hoặc có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch dưới 70%

III

Yêu cầu về hoạt động thú y trong vùng

8

Cơ quan đăng ký vùng an toàn dịch bệnh Dại hàng năm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Hàng năm, cơ quan đăng ký vùng an toàn bệnh Dại có ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; Hàng năm, tất cả UBND cấp xã trong vùng đều ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn

- Nặng: Hàng năm, cơ quan đăng ký vùng an toàn bệnh Dại có ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn và có từ 01 UBND cấp xã trong vùng trở lên không ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn

- Nghiêm trọng: Hàng năm, cơ quan đăng ký vùng an toàn bệnh Dại không ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn

9

Cơ quan đăng ký vùng an toàn dịch bệnh Dại ban hành kế hoạch xây dựng và duy trì vùng an toàn bệnh Dại đảm bảo các nội dung về phòng, chống bệnh Dại và nguồn lực để thực hiện.

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Cơ quan đăng ký vùng an toàn bệnh Dại có ban hành kế hoạch xây dựng và duy trì vùng an toàn bệnh Dại trên địa bàn, đảm bảo các nội dung về phòng, chống bệnh Dại và nguồn lực để thực hiện; tất cả UBND cấp xã trong vùng đều ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng và duy trì vùng an toàn bệnh Dại trên địa bàn

- Nặng: Cơ quan đăng ký vùng an toàn bệnh Dại có ban hành kế hoạch xây dựng và duy trì vùng an toàn bệnh Dại trên địa bàn, đảm bảo các nội dung về phòng, chống bệnh Dại và nguồn lực để thực hiện và có từ 01 UBND cấp xã trong vùng trở lên không kế hoạch thực hiện xây dựng và duy trì vùng an toàn bệnh Dại trên địa bàn

- Nghiêm trọng: Cơ quan đăng ký vùng an toàn bệnh Dại không ban hành kế hoạch xây dựng và duy trì vùng an toàn bệnh Dại trên địa bàn hoặc kế hoạch không đảm bảo các nội dung về phòng, chống bệnh Dại và nguồn lực để thực hiện;

10

Hệ thống thú y Nhà nước trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Duy trì hệ thống thú y trong vùng theo đúng quy định của Luật Thú y

- Lỗi nhẹ: Có hệ thống thú y trong vùng nhưng không được tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Luật Thú y

- Lỗi nghiêm trọng: Không có hệ thống thú y trong vùng

11

Hệ thống thú y tư nhân trên địa bàn hoạt động đúng quy định của pháp luật và có báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có ca bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại cho nhân viên thú y cấp xã hoặc Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện

[ ]

[ ]

[ ]

- Đạt: Hệ thống phòng khám thú y, người hành nghề thú y tư nhân trên địa bàn đủ các điều kiện hành nghề thú y; có báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có ca bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại cho nhân viên thú y cấp xã hoặc Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện

- Nhẹ: Hệ thống phòng khám thú y, người hành nghề thú y tư nhân trên địa bàn đủ các điều kiện hành nghề thú y; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ kết quả hoạt động định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có ca bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại cho nhân viên thú y cấp xã hoặc Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện

- Nặng: Hệ thống phòng khám thú y, người hành nghề thú y tư nhân trên địa bàn không đủ các điều kiện hành nghề thú y

IV

Yêu cầu về tình hình dịch bệnh Dại trong vùng

12

Không có ca bệnh Dại trên người hoặc trên động vật được phát hiện trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá

[ ]

[ ]

- Đạt: Không có ca bệnh Dại được phát hiện trong ít nhất 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá

- Nghiêm trọng: Có ca bệnh Dại được phát hiện trong khoảng thời gian 12 tháng trước thời điểm kiểm tra, đánh giá

Tổng

Kết quả kiểm tra, đánh giá

Xếp loại kết quả

Xếp loại kết quả

Mức lỗi

Đạt

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

Đạt

-

≤ 2

≤ 2

0

Không đạt

-

-

-

≥ 1

Không đạt

-

-

> 2

-

Ghi chú: ( - ) Không tính đến

C. LẤY MẪU VÀ CHỈ ĐỊNH CHỈ TIÊU PHÂN TÍCH (nếu có, kèm theo Biên bản lấy mẫu)

1. Thông tin về mẫu lấy

- Loại mẫu:……………………………………………………………………………….........

- Số lượng mẫu: ……………………………………………………………………………….

- ………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích:

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

D. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN ĐÁNH GIÁ

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

Đ. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….


ĐẠI DIỆN VÙNG
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)



….., ngày tháng năm ....
TRƯỞNG ĐOÀN ĐÁNH GIÁ
(Ký, ghi rõ họ tên)



(*) Đoàn đánh giá ghi rõ các sai lỗi phát hiện trong quá trình kiểm tra, đánh giá, yêu cầu thời gian vùng khắc phục và gửi báo cáo kết qu khắc phục cho Cơ quan thú y.

PHỤ LỤC X

MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CƠ QUAN CHỦ QUẢN
CẤP TRÊN
CƠ QUAN THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…….., ngày tháng năm…

BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN

A. THÔNG TIN CHUNG

1. Ngày kiểm tra, đánh giá: ……………………………………………………………………

2. Tên cơ sở được kiểm tra, đánh giá: ………………………………………………………

- Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………

- Đối tượng sản xuất………………………………………………………………………………

- Điện thoại: ………………………….Fax: ……………………Email: …………………………

- Tên và số giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập:....................

………………………………………………………………………………………………………

Tên cơ quan cấp: …………………………………Ngày cấp:…………………………………

- Người đại diện của cơ sở:………………………Chức vụ:…………………………………..

- Mã số cơ sở (nếu có):………………………………………………………………………….

3. Thành phần Đoàn đánh giá:

Trưởng đoàn: Ông (bà): ………………………………Chức vụ:………………………………

Thành viên: Ông (bà): …………………………………Chức vụ:………………………………

- Ông (bà): …………………………………………Chức vụ:…………………………………..

- Ông (bà): …………………………………………Chức vụ:…………………………………..

………………………………………………………………………………………………………

B. NHÓM CHỈ TIÊU KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ



TT

Chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá

Kết quả kiểm tra, đánh giá

Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá

……

Đạt

Mức lỗi

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

Vị trí của cơ sở

1

Tách biệt với cơ sở khác có nuôi thủy sản cùng loài

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có biện pháp ngăn cách (có hệ thống tường bao/hàng rào/các biện pháp tạo sự ngăn cách cố định khác giữa cơ sở với bên ngoài VÀ có khoảng cách ngăn cách bằng hệ thống giao thông/thủy lợi) với cơ sở nuôi trồng thủy sản cùng loài mẫn cảm với bệnh.

Nhẹ: Có biện pháp ngăn cách nhưng không bảo đảm khoảng cách an toàn dịch bệnh (có hệ thống tường bao/hàng rào/các biện pháp tạo sự ngăn cách cố định khác giữa cơ sở với bên ngoài HOẶC có khoảng cách ngăn cách bằng hệ thống giao thông/thủy lợi) với cơ sở nuôi thủy sản cùng loài.

Nặng: Không có biện pháp ngăn cách với cơ sở nuôi trồng thủy sản mẫn cảm khác.

2

Tách biệt (có nhà kín, hàng rào, lưới lọc, lưới ph trại, hệ thống kênh mương, khu vực không nuôi trồng thủy sn...) với các nguồn có khả năng làm lây nhiễm bệnh

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có biện pháp ngăn cách để ngăn chặn tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ sở.

Nhẹ: Có biện pháp ngăn cách nhưng không bảo đảm việc kiểm soát tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ sở.

Nặng: Không có biện pháp ngăn chặn tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ sở.

3

Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ sở (thức ăn tươi sng, động vt hoang dã, các loài động vt khác, vật chủ trung gian truyền bệnh, con người, phương tiện ...)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có áp dụng các giải pháp hóa học (khử trùng tiêu độc, thuốc diệt động vật nguy hại như chuột, ...), sinh học (vắc xin, chế phẩm sinh học, xét nghiệm tác nhân gây bệnh đối với thức ăn tươi sống...), vật lý (lưới che, lưới lọc, đặt bẫy ,...) để tiêu diệt/loại bỏ tác nhân gây bệnh từ các nguồn có thể mang tác nhân gây bệnh vào cơ sở: diệt khuẩn nước vào cơ sở; khử trùng hệ thống kênh mương bao quanh; vệ sinh, tiêu độc khử trùng đối với phương tiện, công cụ, người... trước khi vào cơ sở; xử lý thức ăn tươi sống (nếu dùng).

Nhẹ: Có áp dụng các giải pháp nhưng không thường xuyên hoặc vẫn có nguy cơ không đảm bảo diệt được tác nhân gây bệnh như việc duy trì nồng độ hóa chất diệt khuẩn không đảm bảo,…..

Nặng: Phát hiện tại cơ sở có nguy cơ tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Bố trí mặt bằng tại cơ sở đáp ứng yêu cầu về quản lý dịch bệnh

4

Khu vực xử lý xác động vật, chất thải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thú y;

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hoạt động thu gom, bố trí khu vực xử lý xác động vật (được bố trí bên ngoài khu nuôi trồng thủy sản của cơ sở), chất thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản tại cơ sở.

Nhẹ: Có khu vực xử lý xác động vật nhưng nằm bên trong khu nuôi/khu sản xuất của cơ sở.

Nặng: Không thu gom, không bố trí khu vực xử lý xác động vật, chất thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản tại cơ sở.

5

Khu vực nuôi trồng thủy sản ngăn cách với các khu vực khác của cơ sở;

[ ]

[ ]

Đạt: Hoàn toàn tách biệt (có tường, khoảng cách, hệ thống rào, lối đi, hố sát trùng...) với các khu vực khác của cơ sở.

Nhẹ: Không bố trí hệ thống ngăn cách khu vực nuôi với các khu vực khác của cơ sở.

6

Khu vực cách ly động vật nhập trại hoặc khu vực kiểm tra sức khỏe thủy sản nhập trại

[ ]

[ ]

Đạt: Có bố trí khu vực cách ly hoặc khu vực kiểm tra sức khỏe động vật thủy sản nhập vào cơ sở. Khu vực này đảm bảo độc lập, tách biệt không làm lây bệnh ra khu vực nuôi trồng thủy sản.

Nhẹ: Có khu vực cách ly hoặc khu vực kiểm tra sức khỏe động vật thủy sản nhập vào cơ sở nhưng nằm trong khu vực nuôi mà không tách biệt.

7

Khu vực kho chứa thức ăn, thuốc, hóa chất.

[ ]

[ ]

Đạt: Có kho chứa thức ăn, thuốc, hóa chất đảm bảo các điều kiện nhiệt độ việc bảo quản theo khuyến cáo của nhà sản xuất trên bao bì sản phẩm, kho kín, nền cứng và chống sự xâm nhập của động vật. Đồng thời:

- Đối với thức ăn: khu vực để phải khô, thoáng và có kệ kê thức ăn đảm bảo thức ăn không bị ẩm mốc.

- Đối với hóa chất: phải được phân loại và bố trí khu vực theo từng loại, đối với các hóa chất độc hại phải được bố trí khu vực riêng.

- Đối với thuốc thú y: Được bố trí khu vực riêng.

Nhẹ: Có kho chứa nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện được nêu trong mục Đạt nêu trên.

8

Hệ thống biển báo, cảnh báo, bảng chỉ dẫn tại cơ sở

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống biển báo, cảnh báo, bảng chỉ dẫn tại các khu vực của cơ sở.

Nhẹ: Không có biển báo, cảnh báo, bảng chỉ dẫn tại các khu vực của cơ sở.

Hệ thống cấp thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản

9

Hệ thống xử lý nước cấp

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống xử lý nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trước khi đưa vào khu vực nuôi: hệ thống lấy nước vào cơ sở; hệ thống xử lý thô và loại bỏ các loài thủy sản tự nhiên, hệ thống diệt khuẩn; hệ thống ao/bể lưu trữ nước phục vụ nuôi trồng thủy sản của cơ sở.

Nặng: Có hệ thống xử lý nước cấp nhưng hệ thống không đầy đủ hoặc hệ thống xử lý không đảm bảo dẫn đến ảnh hưởng khả năng loại bỏ tác nhân gây bệnh, động vật thủy sản tự nhiên.

Nghiêm trọng: Không có hệ thống xử lý nước cấp.

10

Hệ thống xử lý nước thải

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống xử lý nước thải sau quá trình nuôi trồng thủy sản trước khi thải ra ngoài môi trường: hệ thống trữ nước thải, hệ thống xử lý nước bằng hóa chất hoặc sinh học hoặc tương đương đáp ứng yêu cầu loại bỏ tác nhân gây bệnh (nếu có) trước khi thải ra ngoài cơ sở.

Nhẹ: Có hệ thống xử lý nước thải nhưng hệ thống hoạt động không bảo đảm, có nguy cơ làm tác nhân gây bệnh thoát ra ngoài cơ sở.

Nặng: Không có hệ thống xử lý nước thải.

Hệ thống khử trùng, tiêu độc

11

Hệ thống khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết khác tại lối ra vào cơ sở

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống khử trùng và hoạt động hiệu quả, liên tục đối với người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư ra vào cơ sở (Quy trình khử trùng ra vào cơ sở, có cơ s hạ tầng phù hợp (có h khử trùng đủ độ sâu và dài tối thiểu một vòng bánh xe tải và máy móc thiết bị kh trùng, nồng độ hóa chất sát trùng được pha và duy trì theo hướng dẫn nhà sản xuất, ...).

Nhẹ: Có đầy đủ hệ thống khử trùng nhưng việc vận hành hoặc cơ sở hạ tầng máy móc không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về khử trùng dẫn đến nguy cơ việc khử trùng không có tác dụng.

Nặng: Không có hệ thống khử trùng.

12

Hệ thống khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết khác tại khu vực nuôi trồng thủy sản của cơ sở

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống khử trùng và hoạt động hiệu quả, liên tục đối với người ra vào khu vực nuôi: Hệ thống này được vận hành trên cơ sở các quy trình khử trùng (công nhân thực hiện vệ sinh khử trùng, sdụng bo hộ lao động tớc khi vào khu vực nuôi; nồng độ hóa chất sát trùng được pha và duy trì theo hướng dn nhà sản xuất, ...), cơ sở hạ tầng (hố kh trùng, khu vực thay đồ ra vào khu vực nuôi, bng hướng dẫn thao tác ...) và máy móc thiết bị kh trùng (máy/hệ thng/thiết bị khử trùng, máy/bình phun thuốc sát trùng).

Nhẹ: Có đầy đủ hệ thống khử trùng nhưng việc vận hành hoặc cơ sở hạ tầng máy móc không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về khử trùng dẫn đến nguy cơ việc khử trùng không có tác dụng.

Nặng: Không có hệ thống khử trùng tại khu vực nuôi trồng thủy sản.

13

Thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển dễ vệ sinh, khử trùng

[ ]

[ ]

Đạt: Có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển chuyên dụng liên quan trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, thuận tiện cho việc vệ sinh, khử trùng.

Nhẹ: Có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển chuyên dụng liên quan trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng thủy sản nhưng khó vệ sinh khử trùng.

14

Kết quả thực hiện kế hoạch an toàn sinh học

(Đoàn đánh giá kiểm tra thực tế tại cơ sở)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch.

Nặng: Có kế hoạch nhưng việc tổ chức thực hiện không đầy đủ.

Nghiêm trọng: Không có kế hoạch hoặc có kế hoạch nhưng không tổ chức thực hiện.

15

Kết quả thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh

(Đoàn đánh giá kiểm tra thực tế tại cơ sở)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch.

Nặng: Có kế hoạch nhưng việc tổ chức thực hiện không đầy đủ.

Nghiêm trọng: Không có kế hoạch hoặc có kế hoạch nhưng không tổ chức thực hiện.

16

Kết quả thực hiện kế hoạch ứng phó dịch bệnh

(Đoàn đánh giá kiểm tra thực tế tại cơ sở)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch.

Nặng: Có kế hoạch nhưng việc tổ chức thực hiện không đầy đủ.

Nghiêm trọng: Không có kế hoạch hoặc có kế hoạch nhưng không tổ chức thực hiện.

17

Tình hình bệnh động vật thủy sản đề nghị công nhận an toàn dịch bệnh

(Đánh giá theo từng bệnh đề nghị đăng ký công nhân an toàn dịch bệnh)

[ ]

[ ]

Đạt: Đối với cơ sở mới hoạt động: địa bàn cấp xã đó không xảy ra bệnh trong vòng 12 tháng, kết quả xét nghiệm mẫu giám sát 100% âm tính với bệnh; Đối với cơ sở khác: khoảng thời gian không xảy ra bệnh đáp ứng yêu quy định.

Nghiêm trọng: Xảy ra bệnh trong thời gian giám sát hoặc địa bàn cấp xã đối với cơ sở mới xảy ra bệnh đăng kí an toàn dịch bệnh.

Hoạt động thú y tại cơ sở

18

Tập huấn/đào tạo về bệnh thủy sản và giám sát bệnh đối với bệnh đề nghị công nhận an toàn.

[ ]

[ ]

Đạt: Nhân viên kỹ thuật của cơ sở được tập huấn và trình bày được: dấu hiệu để nhận biết bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi xuất hiện dịch bệnh tại cơ sở (theo quy trình an ninh sinh học) đối với các bệnh đề nghị công nhận an toàn dịch bệnh.

Nhẹ: Nhân viên kỹ thuật của cơ sở không được tập huấn hoặc được tập huấn nhưng không nắm đầy đủ kiến thức về bệnh đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh.

19

Tập huấn về lấy mẫu giám sát xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (Đối với trường hợp cơ sở tự thu mẫu giám sát).

[ ]

[ ]

Đạt: Nhân viên kỹ thuật của cơ sở đã tham gia tập huấn về lấy mẫu giám sát và nắm vững kỹ thuật lấy mẫu.

Nặng: Nhân viên kỹ thuật của cơ sở chưa được tập huấn.

20

Kiến thức về an toàn sinh học, ứng phó dịch bệnh tại cơ sở.

[ ]

[ ]

Đạt: Nhân viên kỹ thuật của cơ sở nắm vững quy trình an toàn sinh học, ứng phó dịch bệnh theo phần công việc được giao.

Nặng: Nhân viên kỹ thuật của cơ sở không nắm được quy trình an toàn sinh học, ứng phó dịch bệnh.

Xếp loại kết quả

Xếp loại kết quả

Mức lỗi

Đạt

Nhẹ

Nng

Nghiêm trọng

Đạt

≥ 17

< 3

0

0

Đạt

< 17

≤ 2

≤ 1

0

Không đạt

-

-

-

≥ 1

Không đạt

-

-

>2

-

Các trường hợp khác (không đủ tiêu chí đánh giá đạt), Đoàn đánh giá yêu cầu cơ sở khắc phục.

Ghi chú: (-) Không tính đến

C. LẤY MẪU VÀ CHỈ ĐỊNH CHỈ TIÊU PHÂN TÍCH (kèm theo Biên bản lấy mẫu)

1. Thông tin về mẫu lấy

- Loại mẫu: …………………………………………………………………………………….

- Số lượng mẫu:……………………………………………………………………………….

- …………………………………………………………………………………………………

2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích:

…………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………..

D. Đánh giá Bản mô tả đối chiếu với hồ sơ lưu giữ tại cơ sở

D. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

1. Nhận xét của đoàn kiểm tra, đánh giá:

…………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………..

2. Đề xuất xếp loại cơ sở:

…………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………..

Đ. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ

…………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………..


ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu-nếu có)



……, ngày tháng năm …….
TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
(Ký, ghi rõ họ tên)



(*) Đoàn kiểm tra ghi rõ các sai lỗi phát hiện trong quá trình kiểm tra, đánh giá yêu cầu thời gian cơ s khắc phục và gửi báo cáo kết qu khắc phục cho Cơ quan thú y.

PHỤ LỤC XI

MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

(CƠ QUAN CHỦ QUẢN
CƠ QUAN THÚ Y)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…………, ngày tháng năm

BIÊN BẢN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Ngày kiểm tra: ………………………………………………………………………………….

2. Vùng kiểm tra: ………………………………………………………………………………….

- Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………..

- Đại diện liên hệ: ………………………………………………………………………………….

- Điện thoại: ………………………Fax: ………………………………Email: ………………….

………………………………………………………………………………………………………

Tên cơ quan cấp: ……………………………………………Ngày cấp: ……………………….

- Số cơ sở trong vùng ……………………………..Tổng diện tích ……………………………

- Sơ đồ bố trí mặt bằng các cơ sở trong vùng

4. Thành phần Đoàn kiểm tra: …………………………….Chức vụ: ………………………..

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

5. Đối tượng nuôi: ……………………… Hình thức nuôi: …………………

II. NHÓM CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ

Phần 1. Kiểm tra đánh giá tại UBND vùng đăng ký an toàn dịch bệnh thủy sản


TT

Chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá

Kết quả kiểm tra đánh giá

Hướng dẫn kim tra, đánh giá

Lỗi cụ thể

Đạt

Mức lỗi

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

Đánh giá hoạt động chung tại vùng

1

Vùng do Cơ quan thú y xác định và được Ủy ban nhân dân nơi đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật quyết định và chỉ đạo tổ chức xây dựng

[ ]

[ ]

Đạt: Được UBND xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Nặng: UBND không xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

2

Hoạt động phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong vùng phải bảo đảm có đủ nguồn lực để kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y

[ ]

[ ]

Đạt: Vùng bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, vật lực và kinh phí tổ chức thực hiện) để tổ chức phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của pháp.

Nặng: Không bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, vật lực và kinh phí tổ chức thực hiện) để tổ chức phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của pháp.

3

Kiểm soát đối với động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trước khi vào vùng an toàn dịch bệnh động vật nhằm giảm thiểu nguy cơ tác nhân gây bệnh xâm nhiễm, lây lan trong vùng

[ ]

[ ]

Đạt: Có biện pháp kiểm soát (thực hiện kiểm dịch động vật thủy sn tại đầu mi giao thông, ...) đối với động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thủy sản trước khi vào vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật nhằm giảm thiểu nguy cơ tác nhân gây bệnh xâm nhiễm, lây lan trong vùng.

Nặng: Không có hoặc không triển khai pháp kiểm soát (kiểm dịch động vật thủy sản tại đầu mối giao thông, ...) đối với động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thủy sản trước khi vào vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật nhằm giảm thiểu nguy cơ tác nhân gây bệnh xâm nhiễm, lây lan trong vùng.

4

Các chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh trong vùng phải được Cơ quan thú y giám sát và tuân thủ quy định của pháp luật về thú y

[ ]

[ ]

Đạt: Có biện pháp (giám sát dịch bệnh định kỳ hoặc đột xuất khi nghi ngờ xảy ra bệnh đối với bệnh đề nghị công nhận an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc...) tại các chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh trong vùng phải được Cơ quan thú y giám sát và tuân thủ quy định của pháp luật về thú y.

Nhẹ: Không có biện pháp (giám sát dịch bệnh định kỳ hoặc đột xuất khi nghi ngờ xảy ra bệnh đối với bệnh đề nghị công nhận an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc...) tại các chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật mẫn cảm với bệnh đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh trong vùng phải được Cơ quan thú y giám sát và tuân thủ quy định của pháp luật về thú y.

5

Kết quả thực hiện kế hoạch an toàn sinh học (Đoàn đánh giá kiểm tra thực tế tại vùng)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch.

Nặng: Có kế hoạch nhưng việc tổ chức thực hiện không đầy đủ.

Nghiêm trọng: Không có kế hoạch hoặc có kế hoạch nhưng không tổ chức thực hiện.

6

Kết quả thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh

(Đoàn đánh giá kiểm tra thực tế tại vùng)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch.

Nặng: Có kế hoạch nhưng việc tổ chức thực hiện không đầy đủ.

Nghiêm trọng: Không có kế hoạch hoặc có kế hoạch nhưng không tổ chức thực hiện.

7

Kết quả thực hiện kế hoạch ứng phó dịch bệnh

(Đoàn đánh giá kiểm tra thực tế tại vùng)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch.

Nặng: Có kế hoạch nhưng việc tổ chức thực hiện không đầy đủ.

Nghiêm trọng: Không có kế hoạch hoặc có kế hoạch nhưng không tổ chức thực hiện.

8

Dịch bệnh động vật thủy sản đăng ký công nhận an toàn tại vùng

[ ]

[ ]

Đạt: Không xảy ra bệnh động vật thủy sản đăng ký công nhận an toàn tại vùng

Nghiêm trọng: Xảy ra bệnh động vật thủy sản đăng ký công nhận an toàn tại vùng

9

Hoạt động thú y tại vùng trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống thú y và hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng được thực hiện theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Nặng: Có hệ thống thú y nhưng hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng thực hiện không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Nghiêm trọng: Không có hệ thống thú y, hoạt động thú y về phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng thực hiện không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

10

Hoạt động thú y tại vùng trong công tác kiểm dịch

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống thú y và hoạt động kiểm dịch động vật thủy sản trong vùng được thực hiện theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Nặng: Có hệ thống thú y nhưng hoạt động kiểm dịch động vật thủy sản trong vùng thực hiện không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Nghiêm trọng: Không có hệ thống thú y, hoạt động thú y về kiểm dịch động vật thủy sản trong vùng thực hiện không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

11

Hoạt động thú y tại vùng trong công tác quản lý thuốc thú y

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Có hệ thống thú y và hoạt động quản lý thuốc động vật thủy sản trong vùng được thực hiện theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Nặng: Có hệ thống thú y nhưng hoạt động quản lý thuốc động vật thủy sản trong vùng thực hiện không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Nghiêm trọng: Không có hệ thống thú y, hoạt động thú y về quản lý thuốc động vật thủy sản trong vùng thực hiện không đúng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

12

Hoạt động quan trắc và cảnh báo môi trường trong vùng

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Tổ chức thực hiện việc quan trắc và cảnh báo môi trường trong vùng theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản và các quy định hiện hành.

Nng: Có tổ chức thực hiện việc việc quan trắc và cảnh báo môi trường nhưng hoạt động không đúng theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản và các quy định hiện hành.

Nghiêm trọng: Không tổ chức thực hiện việc quan trắc và cảnh báo môi trường theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản và các quy định hiện hành.

Lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Hồ sơ được lưu giữ, có khả năng truy xuất nguồn gốc thông tin về dịch bệnh, kiểm dịch, quản lý thuốc trong vùng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Nặng: Có tổ chức thực hiện việc lưu giữ hồ sơ về dịch bệnh, kiểm dịch, quản lý thuốc trong vùng theo quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành theo quy định của Luật Thú y, Luật Thú y và các quy định hiện hành nhưng không có khả năng truy xuất nguồn gốc thông tin

Nghiêm trọng: Không tổ chức thực hiện việc lưu giữ hồ sơ về dịch bệnh, kiểm dịch, quản lý thuốc trong vùng theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản và các quy định hiện hành.

13

Ghi nhật ký nuôi theo mẫu thống nhất trong vùng; Lưu giữ các chứng từ liên quan (tại cơ sở)

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Các cơ sở trong vùng thực hiện ghi chép nhật kí nuôi tại cơ sở theo một mẫu thống nhất và được lưu giữ tại cơ sở.

Nhẹ: Các cơ sở trong vùng thực hiện ghi chép nhật kí nuôi tại cơ sở theo mẫu riêng nhưng vẫn đủ các thông tin theo mẫu chung của vùng.

Nng: Các cơ sở trong vùng không thực hiện ghi chép nhật kí.

14

Ghi chép, tổng hợp các lần thu mẫu xét nghiệm bệnh định kỳ, đột xuất, kết quả xét nghiệm của vùng

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Vùng có ghi chép, tổng hợp, lưu giữ thông tin các lần thu mẫu xét nghiệm bệnh định kỳ, đột xuất, kết quả xét nghiệm của vùng

Nhẹ: Vùng có ghi chép, tổng hợp lưu giữ thông tin các lần thu mẫu xét nghiệm bệnh định kỳ, đột xuất, kết quả xét nghiệm của vùng nhưng không đầy đủ.

Nặng: Vùng không ghi chép, tổng hợp lưu giữ thông tin các lần thu mẫu xét nghiệm bệnh định kỳ, đột xuất, kết quả xét nghiệm của vùng nhưng không đầy đủ.

15

Biện pháp đã xử lý khi xảy ra dịch bệnh, kết quả xử lý, xác nhận của cơ quan thẩm quyền trong vùng

[ ]

[ ]

[ ]

Đạt: Vùng tổ chức thực hiện theo quy định của Luật thú y và các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra, xác minh, xử lý dịch bệnh và báo cáo dịch bệnh của vùng

Nhẹ: Vùng có tổ chức thực hiện theo quy định của Luật thú y và các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra, xác minh, xử lý dịch bệnh và báo cáo dịch bệnh của vùng nhưng không đầy đủ.

Nặng: Vùng không tổ chức thực hiện theo quy định của Luật thú y và các văn bản quy phạm pháp luật về điều tra, xác minh, xử lý dịch bệnh và báo cáo dịch bệnh của vùng

16

Đánh giá hoạt động cụ thể tại các cơ sở được lựa chọn (theo biểu mẫu đánh giá an toàn dịch bệnh đi với cơ sở)

[ ]

[ ]

Đạt: Tất cả các cơ sở được lựa chọn ngẫu nhiên để đánh giá đều đáp ứng yêu cầu đối với cơ sở an toàn dịch bệnh

Nghiêm trọng: Có cơ sở được lựa chọn ngẫu nhiên để đánh giá không đáp ứng yêu cầu đối với cơ sở an toàn dịch bệnh


Phần 2. Kiểm tra ngẫu nhiên một số cơ sở nuôi trồng thủy sản trong vùng

- Lựa chọn ngẫu nhiên và tiến hành kiểm tra một số cơ sở trong vùng; mỗi cơ sở sử dụng 01 bảng đánh giá theo quy định tại Phụ lục X của Thông tư này.

- Vùng sẽ không đạt an toàn dịch bệnh nếu có cơ sở được kiểm tra đánh giá trở lên không đạt yêu cầu.

III. ĐÁNH GIÁ XỬ LÝ DỊCH BỆNH XẢY RA TRONG VÙNG

……………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………….

IV. LẤY MẪU (nếu có) VÀ CHỈ ĐỊNH CHỈ TIÊU PHÂN TÍCH (kèm theo Biên bản lấy mẫu)

1. Thông tin về mẫu lấy (loại mẫu; số lượng mẫu; tình trạng bao gói, bảo quản mẫu...):

……………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………….

2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích:

……………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………….

V. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA

1. Nhận xét của đoàn kiểm tra:

……………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………….

2. Đề xuất xếp loại vùng:

……………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………….

VI. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN VÙNG

……………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………….

…….., ngày tháng năm …..
ĐẠI DIỆN VÙNG ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng du-nếu có)



…….., ngày tháng năm …..
TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)



*Hướng dẫn xếp loại theo nhóm chỉ tiêu đánh giá

Kết quả đánh giá

Mức lỗi

Đạt

Nhẹ

Nặng

Nghiêm trọng

Đạt

> 9

≤ 5

≤ 2

0

Không đạt

-

-

-

≥ 1

Không đạt

-

-

>2

0

Hoặc đạt yêu cầu khi: mức lỗi Nhẹ: ≤30%, Nặng < 10% tổng số chỉ tiêu đánh giá thực tế và không có lỗi nghiêm trọng.

PHỤ LỤC XII

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Mẫu giấy chứng nhận do Cục Thú y cấp

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT
CỤC THÚ Y VIỆT NAM
DEPARTMENT OF ANIMAL HEALTH OF VIETNAM
---------------

GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
CERTIFICATE OF DISEASE FREE STATUS FOR ESTABLISHMENT/ZONE

CHỨNG NHẬN
THIS IS TO CERTIFY THAT

Cơ sở/vùng:

The establishment/zone:

Địa chỉ:

Address:

Được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh:

In recognition of the free status in regard to the following disease(s):

Số (No.): /QĐ-TY-ATDB

………, ngày………tháng………năm...

Giấy chứng nhận này có giá trị đến…………..
This certificate is valid to………….

CC TRƯỞNG
Director General




2. Mẫu giấy chứng nhận do Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh cấp

Logo của Chi cục

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CHI CỤC ……………
---------------

GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

CHỨNG NHẬN

Cơ sở/vùng:

Địa chỉ:

Được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh:

Số: /QĐ-TY-ATDB

………, ngày………tháng………năm...

Giấy chứng nhận này có giá trị đến…………..

CHI CỤC TRƯỞNG