BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30-TC/NSNN | Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 1994 |
Căn cứ Quyết định số 60-TTg ngày 8-2-1994 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1994; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số điểm như sau.
I. VỀ NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Trong nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương có một số thay đổi so với những quy định tại Quyết định số 168-HĐBT ngày 16-5-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 186-HĐBT ngày 27-11-1989 và Thông tư hướng dẫn số 15a-TC/NSNN ngày 28-5-1992 của Bộ Tài chính, cụ thể:
1. Chi đầu tư xây dựng cơ bản:
Đây là khoản chi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội, được ghi trong kế hoạch hàng năm cho ngân sách địa phương. Trong chỉ tiêu tổng số vốn đầu tư, ngoài vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung bằng vốn trong nước, còn ghi cả phần vốn thiết bị bằng nguồn bằng vốn ngoài nước của các công trình (chủ yếu là công trình nước) có vốn đầu tư nước ngoài. Phần này khi phát sinh Ngân sách Trung ương "ghi thu, ghi chi" cho ngân sách địa phương. Riêng vốn đầu tư bằng nguồn khấu hao cơ bản nộp ngân sách, chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, có nhu cầu đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, đã có luận chứng kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối tượng được tái đầu tư thuộc các Sở, ngành, địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương quyết định.
2. Trong chi sự nghiệp kinh tế từ năm 1994 chi sự nghiệp lâm nghiệp (bao gồm cả chi cho bộ máy kiểm lâm nhân dân) được tính vào nhiệm vụ chi của địa phương. Riêng kinh phí đo đạc địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã theo Chỉ thị số 364-CT ngày 6-11-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), theo đề nghị của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, chuyển về Ngân sách Trung ương chi, sẽ được cấp thông qua kinh phí uỷ quyền (cấp qua Sở Tài chính vật giá)
3. Chi về văn hoá, y tế, xã hội:
Trong các nhiệm vụ chi về văn hoá, y tế, xã hội của ngân sách địa phương cơ bản vẫn giữ như quy định hiện hành. Đối với chi chống sốt rét, bướu cổ chủ yếu là Ngân sách Trung ương chi, nên chỉ cân đối có tính chất hỗ trợ thêm cho tỉnh theo Thông tư liên Bộ số 5-TT/LB ngày 11-4-1992.
4. Chi cho bộ máy quản lý Nhà nước ở địa phương: cơ bản giữ như y quy định hiện hành, chỉ chuyển về Ngân sách Trung ương chi cho bộ máy của Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá gia đình ở địa phương và được thực hiện chi theo chương trình của Nhà nước.
5. Chi xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất:
Năm 1994, để khuyến khích các địa phương có thêm nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã cho phép các địa phương được sử dụng số thu cấp quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch quy hoạch và các đề án cụ thể xây dựng kết cấu hạ tầng để thực hiện bảo đảm có hiệu quả và chống thất thoát nguồn thu này. Do vậy, năm 1994 ngân sách đã được bố trí khoản chi xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương tương ứng với kế hoạch thu về nguồn thu cấp quyền sử dụng đất. Khoản chi này chỉ được thực hiện khi có nguồn thu phát sinh, nên để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương nguồn thu này có thể được theo dõi riêng vào tài khoản ở Kho bạc khi thực hiện chi sẽ phản ánh vào ngân sách (ghi thu, ghi chi)
6. Dự bị phí:
Năm 1994 ngân sách các địa phương được bố trí khoản dự bị phí để chủ động giải quyết các nhu cầu chi phát sinh đột suất trong quá trình thực hiện như khắc phục thiên tai, mất mùa, cứu đói và các khoản đột suất khác... Chỉ khi nào đói kém, thiên tai... xảy ra ở diện lớn, Ngân sách Trung ương mới xem xét, hỗ trợ. Như vậy không được sử dụng quỹ dự phòng để bổ sung vào những công việc đã được ghi vào kế hoạch và việc sử dung quỹ dự phòng phải do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
7. Đối với các chương trình mục tiêu do Trung ương quản lý nhưng ghi trên địa bàn sẽ được thông báo cụ thể cho từng địa phương và được cấp phát kinh phí uỷ quyền qua Sở Tài chính. Đề nghị các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành liên quan triển khai phân bổ và thông báo cho các quận, huyện, đơn vị trực thuộc và thường xuyên giám sát kiểm tra chặt chẽ đảm bảo tiền chi đúng mục đích và có hiệu quả, thực hiện đúng các yêu cầu quy định tại Công văn số 80-TC/NSNN ngày 24-9-1993 của Bộ Tài chính.
II. CƠ CHẾ HÌNH THÀNH NGUỒN THU CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG.
Theo Quyết định số 60-TTg ngày 8-2-1994 của Thủ tướng Chính phủ, thu của ngân sách địa phương đã được bổ sung ở những điểm chính sau đây:
1. Những khoản thu được để lại cho các địa phương 100%, năm 1994 được xác định thêm.
- Toàn bộ các khoản thuế tài nguyên (trừ tài nguyên về dầu thô). Như vậy kể cả tài nguyên về thuỷ điện lớn từ nguồn thuỷ điện Hoà Bình, Trị An, Đa Nhim, Thác Bà cũng được để lại cho địa phương có nguồn nước (Trị An cho Đồng Nai, Đa Nhim cho Lâm Đồng, Hoà Bình được phân cho tỉnh Hoà Bình 60% và tỉnh Sơn La 40% số thu, Thác Bà cho Yên Bái).
- Thu cấp quyền sử dụng đất.
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Thuế thu nhập của những người có thu nhập cao (trừ thuế thu nhập ở Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài ra đối với thuế lợi tức (trừ lợi tức của các đơn vị hạch toán toàn ngành) chỉ điều chỉnh tỷ lệ để lại là 50% cho ngân sách thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Đồng Nai, Sông Bé và Quảng Ninh, còn 50% điều về Trung ương để hỗ trợ thêm cho miền núi. Riêng thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài tỷ lệ để lại cho ngân sách địa phương được áp dụng như thuế lợi tức (trừ phần của liên doanh dầu khí).
Đối với thuế xuất nhập khẩu tiểu ngạch, năm 1994 thống nhất do Hải quan thu và hạch toán chung vào mục thu thuế xuất nhập khẩu nên không để lại cho ngân sách địa phương (nộp 100% vào Ngân sách Trung ương).
Trong các khoản thu sự nghiệp do địa phương quản lý, từ năm 1994 khoản thu tiền nuôi rừng đối với sản phẩm rừng trồng được thực hiện thu vào thuế sử dụng đất nông nghiệp và để lại theo cơ chế chung.
2. Khoản thu được quy định để lại ngân sách địa phương theo tỷ lệ % (thu điều tiết) tuỳ thuộc vào nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương hàng năm: năm 1994 chỉ có thuế doanh thu và thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Việc thực hiện nguồn bổ sung của Ngân sách Trung ương:
Đối với những tỉnh, thành phố sau khi đã xác định được để lại 100% thuế doanh thu, nhưng chưa đủ cân đối nhu cầu chi theo kế hoạch Trung ương giao thì Ngân sách Trung ương sẽ cấp bổ sung cho ngân sách địa phương. Từ năm 1994 nhằm tạo điều kiện chủ động cho địa phương tận dụng nguồn thu tại chỗ, việc giải quyết cấp bổ sung sẽ được thực hiện như sau:
- Trước hết được gán trừ bằng số tuyệt đối các khoản thu của Ngân sách Trung ương trên địa bàn (kể cả thuế xuất nhập khẩu). Việc gán trừ cho từng tỉnh sẽ có hướng dẫn riêng.
- Nếu việc gán trừ trên chưa đủ thì Ngân sách Trung ương sẽ cấp bổ sung trực tiếp như hiện nay.
Căn cứ vào kế hoạch ngân sách Chính phủ giao về chỉ tiêu Ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương và kế hoạch chi tiết các khoản thu của Ngân sách Trung ương trên địa bàn, Bộ Tài chính xác định và thông báo cho địa phương số gán trừ của Ngân sách Trung ương trên địa bàn và số bổ sung trực tiếp cho ngân sách địa phương trong năm 1994. Trong quá trình điều hành số thông báo trên được chia theo quý gửi về Sở Tài chính và Chi cục Kho bạc địa phương để có căn cứ thực hiện.
Các Chi cục Kho bạc thực hiện gán trừ từng tháng đảm bảo cho chi ngân sách địa phương hoạt động được bình thường. Trường hợp thu Ngân sách Trung ương trong quý không đủ số gán trừ, Sở Tài chính được tạm ứng tiền nhàn rỗi Kho bạc để đáp ứng nhu cầu chi. Nếu cuối năm số thu Ngân sách Trung ương thực hiện không đủ số gán trừ đã thông báo do kế hoạch không sát thì Ngân sách Trung ương sẽ cấp bổ sung trực tiếp cho đủ. Cục Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn chế độ hạch toán kế toán và chế độ báo cáo để thực hiện được phương thức gán trừ trên.
III. VỀ CÁC KHOẢN VƯỢT THU SO VỚI KẾ HOẠCH CHÍNH PHỦ GIAO
Năm 1994 Quốc hội và Chính phủ đã có quyết định về cơ chế thưởng cho các tỉnh, thành phố đối với các khoản thu vượt. Để thực hiện, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:
- Để lại cho ngân sách địa phương 100% số vượt thu của các khoản thu đã quy định để lại 100% cho địa phương, riêng đối với khoản vượt kế hoạch thu về thuế lợi tức của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Đồng Nai, Sông Bé và Quảng Ninh vẫn thực hiện tỷ lệ cho ngân sách địa phương 50% và ngân sách Trung ương 50% phần vượt theo Quyết định số 60-TTg ngày 8-2-1994 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với thuế doanh thu, nếu thực hiện vượt kế hoạch giao được xử lý như sau:
+ Các địa phương có tỷ lệ thuế doanh thu được hưởng 100% , khi thực hiện vượt kế hoạch thuế doanh thu, phần vượt được nộp ngân sách Trung ương: 40%, ngân sách địa phương: 60%.
+ Các địa phương có tỷ lệ thuế doanh thu được hưởng dưới 100%, khi thực hiện vượt kế hoạch thuế doanh thu, phần vượt được nộp ngân sách Trung ương: 40%, ngân sách địa phương: 60%.
Các Chi cục Kho bạc cần căn cứ vào kế hoạch về thuế doanh thu đã giao cho từng tỉnh để điều chỉnh tỷ lệ điều tiết phần thu vượt theo đúng quy định trên.
Cục Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn hạch toán kế toán và phân chia cụ thể nguồn thu giữa Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đối với các khoản thực hiện vượt kế hoạch thu khi số thu vượt nộp Ngân sách Nhà nước.
Các khoản vượt thu để lại nói trên chỉ được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bổ sung vốn lưu động còn thiếu theo quy định hiện hành đối với các doanh nghiệp Nhà nước và trả nợ nước ngoài (nếu có). Các địa phương không được sử dụng các khoản vượt thu để chi tiêu mua sắm lãng phí không cần thiết hoặc thưởng cho các ngành, các đơn vị trái với quy định của Nhà nước.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quyết định số 168-HĐBT ngày 16-5-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Quyết định số 60-TTg ngày 8-2-1994 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này của Bộ Tài chính để tổ chức, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền thuộc địa phương quản lý thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1994. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh cho Bộ Tài chính biết để có hướng dẫn thêm.
Phan Văn Dĩnh (Đã Ký) |
- 1 Thông tư 24/TC/NSNN năm 1995 sửa đổi Mục III, Thông tư 30/TC-NSNN-1994 về thưởng thu vượt kế hoạch thuế doanh thu do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Quyết định 121/1999/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Quyết định 121/1999/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1 Quyết định 60-TTg năm 1994 về chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1994 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 168-HĐBT năm 1992 sửa đổi Nghị quyết 186-HĐBT về việc phân cấp quản lý ngân sách do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Thông tư liên tịch 05/TT-LB năm 1992 về việc cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ giải quyết chính sách đối với người lao động thôi việc khi giải thể doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành
- 4 Nghị quyết số 186-HĐBT về việc phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương do Hội đồng Bộ trưởng ban hành