Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 244/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP

- Căn cứ Luật Kế toán ngày 17/06/2003;
- Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ- CP ngày 31/05/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;
- Căn cứ Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (thuế GTGT);
- Căn cứ Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN);

Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi kế toán một số nghiệp vụ kinh tế, bổ sung kế toán các nghiệp vụ kinh tế mới phát sinh chưa được quy định trong Chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:

Chương I -

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước.

Điều 2. Chế độ kế toán áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam (gọi tắt là Nhà thầu nước ngoài), có cơ sở cư trú tại Việt Nam phải thực hiện kế toán theo quy định của Luật Kế toán; Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam; Chế độ kế toán Doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp không có nhu cầu sửa đổi, bổ sung thì không phải đăng ký Chế độ kế toán áp dụng với Bộ Tài chính mà chỉ cần thông báo cho cơ quan thuế địa phương – nơi đăng ký nộp thuế.

Điều 3. Nộp báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao

Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì ngoài việc nộp Báo cáo tài chính năm cho các cơ quan theo quy định tại Chế độ Báo cáo tài chính ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.

Chương II –

ĐƠN VỊ TIỀN TỆ TRONG KẾ TOÁN

Điều 4. Đơn vị tiền tệ trong kế toán

“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (Ký hiệu quốc gia là “đ”; Ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thì được chọn một loại ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính.

Điều 5. Lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài

1. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp) thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

2. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải đáp ứng được đồng thời các tiêu chuẩn sau:

- Đơn vị tiền tệ đó phải được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hoá, dịch vụ và thường là đơn vị tiền tệ được sử dụng trong việc quyết định giá bán hàng;

- Đơn vị tiền tệ đó phải được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp và thường là đơn vị tiền tệ được sử dụng chủ yếu trong việc tính toán doanh thu, chi phí nhân công, thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ.

3. Doanh nghiệp có công ty mẹ ở nước ngoài thì chỉ được lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán giống với đơn vị tiền tệ trong kế toán của công ty mẹ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp được thành lập với mục đích chủ yếu là sản xuất và gia công sản phẩm cho công ty mẹ, phần lớn nguyên liệu được mua từ công ty mẹ và sản phẩm được xuất khẩu và tiêu thụ bởi công ty mẹ;

- Tỷ trọng các hoạt động của doanh nghiệp với công ty mẹ hoặc tỷ trọng các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp bằng đơn vị tiền tệ trong kế toán của công ty mẹ là đáng kể ( trên 70%).

Điều 6. Quy đổi báo cáo tài chính lập bằng đơn vị tiền tệ trong kế toán là ngoại tệ sang Việt Nam Đồng khi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước

1. Các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động ở Việt Nam sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đồng thời với việc lập Báo cáo tài chính theo đơn vị tiền tệ trong kế toán (ngoại tệ) còn phải quy đổi báo cáo tài chính sang Việt Nam Đồng khi nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước.

2. Nguyên tắc quy đổi báo cáo tài chính lập bằng đơn vị tiền tệ kế toán là ngoại tệ sang Việt Nam Đồng:

Tất cả các khoản mục trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp (cả số liệu báo cáo và số liệu so sánh) đều được quy đổi theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày kết thúc kỳ kế toán. Trường hợp tại ngày kết thúc kỳ kế toán không có tỷ giá bình quân liên ngân hàng thì lấy tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày gần nhất trước ngày kết thúc kỳ kế toán.

Điều 7. Kiểm toán báo cáo tài chính trong trường hợp sử dụng đơn vị tiền tệ trong kế toán là ngoại tệ

Báo cáo tài chính lập theo đơn vị tiền tệ trong kế toán là ngoại tệ phải được kiểm toán. Báo cáo tài chính lập theo đơn vị tiền tệ trong kế toán là ngoại tệ khi quy đổi ra Việt Nam Đồng không bắt buộc phải kiểm toán mà chỉ cần có ý kiến xác nhận của kiểm toán về tỷ giá quy đổi và tính chính xác của việc quy đổi.

Điều 8. Thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán

1. Khi có sự thay đổi lớn về hoạt động quản lý và kinh doanh dẫn đến đơn vị tiền tệ được sử dụng trong các giao dịch kinh tế không còn thoả mãn các tiêu chuẩn nêu tại khoản 2 Điều 5 Chương II Thông tư này thì doanh nghiệp được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán. Việc thay đổi từ một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán này sang một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán khác chỉ được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới. Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán chậm nhất là sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.

2. Tỷ giá áp dụng cho các khoản mục thuộc Bảng Cân đối kế toán khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán:

Các khoản mục thuộc Bảng cân đối kế toán được quy đổi sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

3. Trình bày thông tin so sánh khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán

Trong kỳ kế toán đầu tiên kể từ khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính theo đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán mới và trình bày lại số liệu về thông tin so sánh (cột “Số đầu năm” của Bảng Cân đối kế toán và cột “Năm trước” của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ), cụ thể:

- Cột “Số đầu năm” của Bảng Cân đối kế toán được trình bày căn cứ vào Bảng Cân đối kế toán được lập tại thời điểm đầu năm tài chính (thời điểm thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán) bằng cách sử dụng tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

- Cột “Năm trước” của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được trình bày căn cứ vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập tại thời điểm đầu năm bằng cách sử dụng tỷ giá bình quân liên ngân hàng trung bình năm trước liền kề năm thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

Điều 9. Thuyết minh báo cáo tài chính

Khi quy đổi báo cáo tài chính (được lập bằng ngoại tệ) sang Việt Nam Đồng hoặc khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Thuyết minh báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với báo cáo tài chính do việc quy đổi báo cáo tài chính từ đồng ngoại tệ sang Việt Nam Đồng hoặc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

Chương III –

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN CHO NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI

Điều 10. Các nguyên tắc áp dụng chế độ kế toán

Nhà thầu nước ngoài phải:

1. Căn cứ vào các quy định tại Luật Kế toán, Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và quy định tại Thông tư này để tổ chức kế toán theo từng Hợp đồng nhận thầu (Từng Giấy phép nhận thầu) làm cơ sở để quyết toán hợp đồng và quyết toán thuế với Nhà nước Việt Nam.

2. Các Nhà thầu nước ngoài khi áp dụng Chế độ kế toán Việt Nam được lựa chọn áp dụng danh mục tài khoản, chứng từ, sổ kế toán và hình thức sổ kế toán cho phù hợp với đặc điểm hoạt động và đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý của đơn vị mình và của Nhà nước Việt Nam (Đặc biệt là yêu cầu quản lý thuế), cụ thể như sau:

- Trường hợp Nhà thầu nước ngoài nộp thuế GTGT và thuế TNDN đều theo phương pháp ấn định thì nhà thầu căn cứ vào Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam để lựa chọn, áp dụng phù hợp danh mục tài khoản, chứng từ và hình thức sổ kế toán để đáp ứng yêu cầu quản lý của đơn vị mình.

- Trường hợp Nhà thầu nước ngoài nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thuế TNDN theo phương pháp doanh thu trừ (-) chi phí hoặc theo phương pháp ấn định thì phải lựa chọn áp dụng các tài khoản phản ánh tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, xác định kết quả có liên quan theo quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thuế của Nhà nước Việt Nam và yêu cầu quản lý của đơn vị mình.

3. Trường hợp có nhu cầu bổ sung, sửa đổi (Theo những nội dung nêu ở Điều 11 dưới đây) thì Nhà thầu nước ngoài phải đăng ký nội dung sửa đổi, bổ sung (kèm theo giải trình cụ thể) và chỉ được thực hiện khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (tính theo ngày làm việc), Bộ Tài chính có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho nhà thầu nước ngoài khi đăng ký nội dung sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán.

Điều 11. Những nội dung sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán áp dụng cần phải đăng ký với Bộ Tài chính

1. Sửa đổi nội dung và kết cấu các chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc;

2. Bổ sung hoặc sửa đổi tài khoản cấp I hoặc tài khoản cấp II về tên, ký hiệu và nội dung, phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù;

3. Sửa đổi chỉ tiêu báo cáo tài chính hoặc thay đổi kết cấu, phương pháp lập báo cáo tài chính.

Điều 12. Quy định về việc lập, nộp báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính

Nhà thầu nước ngoài phải lập Bảng Cân đối tài khoản (Phụ lục kèm theo) và Bản thuyết minh báo cáo tài chính. Các nhà thầu nước ngoài nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp doanh thu trừ (-) chi phí thì còn phải lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Nhà nước khuyến khích Nhà thầu nước ngoài thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính vì mục đích thuế (trừ trường hợp kê khai, nộp thuế theo phương pháp ấn định). Các báo cáo tài chính của Nhà thầu nước ngoài phải nộp cho Cục Thuế địa phương, Cơ quan cấp Giấy phép nhận thầu hoặc Giấy phép hoạt động, Cục Thống kê địa phương.

Chương IV –

HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ KHÁC

Điều 13. Kế toán chi phí phát hành cổ phiếu

1. Trường hợp Công ty cổ phần chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chi phí phát hành cổ phiếu được hạch toán theo quy định tại Thông tư số 106/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính.

2. Trường hợp công ty cổ phần phát hành cổ phiếu, kế toán ghi nhận các chi phí trực tiếp liên quan đến việc phát hành cổ phiếu, ghi:

Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần

Có các TK 111, 112…

Điều 14. Kế toán tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu tại công ty cổ phần

1. Kế toán tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu

1.1. Các quy định chung:

- Việc tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu (vốn cổ phần) được hướng dẫn bổ sung trong Thông tư này bao gồm các trường hợp phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng không thu tiền, như: Phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, từ quỹ Đầu tư phát triển, từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (trả cổ tức bằng cổ phiếu) và từ quỹ khen thưởng, phúc lợi.

- Trong mọi trường hợp phát hành thêm cổ phiếu không thu tiền, công ty cổ phần đều phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Khi được đại hội cổ đông thông qua và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc phát hành thêm cổ phiếu, công ty cổ phần phải ghi sổ kế toán để điều chỉnh vốn cổ phần theo phương án đã được phê duyệt.

1.2. Kế toán các nghiệp vụ cụ thể:

- Trường hợp công ty cổ phần được phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, kế toán căn cứ vào hồ sơ, chứng từ kế toán liên quan, ghi:

Nợ 4112 - Thặng dư vốn cổ phần

Có TK 4111- Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

- Trường hợp công ty cổ phần được phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển, ghi:

Nợ TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển

Có TK 4111- Vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (nếu có).

- Trường hợp công ty cổ phần được phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (trả cổ tức bằng cổ phiếu), ghi:

Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Có TK 4111- Vốn đầu tư của chủ sở hữu;

Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (nếu có).

- Trường hợp công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu thưởng từ quỹ khen thưởng để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:

Nợ TK 3531 - Quỹ khen thưởng

Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (Phần chênh lệch giữa giá bán thấp hơn mệnh giá - nếu có)

Có TK 4111 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu

Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (Phần chênh lệch giữa giá bán cao hơn mệnh giá - nếu có).

2. Kế toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu

Mọi trường hợp giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu đều phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Khi được đại hội cổ đông thông qua và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, công ty cổ phần phải ghi sổ kế toán để điều chỉnh vốn cổ phần theo phương án đã được phê duyệt. Các trường hợp giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu (vốn cổ phần) như mua lại và huỷ bỏ cổ phiếu quỹ; Huỷ bỏ cổ phiếu quỹ thực hiện theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 15. Kế toán trường hợp nhà đầu tư được nhận cổ phiếu do công ty cổ phần tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu

1. Khi nhà đầu tư được nhận thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền do công ty cổ phần sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (chia cổ tức bằng cổ phiếu) để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, nhà đầu tư chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm trên thuyết minh báo cáo tài chính, không ghi nhận giá trị cổ phiếu được nhận, không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính và không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty cổ phần.

2. Quy định tại khoản 1 điều này được áp dụng từ năm tài chính 2010 trở đi.

Điều 16. Kế toán ghi nhận doanh thu từ phí quản lý

Bổ sung tài khoản 5118 - Doanh thu khác.

Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản doanh thu như phí quản lý do cấp dưới nộp và các khoản doanh thu khác ngoài doanh thu bán hàng hoá, doanh thu bán thành phẩm, doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu trợ cấp, trợ giá và doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư.

Định kỳ, đơn vị cấp trên ghi nhận doanh thu từ phí quản lý do đơn vị cấp dưới nộp, kế toán ghi:

Nợ TK 131 - Phải thu khách hàng (phí quản lý thu của công ty con)

Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (phí quản lý thu của công ty thành viên, đơn vị cấp dưới)

Nợ các TK 111, 112 (Nếu thu tiền ngay)

Có TK 5118 - Doanh thu khác.

Điều 17. Kế toán Bảo hiểm thất nghiệp

Bổ sung tài khoản 3389 - Bảo hiểm thất nghiệp.

Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình trích và đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở đơn vị theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Doanh nghiệp phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi và quyết toán riêng Bảo hiểm thất nghiệp.

Kết cấu, nội dung phản ánh của tài khoản 3389 - Bảo hiểm thất nghiệp

Bên Nợ: Số Bảo hiểm thất nghiệp đã nộp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên Có:

- Trích bảo hiểm thất nghiệp vào chi phí sản xuất, kinh doanh;

- Trích bảo hiểm thất nghiệp khấu trừ vào lương của công nhân viên.

Số dư bên Có: Số bảo hiểm thất nghiệp đã trích nhưng chưa nộp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Phương pháp hạch toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

- Định kỳ trích bảo hiểm thất nghiệp vào chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi:

Nợ các TK 622, 627, 641, 642…

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3389).

- Tính số tiền bảo hiểm thất nghiệp trừ vào lương của công nhân viên, ghi:

Nợ TK 334 - Phải trả người lao động

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3389).

- Khi nộp bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3389)

Có các TK 111, 112.

Điều 18. Kế toán Quỹ khen thưởng, phúc lợi

1. Đổi số hiệu tài khoản 431 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi

- Đổi số hiệu tài khoản 431- “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” thành tài khoản 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Đổi số hiệu tài khoản 4311 - “Quỹ khen thưởng” thành tài khoản 3531- Quỹ khen thưởng;

- Đổi số hiệu tài khoản 4312 - “Quỹ phúc lợi” thành tài khoản 3532- Quỹ phúc lợi;

- Đổi số hiệu tài khoản 4313 - “Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ” thành tài khoản 3533- Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.

Kết cấu, nội dung phản ánh và phương pháp hạch toán của tài khoản 353 - “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” không thay đổi so với tài khoản 431.

2. Bổ sung tài khoản 3534 - Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty

Chuyển nội dung phản ánh “Quỹ thưởng Ban quản lý, điều hành công ty” từ tài khoản 418 – Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu sang tài khoản 3534 - Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty. Phương pháp hạch toán Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty trên tài khoản 3534 tương tự như phương pháp hạch toán Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty đã quy định trên tài khoản 418.

Điều 19. Kế toán Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Bổ sung tài khoản 356 - “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”

Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư khoa học, công nghệ tại Việt Nam.

Hạch toán tài khoản này cần tôn trọng một số quy định sau:

- Việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ. Hàng năm, doanh nghiệp tự xác định mức trích lập Quỹ phát triển khoa họccông nghệ theo quy định của pháp luật và lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ phát triển khoa họccông nghệ, kê khai mức trích lập, số tiền trích lập vào tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Báo cáo việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ được nộp cùng tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 356 - “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”:

Bên Nợ:

- Các khoản chi tiêu từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành tài sản cố định (TSCĐ) khi tính hao mòn TSCĐ, giá trị còn lại của TSCĐ khi nhượng bán, thanh lý, chi phí thanh lý TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ khi TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh.

Bên Có:

- Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

- Số thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ.

Số dư bên Có: Số quỹ phát triển khoa học và công nghệ hiện còn của doanh nghiệp tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.

Tài khoản 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ có 2 tài khoản cấp 2:

Tài khoản 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Phản ánh số hiện có và tình hình trích lập, chi tiêu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;

Tài khoản 3562 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ: Phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ (Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ).

Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

- Trong năm khi trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, ghi:

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp

Có TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

- Khi chi tiêu Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 331…

- Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, ghi:

Nợ TK 211, 213 (Nguyên giá)

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 331…

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Có TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ.

- Cuối kỳ kế toán, tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, ghi:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ

Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ.

- Khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ:

Ghi giảm TSCĐ thanh lý, nhượng bán:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ (Giá trị còn lại)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)

Có TK 211, 213.

Ghi nhận số tiền thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:

Nợ các TK 111, 112, 131

Có TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).

Ghi nhận chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:

Nợ TK 3561 - Quỹ PTKH&CN

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331.

- Khi kết thúc quá trình nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ (Phần giá trị còn lại của TSCĐ hình thành từ quỹ chưa khấu hao hết)

Có TK 711 – Thu nhập khác.

Kể từ thời điểm TSCĐ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, hao mòn của TSCĐ được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

Điều 20. Kế toán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ

Sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ là sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng cho tiêu dùng của cơ sở kinh doanh, không bao gồm sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của cơ sở. Việc xác định số thuế GTGT được khấu trừ, thuế GTGT phải nộp và kê khai thuế GTGT, thuế TNDN thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

- Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ tiêu dùng nội bộ để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, khi xuất dùng sản phẩm, hàng hoá sử dụng nội bộ, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng nội bộ theo chi phí sản xuất sản phẩm hoặc giá vốn hàng hoá, ghi:

Nợ các TK 623, 627, 641, 642 (chi phí sản xuất sản phẩm hoặc giá vốn hàng hoá)

Có TK 512 – Doanh thu bán hàng nội bộ.

Đồng thời, kế toán kê khai thuế GTGT cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, ghi:

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) .

- Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ tiêu dùng nội bộ để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, khi xuất dùng sản phẩm, hàng hoá sử dụng nội bộ, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng nội bộ theo chi phí sản xuất sản phẩm hoặc giá vốn hàng hoá, ghi:

Nợ các TK 623, 627, 641, 642… (Chi phí sản xuất sản phẩm hoặc giá vốn hàng hoá cộng ( ) thuế GTGT đầu ra)

Có TK 512 – Doanh thu bán hàng nội bộ (Chi phí sản xuất sản phẩm hoặc giá vốn hàng hoá)

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).

Điều 21. Hướng dẫn bổ sung phương pháp hạch toán khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản khi công ty mẹ góp vốn vào công ty con bằng tài sản phi tiền tệ

Khi công ty mẹ đầu tư góp vốn vào công ty con bằng hàng tồn kho hoặc TSCĐ (không phải là việc thanh toán khi mua doanh nghiệp trong giao dịch hợp nhất kinh doanh), công ty mẹ phải ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ (đối với hàng tồn kho) hoặc giá trị còn lại (đối với TSCĐ) và giá trị đánh giá lại của tài sản đem đi góp vốn do các bên đánh giá vào thu nhập khác hoặc chi phí khác; Công ty con khi nhận tài sản của công ty mẹ góp vốn phải ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu và tài sản nhận được theo giá thoả thuận giữa các bên.

- Trường hợp giá trị ghi sổ (đối với hàng tồn kho) hoặc giá trị còn lại (đối với TSCĐ) đem đi góp vốn nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, ghi:

Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ

Có TK 211, 213, 217 (nếu góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐSĐT)

Có TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho)

Có TK 711 – Thu nhập khác (Phần chênh lệch đánh giá tăng).

- Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn lớn hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá giảm tài sản vào chi phí khác, ghi:

Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ

Nợ TK 811 – Chi phí khác (Phần chênh lệch đánh giá giảm)

Có TK 211, 213, 217 (nếu góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐSĐT)

Có TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho).

Điều 22. Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung phương pháp kế toán đối với một số giao dịch giữa bên góp vốn liên doanh và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát

Sửa đổi, bổ sung phương pháp hạch toán khi bên góp vốn liên doanh góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát hoặc bán hàng cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát như sau:

1. Trên báo cáo tài chính riêng của bên góp vốn liên doanh

1.1. Trường hợp bên góp vốn liên doanh góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát:

Khi góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ (hàng tồn kho, TSCĐ…) vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, bên góp vốn liên doanh phải ghi nhận toàn bộ phần chênh lệch giữa giá đánh giá lại (do các bên thoả thuận) lớn hơn giá trị ghi sổ của tài sản phi tiền tệ mang đi góp vốn liên doanh vào thu nhập khác, ghi:

- Trường hợp giá đánh giá lại của hàng tồn kho mang đi góp vốn lớn hơn giá trị ghi trên sổ kế toán, ghi:

Nợ TK 222 - Vốn góp liên doanh (giá đánh giá lại)

Có các TK 152, 153, 155, 156, 611 (Giá trị ghi sổ kế toán)

Có TK 711 – Thu nhập khác (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ kế toán của vật tư, hàng hoá mang đi góp vốn).

- Trường hợp giá đánh giá lại của TSCĐ mang đi góp vốn lớn hơn giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán, ghi:

Nợ TK 222 - Vốn góp liên doanh (Giá đánh giá lại)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)

Có các TK 211, 213, 217 (Nguyên giá)

Có TK 711 – Thu nhập khác (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ mang đi góp vốn).

Trường hợp giá đánh giá lại (do các bên thoả thuận) của tài sản phi tiền tệ mang đi góp vốn liên doanh nhỏ hơn giá trị ghi sổ, kế toán thực hiện theo quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

1.2. Trường hợp bên góp vốn liên doanh bán hàng tồn kho, TSCĐ cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát

- Việc ghi nhận doanh thu, giá vốn hàng bán, thu nhập khác, chi phí khác phát sinh từ giao dịch bên góp vốn liên doanh bán hàng tồn kho, TSCĐ cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được thực hiện theo Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

- Cuối kỳ, kế toán kết chuyển toàn bộ doanh thu, thu nhập khác phát sinh từ giao dịch bên góp vốn liên doanh bán hàng tồn kho, TSCĐ cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát (không hoãn lại phần lợi ích tương ứng với phần sở hữu của mình trong cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát), ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Nợ TK 711 – Thu nhập khác

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

2. Trên báo cáo tài chính hợp nhất của bên góp vốn liên doanh

2.1. Trường hợp bên góp vốn liên doanh góp vốn bằng hàng tồn kho hoặc bán hàng tồn kho cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát

a) Ghi nhận doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần lãi của bên góp vốn liên doanh phát sinh từ giao dịch góp vốn bằng hàng tồn kho hoặc bán hàng tồn kho trong kỳ.

Cuối kỳ, khi lập báo cáo tài chính hợp nhất, bên góp vốn liên doanh căn cứ vào giá trị hàng tồn kho đem đi góp vốn hoặc đã bán (có lãi) cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát trong kỳ nhưng cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chưa bán hàng tồn kho cho bên thứ 3 độc lập, bên góp vốn liên doanh phải phản ánh hoãn lại và ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện đối với phần lãi do góp vốn hoặc bán hàng tồn kho tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh. Bút toán điều chỉnh trên Bảng tổng hợp các chỉ tiêu điều chỉnh được thực hiện như sau:

- Trường hợp góp vốn bằng hàng tồn kho có lãi:

Nợ Thu nhập khác (Phần lãi hoãn lại do góp vốn bằng hàng tồn kho tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh)

Có Doanh thu chưa thực hiện.

- Trường hợp bán hàng tồn kho có lãi:

Nợ Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Phần lãi hoãn lại do bán hàng tồn kho tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh)

Có Doanh thu chưa thực hiện.

b) Khi cơ sở liên doanh đồng kiểm soát bán hàng tồn kho (do nhận góp vốn hoặc mua từ bên góp vốn liên doanh) cho bên thứ ba ở kỳ sau:

- Ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đầu kỳ: Căn cứ vào số lãi chưa thực hiện liên quan đến số hàng tồn kho mà cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chưa bán cho bên thứ ba tại thời điểm cuối kỳ trước, kế toán ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đối với phần lãi hoãn lại tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh tại thời điểm đầu kỳ:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lãi chưa thực hiện đầu kỳ)

Có Doanh thu chưa thực hiện.

- Ghi nhận lãi đã thực hiện trong kỳ: Căn cứ vào số hàng tồn kho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát đã bán cho bên thứ ba trong kỳ, kế toán kết chuyển doanh thu chưa thực hiện vào doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hoặc thu nhập khác để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ:

Nợ Doanh thu chưa thực hiện

Có Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (đối với giao dịch bán hàng tồn kho)

Có Thu nhập khác (Đối với giao dịch góp vốn bằng hàng tồn kho).

c) Điều chỉnh ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại:

- Ghi nhận tài sản thuế hoãn lại do ghi nhận doanh thu chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch góp vốn bằng hàng tồn kho hoặc bán hàng tồn kho cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát trong kỳ:

Cuối kỳ kế toán, khi lập báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán căn cứ vào doanh thu chưa thực hiện được ghi nhận trong kỳ ghi nhận tài sản thuế hoãn lại phát sinh trong kỳ:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại .

- Ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại do ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đầu kỳ sau: Căn cứ vào số doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm đầu kỳ, kế toán ghi nhận tài sản thuế hoãn lại tại thời điểm đầu kỳ:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

- Hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại do kết chuyển doanh thu chưa thực hiện phát sinh trong kỳ vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Căn cứ số doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển vào doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hoặc thu nhập khác do cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bán hàng cho bên thứ ba trong kỳ, kế toán hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại tương ứng với phần doanh thu chưa thực hiện chuyển thành đã thực hiện trong kỳ:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

2.2. Trường hợp bên góp vốn liên doanh góp vốn bằng TSCĐ hoặc bán TSCĐ cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát

a) Ghi nhận doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần lãi của bên góp vốn liên doanh phát sinh từ giao dịch góp vốn bằng TSCĐ hoặc bán TSCĐ trong kỳ.

Cuối kỳ, khi lập báo cáo tài chính hợp nhất, bên góp vốn liên doanh căn cứ vào khoản lãi chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch đem TSCĐ đi góp vốn hoặc bán (có lãi) cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát trong kỳ và thời gian khấu hao TSCĐ cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát áp dụng, bên góp vốn liên doanh phải phản ánh hoãn lại và ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện đối với phần lãi do góp vốn hoặc bán TSCĐ tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh. Bút toán điều chỉnh trên Bảng tổng hợp các chỉ tiêu điều chỉnh được thực hiện như sau:

Nợ Thu nhập khác (Phần lãi hoãn lại do góp vốn bằng TSCĐ tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh)

Có Doanh thu chưa thực hiện.

b) Khi cơ sở liên doanh đồng kiểm soát khấu hao TSCĐ do nhận góp vốn hoặc mua từ bên góp vốn liên doanh ở kỳ sau:

- Ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đầu kỳ: Căn cứ vào số lãi chưa thực hiện liên quan đến TSCĐ mà cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát nhận góp vốn hoặc mua từ kỳ trước, kế toán ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đối với phần lãi hoãn lại tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh tại thời điểm đầu kỳ:

Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lãi chưa thực hiện đầu kỳ)

Có Doanh thu chưa thực hiện.

- Ghi nhận lãi đã thực hiện trong kỳ: Căn cứ vào thời gian khấu hao TSCĐ cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát áp dụng, kế toán phân bổ dần doanh thu chưa thực hiện vào thu nhập khác để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ:

Nợ Doanh thu chưa thực hiện

Có Thu nhập khác.

c) Điều chỉnh ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại:

- Ghi nhận tài sản thuế hoãn lại do ghi nhận doanh thu chưa thực hiện phát sinh từ giao dịch góp vốn bằng TSCĐ hoặc bán TSCĐ cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát trong kỳ:

Cuối kỳ kế toán, khi lập báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán căn cứ vào doanh thu chưa thực hiện được ghi nhận trong kỳ để ghi nhận tài sản thuế hoãn lại phát sinh trong kỳ:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Chi phí thuế TNDN hoãn lại.

- Ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại do ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đầu kỳ sau: Căn cứ vào số doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm đầu kỳ, kế toán ghi nhận tài sản thuế hoãn lại tại thời điểm đầu kỳ:

Nợ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

- Hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại do phân bổ doanh thu chưa thực hiện phát sinh trong kỳ vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Căn cứ số doanh thu chưa thực hiện được phân bổ vào thu nhập khác do cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát khấu hao TSCĐ trong kỳ, kế toán hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại tương ứng với phần doanh thu chưa thực hiện chuyển thành đã thực hiện trong kỳ:

Nợ Chi phí thuế TNDN hoãn lại

Có Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

Điều 23. Hướng dẫn bổ sung phương pháp kế toán đánh giá lại tài sản và chuyển đổi số dư trên sổ kế toán, trình bày Báo cáo tài chính khi chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp

1. Trường hợp doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần

Doanh nghiệp hạch toán theo quy định tại Thông tư số 106/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần”.

2. Các trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp khác

2.1. Kế toán đánh giá lại tài sản

Trường hợp doanh nghiệp được phép tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi theo quy định của pháp luật, kế toán ghi nhận chênh lệch đánh giá lại tài sản là thu nhập khác hoặc chi phí khác, ghi:

- Đối với các tài sản được đánh giá tăng, ghi:

Nợ các tài khoản liên quan

Có TK 711 – Thu nhập khác.

- Đối với các tài sản được đánh giá giảm, ghi:

Nợ TK 811 – Chi phí khác

Có các tài khoản liên quan.

Việc xác định thu nhập chịu thuế TNDN và chi phí hợp lý để khấu trừ thuế TNDN thực hiện theo pháp luật về thuế TNDN.

2.2. Chuyển đổi số dư trên sổ kế toán và trình bày báo cáo tài chính

Khi chuyển đổi hình thức sở hữu, doanh nghiệp phải tiến hành khoá sổ kế toán, lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Trong kỳ kế toán đầu tiên sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải ghi sổ kế toán và trình bày báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:

- Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp cũ được ghi nhận là số phát sinh trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới. Dòng số dư đầu kỳ trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới không có số liệu..

- Đối với Bảng Cân đối kế toán: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp cũ trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số phát sinh của doanh nghiệp mới và được trình bày trong cột “Số cuối năm”. Cột “Số đầu năm” không có số liệu.

- Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên trong cột “Năm nay”. Cột “Năm trước” không có số liệu.

- Đối với Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên trong cột “Năm nay”. Cột “Năm trước” không có số liệu.

Điều 24. Sửa đổi phần thứ hai - Hệ thống báo cáo tài chính của Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

1. Sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu trên Bảng Cân đối kế toán

- Đổi mã số chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” – Mã số 431 trên Bảng Cân đối kế toán thành Mã số 323 trên Bảng Cân đối kế toán. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” là số dư Có của tài khoản 353 – “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” trên Sổ Cái hoặc Nhật ký Sổ Cái.

- Bổ sung chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện” – Mã số 338 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện” là số dư Có của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện” trên sổ kế toán chi tiết TK 3387.

- Sửa đổi chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước” – Mã số 313 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu người mua trả tiền trước phản ánh tổng số tiền người mua ứng trước để mua tài sản, hàng hoá, bất động sản đầu tư, dịch vụ tại thời điểm báo cáo. Chỉ tiêu này không phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện (gồm cả doanh thu nhận trước). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước” là số dư Có chi tiết của tài khoản 131 – “Phải thu của khách hàng” mở cho từng khách hàng trên sổ kế toán chi tiết TK 131.

- Bổ sung chỉ tiêu “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” – Mã số 339 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” là số dư Có của tài khoản 356 – “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” trên Sổ kế toán tài khoản 356.

- Bổ sung chỉ tiêu “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” – Mã số 422 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” là số dư Có của tài khoản 417 – “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” trên Sổ kế toán tài khoản 417.

2. Sửa đổi, bổ sung Thuyết minh báo cáo tài chính

2.1. Khi doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ để ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải quy đổi báo cáo tài chính ra đồng Việt Nam theo hướng dẫn tại Chương II - Thông tư này. Trên thuyết minh báo cáo tài chính, đối với các chỉ tiêu cần thuyết minh số đầu năm, số phát sinh trong năm, số cuối năm, nếu có chênh lệch tỷ giá dẫn đến số đầu năm (quy đổi theo tỷ giá đầu kỳ) cộng (hoặc trừ) số phát sinh trong năm (quy đổi theo tỷ giá tại ngày giao dịch) khác biệt với số cuối năm (quy đổi theo tỷ giá cuối kỳ) thì phải trình bày thêm thông tin về chênh lệch tỷ giá hối đoái liên quan trực tiếp tới khoản mục được thuyết minh.

2.2. Sửa đổi, bổ sung điểm 2 “Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn” - mục V - Thuyết minh báo cáo tài chính như sau:

“2 – Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

Cuối năm

Đầu năm

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

- Cổ phiếu đầu tư ngắn hạn (chi tiết cho từng loại cổ phiếu)

-

-

-

-

- Trái phiếu đầu tư ngắn hạn

(chi tiết cho từng loại trái phiếu)

-

-

-

-

- Đầu tư ngắn hạn khác

-

-

- Dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn

-

-

- Lí do thay đối với từng khoản đầu tư/loại cổ phiếu, trái phiếu:

Về số lượng

Về giá trị.”

2.3 - Sửa đổi, bổ sung điểm 13 “Đầu tư dài hạn khác” - mục V - Thuyết minh báo cáo tài chính để giải thích chỉ tiêu mã số 250 trên Bảng Cân đối kế toán như sau:

“13 – Các khoản đầu tư tài chính dài hạn

Cuối năm

Đầu năm

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

a - Đầu tư vào công ty con (chi tiết cho cổ phiếu của từng công ty con)

-

-

-

-

Lí do thay đổi với từng khoản đầu tư/loại cổ phiếu của công ty con:

Về số lượng (đối với cổ phiếu)

Về giá trị

b - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (Chi tiết cho cổ phiếu của từng công ty liên doanh, liên kết)

-

-

-

-

Lí do thay đổi với từng khoản đầu tư/loại cổ phiếu của công liên doanh, liên kết:

Về số lượng (đối với cổ phiếu)

Về giá trị

c - Đầu tư dài hạn khác

- Đầu tư cổ phiếu

-

-

-

-

- Đầu tư trái phiếu

-

-

-

-

- Đầu tư tín phiếu, kỳ phiếu

-

-

- Cho vay dài hạn

-

-

- Lí do thay đối với từng khoản đầu tư/loại cổ phiếu, trái phiếu:

Về số lượng (đối với cổ phiếu, trái phiếu)

Về giá trị.”

Chương V.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Những phần kế toán khác có liên quan nhưng không hướng dẫn ở Thông tư này thì thực hiện theo Chế độ kế toán Doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chế độ kế toán đơn vị xây lắp ban hành theo Quyết định số 1864/1998/QĐ/BTC ngày 16/12/1998 của Bộ Tài chính; các quy định về kế toán đối với doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài tại Thông tư số 55/2002/TT-BTC ngày 26/06/2002Thông tư số 122/2004/TT-BTC ngày 22/12/2004 của Bộ Tài chính không còn hiệu lực áp dụng.

Điều 26. Các Tổng công ty, Công ty có chế độ kế toán đặc thù đã được Bộ Tài chính ban hành Thông tư riêng hoặc chấp thuận phải căn cứ vào Thông tư này để hướng dẫn, bổ sung phù hợp.

Điều 27. Các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Toà án NDTC;
- Viện Kiểm sát NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp
- Sở Tài chính, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các TCT 91;
- Công báo;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng.
- Lưu: VT, Vụ CĐKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

PHỤ LỤC

BẢNG CÂN ĐỐI TÀI KHOẢN ÁP DỤNG CHO NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI

Đơn vị………………………

Địa chỉ……………………..

BẢNG CÂN ĐỐI TÀI KHOẢN (*)

Năm.....

Đơn vị tính:…………

Số hiệu

Tên tài khoản

Số dư
đầu năm

Số phát sinh trong năm

Số dư
cuối năm

TK

Nợ

Nợ

Nợ

A

B

1

2

3

4

5

6

Cộng

Ghi chú: (*) Có thể lập cho Tài khoản cấp 1 hoặc cả Tài khoản cấp 1 và Tài khoản cấp 2, chỉ gửi cho cơ quan thuế.

Lập, ngày....... tháng......năm ....

Người lập biểu

Kế toán trưởng

Giám đốc

(Ký, họ tên)

(Ký, họ tên)

(Ký, họ tên, đóng dấu)