BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT |
Số: 25-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 1960 |
QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC MỨC TIỀN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Ủy ban hành chính khu, thành phố và các tỉnh |
Từ năm 1958, thi hành Nghị định số 104-NĐ/LĐ ngày 31-12-1958 của Bộ Lao động, các Ủy ban hành chính địa phương đã tổ chức Hội đồng tiền công, hướng dẫn xây dựng nội dung từng loại công việc và quy định các mức tiền công để áp dụng trong địa phương. Thực hiện chủ trương phân cấp quản lý mức tiền công cho Ủy ban hành chính các địa phương, đã đạt những kết quả:
- Đã quy định thống nhất các mức tiền công và đối tượng áp dụng, bước đầu thống nhất thi hành chế độ lương và xã hội phúc lợi cho công nhân tuyển dụng tạm thời ở các địa phương.
- Đã giúp cho việc quản lý nhân lực và điều hòa, phân phối nhân công phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trong địa phương được thuận lợi.
Nhưng cũng còn tồn tại một số vấn đề cần nghiên cứu để giải quyết như sau:
Một số địa phương quy định mức tiền công quá cao so với mức lương của công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước.
- Một số địa phương kéo dài thời gian áp dụng mức tiền công cho số công nhân làm việc tạm thời nhưng đã trở thành lực lượng cố định, làm việc thường xuyên liên tục, gây bất hợp lý mới về đãi ngộ.
- Hội đồng tiền công ở một số địa phương ít hoạt động, sinh hoạt tập thể khó khăn, do đó có một số công việc chưa giải quyết được kịp thời như việc điều chỉnh giá khoán bốc vác (nhất là ở các thành phố lớn).
Thi hành chủ trưởng cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960, đi đôi với việc ban hành các thang lương và bảng lương cho công nhân, viên chức, cán bộ trong biên chế Nhà nước, nay căn cứ vào điều 8 Nghị định số 24-CP ngày 1-7-1960 của Hội đồng Chính phủ quy định “...mức lương những người thuê mướn tạm thời, theo thời vụ ngay tại địa phương sẽ do Ủy ban hành chính, các địa phương quy định căn cứ theo đời sống của nhân dân và giá công thuê mướn ở địa phương”. Đồng thời căn cứ điều 11 của Nghị định nói trên của Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Lao động “giải thích và hướng dẫn các Bộ thuộc khu vực sản xuất và các Ủy ban hành chính các địa phương thi hành Nghị định này”.
Sau khi đã thông qua Ban lương trung ương, Bộ Lao động ra thông tư này quy định lại mức tiền công để áp dụng ở các địa phương nhằm:
- Giúp cho việc huy động điều phối nhân công phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp và nông nghiệp được thuận lợi.
- Đặt quan hệ thích đáng về thu nhập giữa công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, giữa thành thị và nông thôn.
- Làm cho việc quản lý và việc quy định các mức tiền công giữa các địa phương được thống nhất.
Bộ hướng dẫn việc quy định các mức tiền công cho các địa phương và đối tượng áp dụng như sau:
I. CÁC MỨC TIỀN CÔNG Ở ĐỊA PHƯƠNG
Để làm cơ sở cho việc quy định lại các mức tiền công ở các địa phương, nay định 4 mức lương sau đây:
1. 27đ30 một tháng tính ra lương ngày 27,30 : 26 = 1đ05
2. 31đ50 một tháng tính ra lương ngày 31,50 : 26 = 1đ22
3. 37đ00 một tháng tính ra lương ngày 37,00 : 26 = 1đ42
4. 43đ10 một tháng tính ra lương ngày 43,10 : 26 = 1đ66
Tùy theo tình hình nhân công, tình hình sinh hoạt của từng nơi, các địa phương có thể áp dụng theo 4 mức lương nói trên, hoặc có thể định cao hơn, nhưng tối đa không quá 5% các mức ấy. Những địa phương nào có phụ cấp khu vực thì được cộng thêm định suất phụ cấp khu vực.
Các địa phương cần quy định cụ thể nội dung công việc để áp dụng từng mức lương cao cho sát với những công việc thực tế từng nơi. Riêng đối với những công việc đất, đá (lao động phổ thông) thì vận dụng nội dung công việc của công nhân xây dựng phổ thông trên các công trường kiến thiết cơ bản do Bộ Lao động giới thiệu. Cụ thể là:
- Những người không đạt nội dung công việc bậc 1 hoặc làm những công việc nhẹ, đơn giản thì hưởng mức lương 27đ30.
- Những người đạt nội dung công việc bậc 1 thì hưởng mức lương 31đ00.
- Những người đạt nội dung công việc bậc 2 thì hưởng mức lương 37đ50
- Những người đạt nội dung công việc bậc 3 thì hưởng mức lương 43đ10
II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CÁC MỨC TIỀN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG
1. Tất cả các cơ quan,xí nghiệp, công, nông lâm trường, công ty cửa hàng mậu dịch v .v… không biệt do trung ương hay địa phương quản lý có tuyển dụng công nhân trong những trường hợp sau đây đều áp dụng thống nhất mức tiền công do Ủy ban hành chính quy định:
a) Những người được tuyển dụng tạm thời ở địa phương làm việc ngắn ngày, có việc thì làm hết việc thì nghỉ; những người làm việc theo mùa đều thi hành theo mức tiền công do địa phương quy định.
b) Những người được huy động từ phương xa đến làm việc ở các nông trường, công trình, trong 6 tháng đầu, tính từ ngày bắt đầu làm việc đều áp dụng theo mức tiền công của địa phương. Nếu hết tháng 6 ấy còn tiếp tục làm việc nữa thì từ tháng thứ 7 trở đi sẽ được hưởng theo cấp bậc lương của các thang lương như công nhân, nhân viên trong biên chế đơn vị đó.
Chú ý: Nhân công còn ở phương xa đến là những lực lượng do cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban hành chính, Lao động) điều chỉnh từ tỉnh này qua tỉnh khác theo yêu cầu của cơ quan sử dụng nhân công. Còn về mức tiền công nói trên là quy định thống nhất áp dụng chung chứ không định ra hai mức (một mức cho địa phương và một mức cho phương xa như trước đây có một vài nơi đã làm) gây thêm hiện tượng nhiều mức lương làm cho cơ sở khó thực hiện.
c) Công nhân lao động phổ thông ở các thành phố, thị xã, thị trấn không có cơ sở sản xuất, sinh sống chủ yếu là do làm công ăn lương, tuy chưa được vào biên chế chính thức, nhưng đã trở thành lực lượng thường trực do cơ quan sử dụng hoặc Ủy ban hành chính cơ quan Lao động quản lý thì giải quyết như sau:
- Nếu họ làm việc thường xuyên liên tục từ đơn vị này qua đơn vị khác (tuy có lúc hết việc phải tạm nghỉ thời gian ngắn dưới 1 tháng và không có trợ cấp thôi việc) thì trong thời gian làm việc 6 tháng đầu, tính từ ngày vào làm việc ở đơn vị đầu cũng áp dụng theo mức tiền công địa phương. Sau 6 tháng đã làm việc liên tục rồi, thì từ tháng 7 trở đi được xếp và hưởng lương theo tiêu chuẩn nghề nghiệp của bậc lương trong thang lương và bảng lương như người trong biên chế đơn vị đó. Trường hợp thể theo yêu cầu của sản xuất và công tác được tổ chức điều động từ đơn vị này qua đơn vị khác thì không được coi là như trường hợp mới tuyển dụng (trừ trường hợp đã cho thôi việc và hưởng quyền lợi khi thôi việc)
- Trường hợp xét thấy không có công việc để bố trí liên tục được mà phải tạm nghỉ việc một thời gian dài (trên 1 tháng) thì cần phải giải quyết các quyền lợi về thôi việc. Đến khi bố trí lại công tác mới thì hưởng theo mức tiền công địa phương theo quy định chung.
2. Đối với công nhân chuyên nghiệp (nề, mộc, xẻ…) được tuyển dụng ngoài biên chế làm việc trong các xí nghiệp, công nông, lâm trường v .v… không áp dụng mức tiền công địa phương nói trên. Trong thời gian từ 3 đến 6 tháng đầu (tùy theo công trình đào tạo và tính chất phức tạp về kỹ thuật của mỗi nghề mà quy định) mới vào làm việc thì hưởng 85% mức lương tương đương với những người trong biên chế cùng một trình độ và việc làm giống nhau. Hết thời gian tạm tuyển nói trên, nếu còn tiếp tục làm việc thì mới được hưởng mức lương bằng những người trong biên chế cùng làm một việc giống nhau.
Trường hợp những công nhân chuyên nghiệp này là lực lượng thường trực của địa phương, tuy chưa phải là người trong biên chế nhưng đã làm việc ở một đơn vị sản xuất của Nhà nước, khi hết thời gian tạm tuyển rồi và hết việc, lại được điều động qua làm ở một đơn vị sản xuất mới, thì họ được hưởng mức lương bằng những người trong biên chế cùng làm một việc giống nhau. Nếu họ đã hưởng các quyền lợi về thôi việc rồi thì khi trở lại làm việc cũng áp dụng 85% mức lương tương đương người trong biên chế trong thời gian từ 3 đến 6 tháng như đã nói trên đây.
3. Trong quy định lại mức tiền công mới, các địa phương cần chú ý điều chỉnh lại đơn giá khoán theo tiêu chuẩn năng suất lao động của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành nhằm giải quyết vấn đề thu nhập của công nhân làm khoán kịp thời so với mức tiền công mới (sẽ có văn bản quy định riêng).
4. Đối với các xí nghiệp công tư hợp doanh, tùy theo tình hình cụ thể từng nơi, xét thấy cần thiết và có thể áp dụng bốn mức tiền công trên đây cho những công nhân lao động phổ thông mới tuyển dụng sẽ do Ủy ban hành chính địa phương quyết định.
1. Các mức tiền công được quy định lại sẽ áp dụng cho những trường hợp nói ở mục II trên đây, nếu những người đó làm việc sau ngày ban hành thông tư này trở đi. Còn những người đã vào làm việc trước ngày ban hành thông tư này, mà mức tiền công cũ họ cao hơn những mức quy định mới, thì giải quyết như sau:
a) Đối với những người có cơ sở sản xuất nông nghiệp tuyển dụng tạm thời làm việc ngắn ngày ở địa phương, có việc thì làm hết việc thì nghỉ, theo hợp đồng, theo mùa, thì được tiếp tục hưởng các mức tiền công cũ cho đến hết mùa và hết hạn hợp đồng ấy. Đến mùa khác nếu họ trở lại làm việc hoặc ký hợp đồng thì áp dụng theo quy định các mức tiền công mới quy định trong thông tư này.
b) Đối với những người được điều động đi phương xa đã thoát ly sản xuất nông nghiệp và các lực lượng lao động thường trực ở thành phố, thị xã, thị trấn không có cơ sở sản xuất, thì áp dụng mức tiền công của địa phương 6 tháng đầu (kể từ ngày họ vào làm việc), nếu còn tiếp tục làm việc thì từ tháng thứ 7 trở đi được xếp và hưởng các mức lương của thang lương, bảng lương như người trong biên chế của đơn vị công tác. Nếu mức lương mới thấp hơn mức tiền công của địa phương đã hưởng trước, thì chỉ hưởng theo mức lương mới mà không được bảo lưu số tiền chênh lệch so với mức lương cũ.
c) Đối với những công nhân chuyên nghiệp, mới tuyển dụng không áp dụng các mức tiền công địa phương, mà hưởng 85% lương cấp bậc tương đương với những người trong biên chế cùng trình độ và việc làm giống nhau. Hết thời gian tạm tuyển (từ 3 đến 6 tháng kể từ ngày vào làm việc) thì hưởng theo lương cấp bậc như những người trong biên chế cùng trình độ. Nếu có trường hợp lương mới thấp hơn lương cũ thì cũng không được bảo lưu số tiền chênh lệch.
d) Những người thuộc phạm vi thi hành mức tiền công hoặc đang trong thời gian thi hành mức tiền công của địa phương, khi sửa lại mức tiền công địa phương theo thông tư này, nếu tiền lương mới cao hơn lương cũ thì hưởng theo lương mới kể từ ngày Ủy ban hành chính quyết định chính thực cho địa phương mình, không đặt vấn đề truy lĩnh.
2. Các văn bản của các Bộ, các ngành ban hành trước đây trái với quy định của thông tư này đều bãi bỏ, mà thống nhất thi hành theo thông tư này.
Việc quy định lại mức tiền, công địa phương lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm xây dựng quan hệ về thu nhập giữa công nhân và nông dân, giữa thành thị và nông thôn, có tác dụng đến việc điều hòa nhân lực cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Do đó các ngành sử dụng công nhân và các Ủy ban hành chính địa phương phải quán triệt chấp hành thông tư này.
Để đảm bảo việc thi hành đúng chủ trương của Trung ương về việc quy định mức tiền công ở địa phương, Ủy ban hành chính và cơ quan lao động các địa phương cần chú trọng thêm mấy điểm sau đây:
- Củng cố lại tổ chức Hội đồng tiền công (cử thêm đại diện Ban công tác nông thôn), chấn chỉnh lề lối làm việc, phân công, nhiệm vụ cụ thể về mỗi thành viên của Hội đồng có công tác thực tế.
- Căn cứ vào tình hình nhân công, thu nhập bình quân của nông dân và nhân dân lao động nói chung của địa phương (lấy mức thu nhập bình quân của xã viên Hợp tác xã nông nghiệp làm căn cứ), để xét định mức tiền công mới giúp Ủy ban hành chính quy định được sát đúng; đồng thời chú trọng lãnh đạo và hướng dẫn việc điều chỉnh lại giá cước bốc vác trong địa phương cho tốt.
- Hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành các mức tiền công mới trong các cơ quan, xí nghiệp, công nông, lâm trường, công ty mậu dịch v .v… áp dụng đúng chính sách và chế độ đã quy định. Cần chú ý kiểm tra, phát hiện để chấm dứt tình trạng các đơn vị sử dụng nhân công bừa bãi, nhất là nạn “đầu dài”, “cai thầu” sử dụng nhân công theo lối khoán trắng trước đây.
- Báo cáo về Bộ Lao động sau khi Ủy ban hành chính đã quyết định chính thức các mức tiền công của địa phương và phản ảnh những khó khăn mắc mứu trong khi thực hiện để Bộ tham gia ý kiến giải quyết.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1 Nghị định 24-CP năm 1960 quy định chế độ lương thuộc khu vực sản xuất do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 2 Nghị định 104-LĐNĐ năm 1958 về phân cấp quản lý cho các Uỷ ban Hành chính khu, thành phố và tỉnh được quy định và lãnh đạo các mức tiền công ở địa phương do Bộ trưởng Bộ Lao Động ban hành.
- 3 Thông tư 34-LĐ/TT năm 1958 giải thích Nghị định 104-LĐ/NĐ về công tác của Hội đồng tiền công các địa phương do Bộ Lao Động ban hành