Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 278/2017/TT-BQP

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2017

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHUẨN QCVN 03:2017/BQP, QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỦY ĐỐT ĐẠN SÚNG, NGÒI ĐẠN VÀ HỎA CỤ

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/20077NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn QCVN 03:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hủy đt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng:

QCVN 03:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2017 và được áp dụng thống nhất trong toàn quân.

Điều 3. Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Bế Xuân Trường

QCVN 03:2017/BQP

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỦY ĐỐT ĐẠN SÚNG, NGÒI ĐẠN VÀ HỎA CỤ
National Technical regulation on firing destruction of small arm, fuze and pyrotechnic ignition devices

Lời nói đầu

QCVN 03:2017/BQP do Cục Quân khí/Tổng cục Kỹ thuật soạn thảo, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng/Bộ Quốc phòng trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 278/2017/TT-BQP ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ HỦY ĐỐT ĐẠN SÚNG, NGÒI ĐẠN VÀ HỎA CỤ

National Technical regulation on firing destruction of small arm, fuze and pyrotechnic ignition devices

1 QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn và kỹ thuật trong quá trình hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ.

1.2 Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ tại Việt Nam.

1.3 Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1 Đạn súng là đạn có cỡ nhỏ hơn 20 mm.

1.3.2 Ngòi đạn là thiết bị được lắp trên đầu đạn (phần chiến đấu của đạn) để sau khi bắn sẽ gây nổ (hoặc gây cháy) lượng thuốc nhồi trong đầu đạn ở một điểm trên quỹ đạo hoặc khi đầu đạn va chạm vào chướng ngại vật, đảm bảo tác dụng lớn nhất của đầu đạn đối với mục tiêu.

1.3.3 Hỏa cụ là phương tiện (dụng cụ) dùng để gây cháy (hoặc nổ), gồm: Bộ lửa; dây nổ; dây cháy chậm; nụ xùy, kíp nổ (ống nổ); các loại hạt lửa; các liều thuốc hỏa thuật.

1.3.4 Hủy đốt đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ (sau đây gọi tắt là hủy đốt đạn dược) trong phạm vi áp dụng quy chuẩn này: Là quá trình xử lý đạn dược bằng phương pháp đốt nhằm phá hủy hoàn toàn tính năng đạn dược cần xử lý theo quy trình công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các phương pháp hủy đốt bao gồm: Hủy đốt bằng thiết bị hủy đốt chuyên dụng và hủy đốt bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy hoặc trên bãi hủy đốt ngoài trời).

1.3.5 Thiết bị hủy đốt đạn súng, ngòi đạn (sau đây gọi tắt là thiết bị hủy đốt): Là thiết bị chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ hủy đốt đạn súng và hủy đốt ngòi đạn, bao gồm: Thiết bị (lò) hủy đốt đạn súng và thiết bị hủy đốt ngòi đạn.

1.3.6 Số lượng, khối lượng đạn dược trong một lần hủy đốt bằng thiết bị: Là số lượng, khối lượng đạn dược được tính từ thời điểm bắt đầu hủy đốt đến thời điểm lấy xỉ (phế liệu) ra khỏi thiết bị hủy đốt.

1.3.7 Khu vực hủy đốt đạn dược (sau đây gọi tắt là khu vực hủy): Là khu vực ngoài trời được phép dùng để hủy đốt đạn dược, gồm: Bãi hủy và các công trình xung quanh bãi hủy.

1.3.8 Bảo quản, vận chuyển đạn dược hủy đốt: Là hoạt động cất giữ đạn dược tại khu vực hủy và trong quá trình vận chuyển từ vị trí tập kết đến bãi hủy.

1.3.9 Bãi hủy: Là khu vực dùng để hủy đốt đạn dược.

1.3.10 Khu vực cảnh giới: Là khu vực mà những sản phẩm cháy (nổ) sinh ra khi hủy đốt đạn dược còn đủ khả năng gây tác hại đến người, các công trình và phương tiện.

1.3.11 Vị trí an toàn: Là các vị trí bên trong các công trình nêu tại Bảng 3 quy chuẩn này và nằm ngoài khu vực cảnh giới.

1.4 Tài liệu viện dẫn

QCVN 02:2016/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hủy đốt thuốc phóng, đạn dược.

2 QUY ĐỊNH AN TOÀN, KỸ THUẬT

2.1 Yêu cầu chung

2.1.1 Các loại đạn dược được phép hủy đốt:

- Các loại đạn dược để rời cấp 5 và có quyết định hủy đốt của cấp có thẩm quyền;

- Các loại đạn dược không còn nằm trong trang bị quân sự và dự trữ quốc phòng hoặc không còn giá trị sử dụng.

2.1.2 Các loại đạn dược không được phép hủy đốt: Là các loại đạn dược do cấp có thẩm quyền quy định không được phép hủy đốt.

2.1.3 Trước khi hủy đốt đạn dược, đơn vị, tổ chức phải thực hiện các nội dung:

2.1.3.1 Lập phương án, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2.1.3.2 Thông báo bằng văn bản gửi đến chính quyền địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn xung quanh khu vực hủy đốt đạn dược biết được kế hoạch hủy đốt đạn dược của đơn vị. Trong quá trình thực hiện không cho người và gia súc đi vào khu vực hủy đốt đạn dược;

2.1.3.3 Tổ chức chuẩn bị khu vực hủy đốt đạn dược theo quy định tại 2.3.2;

2.1.3.4 Chuẩn bị lực lượng và phương tiện hủy đốt đạn dược:

- Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược là những người được đào tạo theo đúng chuyên ngành, gồm: Người chỉ huy; nhân viên hủy đốt; nhân viên an toàn; nhân viên kỹ thuật; nhân viên y tế; lực lượng cảnh giới; lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại 2.2.4.3;

- Phương tiện, dụng cụ phục vụ hủy đốt đạn dược gồm: Thiết bị hủy đốt đạn dược; phương tiện mồi cháy; bảo hộ lao động; phương tiện vận chuyển; phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phương tiện đo nhiệt độ; phương tiện hỗ trợ y tế. Các phương tiện theo quy định tại 2.2.4.4.

2.1.4 Đạn dược vận chuyển đến vị trí tập kết chờ hủy phải được bao gói trong hòm có nắp đậy, khối lượng đạn dược và hòm không quá 20 kg. Khối lượng đạn dược vận chuyển đến vị trí tập kết phải đảm bảo hủy đốt hết trong một ngày.

2.1.5 Trong quá trình thực hiện hủy đốt đạn dược phải tuân thủ các quy định an toàn theo 2.2, các tín hiệu, ký hiệu hiệp đồng theo quy định tại 2.3.3.

2.1.6 Phương pháp hủy đốt đạn dược:

- Hủy đốt đạn súng: Bằng thiết bị (lò) hủy đốt đạn súng hoặc bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy);

- Hủy đốt ngòi đạn: Bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn hoặc hủy đốt bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy);

- Hủy đốt hỏa cụ:

+ Hủy đốt bộ lửa, dây cháy chậm, nụ xùy, kíp nổ (ống nổ), các loại hạt lửa, các liều thuốc hỏa thuật: Bằng phương pháp thủ công (hủy đốt trong hố hủy);

+ Hủy đốt dây nổ: Bằng phương pháp thủ công (hủy đốt ở bãi hủy ngoài trời).

2.1.7 Quá trình hủy đốt đạn dược:

- Hủy đốt đạn súng: Bằng thiết bị hủy đốt đạn súng theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.1, Phụ lục A; bằng phương pháp thủ công theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.2, Phụ lục A;

- Hủy đốt ngòi đạn: Bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.3, Phụ lục A; bằng phương pháp thủ công theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A.2, Phụ lục A;

- Hủy đốt hỏa cụ, không bao gồm dây nổ, theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A2, Phụ lục A;

- Hủy đốt dây nổ theo sơ đồ quá trình công nghệ Hình A4, Phụ lục A.

2.2 Quy định an toàn

2.2.1 Trước khi triển khai thực hiện các nội dung hủy đốt đạn dược, lực lượng tham gia phải được phổ biến kế hoạch và huấn luyện các quy trình, quy định, quy tắc an toàn.

2.2.2 Quá trình hủy đốt đạn dược thực hiện đúng theo phương án, quy trình công nghệ và kế hoạch được phê duyệt.

2.2.3 Trong quá trình tổ chức thực hiện nghiêm cấm tự động thay đổi quy trình. Khi cần thay đổi một số bước trong quy trình phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

2.2.4 Thực hiện hủy đốt đạn dược

2.2.4.1 Chuẩn bị bãi hủy theo quy định tại 2.3.2.3;

2.2.4.2 Khối lượng đạn dược hủy đốt:

- Khối lượng đạn súng hủy đốt tối đa trong một lần bằng thiết bị hủy đốt đạn súng: 1 200 kg;

- Số lượng ngòi đạn hủy đốt tối đa trong một lần bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn: Theo Bảng 1.

Bảng 1 - Quy định số lượng ngòi đạn hủy đốt trong một lần bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn

Nhóm

Loại ngòi đạn

Đơn vị tính

Số lượng lớn nhất

1

Họ ngòi đạn pháo cỡ: 20 mm đến 30 mm

Cái

650

2

Họ ngòi đạn cao xạ cỡ: 37 mm; 57 mm

Cái

600

3

Họ ngòi đạn cao xạ cỡ: 85 mm; 100 mm

Cái

70

4

Họ ngòi đạn cối cỡ: 60 mm; 82 mm

Cái

600

5

Họ ngòi đạn cối cỡ: 100 mm; 120 mm; 160 mm

Cái

500

6

Họ ngòi đạn ĐKZ cỡ: 75 mm; 82 mm

Cái

400

7

Họ ngòi đạn pháo mặt đất, tác dụng: Nổ phá, nổ phá sát thương; sát thương

Cái

400

8

Họ ngòi đạn và ngòi châm lửa hẹn giờ bằng thuốc cháy

Cái

300

9

Họ ngòi đạn pháo phản lực

Cái

70

10

Họ ngòi đạn lắp cho các loại đạn hệ II

Cái

70

- Khối lượng tối đa cho một lần hủy đốt đạn dược bằng phương pháp thủ công: Theo Bảng 2.

Bảng 2 - Quy định khối lượng tối đa cho một lần hủy đốt đạn dược bằng phương pháp thủ công

Nhóm

Loại đạn dược

Đơn vị tính

Khối lượng lớn nhất

1

Đạn súng các loại

kg

200

2

Ngòi đạn

kg

50

3

Hỏa cụ

3.1

Bộ lửa, nụ xùy, kíp nổ (ống nổ), các loại hạt lửa, các liều thuốc hỏa thuật

kg

50

3.2

Dây cháy chậm, dây nổ

kg

100

2.2.4.3 Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược:

- Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược: Phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ bằng văn bản; chỉ thực hiện nhiệm vụ được phân công theo phương án đã được phê duyệt; chấp hành nghiêm kỷ luật; thực hiện nghiêm, nhanh chóng và chính xác mệnh lệnh, hướng dẫn của người chỉ huy;

- Người chỉ huy: Là người có quyền hạn cao nhất trong khu vực hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ trung cấp trở lên;

- Nhân viên hủy đốt: Là những người trực tiếp thực hiện hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ sơ cấp trở lên; phải được phổ biến kế hoạch, huấn luyện các quy trình, quy định, quy tắc an toàn; có sức khỏe, yếu lĩnh thực hành tốt, qua kiểm tra đạt yêu cầu trở lên;

- Nhân viên an toàn: Là người giám sát về mặt an toàn; được giao nhiệm vụ phụ trách về công tác an toàn trong quá trình hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ sơ cấp trở lên; phải được huấn luyện và nắm vững các quy định an toàn khi hủy đốt đạn dược;

- Nhân viên kỹ thuật: Là người giám sát về mặt kỹ thuật hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ trung cấp trở lên; nắm chắc chuyên môn đạn dược, quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn trong hủy đốt đạn dược; sử dụng thành thạo các phương tiện mồi cháy; được giao nhiệm vụ phụ trách về mặt kỹ thuật khi tiến hành hủy đốt đạn dược;

- Nhân viên y tế: Là những người bảo đảm sức khỏe cho lực lượng hủy đốt đạn dược; có trình độ chuyên môn về ngành y tế từ sơ cấp trở lên; nắm chắc chuyên môn ngành y tế; sử dụng thành thạo các phương tiện, dụng cụ sơ cứu, cấp cứu khi có sự cố xảy ra;

- Lực lượng cảnh giới: Là những người làm nhiệm vụ cảnh giới không cho người, phương tiện và gia súc vào khu vực cảnh giới trong quá trình hủy đốt đạn dược.

2.2.4.4 Phương tiện, dụng cụ phục vụ hủy đốt đạn dược

2.2.4.4.1 Thiết bị hủy đốt đạn dược:

- Đảm bảo đồng bộ theo tài liệu thiết kế, chế tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo tài liệu của nhà cung cấp thiết bị;

- Tình trạng thiết bị hoạt động tốt, được cấp có thẩm quyền kiểm tra và cho phép sử dụng;

- Nghiêm cấm các trường hợp sau: Sử dụng thiết bị hủy đốt đạn súng để hủy đốt: Ngòi đạn; hỏa cụ và các loại đạn súng có tác dụng nổ cháy nhanh (đạn nổ cháy nhanh 14,5 MД3; 12,7 MД3); sử dụng thiết bị hủy đốt ngòi đạn để hủy đốt đạn súng và dây nổ.

2.2.4.4.2 Phương tiện mồi cháy

Phương tiện mồi cháy gồm: Phương tiện tạo lửa (diêm, bật lửa, nụ xùy kết hợp với dây cháy chậm); vải; dầu diezen; sào (gậy) châm lửa; gỗ khô. Các phương tiện tạo lửa chỉ một người quản lý và do người chỉ huy giao nhiệm vụ.

2.2.4.4.3 Bảo hộ lao động trang bị cho lực lượng trực tiếp hủy đốt đạn dược, gồm: Quần áo; mũ; găng tay và khẩu trang. Các phương tiện bảo hộ lao động đảm bảo theo quy trình.

2.2.4.4.4 Phương tiện vận chuyển, gồm: Xe kéo tay hai bánh và dụng cụ khiêng bằng sức người:

- Xe kéo tay hai bánh: Tình trạng xe còn tốt; xe có bánh lốp cao su; sàn xe bằng gỗ được lót lớp cao su, có ván chắn ở hai đầu; càng xe chắc chắn; trục xe liên kết với bánh xe bằng ổ bi có nắp đậy;

- Dụng cụ khiêng bằng sức người: Phải bảo đảm bền và chắc chắn khi khiêng hòm bao gói đạn dược từ vị trí tập kết để đạn dược chờ hủy đến bãi hủy.

2.2.4.4.5 Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, gồm: Xe cứu hỏa; các phương tiện, dụng cụ cứu hỏa.

2.2.4.4.6 Phương tiện đo nhiệt độ: Nhiệt kế thủy ngân có dải đo từ 5oC đến 100oC.

2.2.4.4.7 Phương tiện hỗ trợ y tế, gồm: Các phương tiện sơ cứu, cấp cứu; các phương tiện, dụng cụ vận chuyển người.

2.2.5 Trong khu vực hủy đốt đạn dược, nghiêm cấm các trường hợp sau:

- Súc vật, người không có nhiệm vụ vào khu vực hủy;

- Đi lại tự do trong khu vực hủy đốt đạn dược hoặc tiếp xúc với đạn dược khi chưa được giao nhiệm vụ;

- Mang theo các phương tiện có thể phát ra tia lửa hoặc phương tiện tạo lửa, trừ trường hợp người được giao nhiệm vụ;

- Có các hành động có thể phát ra tia lửa;

- Sử dụng các chất kích thích;

- Mồi cháy khi chưa có tín hiệu báo an toàn từ các vị trí cảnh giới và khi chưa có lệnh của người chỉ huy;

- Tự động tháo tách các chi tiết, cụm chi tiết của đạn dược;

- Ra khỏi hầm trú ẩn khi chưa có lệnh của người chỉ huy;

- Làm sai quy trình, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.2.7 Quy định về vận chuyển

2.2.7.1 Chỉ có những người được phân công nhiệm vụ mới được phép vận chuyển đạn dược.

2.2.7.2 Tùy theo phương thức vận chuyển, lực lượng vận chuyển đạn dược có thể chia thành các tổ (nhóm), mỗi tổ gồm từ 2 người đến 4 người và có người phụ trách từng tổ.

2.2.7.3 Vận chuyển đạn dược từ hầm để đạn dược chờ hủy đến bãi hủy theo tuần tự từng tổ. Khi tổ trước chuyển đưa toàn bộ số lượng đạn dược đến bãi hủy, tổ sau mới được chuyển tiếp hòm đạn dược khác. Khi tiếp xúc trực tiếp với đạn dược, thao tác phải nhẹ nhàng, không làm rơi đạn dược. Nghiêm cấm các trường hợp sau:

- Đẩy, ném, quăng quật, kéo lê hòm bao gói đạn dược;

- Dùng các vật dụng bằng kim loại đen tiếp xúc với đạn dược;

- Có hành động đùa nghịch khi vận chuyển đạn dược.

2.2.7.4 Dụng cụ dùng để mở nắp hòm hoặc phương tiện bao gói đạn dược phải sử dụng dụng cụ chuyên dụng cho từng loại bao gói cụ thể theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.2.8 Không thực hiện hủy đốt đạn dược trong các trường hợp sau:

- Vào ban đêm hoặc khi trời tối;

- Thời tiết có giông, mưa, bão;

- Cấp gió lớn hơn hoặc bằng cấp 5 (lớn hơn 7,9 m/s);

- Trời nắng khi nhiệt độ không khí từ 38oC trở lên;

- Khu vực hủy đốt đạn dược có thông báo cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V;

- Chưa có quy trình và phương án do cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đạn dược chưa được phân loại theo từng nhóm, loại riêng biệt;

- Hủy đốt đồng thời hơn hai hố hủy trên một bãi hủy (cho phép tối đa 2 hố hủy);

- Hủy đốt đồng thời hai bãi hủy đốt dây nổ trên một bãi hủy;

- Hủy đốt dây nổ có lẫn các loại đạn dược khác.

2.2.9 Trong quá trình thực hiện hủy đốt đạn dược, nếu điều kiện thời tiết và môi trường như quy định tại 2.2.8 phải dừng ngay, đồng thời có phương án bảo đảm an toàn trong toàn bộ khu vực hủy và cử lực lượng canh gác, cảnh giới khu vực hủy.

2.2.10 Chỉ sử dụng vật tư quy định tại 2.2.4.4.2 để mồi cháy đạn dược.

2.2.11 Trước khi mồi cháy, người chỉ huy phải trực tiếp kiểm tra khu vực hủy đạn dược bảo đảm các quy định về an toàn.

2.2.12 Quy định sau hủy đốt

2.2.12.1 Kết thúc hủy đốt đạn dược bằng phương pháp thủ công: Người chỉ huy chỉ được phép ra khỏi hầm trú ẩn để kiểm tra bãi hủy sau khoảng thời gian 30 min tính từ khi không còn nghe thấy tiếng nổ hoặc không nhìn thấy ngọn lửa ở vị trí hủy đốt.

2.2.12.2 Làm nguội thiết bị hủy đốt, hố hủy:

- Chỉ được phép làm nguội thiết bị hủy đốt hoặc hố hủy sau khi kiểm tra đảm bảo an toàn;

- Làm nguội thiết bị hủy đốt đạn súng: Người chỉ huy trực tiếp phân công người dùng nước làm nguội toàn bộ thiết bị và ra lệnh tháo xỉ;

- Làm nguội hố hủy: Người chỉ huy trực tiếp phân công người dùng nước làm nguội toàn bộ hố hủy.

2.2.12.3 Đối với đạn dược chưa nổ (cháy) sau khi hủy đốt:

- Đối với đạn súng và hỏa cụ: Phải tổ chức thu gom để hủy tiếp đợt khác. Phương pháp thu gom phải theo quy trình và phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đối với ngòi đạn:

+ Các ngòi đạn bị văng (bay) ra khỏi hố hủy đốt: Cắm cờ đuôi nheo cách ngòi đạn từ 50 mm đến 100 mm, sau đó đặt khối thuốc nổ cách trạm truyền nổ của ngòi đạn từ 2 mm đến 5 mm và tiến hành kích nổ khối thuốc nổ. Quy cách và phương pháp kích nổ khối thuốc nổ phải theo quy trình và phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Ngòi đạn còn sót trong hố hủy: Tiến hành hủy đốt theo quy định tại 2.3.5.2.2.

CHÚ THÍCH: Quy cách cờ đuôi nheo theo mẫu Hình A4, Phụ lục A, QCVN 02:2016/BQP.

2.2.13 Trường hợp đặc biệt, lượng đạn dược không hủy đốt hết trong ngày, phải tạm chứa trong hầm để đạn dược chờ hủy và tổ chức canh gác bảo đảm an toàn trong khu vực hủy đốt đạn dược.

2.3 Quy định kỹ thuật

2.3.1 Vị trí bãi hủy

2.3.1.1 Đơn vị có khu vực hủy:

- Bãi hủy đốt đạn dược phải nằm trong khu vực hủy đạn dược của đơn vị nhưng phải cách xa các bãi hủy khác (hủy nổ, hủy đốt thuốc phóng, hủy tháo gỡ,...) lớn hơn 150 m (tính từ tâm của hai bãi hủy) đồng thời phải tiến hành kiểm tra bãi hủy, nếu đảm bảo an toàn mới tiến hành thực hiện hủy đốt đạn dược theo quy định;

- Khu vực hủy phải nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.3.1.2 Đơn vị không có khu vực hủy: Sử dụng khu vực hủy của đơn vị khác.

2.3.2 Công trình trong khu vực hủy

2.3.2.1 Các công trình trong khu vực hủy gồm: Hầm chỉ huy; hầm trú ẩn; hầm để đạn dược chờ hủy; bãi hủy; bể chứa nước chữa cháy. Hầm chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm để đạn dược chờ hủy đảm bảo quy cách theo QCVN 02:2016/BQP.

2.3.3.2 Khoảng cách từ tâm bãi hủy đến các công trình quy định tại Bảng 3.

Bảng 3 - Khoảng cách từ tâm bãi hủy đến các công trình

TT

Vị trí công trình

Đơn vị tính

Khoảng cách
(Tối thiểu)

1

Hầm chỉ huy

m

70

2

Hầm trú ẩn

m

70

3

Hầm để đạn dược chờ hủy

m

500

4

Đài quan sát, bán kính tuyến cảnh giới

m

500

2.3.2.3 Bãi hủy:

- Nền bãi hủy đặt thiết bị hủy đốt: Bằng đất hoặc bằng bê tông; sạch cỏ và các vật dễ cháy xung quanh;

- Nền bãi hủy đốt dây nổ: Bằng đất; bằng phẳng; sạch cỏ và các vật dễ cháy; xung quanh bãi hủy phải có rãnh ngăn lửa. Kích thước rãnh ngăn lửa: Rộng từ 3 m đến 4 m, sâu từ 0,1 m đến 0,15 m. Rãnh ngăn lửa phải dọn sạch cỏ và các vật dễ cháy;

- Hố hủy đốt đạn dược: Kích thước và quy cách theo Phụ lục B; xung quanh miệng hố hủy đốt phải dọn sạch cỏ, rác và các vật dễ cháy.

2.3.2.4 Vị trí hố hủy đốt: Hố hủy đốt phải nằm trong khu vực hủy đốt đạn dược; khoảng cách nhỏ nhất giữa hai hố hủy (tính từ tâm hố hủy) là 10 m.

2.3.3 Quy định về tín hiệu, ký hiệu

2.3.3.1 Tín hiệu cờ:

- Cắm cờ đỏ đuôi nheo tại các vị trí: Nóc hầm trú ẩn; ranh giới tuyến nguy hiểm; khu vực cảnh giới; bên cạnh đường dẫn lửa; dọc đường di chuyển từ vị trí đặt thiết bị hủy đốt đến hầm trú ẩn;

- Cắm cờ Tổ quốc trên nắp hầm chỉ huy;

- Dọc đường di chuyển từ vị trí đặt thiết bị hủy đốt đến hầm chỉ huy, hầm để đạn dược chờ hủy và hầm trú ẩn khoảng cách giữa các cờ không nhỏ hơn 5 m;

- Thu cờ cắm bên cạnh đường di chuyển đến vị trí đặt thiết bị hủy đốt sau khi kết thúc vận chuyển và hủy đốt đạn dược.

2.3.3.2 Bắn tín hiệu hiệp đồng:

- Lệnh báo cho các vị trí cảnh giới đã xong công tác chuẩn bị, bắn 3 viên;

- Cảnh giới báo khu vực an toàn, bắn 2 viên; khu vực không an toàn, bắn 1 viên;

- Kết thúc hủy đốt, bắn 4 viên;

- Lệnh trở về đơn vị, bắn 5 viên.

2.3.3.3 Tín hiệu còi:

- Ba hồi còi dài báo chuẩn bị đốt;

- Một hồi còi dài báo cho nhân viên ra khỏi hầm trú ẩn.

2.3.3.4 Các bảng chỉ dẫn:

- Bảng chỉ dẫn đường đến bãi hủy;

- Bảng chỉ dẫn đường đến hầm để đạn dược chờ hủy;

- Bảng chỉ dẫn đường đến hầm chỉ huy;

- Bảng chỉ dẫn đường đến hầm trú ẩn.

CHÚ THÍCH: Quy cách bảng chỉ dẫn theo mẫu Hình A5 Phụ lục A trong QCVN 02:2016/BQP.

2.3.4 Bảo quản, vận chuyển đạn dược tại khu vực hủy

2.3.4.1 Bảo quản đạn dược: Đạn dược chờ hủy phải được tập kết trong hầm để đạn dược chờ hủy, xếp theo từng loại và thành khối theo quy định;

2.3.4.2 Vận chuyển đạn dược từ hầm để đạn dược chờ hủy đến vị trí hủy:

- Vận chuyển bằng xe kéo tay hai bánh: Không được quá 50 kg đạn dược (tính cả hòm);

- Vận chuyển khiêng bằng sức người: Không được quá 20 kg đạn dược (tính cả hòm).

2.3.5 Tiến hành hủy đốt

2.3.5.1 Hủy đốt đạn súng

2.3.5.1.1 Hủy đốt đạn súng bằng thiết bị hủy đốt đạn súng:

- Xếp đạn súng vào thiết bị hủy đốt đạn súng:

+ Xếp đạn súng vào thiết bị được thực hiện bởi hai nhân viên được phân công: Một người ở dưới vận chuyển đạn, một người đứng trên thang chuyên dùng, chân thang được đặt lệch miệng ở đốt một khoảng từ 500 cm đến 550 cm, đổ đạn từ trong dụng cụ chứa đạn vào cửa tiếp đạn. Trong quá trình đổ đạn vào lò đốt, cấm nhìn vào miệng lò;

+ Trường hợp trong cùng một đợt hủy đốt có nhiều loại đạn súng khác nhau phải xếp tuần tự như sau: xếp đạn cỡ lớn ở dưới cùng (đạn 12,7 mm; 14,5 mm), tiếp đến xếp đạn cỡ nhỏ hơn 7,62 mm và đạn 7,62 K51; trên cùng xếp đạn 7,62 K56; 7,62 K53.

- Mồi cháy:

+ Nhân viên được giao nhiệm vụ sử dụng thang chuyên dùng để đưa vải đã được tẩm dầu diezen vào lò đốt và chuẩn bị đường dẫn lửa từ lò đốt ra khỏi cửa tiếp đạn. Kích thước đường dẫn lửa: Rộng từ 0,2 m đến 0,5 m; dài từ 0,5 m đến 1,0 m. Bố trí đường dẫn lửa theo hướng sao cho khi cháy, hướng lan truyền lửa ngược với hướng gió;

+ Khi mồi cháy đường dẫn lửa phải đứng xa lò đốt từ 1,2 m đến 1,5 m và dùng sào (gậy) dài từ 1 m đến 1,2 m; đường kính từ 3 cm đến 4 cm; một đầu gậy buộc vải có tẩm dầu diezen. Nghiêm cấm đứng sát lò đốt để mồi cháy đường dẫn lửa hoặc đốt trực tiếp đường dẫn lửa bằng các dụng cụ tạo lửa (diêm, bật lửa, nụ xùy kết hợp với dây cháy chậm);

+ Khi các vật tư mồi cháy trong lò đốt đã cháy, nhân viên được giao nhiệm vụ nhanh chóng đóng kín miệng lò đốt, báo cáo người chỉ huy và đặt sào châm lửa xuống đất, nhanh chóng di chuyển về hầm ẩn nấp.

- Làm nguội thiết bị: Thực hiện theo quy định tại 2.2.12.2.

2.3.5.1.2 Hủy đốt đạn súng trong hố hủy

- Chuẩn bị hố hủy: Hố hủy đạn súng có kích thước, quy cách theo Phụ lục B;

- Xếp đạn súng:

+ Chuyển các hòm (hộp) bao gói đạn súng từ hầm để đạn dược chờ hủy và đặt cách miệng hố hủy từ 0,5 m đến 0,6 m;

+ Xếp từ 3 lớp đến 5 lớp gỗ khô loại nhỏ và dễ cháy xuống đáy hố hủy, sau đó lần lượt xếp 01 lớp đạn súng xen kẽ xếp 01 lớp gỗ lên trên cho đến khi hết số lượng đạn súng theo quy định tại Bảng 2 thì dừng lại và chuẩn bị phương tiện mồi cháy;

+ Dùng dầu diezen tưới đều lên gỗ khô và đạn súng trong hố hủy.

+ Trường hợp trong cùng một đợt hủy đốt có nhiều loại đạn súng khác nhau thì xếp đạn súng xuống hố hủy phải tuần tự như theo quy định tại 2.3.5.1.

- Mồi cháy:

+ Chuẩn bị đường dẫn lửa: Dùng vải kết hợp dầu diezen để làm đường dẫn lửa. Kích thước đường dẫn lửa: Dài 1,5 m đến 2 m; rộng từ 10 cm đến 15 cm; dày từ 1,5 cm đến 2 cm; lượng dầu đổ trên suốt chiều dài là 1,5 lít và trải đều trên toàn bộ chiều dài đường dẫn lửa. Vị trí mồi cháy đường dẫn lửa phải chọn sao cho ngược chiều với hướng gió.

+ Chuẩn bị sào (gậy) châm lửa: Cây sào (gậy) có chiều dài từ 1 m đến 1,2 m; đường kính từ 3 cm đến 4 cm; một đầu gậy buộc vải có tẩm dầu diezen;

+ Khi có lệnh mồi cháy, nhân viên được giao nhiệm vụ dùng phương tiện tạo lửa (diêm hoặc bật lửa) mồi cháy đầu cây gậy có vải đã tẩm dầu diezen, rồi dùng gậy mồi cháy đường dẫn lửa. Sau khi đường dẫn lửa bắt đầu cháy, nhân viên mồi cháy nhanh chóng di chuyển về hầm ẩn nấp;

+ Nghiêm cấm đốt trực tiếp đường dẫn lửa bằng phương tiện tạo lửa.

2.3.5.2 Hủy đốt ngòi đạn

2.3.5.2.1 Hủy đốt ngòi đạn bằng thiết bị hủy đốt ngòi đạn

- Chuẩn bị thiết bị:

+ Thiết bị hủy đốt ngòi đạn được triển khai và bố trí đồng bộ trên bãi hủy. Máy phát điện phải đặt cách thiết bị hủy đốt ngòi đạn tối thiểu là 200 m;

+ Kiểm tra hoạt động của các cụm chức năng và đồng bộ thiết bị theo quy định.

- Mồi đốt nhiên liệu: Khi có lệnh mồi đốt nhiên liệu, nhân viên được giao nhiệm vụ tiến hành mồi đốt nhiên liệu bằng cách điều khiển hệ thống bơm và mồi đốt nhiên liệu trong buồng đốt và theo dõi chỉ số nhiệt độ trong buồng đốt qua bộ báo nhiệt độ trên bảng điều khiển. Khi nhiệt độ trong buồng đốt lớn hơn 500oC, báo cáo người chỉ huy.

- Nạp ngòi đạn vào buồng đốt: được thực hiện theo quy trình vận hành thiết bị. Số lượng ngòi đạn nạp vào buồng đốt trong một lần hủy đốt ngòi đạn theo quy định tại Bảng 1;

- Sau khi hủy đốt hết số lượng ngòi đạn, tháo lấy xỉ theo quy định.

2.3.5.2.2 Hủy đốt ngòi đạn bằng phương pháp thủ công

- Chuẩn bị hố hủy: Hố hủy ngòi đạn có kích thước như hình Phụ lục B;

- Xếp ngòi đạn:

+ Chuyển các hòm (hộp) bao gói ngòi đạn từ hầm để đạn dược chờ hủy và đặt cách miệng hố hủy từ 0,5 m đến 0,6 m;

+ Trình tự xếp ngòi đạn xuống hố như sau: Xếp 01 lớp gỗ nhỏ khô dễ cháy ở dưới đáy hố (để mồi cháy), tiếp đến 01 lớp gỗ khô to, tiếp đến lót 01 lớp bìa giấy cát tông sau đó mới xếp 01 lớp ngòi đạn; tiếp theo lót 01 lớp bìa cát tông lên trên lớp ngòi đạn, xếp tiếp 01 lớp gỗ khô và lót 01 lớp bìa cát tông lên trên mới xếp 01 lớp ngòi đạn, cứ như vậy cho đến khi nào xếp đủ số lượng xếp cho một hố, theo quy định tại Bảng 2 thì dừng lại, phía trên cùng của hố hủy được lót 01 lớp bìa cát tông và xếp 01 lớp gỗ khô, miệng hố được đắp 01 lớp đất như trong hình Phụ lục B;

+ Khi thực hiện hủy đốt phải hủy riêng từng loại ngòi đạn, hủy hết loại này mới hủy sang loại khác. Trường hợp số lượng ngòi đạn quá ít cho phép xếp chung các loại ngòi đạn trong một hố theo trình tự như trên nhưng loại dễ nổ (cháy) xếp xuống dưới, loại khó nổ (cháy) xếp lên trên.

- Mồi cháy: Thực hiện theo quy định tại 2.3.5.1.2.

- Làm nguội hố hủy: Thực hiện theo quy định tại 2.2.12.2.

2.3.5.3 Hủy đốt hỏa cụ (không bao gồm dây nổ)

- Chuẩn bị hố hủy: Hố hủy đốt hỏa cụ có kích thước như trong hình Phụ lục B.

- Xếp hỏa cụ:

+ Tiến hành hành xếp hủy đốt riêng từng loại. Trường hợp số lượng ống nổ (kíp nổ), hạt lửa, bộ lửa, dây cháy chậm, liều thuốc hỏa thuật, nụ xùy ít có thể cho phép đốt chung và phải tuân thủ theo quy định sau: Dây cháy chậm chỉ được phép hủy đốt chung với nụ xùy và liều thuốc hỏa thuật; bộ lửa chỉ được phép hủy đốt chung với hạt lửa;

+ Trình tự xếp ống nổ (kíp nổ), bộ lửa, hạt lửa, các liều thuốc hỏa thuật xuống hố như sau: Xếp 01 lớp gỗ khô loại nhỏ dễ cháy ở dưới đáy hố để mồi cháy, tiếp đến 01 lớp khô loại to, tiếp đến lót 01 lớp bìa giấy cát tông sau đó mới xếp 01 lớp hỏa cụ; tiếp theo lót 01 lớp bìa cát tông lên trên lớp hỏa cụ, xếp tiếp 01 lớp gỗ khô và lót 01 lớp bìa cát tông lên trên mới xếp 01 lớp hỏa cụ, cứ như vậy cho đến khi nào xếp đủ số lượng xếp cho một hố, được quy định trong Bảng 2 thì dừng lại, phía trên cùng của hố được lót 01 lớp bìa cát tông và xếp 01 lớp gỗ khô loại to, miệng hố được đắp 01 lớp đất như trong hình Phụ lục B;

+ Trình tự xếp dây cháy chậm, nụ xùy xuống hố như sau: xếp 01 lớp gỗ khô loại nhỏ dễ cháy ở dưới đáy hố (để mồi cháy), tiếp đến xếp 01 lớp gỗ khô loại to, sau đó tiến hành xếp dây cháy chậm, nụ xùy đến khi nào đủ số lượng xếp cho một hố, được quy định trong Bảng 2 thì dừng lại, phía trên cùng của hố hủy được xếp 01 lớp gỗ khô loại to;

+ Sau khi xếp xong hỏa cụ và vật tư mồi cháy, dùng dầu diezen tưới đều lên gỗ khô và hỏa cụ trong hố hủy.

- Mồi cháy: Thực hiện theo quy định tại 2.3.5.1.2;

- Làm nguội hố hủy: Thực hiện theo quy định tại 2.2.12.2.

2.3.5.4 Hủy đốt dây nổ

- Chuẩn bị bãi hủy: Thực hiện theo quy định Hình B2, Phụ lục B, QCVN 02:2016/BQP;

- Xếp dây nổ: Xếp dây nổ lên bề mặt bãi hủy rải trên bãi hủy phải đều, độ dày từ 2 cm đến 3 cm. Khi xếp không để dây nổ rơi ra xung quanh rãnh ngăn lửa. Trong quá trình xếp dây nổ kết hợp với việc kiểm tra bãi hủy, nếu thấy có lẫn loại đạn dược khác phải loại ra và bao gói chuyển về hầm để đạn dược chờ hủy.

- Mồi cháy:

+ Chuẩn bị đường dẫn lửa: dùng vải kết hợp với dầu diezen để làm đường dẫn lửa. Kích thước đường dẫn lửa: Dài từ 1,5 m đến 2m; rộng từ 10 cm đến 15 cm; dày từ 1,5cm đến 2 cm; lượng dầu đổ trên suốt chiều dài từ 1,5 lít đến 2,0 lít.

+ Vị trí mồi cháy và mồi cháy đường dẫn lửa: Thực hiện theo quy định tại 2.3.5.1.2.

3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

3.1 Giám sát

3.1.1 Giám sát hủy đốt đạn dược được thực hiện xuyên suốt trong quá trình hủy đốt đạn dược:

- Đối tượng giám sát: Lực lượng tham gia hủy đốt đạn dược;

- Nội dung giám sát: Chấp hành các quy định an toàn và kỹ thuật; việc tuân thủ quy trình công nghệ.

3.1.2 Người giám sát: Là người chỉ huy hoặc người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ; có trình độ chuyên môn về đạn dược từ trung cấp trở lên; được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.

3.2 Hỗ trợ y tế

3.2.1 Tất cả lực lượng làm việc trên khu vực hủy phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm; phải có sức khỏe phù hợp, không có những biểu hiện bệnh lý ảnh hưởng đến công việc dự kiến đảm nhận.

3.2.2 Đơn vị trước khi tổ chức hủy đốt đạn dược cần phải xây dựng phương án và quy trình ứng phó tai nạn tại khu vực hủy:

- Nội dung phương án phải xác định được cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để triển khai ứng phó tai nạn;

- Các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn cháy (nổ) và nguy cơ gây tai nạn tập thể xảy ra trong quá trình hủy đốt đạn dược.

3.2.3 Phương án ứng phó tai nạn cháy (nổ) phải bao gồm những điều khoản quy định trách nhiệm:

- Quản lý quy trình ứng phó khẩn cấp tại chỗ, như: Quy trình sơ cứu thương và chăm sóc tại chỗ; quy trình di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm;

- Sơ cứu thương và chăm sóc y tế tại chỗ gồm: Kỹ thuật hồi sinh tổng hợp, hô hấp nhân tạo; cầm máu tạm thời vết thương; băng vết thương; cố định tạm thời gãy xương; vận chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm;

- Chăm sóc y tế, điều trị cho nạn nhân trong quá trình di chuyển từ địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn đến cơ sở y tế gần nhất.

3.3 Điều tra sự cố

3.3.1 Những sự cố cháy (nổ) được báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền:

- Tai nạn cháy (nổ) trong quá trình hủy đốt đạn dược tới lực lượng tham gia hoặc dân cư địa phương tại khu vực hủy;

- Sự cố cháy (nổ) gây thiệt hại tới tài sản tại nơi thực hiện hủy đốt đạn dược;

- Trường hợp nhân viên tham gia hủy đốt đạn dược có thể gặp nguy hiểm do việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật (trường hợp này là do các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật hay trang thiết bị sử dụng vẫn còn có những hạn chế, nhược điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố khi áp dụng vào thực tế công việc).

3.3.2 Báo cáo sự cố lên cấp quản lý trực tiếp đơn vị và gồm hai phần: Báo cáo sơ bộ bằng điện tín và báo cáo bằng văn bản.

3.3.3 Điều tra sự cố phải thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Các sự cố phải tiến hành điều tra:

- Gây ra thương tật hay gây chết người;

- Gây ra hư hại về tài sản;

- Gây thiệt hại, dẫn đến yêu cầu bồi thường;

- Gây ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị của địa phương, quốc gia.

3.3.4 Việc tiến hành điều tra sự cố phải đảm bảo:

- Thành phần được lựa chọn tham gia cuộc điều tra chính thức phải không liên quan đến sự cố và có đủ năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết đáp ứng cho cuộc điều tra;

- Các khu vực xảy ra sự cố phải được bảo vệ cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra nhằm tránh mất mát các thông tin có giá trị;

- Các bức ảnh về khu vực xảy ra sự cố phải được chụp tức thời ngay sau khi sự cố xảy ra:

- Trừ trường hợp ngoại lệ, bản báo cáo điều tra phải được gửi đúng quy định và đảm bảo rõ ràng, chính xác (bao gồm cả các kết luận và khuyến nghị để cải thiện tình hình nếu có).

3.3.5 Điều tra sự cố gồm: Điều tra nội bộ và điều tra độc lập, mức độ điều tra theo quy định hiện hành của pháp luật.

3.3.6 Lực lượng tham gia:

- Báo cáo những vấn đề còn tồn tại dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình áp dụng các quy trình;

- Báo cáo kịp thời khi có các sự cố xảy ra;

- Hỗ trợ các tổ chức điều tra sự cố;

- Nghiêm cấm đưa thông tin về sự cố khi chưa được phép của người đứng đầu đơn vị.

4 TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

4.1 Các cơ quan, đơn vị có liên quan tới việc hủy đốt đạn dược phải tuân theo đầy đủ những quy định trong Quy chuẩn này.

Tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định trong Quy chuẩn này để xảy ra tai nạn, sự cố thì tùy theo trách nhiệm, cương vị công tác và mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.

4.2 Tổng cục Kỹ thuật/Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác hủy đốt đạn dược theo đúng quy định của Quy chuẩn này.

5 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1 Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng/Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phổ biến áp dụng và kiểm tra việc thực hiện thống nhất Quy chuẩn này trong cả nước.

5.2 Trường hợp Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương mà có những điều khoản khác với quy định trong Quy chuẩn này hoặc có thay đổi, bổ sung thì thực hiện theo điều khoản của hiệp định song phương hoặc đa phương đó./.

Phụ lục A

(Quy định)

Sơ đồ các quá trình công nghệ hủy đốt đạn dược

Hình A.1 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt đạn súng bằng lò đốt đạn súng

Hình A.2 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt đạn súng, ngòi đạn, hỏa cụ (không bao gồm dây nổ) bằng phương pháp thủ công

Hình A.3 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt ngòi đạn

Hình A.4 - Sơ đồ quá trình công nghệ hủy đốt dây nổ

Phụ lục B

(Quy định)

CHÚ THÍCH:

- Hủy đốt đạn súng: Thay lớp hỏa cụ bằng lớp đạn súng;

- Hủy đốt ngòi đạn: Thay lớp hỏa cụ hủy bằng lớp ngòi đạn.

MỤC LỤC

1 Quy định chung

1.1 Phạm vi điều chỉnh

1.2 Đối tượng áp dụng

1.3 Giải thích từ ngữ

1.4 Tài liệu viện dẫn

2 Quy định an toàn, kỹ thuật

2.1 Yêu cầu chung

2.2 Quy định an toàn

2.3 Quy định kỹ thuật

3 Quy định về quản lý

3.1 Giám sát

3.2 Hỗ trợ y tế

3.3 Điều tra sự cố

4 Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

5 Tổ chức thực hiện

Phụ lục A - Sơ đồ các quá trình công nghệ hủy đốt đạn dược

Phụ lục B - Sơ đồ xếp đạn súng, ngòi đạn và hỏa cụ trong hố hủy