BỘ THUỶ LỢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 29-TL/TT | Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 1972 |
THÔNG TƯ
QUY QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂNKHẢO SÁT ĐƯỜNG HẦM VÀ THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH TUY-NEN TRONG NGÀNH THỦY LỢI
Nhiệm vụ của ngành thủy lợi hiện nay và các năm sau là phải xây dựng nhiều công trình thủy lợi và thủy điện để phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp phát triển. Trong những công trình thủy lợi và thủy điện cần xây dựng, có một số công trình phải khảo sát theo đường hầm và thi công các công trình tuy-nen.
Từ đầu năm 1971 ngành thủy lợi đã tổ chức các đội chuyên trách làm hầm lò để khảo sát công trình thủyđiện …([*])Về tính chất nhiệm vụ của các đội hầm lò là đào những hầm xuyên qua núi, sâu vào trong lòng đất, để thu thập tài liệu về địa chất, thủy văn hoặc thi công các công trình tuy-nen. Hoàn cảnh làm việc của công nhân hầm lò thường làm ở nhiều đá, tiết diện làm lò bị khống chế, diện tích công tác hẹp, việc thông gió có khó khăn hơn và càng vào sâu thì ảnh hưởng của bụi đá, khí độc càng nhiều, độ ẩm càng lớn, về điều kiện làm việc chưa được cải thiện, còn nhiều khâu phải làm thủ công, dùng sức người là chủ yếu và phải tăng cường độ lao động.
Căn cứ vào tính chất lao động và điều kiện công tác nói ở trên, sau khi nghiên cứu chế độ và được Bộ Lao động thỏa thuận tại công văn số 588-LĐ/TL ngày 15/06/1972, Bộ ra thông tư này quy định và hướng dẫn thi hành các chế độ về tiền lương, phụ cấp, bồi dưỡng hiện vật, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm và trang bị phòng hộ đối với cán bộ và công nhân làm hầm lò trong ngành thủy lợi theo các điểm sau đây:
I. Về chế độ tiền lương.
Để phù hợp với tính chất công tác và điều kiện lao động hầm lò, những công nhân chuyên nghiệp về khảo sát đường hầm hoặc thi công các công trình tuy-nen trong ngành thủy lợi được vận dụng xếp lương, theo các bậc sau đây, kể từ bậc 3 trở lên của thang lương khảo sát 6 bậc, bội số 2.11, mức lương khởi điểm 39 và tối đa 81đ90.
Bậc 3 | Bậc 4 | Bậc 5 | Bậc 6 |
52đ20 | 60đ80 | 70đ50 | 81đ90 |
Các đoàn khảo sát địa chất và công ty khảo sát thuộc Viện Thiết kế thủy lợi căn cứ vào đặc điểm tổ chức lao động và yêu cầu kỹ thuật của từng bậc thợ trên đây, tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, trình Bộ xét duyệt ban hành để làm căn cứ xếp bậc cho công nhân.
II. Chế độ phụ cấp làm trong hầm lò.
Về chế độ phụ cấp, tạm thời quy định các mức như sau:
a) Công nhân trực tiếp làm việc ở trong các đường hầm như: công nhân khoan, bắn mìn, chống đỡ hầm, vận chuyển đất đá trong hầm được phụ cấp bằng 25% tiền lương chính.
b) Công nhân trực tiếp làm việc làm việc ở các lò đá, lò giếng có độ sâu từ 5 mét trở lên (kể cả lò giếng có đá) được phụ cấp bằng 35% tiền lương chính.
c) Đối với cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ thường xuyên trực tiếp vào hầm lò làm công tác hướng dẫn kỹ thuật hoặc cùng với chuyên gia vào nghiên cứu, thí nghiệm được phục cấp 15% tiền lương chính.
Khoản phụ cấp trên được tính theo giờ thực tế vào làm việc trong hầm, từ 2 giờ đến 5 giờ tính nửa ngày, trên 5 giờ trở lên tính một ngày.
III. Chế độ bồi dưỡng hiện vật.
a) Công nhân làm các công việc trong đường hầm như: khoan, bắn mìn, chèn, chống, cuốc, xúc vận chuyển (do các tổ chức đội hỗn hợp thay đổi nhau làm chung mọi công việc) được hưởng bồi dưỡng như sau:
1. Độ sâu đường hầm từ 5 mét đến 15 mét bồi dưỡng mức 0đ30 một ngày.
2. Độ sâu trên 15 mét đến 30 mét bồi dưỡng mức 0đ45 một ngày.
3. Độ sâu trên 30 mét trở lên bồi dưỡng mức 0đ60 một ngày.
Nếu đường hầm đá, hoặc đào theo kiểu lò giếng (kể cả lò giếng có đá) thì mức bồi dưỡng áp dụng như sau:
- Từ 3 mét đến 20 mét bồi dưỡng 0đ45 một ngày.
- Từ trên 20 mét trở lên bồi dưỡng mức 0đ60 một ngày.
b) Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân khác nếu vào làm việc trong đường hầm được bồi dưỡng thống nhất mức 0đ30 một ngày.
IV. Tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm.
Công nhân làm các công việc trong đường hầm như: khoan, bắn mìn, chống, cuốc, xúc, vận chuyển (có tổ trưởng, tổ phó sản xuất) xếp vào loại công nhân đặc biệt (theo công văn số 240-LĐ/BH ngày 27/02/1964 của Bộ Lao động) được hưởng tiêu chuẩn gạo 24kg/tháng, thịt 2,5kg/tháng, đường 0,750kg/tháng.
V. Chế độ trang bị phòng hộ và an toàn lao động.
a) Công nhân chuyên làm các công việc trong đường hầm như: khoan, bắn mìn, chèn chống, cuốc, xúc, vận tải được trang bị như sau:
- Quần áo làm việc, 2 bộ dùng trong 12 tháng,
- Mũ an toàn làm bằng nhựa, hoặc mũ nan, không thời hạn,
- Bao tay vải bạt, dùng trong 6 tháng,
- Đệm vai khi vác gỗ vào lò, không thời hạn,
- Ủng cao su, dùng 12 tháng.
- Áo mưa vải bạt ngắn, dùng 36 tháng.
- Đệm bụng cho thợ khoan, không thời hạn,
- Khẩu trang có lọc, cấp 2 lần, dùng trong thời gian 6 tháng.
- Xà phòng 0,750kg, dùng trong một tháng (theo quyết định số 1669-TL/QĐ ngày 09/10/1971 của Bộ Thủy lợi).
b) Về an toàn lao động phải dựa vào quy trình kỹ thuật an toàn trong công tác hầm lò để xây dựng thành nội quy trong đơn vị (đội, tổ) cán bộ phải hướng dẫn cho công nhân nắm vững phương pháp làm việc để bảo đảm an toàn.
VI. Chế độ nghỉ phép hàng năm.
Công nhân làm các công việc trong đường hầm như: khoan, bắn mìn, chống, cuốc, xúc, vận tải (cả tổ trưởng, tổ phó) được nghỉ phép hàng năm 12 ngày (theo công văn số 620 ngày 30/06/1971 của Bộ Lao động, Thông tư số 195-TTg ngày 07/07/1972 của Phủ Thủ tướng quy định chế độ trả lương thời chiến).
VII. Thời gian thi hành.
Chế độ đối với công nhân khảo sát hầm lò và thi công công trình tuy-nen trong ngành thủy lợi được thi hành kể từ ngày ban hành thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn trở ngại hoặc cần thêm bớt điểm nào các đơn vị cần phản ảnh về Bộ để tiếp tục nghiên cứu giải quyết.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI |