Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VẬT TƯ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 306-VT

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 1974

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CỤ THỂ QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CÔNG VIỆC SAU TỔNG KIỂM KÊ 01-10-1973

Hội đồng Chính phủ đã có quyết định số 107-CP ngày 7-5-1974 về một số công việc sau tổng kiểm kê ngày 01-10-1973. Để thi hành quyết định đó, Bộ Vật tư hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau.

A. Về giải quyết thiết bị thừa, hư hỏng:

1. Đối với thiết bị tồn kho còn dùng được nhưng các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố (dưới đây gọi tắt là các ngành chủ quản) không cần dùng, muốn điều đi thì các ngành lập bản kê khai chính xác (theo mẫu số 1) gửi cho Tổng công ty thiết bị, Bộ Vật tư và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trước ngày 15-8-1974.

Căn cứ vào bản kê khai ấy, Tổng công ty thiết bị sẽ nghiên cứu điều động những thiết bị thích hợp cho các đơn vị đã có chỉ tiêu phân phối thiết bị của Nhà nước. Tổng công ty thiết bị sẽ cấp giấy giới thiệu cho các đơn vị có nhu cầu trực tiếp nhận hàng và thanh toán với đơn vị có thiết bị rồi báo cáo kết quả với Tổng công ty thiết bị và cơ quan quản lý cấp trên của mỗi bên.

Đối với những thiết bị không có điều kiện điều thẳng cho đơn vị có nhu cầu thì Tổng công ty thiết bị sẽ đứng ra nhận với đơn vị có thiết bị thừa, đưa về kho của mình để chờ kế hoạch phân phối sau. Trường hợp thấy cần phải gửi lại đơn vị có thiết bị thì Tổng công ty thiết bị thương lượng với đơn vị chủ hàng, nếu được thoả thuận thì Tổng công ty thiết bị vẫn làm thủ tục nhận thiết bị rồi làm thủ tục gửi lại. Đơn vị nhận hàng gửi có trách nhiệm bảo quản chu đáo và được tính phí bảo quản với Tổng công ty thiết bị.

2. Đối với thiết bị hư hỏng nhưng còn khả năng sửa chữa khôi phục được thì các ngành chủ quản cũng lập riêng bản kê khai cụ thể về số không cần dùng (theo mẫu số 1)* gửi cho Tổng công ty thiết bị, Bộ Vật tư.

Căn cứ vào tài liệu được thông báo, Tổng công ty thiết bị tổ chức nhận lại những thiết bị hư hỏng này, đồng thời bàn cụ thể về kế hoạch sửa chữa với Bộ Cơ khí và luyện kim. Bộ Giao thông vận tải và các ngành chủ quản. Cuối mỗi quý, Tổng công ty thiết bị sẽ báo cáo với Bộ Vật tư về số thiết bị đã sửa chữa được và về phương án phân phối những thiết bị ấy để Bộ trình Nhà nước quyết định.

3. Đối với thiết bị hư hỏng nặng không thể khôi phục được thì sau khi đã làm thủ tục thanh lý, ngành chủ quản phải thông báo cho Tổng công ty thiết bị thuộc Bộ Vật tư thu hồi (không phải trả tiền hàng vì ngành chủ quản đã được giảm vốn) để dồn lắp hoặc tháo dỡ, lấy phụ tùng, phần còn lại thì Tổng công ty thiết bị chuyển cho Tổng công ty kim khí (Công ty phế liệu kim khí) để thu hồi lấy nguyên vật liệu.

B. Giải quyết vật tư tồn kho, ứ đọng, kém, mất phẩm chất.

Đối với những loại vật tư thuộc diện Bộ Vật tư thống nhất quản lý cung ứng, cách giải quyết cụ thể như sau:

1. Thanh toán các kho trung gian dự trữ vật tư.

Nghị quyết số 184-CP ngày 24-9-1969 của Hội đồng Chính phủ đã quy định:

“Đối với những vật tư thông dụng đã có Bộ Vật tư và các cơ quan cung ứng khác của Nhà nước phụ trách thì các Bộ, Tổng cục không tổ chức Cục vật tư làm trung gian kinh doanh giữa cơ quan cung ứng vật tư của Nhà nước và các đơn vị cơ sở Bộ, Tổng cục…”

Về vấn đề dự trữ vật tư, chỉ thị số 124-TTg ngày 3-5-1972 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ:

“Bộ chủ quản (và Uỷ ban hành chính tỉnh) không dự trữ vật tư thông dụng…”

Quyết định số 107-CP ngày 7-5-1974 của Hội đồng Chính phủ một lần nữa khẳng định lại những chủ trương trên và quy định:

“Công ty vật tư của các Bộ, Tổng cục chỉ được phép dự trữ những vật tư chuyên dùng còn vật tư thông dụng phải tập trung về Bộ Vật tư dự trữ”…

Chấp hành quyết định trên của Hội đồng Chính phủ, các Bộ, Tổng cục phải gửi cho Bộ Vật tư bản kê (theo mẫu số 2)* về những vật tư hiện còn dự trữ tại các kho của Cục vật tư, Công ty vật tư thuộc Bộ, Tổng cục (căn cứ vào số liệu kiểm kê ngày 01-7-1974), trước hết là tồn kho về kim khí các loại và phụ tùng các loại, có phân ra các thứ còn nguyên phẩm chất và những thứ kém phẩm chất. Các Tổng công ty thuộc Bộ Vật tư sẽ làm việc cụ thể với các Cục, Công ty vật tư của các Bộ để nhận lại những vật tư ấy và đưa về kho của Bộ Vật tư. Trong quá trình nhận lại, Bộ Vật tư có thể kết hợp điều động cho các đơn vị có nhu cầu để giảm bớt chi phí vận chuyển về kho của Bộ Vật tư. Bộ Vật tư sẽ bàn với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để phối hợp các biện pháp tài chính, tín dụng nhằm chấp hành một cách có hiệu quả chủ trương của Hội đồng Chính phủ về việc thanh toán kho trung gian về vật tư thông dụng của các Bộ, Tổng cục.

2. Giải quyết vật tư ứ đọng và vật tư tồn kho quá định mức ở các cơ sở sản xuất.

Chỉ thị số 124-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định:

“Cơ quan cung ứng chịu trách nhiệm chính về dự trữ vật tư bảo đảm cho sản xuất, xí nghiệp chỉ dự trữ một số vật tư vừa đủ để bảo đảm sản xuất liên tục”.

Quyết định số 107-CP quy định cụ thể:

“Bộ Vật tư cần nắm lại lực lượng tồn kho từng loại cụ thể ở các Bộ, các ngành và các xí nghiệp xác định cho các xí nghiệp mức dự trữ bình quân khoảng 3 tháng và điều động những loại còn tồn kho nhiều cung cấp cho các ngành, các xí nghiệp khác”.

Để chấp hành quy định trên, cần thực hiện những việc sau đây:

- Các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ sản xuất của các xí nghiệp trực thuộc mà xác định chỉ tiêu cụ thể về lượng vật tư mà mỗi xí nghiệp ấy được phép dự trữ trong phạm vi mà Hội đồng Chính phủ đã quy định.

Chậm nhất là ngày 31-8-1974 các Bộ, Tổng cục thông báo chỉ tiêu dự trữ nói trên cho các cơ sở, đồng thời thông báo thẳng cho Bộ Vật tư biết. Đối với xí nghiệp địa phương thì Uỷ ban hành chính tỉnh thông báo thẳng cho Công ty vật tư.

- Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo, các xí nghiệp tính toán lượng vật tư cần dự trữ đối với từng mặt hàng cụ thể, cân đối với tồn kho của xí nghiệp và đề ra với Công ty vật tư và cơ quan chủ quản cấp trên số vật tư vượt định mức cần điều đi (theo mẫu số 3)*. Các xí nghiệp phải hoàn thành các việc trên trong thời gian 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Bộ chủ quản.

- Các Tổng công ty, công ty vật tư sẽ làm việc với từng xí nghiệp để thống nhất ý kiến về lượng dự trữ cần thiết và bàn cụ thể về việc thu nhận lại số vật tư dự trữ vượt định mức.

Các Công ty vật tư có trách nhiệm nhận lại tất cả số vật tư dự trữ quá định mức mà xí nghiệp giao lại, không được tự ý lựa chọn chỉ nhận lại những loại dễ tiêu thụ hoặc những loại còn tốt.

Về phần mình xí nghiệp phải giao lại toàn bộ số vật tư dự trữ quá định mức cho Công ty vật tư chứ không được giữ lại hoặc nhượng bán cho cơ quan đơn vị khác. Bộ chủ quản, về nguyên tắc, có thể điều động dự trữ vật tư giữa các xí nghiệp trong Bộ mình, nhưng không được điều động vật tư thông dụng dự trữ của xí nghiệp về tập trung dự trữ ở kho của Cục vật tư, Công ty vật tư của Bộ. Trong việc điều động dự trữ từ xí nghiệp này sang xí nghiệp khác thuộc Bộ phải bảo đảm không được vượt định mức dự trữ bình quân 3 tháng mà Hội đồng Chính phủ đã quy định đồng thời cũng nên tránh điều động dự trữ giữa các xí nghiệp xa nhau gây lãng phí về vận chuyển. Nếu thấy thật cần thiết thì nên yêu cầu với Bộ Vật tư để giải quyết vật tư cho xí nghiệp ở Công ty vật tư gần nhất.

Về vấn đề phẩm chất vật tư giao nhận, vật tư tồn kho (kho Bộ và kho xí nghiệp), giải quyết như sau: Công ty vật tư sẽ cùng đơn vị giao hàng xác định lại tỷ lệ phẩm chất còn lại để hai bên làm thủ tục giao nhận, thanh toán. Trường hợp không thống nhất ý kiến thì cơ quan quản lý kỹ thuật của Bộ Vật tư sẽ cùng cơ quan quản lý kỹ thuật của Bộ chủ quản giám định lại để trình Bộ trưởng Bộ Vật tư quyết định.

Trên đây là một số quy định cụ thể, trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào thấy cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các ngành chủ quản phản ánh kịp thời để Bộ Vật tư nghiên cứu giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ VẬT TƯ




Trần Danh Tuyên


* Không in các mẫu.