Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-TT-QL

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHIÊU SINH KHÓA II LỚP ĐẠI HỌC TẠI CHỨC VÀ CHUYÊN TU KỸ SƯ KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

-Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ,
-Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố,
-Trường Đại học Bách khoa,

Để xúc tiến kế hoạch đào tạo kỹ sư kinh tế công nghiệp nhằm đáp ứng cho nhu cầu xây dựng kinh tế ngày càng phát triển;

Sau khi thống nhất ý kiến với Ủy ban hành chính Nhà nước, Ban Công nghiệp trung ương, các Bộ, các ngành có liên quan về phương hướng, nội dung và chỉ tiêu đào tạo; sau khi xét trường Đại học Bách khoa có đủ điều kiện cần thiết để tổ chức khóa học vào đầu năm học 1964-1965, Bộ Giáo dục quyết định chiêu sinh khóa II cho hai lớp đại học tại chức và chuyên tu kỹ sư kinh tế công nghiệp mở tại trường Đại học Bách khoa.

I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

a) Lớp đại học tại chức kỹ sư kinh tế công nghiệp nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và kinh tế cho cán bộ hiện đang giữ chức vụ chỉ đạo và quản lý kinh tế thuộc các Bộ, các ngành và cơ sở sản xuất, xây dựng, đạt tới trình độ đại học về kỹ thuật và kinh tế bằng hình thức học tập tại chức. Thời gian học là bốn năm (không kể thời gian bổ túc văn hóa hết cấp III).

b) Lớp đại học chuyên tu kỹ sư kinh tế công nghiệp mở nhằm bồi dưỡng cho những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các ngành công nghiệp chủ yếu đạt trình độ đại học về kỹ thuật và kinh tế, khi ra trường họ được công nhận trình độ kỹ sư kinh tế. Thời gian học là 3 năm (không kể thời gian tập trung để bổ túc văn hóa hết cấp III).

Số lượng chiêu sinh khóa II vào mỗi lớp là 100, phân bố vào các ngành như sau:

1. Mỏ

2. Luyện kim

3. Xây dựng

4. Điện lực (điện và nhiệt)

5. Hóa chất

6. Cơ khí.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN

a) Đối tượng

1. Vào lớp đại học tại chức:

- Phải là cán bộ hiện đang giữ chức vụ từ giám đốc, phó giám đốc nhà máy, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó công trường, giám đốc và phó giám đốc các Cục, Vụ, Viện thuộc các Bộ trở lên.

- Các chuyên viên nghiên cứu về kinh tế, công nghiệp của các Bộ, các ngành mà yêu cầu công tác hiện nay đòi hỏi phải hiểu biết về kỹ thuật và kinh tế.

Tất cả các lọai cán bộ trên phải có bậc lương từ 90 đồng trở lên.

2. Vào lớp đại học chuyên tu:

- Phải là cán bộ lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc các Bộ, cán bộ hiện đang giữ chức vụ chỉ đạo về sản xuất ở các xí nghiệp, hầm mỏ, công trường xây dựng cơ bản; chánh phó bí thư Đảng ủy, Chánh phó thư ký Công đoàn nhà máy, hầm mỏ… mà yêu cầu về công tác lãnh đạo hàng ngày đòi hỏi phải hiểu biết về kinh tế và kỹ thuật.

- Trưởng phó phòng nghiệp vụ (cung ứng, kỹ thuật, kế hoạch, lao động tiền lương…) quản đốc, phó quản đốc các phân xưởng, trưởng phó ban chỉ huy công trường v.v… mà bậc lương từ 60 đồng trở lên; cán bộ nghiên cứu từ cán sự 3 trở lên ở các cơ quan kinh tế, công nghiệp mà yêu cầu về nghiệp vụ phải hiểu biết về kinh tế và kỹ thuật.

- Công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất, có năng lực quản lý, có nhiều triển vọng đề bạt thành cán bộ lãnh đạo có bậc lương từ 60đ trở lên.

b) Tiêu chuẩn cụ thể: (chung cho cả hai lớp)

Tất cả cán bộ, công nhân muốn xin thi và được xét tuyển vào học phải có đủ những điều kiện dưới đây:

- Chính trị: Lịch sử rõ ràng, trung thành với cách mạng. Lập trường tư tưởng, đạo đức tốt, trong quá trình công tác không phạm sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng. Tinh thần, thái độ công tác và học tập tốt.

- Văn hóa: Đã học hết chương trình lớp 8 (các môn toán, lý, hóa) hoặc có trình độ tương đương. Phải qua một kỳ thi kiểm tra văn hóa do trường Đại học Bách khoa tổ chức.

- Sức khoẻ và tuổi: Có sức khỏe tốt, không bị bệnh kinh niên, truyền nhiễm đang thời kỳ điều trị.

Riêng về độ tuổi, đối với thí sinh vào lớp đại học tại chức không quá 50 tuổi; đối với lớp đại học chuyên tu không quá 40 tuổi. Cá biệt có những trường hợp cần phải châm chước cao hơn những mức tuổi đã quy định, cơ quan cử cán bộ đi học phải hiệp ý với Bộ giáo dục.

III. THỦ TỤC VỀ HỒ SƠ

Tất cả cán bộ, công nhân xin dự thi phải làm đầy đủ các hồ sơ sau đây:

- Một đơn xin học,

- Một quyết định cử đi học của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành và cơ quan theo mẫu đã quy định trong thông tư số 23-TT-LB ngày 08-04-1960 của liên Bộ Nội vụ - Giáo dục.

- Một bản lý lịch (theo mẫu của Bộ Nội vụ) có nhận xét của thủ trưởng cơ quan.

- Một giấy khám sức khỏe.

- Một bản sao học bạ lớp 8 do các trường bổ túc văn hóa cấp hoặc giấy chứng nhận học lực tương đương lớp 8 do các cơ quan giáo dục có thẩm quyền cấp.

Tất cả những hồ sơ cán bộ cử đi học do các Bộ, các ngành nộp tập thể cho trường Đại học Bách khoa, hạn cuối cùng là ngày 25-06-1964.

Các thủ tục báo thi, xét duyệt, báo trúng tuyển theo đúng quy chế tuyển sinh Bộ giáo dục đã ban hành cho năm học 1964-1965.

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN

- Thu nhận hồ sơ từ 25-05-1964 đến 25-06-1964.

- Tổ chức kiểm tra văn hóa: Ngày 13-07-1964 tại trường Đại học Bách khoa.

- Các môn kiểm tra: Toán, lý, hóa theo chương trình theo lớp 8.

V. NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý

- Cán bộ cử đi học các lớp này phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn đã quy định, Bộ Giáo dục nhất thiết không thu nhận, châm chước dưới tiêu chuẩn. Sau này nếu vì một lý do nào đó cán bộ không được tiếp tục học tập sẽ trả về cơ quan cũ.

- Hồ sơ cán bộ cử đi học phải làm đầy đủ, nếu thiếu sót hoặc không hợp lệ sẽ không thu nhận.

- Các ngành, các cơ quan cần có kế hoạch phổ biến kịp thời, tích cực cử cán bộ, công nhân đi học, đặc biệt cần chú ý chọn cử nhiều cán bộ chỉ đạo ở cơ sở sản xuất. Riêng đối với lớp đại học tại chức, đề nghị các Bộ, các ngành chú ý đảm bảo chế độ học tập cho cán bộ và cần chú ý chọn cử một số cán bộ ở các địa phương mà điều kiện giao thông thuận lợi có thề đảm bảo việc học tập mà không trở ngại cho công tác và sản xuất.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Toàn