Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 287-BT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1984

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ SỐ 287-BT NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1984 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 176A-HĐBT NGÀY 24-12-1984 VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ NĂNG LỰC CỦA PHỤ NỮ TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Ngày 24 tháng 12 năm 1994 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị quyết số 176a-HĐBT về phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thông tư này đề ra những công việc mà các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu thuộc Trung ương và các cấp cần làm để tổ chức thực hiện nghị quyết nói trên.

1. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức phổ biến cho các đơn vị và cán bộ, nhân viên thuộc quyền hiểu rõ nội dung nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng và bài nói của đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nâng cao nhận thức về vai trò và năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ, trẻ em, và về trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người đối với việc thực hiện nghị quyết.

2. Các ngành, địa phương, cơ sở, đối chiếu nghị quyết với thực tế tình hình của ngành, địa phương, kiểm điểm những việc đã làm, những việc chưa làm được, soát xét lại việc thực hiện các chính sách, chế độ đã có, nghiên cứu ban hành những chính sách, chế độ mới; chủ động phối hợp với các đoàn thể phụ nữ, công đoàn, thanh niên, bàn kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết.

Việc thực hiện nghị quyết này gắn liền với việc thực hiện các nghị quyết hội nghị lần thứ 6 và lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và với việc phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế xã hội năm 1985. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị cần đề ra những việc làm ngay trước mắt, những việc đưa vào chương trình, kế hoạch Nhà nước năm 1985, những việc sẽ làm trong kế hoạch 5 năm 1986-1990; mỗi việc cần quy định rõ yêu cầu nội dung, biện pháp cụ thể và thời gian thực hiện.

3. Những việc cần làm ngay:

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, Uỷ ban nhân dân địa phương bàn và thực hiện chủ trương phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ trong việc tham gia lập kế hoạch kinh tế -xã hội, trong việc thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về mọi mặt (sản xuất, phân phối, lưu thông, văn hoá-xã hội, quốc phòng, an ninh...) và trong việc cải tiến quản lý kinh tế-xã hội.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Lao động nghiên cứu và hướng dẫn việc phân bố lao động nữ, và xây dựng các kế hoạch sản xuất, lao động, tài chính, thương nghiệp, tiền lương... phù hợp với tỷ lệ nữ từng cơ sở. Bộ Lao động cùng Bộ Y tế bổ sung Thông tư liên bộ số 5 quy định danh mục nghề không sử dụng phụ nữ. Các ngành, các cấp, các cơ sở soát xét lại ngay việc bố trí và sử dụng lao động nữ.

- Bộ Lao động cùng Tổng Công đoàn, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ thai sản, có biện pháp giải quyết những vấn đề về kinh phí bảo hiểm xã hội, lao động dữ trữ, biên chế... để thực hiện chế độ nghỉ đẻ mới được bổ sung.

Bộ Nông nghiệp, Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp, Bộ Lương thực hướng dẫn việc thực hiện chế độ đối với phụ nữ trong khu vực tập thể.

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Uỷ ban Vật giá Nhà nước bàn kế hoạch đẩy mạnh sản xuất và phân phối và phân phối những mặt hàng thiết yếu với giá cả thoả đáng, bảo đảm cho nữ công nhân viên chức theo tiêu chuẩn đã quy định, và cho nữ xã viên nông nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu có kế hoạch chủ động giải quyết những yêu cầu cấp bách này trong phạm vi địa phương mình.

- Bộ Y tế kiểm tra đôn đốc thực hiện những quy định về phòng nhi, phòng sản, chấn chỉnh mạng lưới y tế, hộ sinh ở cơ sở; Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Tổng cục dạy nghề xây dựng chương trình giảng dạy về vấn đề gia đình để tiến hành làm thí điểm năm học 1985-1986. Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ sở có kế hoạch phát triển sự nghiệp phúc lợi tập thể (nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà hộ sinh...).

- Ban Tổ chức của Chính phủ phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng bổ sung một số chế độ đối với cán bộ nữ, theo tinh thần nghị quyết này.

- Uỷ ban Khoa học xã hội xúc tiến chương trình nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội về vấn đề phụ nữ.

3. Các ngành, địa phương, cơ sở soát xét lại tình hình cán bộ nữ và căn cứ yêu cầu đề ra trong nghị quyết mà bổ sung quy hoạch cán bộ, đưa những số chị em có đủ tiêu chuẩn lên cương vị phụ trách, chọn những chi em có triển vọng đưa vào diện kế cận, có biện pháp khẩn trương đào tạo bồi dưỡng. Trước mắt, trong việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu cần chú ý bảo đảm tỷ lệ và chất lượng cán bộ nữ, có những nữ đại biểu xứng đáng đưa vào Uỷ ban nhân dân.

4. Để việc thi hành nghị quyết có hiệu quả và đi vào nề nếp thường xuyên, các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu cùng hội phụ nữ bàn việc thực hiện chế độ làm việc bảo đảm quan hệ phối hợp thường xuyên và thiết thực giữa chính quyền và hội; bàn chương trình phối hợp trong năm 1985, đề ra những việc làm và biện pháp cụ thể giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của phụ nữ, và phát động phong trào phụ nữ thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội ở trong ngành và địa phương mình.

Thủ trưởng các ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu, trong vòng quý I năm 1985, báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chương trình và kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng; tăng cường chỉ đạo và thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc các cấp dưới thực hiện nghị quyết; cuối năm 1985, tiến hành sơ kết báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đoàn Trọng Truyến

(Đã ký)