Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-TC/HCP/P1

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 1960

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 123-TTG NGÀY 31-5-1960 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BỎ CHẾ ĐỘ XE ĐẠP CÔNG Ở CƠ QUAN

Kính gửi:

- Các Bộ,
- Các Đoàn thể ở trung ương
- Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh

Chấp hành Chỉ thị số 123-TTg ngày 31-5-1960 của Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành việc bỏ chế độ xe đạp công ở các cơ quan, xí nghiệp; sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, chúng tôi quy định dưới đây chi tiết thi hành Chỉ thị nói trên:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 18-5-1960 đã quyết định:

1. Bỏ chế độ cung cấp xe đạp công (kể cả mô tô, xe máy) dùng riêng cho cán bộ phụ trách ở tất cả các ngành, các cấp (kể cả đối với số cán bộ cao cấp ở trung ương cũng như ở địa phương).

Ở mỗi cơ quan, xí nghiệp, chỉ để lại một ít xe đạp công để dùng cho các bộ phận công tác thật cần thiết như bộ phận giao thông hỏa tốc, bộ phận tiếp phẩm ở các nhà ăn tập thể. Cơ quan, xí nghiệp nào xét có điều kiện không cần để lại xe đạp công thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp quyết định.

2. Đối với số cán bộ, nhân viên phải đi công tác thường xuyên, nếu không có xe đạp sẽ cản trở công tác thì Nhà nước bán chịu xe đạp công hoặc cho vay tiền để mua xe đạp rồi trừ dần vào lương.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Phạm vi thi hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Việc bãi bỏ chế độ cung cấp xe đạp công (kể cả mô tô, xe máy) kỳ này thi hành chung cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, xí nghiệp, các Đảng, đoàn thể, các Hội, từ trung ương đến địa phương.

2. Đối tượng được mua xe đạp của cơ quan hoặc được vay tiền để mua xe đạp.

Cũng như trong đợt bán xe trước, trong đợt này điều kiện quyết định để cán bộ, công nhân, nhân viên được mua xe đạp công của cơ quan hoặc được cơ quan giúp đỡ để mua xe ở Mậu dịch vẫn là: vì yêu cầu công tác, phải thường xuyên dùng xe đạp, nếu không có xe đạp thì trở ngại nhiều đến công tác. Các cơ quan nhất thiết không được mở rộng diện bán xe hoặc cho vay tiền mua xe cho những người không đủ điều kiện trên. Phải thực hiện đúng như vậy để đạt được mục đích yêu cầu của chủ trương bãi bỏ chế độ xe đạp công kỳ này là bảo đảm công tác, bảo đảm đoàn kết nội bộ trong phạm vi khả năng vật tư và khả năng tài chính có hạn.

Riêng các cán bộ phụ trách trước đây có tiêu chuẩn dùng riêng xe đạp công, nay được ưu tiên mua chiếc xe đạp đương sử dụng; trường hợp cá biệt xét cần thiết phải điều chỉnh xe cho hợp lý hơn thì do cơ quan quyết định bán cho xe khác.

Những cán bộ, công nhân, nhân viên được mua xe đạp của cơ quan hoặc được vay tiền mua xe đạp phải dùng xe của mình để đi công tác khi cần thiết và được hưởng phụ cấp hao mòn xe đạp theo chế độ hiện hành. Trong thời hạn một năm và trước khi thanh toán xong tiền mua xe của cơ quan hoặc số tiền đã được vay để mua xe, cán bộ, công nhân viên không được tự ý bán lại xe.

Những người đã được mua xe của cơ quan trong đợt trước thì kỳ này không được xét để mua xe của cơ quan và cũng không được vay tiền để mua xe khác.

Sau khi đã bán đủ xe cho những người có tiêu chuẩn được mua, nếu còn xe thì các cơ quan, các ngành báo cho cơ quan tài chính đồng cấp biết để điều đi cho cơ quan ngành khác thiếu xe bán, nhất thiết không được mở rộng diện bán xe ra cho những người không có tiêu chuẩn được mua.

3. Định giá xe.

Trong đợt bán xe trước vì không có nguyên tắc định giá xe cụ thể và thống nhất giữa các cơ quan, các ngành nên có tình trạng mỗi nơi định giá một khác, thiếu cân đối: nơi thì định tương đối đúng mức, nơi thì định rẻ quá nên đã phát sinh thắc mắc, suy tị.

Để giá xe định được hợp lý và cân đối giữa các cơ quan, trong đợt này, phải tính giá theo phương thức sau đây:

a) Đối với các cơ quan trung ương và Hà Nội: Hội đồng bán xe của cơ quan sau khi đã kiểm điểm và phân loại số xe hiện có sẽ chọn một số xe làm mốc (có loại xe tốt, xấu; dân chủ, đế quốc) đem đến cửa hàng mua bán xe của Công ty mô tô xe đạp Hà Nội để nhờ định giá, căn cứ vào giá thu mua bình ổn của cửa hàng: cửa hàng sẽ cấp giấy định giá cho các cơ quan. Phí tổn về việc định giá xe do cơ quan thanh toán. Hội đồng bán xe của cơ quan có trách nhiệm căn cứ vào giá đã định cho các xe “mốc” đó mà định giá các xe khác sao cho cân đối và nhất thiết không tính theo giá nguyên thủy trừ khấu hao.

b) Ở các địa phương khác:

Địa phương nào có cửa hàng mua bán xe đạp cũ của Mậu dịch thì cũng áp dụng thể thức định giá như ở trung ương và Hà Nội.

Nơi không có cửa hàng mua bán xe đạp cũ của Mậu dịch thì thành lập một Hội đồng định giá chung của địa phương trong đó có đại biểu của cơ quan tài chính, đại biểu của cửa hàng bán xe đạp của Mậu dịch địa phương.

Giá bán cho cán bộ, công nhân viên là giá bình ổn mua vào của Mậu dịch (tức là hạ hơn giá bán ra khoảng 10%), không tính theo giá nguyên thủy trừ khấu hao.

Vì giá xe bán cho cán bộ, công nhân viên nói chung là giá xe mua vào của Mậu dịch nên việc định giá phải thận trọng, đúng mức, tránh xu hướng định giá thấp gây tình hình không cân đối giữa người được mua xe của cơ quan với người được vay tiền để mua xe mới của Mậu dịch (số người này, vay bao nhiêu sẽ phải trừ dần vào lương đủ bấy nhiêu).

4. Thanh toán tiền mua xe.

Người được mua xe đạp của cơ quan sẽ phải thanh toán như sau:

- Ngay khi ký hợp đồng và nhận xe phải trả ít nhất 1/5 trị giá chiếc xe được mua. Số tiền còn lại sẽ trừ dần vào lương trong thời hạn tối đa là 12 tháng.

Riêng số tiền trả ngay lúc đầu, nếu trả từ 1/5 trị giá xe trở lên thì được trừ 10% số tiền trả; dưới 1/5 thì không được trừ.

Đặc biệt đối với số cán bộ, công nhân viên (kể cả cán bộ phụ trách) vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, túng thiếu hoặc vì xe được mua thuộc loại xe tốt, giá nhiều tiền, không thể trả theo quy định chung trên đây thì cơ quan sẽ phối hợp với Công đoàn xét và quyết định châm chước hạ mức tiền phải trả ngay lúc đầu và tăng thời hạn trả dần.

Trường hợp chưa trả xong số tiền mua xe mà phải chuyển công tác thì cơ quan phải ghi vào giấy thôi trả lương của người đương sự số tiền còn thiếu và số tháng còn phải trả để cơ quan mới có cán bộ đến nhận công tác tiếp tục thu hồi cho đủ đồng thời báo cáo cho cơ quan tài chính đồng cấp và cơ quan tài chính nơi cán bộ đến nhận công tác biết. Số tiền thu được sẽ nộp cho tài chính nơi cán bộ đến nhận công tác.

5. Thể thức nộp tiền bán xe.

Kinh phí dùng cho cán bộ vay để mua xe ở mỗi cấp là số tiền bán xe thu được hàng tháng (bao gồm số tiền thu được ngay khi bán xe và số tiền thu dần hàng tháng của đợt bán xe này và của đợt trước còn lại).

Đối với các cơ quan hành chính và sự nghiệp (không kể các cơ quan thuộc Đảng Lao động Việt Nam, cơ quan Tổng liên đoàn và Liên hiệp Công đoàn các cấp), số tiền thu được sẽ thống nhất vào cơ quan tài chính quản lý. Để tiện việc theo dõi và trích kinh phí cho cán bộ có điều kiện vay để mua xe, kể từ tháng 8-1960, các cơ quan hành chính và sự nghiệp sẽ nộp số tiền thu được về việc bán xe vào tài khoản “Tiền thu về việc bán xe đạp” mở ở Ngân hàng Nhà nước đứng tên Bộ Tài chính (nếu là cơ quan trung ương) hay Sở, Ty Tài chính (nếu là cơ quan địa phương).

Mỗi khi nộp tiền bán xe vào Ngân hàng, cơ quan phải báo ngay cho cơ quan tài chính đồng cấp biết để tiện đối chiếu với Ngân hàng.

Để việc quản lý tiền mặt được chặt chẽ, Bộ Tài chính cũng như cơ quan Tài chính khu, thành phố, tỉnh chỉ cấp tạm ứng cho các cơ quan bằng séc (trích ở tài khoản nói trên) để thanh toán với cửa hàng Mậu dịch bán xe đạp.

Ngân hàng Nhà nước sẽ có công văn hướng dẫn về việc này.

Đối với các cơ quan thuộc Đảng Lao động Việt Nam số tiền bán xe thu được sẽ do Phòng Ngân sách của Đảng tập trung quản lý và giải quyết theo quy định chung; các cơ quan Tổng liên đoàn, và Liên hiệp Công đoàn các cấp sẽ do Tổng liên đoàn quản lý và giải quyết theo quy định chung.

Đối với các xí nghiệp số tiền bán xe thu được sẽ:

- Thu hồi về vốn của mình nếu là tài sản lưu động.

- Nộp trả Nhà nước nếu là tài sản cố định.

Nếu xét cần cho cán bộ, công nhân viên vay tiền mua xe đạp thì xí nghiệp có thể giữ lại số tiền bán xe thu được để cho vay nhưng không được vượt quá số thu được và phải theo dõi thu hồi cho đủ.

6. Thể thức cho vay.

Chủ trương bãi bỏ xe đạp công kỳ này chủ yếu nhằm giải quyết nốt số xe hiện có của cơ quan. Việc cho cán bộ vay tiền chỉ đề ra và chỉ được xét và giải quyết đối với một số cơ quan vì yêu cầu công tác phát triển hoặc vì số xe công hiện có quá ít, cần có thêm xe cho một cán bộ thường xuyên phải dùng xe đạp để đi công tác nhưng chưa có xe.

Trong trường hợp cần có thêm xe, cơ quan sẽ giải quyết như sau:

- Người thuộc đối tượng cần có xe đạp mà có đủ khả năng tự túc mua xe mới thì đề nghị cơ quan tài chính cấp giấy giới thiệu mua xe ở Mậu dịch.

- Người cần có xe để đi công tác mà không có khả năng tự túc hoàn toàn thì cơ quan phối hợp với công đoàn xét và quyết định số tiền cần cho vay rồi đề nghị cơ quan tài chính đồng cấp nghiên cứu trình Ủy ban hành chính quyết định số tiền cho mỗi người vay tối đa không quá 250 đồng.

Các cơ quan hành chính, sự nghiệp trực thuộc trung ương báo cáo Bộ Tài chính danh sách số người xét cần được vay tiền số tiền cần vay và tính chất công tác của từng người, có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để Bộ Tài chính xét giải quyết dần tùy theo số tiền thu được và khả năng cung cấp xe của Mậu dịch. Yêu cầu vay tiền của cấp 2, 3 phải được đơn vị cấp 1 duyệt. Số tiền cho mỗi người vay không quá 250 đồng.

Vì số kinh phí để cho cán bộ công nhân viên vay mua xe đạp hạn chế trong phạm vi số tiền bán xe thu được, mặt khác khả năng cung cấp của Mậu dịch cũng chỉ có hạn nên các cơ quan cần hết sức thận trọng: chỉ xét các đối tượng có tiêu chuẩn được vay và phải cân nhắc kỹ càng trước khi đề nghị cho cán bộ công nhân viên vay tiền.

Giấy giới thiệu được ưu tiên mua xe đạp ở Mậu dịch thống nhất do cơ quan tài chính cấp.

Số tiền vay để mua xe đạp sẽ trừ dần vào lương trong thời hạn 12 tháng. Riêng đối với số cán bộ gặp khó khăn không thể trả trong thời hạn đó được thì cơ quan phối hợp với công đoàn xét và cho kéo dài thêm thời hạn trả.

Chế độ cho cán bộ vay tiền mua xe đạp chỉ thi hành từ nay cho đến hết tháng 6 năm 1961 là chấm dứt.

7. Xe mô tô, xe máy.

Từ nay tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp, xí nghiệp, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các hội từ trung ương đến địa phương không được mua sắm thêm xe mô tô, xe đạp máy.

Trong khi chờ đợi kế hoạch giải quyết, các cơ quan trung ương và các địa phương có loại xe nói trên, phải báo cáo cho Bộ Tài chính số xe hiện có, kể cả xe của các đơn vị trực thuộc trước ngày 15-8-1960 kèm theo danh sách những người muốn mua xe mô tô, xe máy (nếu có). Mặt khác phải tập trung quản lý chặt chẽ số xe đó, định nội quy sử dụng rõ ràng, dành riêng cho một số cán bộ phụ trách (cụ thể là các thủ trưởng) được sử dụng và chỉ giao sử dụng mỗi khi có việc thật cần thiết nếu không dùng xe mô tô, xe máy thì không bảo đảm được thời gian công tác.

Cơ quan nào có cán bộ, công nhân viên muốn mua xe mô tô, xe máy công của cơ quan thì cơ quan có thể bán lại, cũng theo thể thức bán xe đạp công quy định ở trên.

Chú ý: không cho vay tiền để mua xe mô tô, xe máy ở ngoài.

8. Lãnh đạo thực hiện.

a) Ở trung ương: Căn cứ vào những quy định trên đây, các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương chủ động nghiên cứu và trực tiếp lãnh đạo thực hiện đối với các đơn vị trực thuộc. Bộ Tài chính không trực tiếp giải quyết đối với các đơn vị cấp 2, 3.

Các đơn vị cấp 2, 3 thuộc cơ quan trung ương đóng ở địa phương phải liên hệ chặt chẽ với Ủy ban hành chính nơi đóng trụ sở, để đảm bảo sự cân đối chung về giá cả.

b) Ở địa phương: Ủy ban hành chính chịu trách nhiệm lãnh đạo thực hiện chủ trương bỏ chế độ xe đạp công đối với các cơ quan trực thuộc.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn mà các Bộ hay các Ủy ban không tự giải quyết được thì phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Chú ý: Sau khi nhận được Chỉ thị số 123-TTg ngày 31-5-1960 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nào đã bán xe đạp công trước khi có thông tư hướng dẫn này của Bộ Tài chính, phải điều chỉnh lại cho đúng với những quy định trong thông tư này (về giá cả, đối tượng được mua xe hay được vay tiền mua xe, thể thức vay tiền…).

9. Báo cáo.

Sau khi thực hiện việc bán lại xe đạp, xe mô tô và xe máy công, các Bộ, các cơ quan đoàn thể trung ương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu báo cáo ngay kết quả bán xe cho Bộ tài chính biết kèm theo các số liệu cần thiết:

- Biên chế cơ quan.

- Số người có xe đạp tư.

- Số xe đạp công bán đợt trước.

- Số xe đạp công bán đợt này.

- Số xe để lại (lý do).

- Số xe còn thừa.

- Số tiền bán xe đợt trước.

- Số tiền đã thu được và đã nộp kho bạc:

a) đã thu từ cuối năm 1959 trở về trước.

b) đã thu từ đầu năm 1960 đến tháng 7 năm 1960.

- Số tiền còn thu từ tháng 8 năm 1960.

- Số tiền bán xe đợt này.

- Số tiền thu được trong tháng 8.

- Số tiền thu hàng tháng về sau.

- Số người cần được vay tiền để mua xe.

- Số tiền vay.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính