Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 253-TTHĐ

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 1980

THÔNG TƯ

CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 253 – TTHĐ NGÀY 21 THÁNG 5 NĂM 1980 HƯỚNG DẪN THI HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ VỀ SẢN XUẤT, CUNG ỨNG VẬT TƯ VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM ĐỐI VỚI TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 358 – CP NGÀY 3 THÁNG 10 NĂM 1979 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

In trong Công báo 1979 - số 20 (968) trang 309

Từ trước đến nay, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ có liên quan đến sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp nhằm tạo điều kiện và khuyến khích tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển. Để thực hiện các chính sách, chế độ đó các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã có những quy định cụ thể về gia công đặt hàng, bán nguyên liệu, mua sản phẩm, sửa chữa và dịch vụ ...

Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá IV) đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương. Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết đã nêu rõ: "Hội đồng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố biến nghị quyết này thành những phương án kinh tế - kỹ thuật, quy hoạch và kế hoạch cụ thể; thành những chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước;...".

Việc ban hành kèm theo quyết định số 358 - CP ngày 3 tháng 10 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ bản Điều lệ ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế về sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp là nhằm thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng theo yêu cầu của nghị quyết hội nghị lần thứ sáu của trung ương Đảng; nâng cao hiệu lực thi hành các chủ trương, chính sách ấy trong thực tiễn; quy định một số điểm cơ bản về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế để áp dụng thống nhất trong các hoạt động kinh tế giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với các tổ chức kinh tế tập thể và hộ cá thể, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động kinh tế có liên quan đến tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Để góp phần thực hiện bản điểu lệ này, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình, và sau khi thoả thuận với các Bộ, các ngành có liên quan, chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ra thông tư hướng dẫn và giải thích một số điểm sau đây:

1. a) Bản điều lệ này được áp dụng rộng rãi trong mọi hoạt động kinh tế về sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp (bao gồm các hình thức gia công đặt hàng; bán nguyên liệu, mua sản phẩm; vận tải; sửa chữa và các dịch vụ khác) giữa các đơn vị kinh tế cơ sở của Nhà nước, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội và tổ chức xã hội với các hợp tác xã, tổ sản xuất và hộ cá thể, kể cả các tổ sản xuất và hộ cá thể làm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp. Mọi hoạt động kinh tế có liên quan giữa các hợp tác xã, tổ sản xuất và hộ cá thể để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ sản xuất do đơn vị kinh tế cơ sở của Nhà nước đặt hàng đều phải ký kết hợp đồng kinh tế theo đúng bản điều lệ này.

b. Thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, bên đặt hàng bảo đảm cho bên sản xuất những điều kiện và phương tiện vật chất cần thiết để tiến hành sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, mặt khác đòi hỏi bên sản xuất phát huy tình thần tự lực, tự cường tận dụng có hiệu quả sức lao động, nguyên liệu, thiết bị sẵn có để cùng bên đặt hàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nhằm hoàn thành tốt hợp đồng đã ký kết. Trên cơ sở đó mà thúc đẩy sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển theo đúng phương ......... quy hoạch kế hoạch của Nhà nước, bảo đảm cho những người làm nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có nguồn thu nhập thoả đáng nhằm ổn định sản xuất và từng bước cải thiện đời sống, đồng thời bảo đảm Nhà nước nắm chắc những sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp thuộc danh mục Nhà nước quản lý, để phục vụ các nhu cầu về hàng tiêu dùng cho nhân dân và cho xuất khẩu.

c. Những quy định của bản Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo nghị định số 54 - CP ngày 10 tháng 3 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và những quy định khác có liên quan đến tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp là cơ sở để xây dựng nội dung bản điều lệ này. Do vậy, khi ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, các bên hữu quan phải thi hành cả những điều quy định trong bản Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế và những điều quy định trong bản điều lệ này. Cụ thể là những quy định trong bản Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế (như không có hợp đồng kinh tế thì không được vay vốn, không được thanh toán; những trường hợp được miễn ký kết hợp đồng kinh tế, thời hạn hoàn thành việc ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng kinh tế không được in sẵn; các điều khoản chủ yếu của hợp đồng; các trường hợp vi phạm hợp đồng...) đều được áp dụng vào việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

d. Trong quan hệ kinh tế với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có những hình thức khác nhau như gia công đặt hàng, bán nguyên liệu, mua sản phẩm thì vật tư, nguyên liệu do Nhà nước cung ứng và thống nhất quản lý, mua bán thông thường, sửa chữa và các dịch vụ khác thì nguyên liệu là của bên sản xuất hoặc Nhà nước cung ứng một phần. Do vậy, về nội dung hợp đồng kinh tế tuỳ theo hình thức quan hệ kinh tế kể trên và tuỳ theo tính chất từng mặt hàng, có hợp đồng rất phức tạp đòi hỏi quy cách, phẩm chất, thời gian bảo hành, điều kiện giao nhận sản phẩm hết sức chặt chẽ (như hợp đồng gia công đặt hàng, bán nguyên liệu, mua sản phẩm hoặc hợp đồng xuất khẩu...), nhưng cũng có hợp đồng rất đơn giản (như sửa chữa, dịch vụ, mua bán thông thường...). Cho nên khi ký kết hợp đồng kinh tế, phải căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu thực tế mà thoả thuận nội dung ký kết hợp đồng cho phù hợp, tránh dập khuôn, máy móc, thủ tục giấy tờ phức tạp. Theo sự hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của bên đặt hàng đề ra mẫu hợp đồng cụ thể cho phù hợp với mỗi hình thức quan hệ kinh tế kể trên và với tính chất của từng mặt hàng. Nếu nội dung hợp đồng có liên quan đến các quy định nói trong điều lệ này thì nhất thiết phải áp dụng đầy đủ.

2. a. Nội dung hợp đồng kinh tế bao gồm các điều khoản từ số lượng, chất lượng sản phẩm, giá cả cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, điều kiện giao nhận sản phẩm, phương thức thanh toán đến trách nhiệm vật chất khi vi phạm hợp đồng, đều liên quan đến nhiều chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước được phân công và phân cấp cho nhiều ngành và địa phương quản lý. Vì vậy, khi ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện hợp đồng kinh tế nhất thiết phải áp dụng đầy dủ các quy định hiện hành của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu chưa hiểu rõ thì phải tranh thủ sự hướng dẫn, giải thích của các cơ quan đó. Nếu chưa có quy định của Nhà nước, của ngành hoặc của địa phương thì đề nghị với cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành. Trong khi chờ đợi ban hành, các bên hữu quan có thể thoả thuận ký kết hợp đồng kinh tế theo những nguyên tắc nói ở điều 10 (về chất lượng), điều 12 (về thời gian bảo hành), điều 13 (về giá cả) và điều 14 (về định mức vật tư) của bản điều lệ này.

Trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau để ký kết hợp đồng thì phải báo cáo với chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện hoặc cấp tương đương (quận, khu phố, thị xã...) để giải quyết. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện giải quyết việc tranh chấp này theo hướng vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của bên sản xuất, vừa bảo đảm hạch toán cho bên đặt hàng. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện có hiệu lực thi hành đến khi có những quy định mới của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc ký kết hợp đồng sản xuất một mặt hàng nào đó cũng không có lợi cho cả hai bên và bên đặt hàng cũng không đem lại lợi ích gì cho Nhà nước, thì trên cơ sở bảo đảm thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp của tỉnh giao, chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện điều chỉnh kế hoạch sản xuất giữa các đơn vị kinh tế cơ sở của huyện, hoặc là ra lệnh sản xuất thay thế bằng mặt hàng khác tương ứng.

b. Giá cả là một trong những điều khoản quan trọng của hợp đồng kinh tế, thể hiện sự vận dụng quy luật giá trị, tức là mỗi quan hệ hàng hoá tiền tệ trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Vấn đề này thường gây ra tranh chấp trong khi ký kết hợp đồng. Mọi tranh chấp về giá cả trong khi ký kết hợp đồng kinh tế đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp đều do chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện giải quyết căn cứ vào chính sách gía về chế độ quản lý giá của Nhà nước. Quyết định giải quyết về giá cả của chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện có hiệu lực thi hành đến khi có quy định mới của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi ký kết hợp đồng kinh tế, các bên hữu quan cần phải thi hành đúng đắn những điều quy định ở điều 13 của bản điều lệ này.

- Những mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý hoặc làm bằng vật tư nguyên liệu do Nhà nước thống nhất quản lý và cung ứng thì phải theo đúng giá Nhà nước quy định.

- Những mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý mà chưa có giá quy định thì bên sản xuất hoặc bên bán sản phẩm phải lập phương án giá làm căn cứ để các bên ký kết hợp đồng kinh tế bàn bạc và xác định giá thoả thuận ghi trong hợp đồng. Nếu có sự thống nhất ý kiến giữa các bên hữu quan thì sau khi hợp đồng được ký kết phải báo cáo ngay ........ kèm theo đầy đủ các tài liệu quy định cho cơ quan có thẩm quyền quyết định giá theo thủ tục, chế độ phân công phân cấp quản lý giá hiện hành của Nhà nước.

Trong thời hạn hợp đồng kinh tế đang còn hiệu lực mà đã có giá chính thức thì các bên ký kết được điều chỉnh mọi chênh lệch so với giá thoả thuận đã ký trước đây trong hợp đồng. Hết thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế mà vẫn chưa có giá chính thức thì các bên ký kết được phép thanh toán theo giá thoả thuận hoặc theo quyết định giải quyết của chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và kết thúc hợp đồng kinh tế nếu không có quy định gì khác.

- Những mặt hàng không do Nhà nước quản lý hoặc làm bằng phế liệu, phế phẩm hay nguyên liệu địa phương mà Nhà nước không quản lý thì do các bên ký kết được phép tính giá thoả thuận.

3. Nhiệm vụ của bên đặt hàng và bên sản xuất nói ở điều 3 và điều 4 của bản điều lệ này thể hiện tinh thần hợp tác, bình đẳng giữa các bên từ khi chuẩn bị nội dung ký kết đến khi ký kết và thực hiện hợp đồng. Muốn ký kết và thực hiện tốt hợp đồng phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo khâu nội dung ký kết. Bản điều lệ đã xác định trách nhiệm của cả hai bên, nhất là bên đặt hàng phải chủ động cùng bên sản xuất bàn bạc về nội dung hợp đồng sẽ ký kết. Bên đặt hàng phải thông báo cho bên sản xuất biết những quy định của Nhà nước có liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, tức là những văn bản giao nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, thu mua của huyện, những quy định về số lượng và chất lượng sản phẩm, những quy định về lưu thông, phân phối, gía cả có liên quan..., đồng thời thông báo cho bên sản xuất biết những vật tư, nguyên liệu, kể cả chính và phụ Nhà nước có thể cung ứng được. Nếu bên đặt hàng không có hoặc có nhưng không cung ứng đủ vật tư, nguyên liệu (cả chính và phụ) mà lại giao cho bên sản xuất đi tìm mua những vật tư, nguyên liệu đó thì phải bàn bạc để giải quyết theo đúng sự hướng dẫn tại mục II, điểm 1, tiết a, b, c của thông tư liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Lao động số 688 - TT/LB ngày 15 tháng 12 năm 1979.

Vật tư, nguyên liệu và vấn đề sống còn của sản xuất, cho nên sau khi ký kết hợp đồng, bên đặt hàng có nhiệm vụ cung ứng những vật tư, nguyên liệu ấy cho bên sản xuất như đã thoả thuận theo hợp đồng. Bên sản xuất có nhiệm vụ bảo quản, sử dụng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức những vật tư, nguyên liệu được Nhà nước cung ứng, chống tham ô, lãng phí, mua bán, đổi chác vì mục đích tư lợi.

Nếu cung ứng vật tư, nguyên liệu và sử dụng vật tư, nguyên liệu để làm ra sản phẩm hàng hoá là khâu chủ yếu của quá trình thực hiện hợp đồng thì khâu giao nộp đầy đủ sản phẩm, tiếp nhận sản phẩm và thanh toán sòng phẳng đúng như hợp đồng đã ký kết là khâu kết thúc của hợp đồng và là khâu quyết định.

Tóm lại, ba nhiệm vụ của bên đặt hàng và ba nhiệm vụ của bên sản xuất đều tương ứng và ràng buộc lẫn nhau. Nó vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa là quyền lợi vì cùng nhau có nhiệm vụ phấn đấu cho việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

4. Việc thưởng vật chất cho bên sản xuất hoàn thành vượt mức hợp đồng kinh tế với chất lượng tốt và việc xét khen thưởng cá nhân bên đặt hàng đã tích cực đóng góp vào việc hoàn thành tốt hợp đồng đều phải áp dụng đúng chính sách, chế độ hiện hành của Nhà nước. Nếu chưa có quy định của Nhà nước về vấn đề này thì phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan này có trách nhiệm giải quyết mức thưởng và quỹ thưởng, tạo điều kiện vật chất cho bên đặt hàng thưởng những tổ chức và cá nhân nói trên. Trường hợp hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức hợp đồng xuất khẩu thì sẽ được thưởng theo chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất hành xuất khẩu ban hành theo nghị định số 40 - CP ngày 7 tháng 2 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ.

Các cá nhân thuộc bên đặt hàng đã tích cực đóng góp vào việc hoàn thành tốt hợp đồng thì tuỳ theo thành tích cụ thể được bên đặt hàng thưởng theo một hoặc các hình thức nói trong bản quy định về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan Nhà nước ban hành theo nghị định số 217 - CP ngày 8 tháng 6 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ.

5. Việc giải quyết các tranh chấp và xử phạt các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế đã được quy định ở các điều 19, 20 của bản điều lệ này. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể:

a. Nếu xảy ra tranh chấp trong khi ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng thì các bên phải chủ động gặp nhau bàn biện pháp giải quyết. Nếu các bên không tự giải quyết được thì phải gửi ngay báo cáo kèm theo biên bản hiệp thương đến chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện xem xét và giải quyết trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình và trong khuôn khổ các chính sách, chế độ hiện hành của Nhà nước, chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, tuỳ từng trường hợp tranh chấp cụ thể, có biện pháp giải quyết như sau:

a - 1) Hướng dẫn, đôn đốc bên có lỗi gây ra tranh chấp về hợp đồng kinh tế phải sửa chữa những thiếu sót để ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Hướng dẫn các bên thoả thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm và nộp phạt hợp đồng (nếu có).

Những việc làm trên đây của chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đều mang tính chất hoà giải.

a - 2) Kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị kinh tế cơ sở giải quyết kịp thời những tranh chấp về hợp đồng kinh tế, nếu xét thấy tranh chấp là do lỗi của cơ quan quản lý cấp trên này gây nên.

a - 3) Điều chỉnh kế hoạch sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giữa các đơn vị kinh tế cơ sở của huyện, nếu xét gặp phải khó khăn khách quan, các bên đã cố gắng hết sức mình để khắc phục mà không ký kết và thực hiện được hợp đồng. Nhưng việc điều chỉnh này không được gây khó khăn trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất của tỉnh giao.

a - 4) Sau khi hoà giải mà không đạt kết quả, chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện chuyển hồ sơ đến chủ tịch hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố để xét xử trong trường hợp các bên ký kết đều có tư cách pháp nhân (nghĩa là đối với cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã phải được Nhà nước cho phép thành lập hoặc thừa nhận, có tài sản riêng và có trách nhiệm độc lập về tài sản đó, có tài khoản hoặc ký quỹ ở ngân hàng. Đối với tổ sản xuất và hộ cá thể phải được phép kinh doanh và có tài khoản hoặc ký quỹ ở ngân hàng).

a - 5) Chuyển thẳng hồ sơ đến chủ tịch hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố mà không hoà giải trước trong trường hợp vụ tranh chấp mang thêm tính chất hình sự và các bên đều có tư cách pháp nhân. Chủ tịch hội đồng trọng tài kinh tế địa phương giải quyết vụ tranh chấp này theo những quy định ở điểm e dưới đây.

Đối với vụ tranh chấp mang thêm tính chất hình sự nói trên mà một bên hoặc các bên ký kết không có tư cách pháp nhân, thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện chuyển thẳng hồ sơ đến viện kiểm sát nhân dân huyện mà không hoà giải trước, để truy tố về mặt hình sự.

b) Theo quy định hiện hành của Nhà nước, hội đồng trọng tài kinh tế các cấp, các ngành chỉ nhận xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế mà các bên đều có tư cách pháp nhân. Do đó, hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố chỉ nhận xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp mà các bên ký kết đều có tư cách pháp nhân. Các vụ tranh chấp này có thể do chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện hoặc các cấp tương đương chuyển đến; do các đương sự trực tiếp gửi đơn khiếu nại đến; do tự mình phát hiện hoặc do các nguồn tin khác đưa đến.

Đối với các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp mà một bên hoặc các bên ký kết không có tư cách pháp nhân thì hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố chuyển trả ngay hồ sơ về chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện nơi xảy ra tranh chấp để giải quyết, vì cấp huyện là cấp trực tiếp giao nhiệm vụ kế hoạch sản xuất cho các đơn vị kinh tế cơ sở, là cấp cho phép đăng ký kinh doanh tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các dịch vụ khác và là cấp sát nhất đối với các cơ sở của mình, cho nên có điều kiện tốt nhất để giải quyết các vụ tranh chấp đó.

c. Nơi nhận đơn và hồ sơ khiếu nại là hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố nơi có bên sản xuất. Trường hợp các bên ký kết đều là hợp tác xã, tổ sản xuất ở các địa phương khác nhau thì hội đồng trọng tài kinh tế nơi có bên bị khiếu nại sẽ nhận đơn và hồ sơ về vụ tranh chấp đó.

d. Hội đồng trọng tài kinh tế kết thúc vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng một quyết định xét xử. Nếu không đồng ý với quyết định xét xử đó, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xét xử, đương sự phải gửi đơn kháng cáo đến chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố là người quyết định cuối cùng.

Nếu đương sự không chịu chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xét xử của hội đồng trọng tài kinh tế hoặc của chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đây là trường hợp bên vi phạm hợp đồng là hộ cá thể hoặc hộ tư bản tư nhân, trong tài khoản không có đủ tiền để bồi thường và nộp phạt, và họ cũng không tự nguyện nộp thêm cho đủ), thì bên bị vi phạm hợp đồng kinh tế tức là bên có quyền nhận tiền bồi thường phải báo cáo ngay với chủ tịch hội đồng trọng tài kinh tế hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để chuyển hồ sơ sang toà án nhân dân nơi đương sự cư trú xét xử theo pháp luật, đúng như quy định ở điều 20 của bản điều lệ.

Những quy định ở các mục a, b, c, d thuộc điểm 5 trên đây không chỉ áp dụng cho việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp mà còn áp dụng cho việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế hai chiều. Do vậy, nay bãi bỏ những quy định ở đoạn cuối mục c, điểm 2, phần B (tức là từ ... đối với các tổ đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất hoặc hộ sản xuất cá thể không có tài khoản ở ngân hàng đến truy tố trước pháp luật) của thông tư số 114 - HĐ ngày 24 tháng 5 năm 1978 và những quy định trong công văn số 252 - HĐ ngày 7 tháng 9 năm 1979 của chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thi hành bản quy định tạm thời số 65- CP ngày 23 tháng 3 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ về chế độ hợp đồng kinh tế hai chiều.

đ) Việc bồi thường thiệt hại thực tế và phạt vi phạm hợp đồng cũng như cách thức bồi thường và mức xử phạt vẫn theo đúng quy định của điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo nghị định số 54 - CP ngày 10 tháng 3 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và thông tư số 180 - TTHĐ ngày 20 tháng 7 năm 1979 của chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn nghiệp vụ công tác xét xử.

Việc phạt vật chất những cá nhân phạm lỗi thuộc bên đặt hàng (tức là thuộc cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, đơn vị bộ đội, tổ chức xã hội) đã gây ra vụ vi phạm hợp đồng kinh tế làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, thì về căn bản vẫn thi hành theo chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước ban hành theo nghị định số 49 - CP ngày 9 tháng 4 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ. Điều 19 của bản điều lệ chỉ quy định mức phạt từ 1 đến 2 tháng lương chính , và trừ dần hàng tháng từ 10% đến 30% số tiền phạt là thể hiện mức độ áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất nói trên vào việc xử phạt những cá nhân vì thiếu tinh thần trách nhiệm để gây ra vụ vi phạm hợp dồng làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Khi kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xử phạt những cá nhân phạm lỗi đó, hội đồng trọng tài kinh tế phải kiến nghị các hình thức kỷ luật và mức phạt cụ thể như phải chịu hình thức kỷ luật gì, phải phạt 1 hay 2 tháng lương (nếu có), và trong vòng một tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền thông báo cho hội đồng trọng tài kinh tế biết kết quả việc thi hành. Những cá nhân cố tình gây ra vụ vi phạm hợp đồng hoặc là làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thì không thuộc phạm vi thi hành của điều lệ này, mà sẽ do viện kiểm sát nhân dân truy tố trước pháp luật.

e. Những trường hợp để mất mát vật tư hàng hoá, cắt xén vật tư, hàng hoá để sử dụng vào mục đích riêng, bán sản phẩm ra thị trường tự do để kiếm lời thì tiền phạt tính theo giá trị vật tư, hàng hoá bán trên thị trường tự do ở nơi xảy ra vi phạm. Số tiền phạt chênh lệch giữa giá mua của Nhà nước với giá bán trên thị trường tự do phải nộp vào ngân sách địa phương.

Trước khi xét xử những vụ, việc vi phạm kể trên, cơ quan trọng tài kinh tế phải trao đổi ý kiến với viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan có liên quan đồng cấp (như giá, tài chính, thương nghiệp, vật tư...) để bảo đảm việc thi hành thống nhất pháp luật (kể cả việc xác định giá thị trường tự do những vật tư, hàng hóa bị mất mát hoặc bớt xén để làm cơ sở tính tiền phạt) trong địa phương.

Qua bàn bạc cụ thể, xét thấy tính chất vụ, việc vi phạm chưa đến mức phải truy tố về hình sự thì cơ quan trọng tài kinh tế xét xử luôn cả phần vi phạm hợp đồng kinh tế và phần vi phạm chế độ quản lý kinh tế, quản lý thị trường. Ngược lại, xét thấy tính chất vụ, việc vi phạm nghiêm trọng thì phải chuyển hồ sơ đến việc kiểm sát nhân dân để truy cứu trách nhiệm hình sự, và trước khi chuyển, cơ quan trọng tài kinh tế phải xét xử xong phần vi phạm hợp đồng kinh tế (bắt bồi thường theo giá trị vật tư, hàng hoá bị mất mát để bảo đảm hạch toán cho bên bị vi phạm, bắt nộp phạt hợp đồng).

g. Bên nào có lỗi gây ra vụ vi phạm hợp đồng kinh tế làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì bên ấy phải chịu bồi thường thiệt hại và nộp phạt hợp đồng. Trường hợp cơ quan kinh doanh cấp trên trực tiếp của đơn vị kinh tế cơ sở (như liên hiệp xí nghiệp, tổng công ty, công ty, ...) có lỗi gây ra vụ vi phạm hợp đồng thì đại diện cơ quan này phải có mặt trong phiên họp xét xử và phải trực tiếp gánh chịu tiền bồi thường và tiền nộp phạt hợp đồng của đơn vị kinh tế cơ sở.

Từ nay, việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phải thi hành đúng những điều quy định trong bản điều lệ và thông tư này. Nội dung điều lệ có một số điểm mới như xác định hộ cá thể là bên ký kết hợp đồng, đơn đặt hàng ngoài kế hoạch là một trong những căn cứ để ký hợp đồng, vấn đề trách nhiệm vật chất... vì vậy, chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước đề nghị thủ trưởng các cấp, các ngành, và yêu cầu chủ tịch hội đồng trọng tài kinh tế các cấp, các ngành áp dụng các điểm bổ sung trên đây vào việc ký kết và thực hiện các loại hợp đồng kinh tế khác.

Đề nghị các Bộ, các ngành có liên quan và Liên hợp tác xã thủ công nghiệp Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình ra thông tư hướng dẫn cho các cơ quan đơn vị trực thuộc thi hành bản điều lệ này.

Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp Việt Nam , Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phổ biến điều lệ và thông tư này đến tận các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc để nắm vững và thi hành đầy đủ.

Trong quá trình thi hành, nếu gặp mắc mứu khó khăn gì, đề nghị phản ánh về chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước để nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh thông tư này.

Nguyễn Quang Xá

(Đã ký)