Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:27 /2005/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2005

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TĂNG LƯƠNG HƯU VÀ TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2005/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Điều 2 Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG.

1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 10 năm 2005.

2. Công nhân, viên chức đang hưởng trợ cấp mất sức lao động kể cả người hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

4. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01 tháng 10 năm 2005.

5. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tử tuất trước ngày 01 tháng 10 năm 2005.

6. Người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản trước ngày 01 tháng 10 năm 2005.

II. TĂNG LƯƠNG HƯU VÀ TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI.

1. Các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 mục I Thông tư này, mức lương hưu và trợ cấp hàng tháng được tăng như sau:

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH

từ 01/10/2005

=

Mức lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9/2005 đã được điều chỉnh theo Thông tư số 26/2005/TT-BLĐTBXH

x

1,207

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A, có mức lương hưu đã được điều chỉnh theo Thông tư số 26/2005/TT-BLĐTBXH là 825.000 đồng/tháng.

Mức lương hưu của ông A từ tháng 10/2005 được tính như sau:

825.000 đồng/tháng x 1,207 = 995.775 đồng/tháng

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B, cấp bậc Thiếu tá, có mức lương hưu đã được điều chỉnh theo Thông tư số 26/2005/TT-BLĐTBXH là 1.200.000 đồng/tháng.

Mức lương hưu của ông B từ tháng 10/2005 được tính như sau:

1.200.000 đồng/tháng x 1,207 = 1.448.400 đồng/tháng

Ví dụ 3: Ông Trần Quang D, có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước sau đó chuyển sang làm việc tại công ty liên doanh, có mức lương hưu đã được điều chỉnh theo Thông tư số 26/2005/TT-BLĐTBXH là 1.050.000 đồng/tháng.

Mức lương hưu của ông D từ tháng 10/2005 được tính như sau:

1.050.000 đồng/tháng x 1,207 = 1.267.350 đồng/tháng

Ví dụ 4: Ông Vũ Văn E, là cán bộ xã nghỉ việc, hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, có mức trợ cấp đã được điều chỉnh theo Thông tư số 26/2005/TT-BLĐTBXH là 326.700 đồng/tháng.

Mức lương hưu của ông E từ tháng 10/2005 được tính như sau:

326.700 đồng/tháng x 1,207 = 394.327 đồng/tháng

Ví dụ 5: Ông Nguyễn Văn G, nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động, có mức trợ cấp đã được điều chỉnh theo Thông tư số 26/2005/TT-BLĐTBXH là 350.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp mất sức lao động hàng tháng của ông G từ tháng 10/2005 được tính như sau:

350.000 đồng/tháng x 1,207 = 422.450 đồng/tháng

2. Đối tượng quy định tại khoản 5 mục I Thông tư này, mức trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tuất hàng tháng được tăng như sau:

a) Người đang hưởng trợ cấp trước ngày 01/10/2005:

Mức trợ cấp từ 01/10/2005

=

Mức trợ cấp tháng 9/2005

x

1,207

Ví dụ 6: Ông Trần Văn K, có mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng là 174.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp của ông K từ tháng 10/2005 được tính như sau:

174.000 đồng/tháng x 1,207 = 210.018 đồng/tháng

b) Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ra viện trước ngày 01/10/2005 mà chưa được tính hưởng trợ cấp, thì mức trợ cấp của thời gian trước ngày 01/10/2005 được trả theo mức trợ cấp tháng 9/2005.

c) Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, thì mức trợ cấp phục vụ hàng tháng được tăng như sau:

Mức trợ cấp phục vụ từ 01/10/2005

=

Mức trợ cấp phục vụ tháng 9/2005

x

1,207

=

280.000 đồng/tháng

d) Người bị chết trước ngày 01/10/2005 mà thân nhân chưa nhận tiền mai táng và tiền tuất thì tiền mai táng, tiền tuất của thời gian trước ngày 01/10/2005 được trả theo mức tháng 9/2005.

3. Đối tượng quy định tại khoản 6 mục I Thông tư này mà từ ngày 01/10/2005 trở đi vẫn còn thời hạn hưởng trợ cấp, thì khoản trợ cấp này được tính theo mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng.

4. Quân nhân, công an nhân dân chuyển ngành nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động được hưởng phụ cấp chuyển ngành theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995, thì khoản phụ cấp chuyển ngành được tính theo mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng.

5. Người về hưu sống cô đơn hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995, thì mức lương hưu được hưởng bằng 525.000 đồng/tháng.

6. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hàng tháng cư trú ở nơi có phụ cấp khu vực, thì mức phụ cấp khu vực tính theo mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm triển khai thực hiện việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này; lập báo cáo theo mẫu đính kèm Thông tư này gửi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

4. Kinh phí tăng thêm do điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của các đối tượng thuộc Ngân sách Nhà nước chi trả do Bộ Tài chính bảo đảm.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo; các chế độ quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP TƯ Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở LĐ-TBXH, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Lưu Bộ LĐ-TBXH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




LÊ DUY ĐỒNG


BIỂU TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TỔNG QUỸ TĂNG THÊM
(Kèm theo Thông tư số 27 /2005/TT-BLĐTBXH ngày 04 tháng 10 năm 2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

Đối tượng

Số người hưởng chế độ thời điểm 9/2005

Tổng kinh phí chi trả thời điểm 9/2005

Tổng kinh phí chi trả thời điểm 10/2005 đã điều chỉnh theo NĐ117/2005/NĐ-CP

Tổng kinh phí tăng thêm do điều chỉnh theo NĐ số 118/2005/NĐ-CP

Tổng kinh phí chi trả thời điểm 10/2005 bao gồm điều chỉnh theo NĐ117/2005/NĐ-CP và NĐ 118/2005/NĐ-CP

1. Hưu trí:

- Hưu công nhân, viên chức, công chức;

+ Trong đó: do NSNN bảo đảm

- Hưu Liên doanh;

- Hưu các thành phần kinh tế khác;

- Hưu lực lượng vũ trang.

+ Trong đó: do NSNN bảo đảm

2. Mất sức lao động:

3. Công nhân cao su:

4. Cán bộ xã, phường, thị trấn:

5. Trợ cấp TNLĐ hàng tháng:

+ Trong đó: do NSNN bảo đảm

6. Trợ cấp BNN hàng tháng:

+ Trong đó: do NSNN bảo đảm

7. Tuất hàng tháng:

+ Trong đó: do NSNN bảo đảm

Tổng cộng

Người lập biểu

(Ký tên)

Thủ trưởng đơn vị

(Ký tên, đóng dấu)