Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2017/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP, SƠ CẤP THEO HÌNH THỨC ĐÀO TẠO VỪA LÀM VỪA HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học, gồm: chương trình, giáo trình đào tạo; thời gian, địa điểm, phương pháp đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo; kế hoạch đào tạo; tuyển sinh đào tạo; tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và chứng chỉ sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.

2. Thông tư này không quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với ngành sư phạm.

3. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng; doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học là hình thức đào tạo nghề nghiệp không tập trung liên tục, theo đó người học tập trung học tập tại địa điểm đào tạo theo từng học kỳ, đợt học; hết học kỳ, đợt học người học tiếp tục làm công việc của mình tại nơi làm việc.

2. Học kỳ là phần của khóa học hoặc năm học, được chia theo nội dung chương trình đào tạo và ghi trong kế hoạch đào tạo của khóa học, gồm: thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc; số lượng, tên môn học, mô - đun trong học kỳ; địa điểm thực hiện từng môn học, mô - đun để thực hiện chương trình đào tạo. Học kỳ có một hoặc một số đợt học phù hợp với đối tượng người học.

3. Đợt học là phần của học kỳ, được bố trí phù hợp với đối tượng người học, gồm: thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc; số lượng, tên môn học, mô - đun; địa điểm thực hiện.

Chương II

CHƯƠNG TRÌNH, GIÁO TRÌNH ĐÀO TẠO; THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO; TIÊU CHUẨN NHÀ GIÁO VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO

Điều 3. Chương trình, giáo trình đào tạo

1. Chương trình, giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học là chương trình, giáo trình đào tạo của ngành, nghề tương ứng theo hình thức đào tạo chính quy được cơ sở đào tạo nghề nghiệp điều chỉnh cho phù hợp với năng lực của người học và thời gian đào tạo.

Đối với những môn học chung như Giáo dục thể chất, Giáo dục An ninh Quốc phòng trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp có thể được điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng người học và do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quyết định.

2. Chương trình, giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm xây dựng hoặc lựa chọn, phê duyệt, sử dụng theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 3 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH).

3. Chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm xây dựng hoặc lựa chọn, phê duyệt, sử dụng theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH).

4. Chương trình đào tạo đã được phê duyệt phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo nghề nghiệp trước khi tổ chức tuyển sinh.

Điều 4. Thời gian khóa học và thời gian tổ chức giảng dạy

1. Thời gian khóa học

a) Trường hợp tổ chức đào tạo theo niên chế thì tổng thời gian khóa đào tạo (từ khi khai giảng đến khi bế giảng) tối đa không quá 2 lần so với thời gian khóa đào tạo chính quy cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo quy định tại Điểm a, c, d Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô - đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH) đối với trình độ cao đẳng, trung cấp và Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp.

b) Trường hợp tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy mô - đun hoặc tín chỉ thì thời gian khóa học là thời gian người học tích lũy đủ số lượng mô - đun hoặc tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo quy định tại Điểm b, c, đ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH đối với trình độ cao đẳng, trung cấp và Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp.

2. Thời gian tổ chức giảng dạy của cơ sở đào tạo nghề nghiệp đối với toàn bộ khóa học và từng kỳ học do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quy định cụ thể, bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH đối với trình độ cao đẳng, trung cấp; Khoản 2, 3 Điều 18 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp và các yêu cầu sau:

a) Thời gian tổ chức giảng dạy được thực hiện linh hoạt (sáng, chiều, tối vào các ngày làm việc trong tuần hoặc thứ bẩy, chủ nhật hoặc ngày nghỉ) theo nhu cầu người học nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu về nội dung của chương trình đào tạo.

b) Người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quy định thời gian tối đa, tối thiểu đối với việc thực hiện chương trình đào tạo; thời gian khóa học, thời gian tổ chức giảng dạy cụ thể đối với từng khóa học, đối tượng người học và công khai cho người học được biết.

Điều 5. Địa điểm đào tạo

1. Địa điểm đào tạo thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH đối với trình độ cao đẳng, trung cấp; Điểm b Khoản 3 Điều 19 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp. Riêng địa điểm học thực hành ngoài thực hiện tại cơ sở đào tạo nghề nghiệp, còn được thực hiện tại doanh nghiệp, nơi làm việc của người học, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, phương tiện, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo theo yêu cầu của môn học, mô - đun trong chương trình đào tạo; sự an toàn của người dạy, người học và do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quy định trong kế hoạch đào tạo.

2. Khuyến khích cơ sở đào tạo nghề nghiệp phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho người học học lý thuyết tại cơ sở đào tạo nghề nghiệp và học thực hành hoặc học tích hợp giữa lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 6. Phương pháp đào tạo

1. Phương pháp đào tạo thường xuyên theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học sử dụng các phương pháp đào tạo tích cực, lấy người học làm trung tâm; kết hợp giữa dạy lý thuyết với thực hành, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mà người học còn thiếu, gắn đào tạo với thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học và kinh nghiệm của người học.

2. Sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học.

Điều 7. Tiêu chuẩn nhà giáo

1. Nhà giáo giảng dạy các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhà giáo tương ứng với mỗi trình độ đào tạo theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH).

2. Khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề nghiệp thu hút người có tay nghề cao tham gia giảng dạy thực hành, kiểm tra, đánh giá việc học tập của người học.

Điều 8. Kế hoạch đào tạo

1. Kế hoạch đào tạo cho từng khóa học, năm học, học kỳ thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH đối với trình độ cao đẳng, trung cấp và Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp.

2. Kế hoạch đào tạo đối với từng lớp học, gồm kế hoạch đào tạo toàn khóa học, kế hoạch đào tạo của từng năm học, kế hoạch đào tạo của từng học kỳ cụ thể như sau:

a) Kế hoạch đào tạo toàn khóa học, gồm kế hoạch đào tạo của từng năm học, từ năm thứ nhất đến năm kết thúc khóa học hoặc gồm kế hoạch đào tạo của từng học kỳ, từ học kỳ thứ nhất đến học kỳ cuối cùng của khóa học.

Kế hoạch đào tạo toàn khóa học phải thể hiện ít nhất những nội dung sau: số lượng năm học, học kỳ, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc khóa học.

b) Kế hoạch đào tạo của từng năm học, gồm kế hoạch đào tạo của từng học kỳ trong năm học đó, từ học kỳ đầu năm đến học kỳ cuối cùng của năm học.

Kế hoạch đào tạo của từng năm học phải thể hiện ít nhất những nội dung sau: số lượng học kỳ; thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc năm học; thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết trong năm học.

c) Kế hoạch đào tạo đối với từng học kỳ phải thể hiện ít nhất những nội dung sau: thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc của học kỳ; chương trình học tập/giảng dạy của từng môn học, mô - đun; địa điểm, thời gian thực hiện; nhà giáo dạy lý thuyết, thực hành từng môn học, mô - đun trong học kỳ đó và các đợt học (nếu trong học kỳ có từ 2 đợt học trở lên).

Chương III

TUYỂN SINH ĐÀO TẠO; TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO; KIỂM TRA, THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP VÀ BẰNG, CHỨNG CHỈ TỐT NGHIỆP

Điều 9. Tuyển sinh đào tạo

1. Tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH) đối với trình độ cao đẳng, trung cấp và Khoản 3 Điều 14, Điều 15 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp.

2. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp chỉ được tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học khi đã tổ chức đào tạo chính quy cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo; có báo cáo đăng ký đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức đào tạo thống nhất bằng văn bản.

3. Trường trung cấp chỉ được tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học khi đã tổ chức đào tạo chính quy cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo; có báo cáo đăng ký đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi trường tổ chức đào tạo thống nhất bằng văn bản.

4. Trường cao đẳng chỉ được tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học khi đã tổ chức đào tạo chính quy cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo; có báo cáo đăng ký đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) và được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thống nhất bằng văn bản.

5. Cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng chỉ được tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học khi đã tổ chức đào tạo chính quy cùng ngành, nghề, trình độ đào tạo; có báo cáo đăng ký đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) và được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thống nhất bằng văn bản.

6. Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng hợp tác với doanh nghiệp, đặt hàng đào tạo thì được phép tổ chức đào tạo khi có báo cáo đăng ký đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp) hoặc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng) thống nhất bằng văn bản.

Điều 10. Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo

1. Căn cứ các quy định về tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH; trình độ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH, người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quyết định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học một cách linh hoạt về thời gian, địa điểm, nhưng phải đảm bảo thực hiện nội dung của chương trình đào tạo và người học không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được.

2. Quy trình tổ chức đào tạo

a) Khi bắt đầu khóa học cơ sở đào tạo nghề nghiệp tổ chức kiểm tra xem xét, miễn giảm những môn học, mô - đun, tín chỉ mà người học đã học xong, có kết quả điểm đạt yêu cầu trở lên hoặc số tín chỉ mà người học đã tích lũy được trước khi vào học.

b) Trước khi học từng môn học, mô - đun, nhà giáo trực tiếp giảng dạy thực hiện việc kiểm tra, đánh giá về kiến thức, kỹ năng của người học để chuẩn bị nội dung giảng dạy phù hợp.

c) Chỉ tổ chức giảng dạy những nội dung kiến thức, hướng dẫn thực hành kỹ năng nghề theo nội dung, yêu cầu của môn học, mô - đun mà người học chưa biết, chưa làm được hoặc chưa biết kỹ, đầy đủ, chưa làm được thành thạo.

d) Kết thúc đợt học, kỳ học hoặc môn học, mô - đun người học làm công việc của mình tại nơi ở, nơi làm việc và tự ôn, luyện nội dung kiến thức, thực hành kỹ năng nghề đã học để chuẩn bị kiểm tra, thi kết thúc môn học, mô - đun đã học.

Điều 11. Kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp

1. Kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp trong đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH.

2. Kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp trong đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH.

Điều 12. Bằng, chứng chỉ tốt nghiệp

1. Người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH).

2. Người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ trung cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH.

3. Người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp chứng chỉ sơ cấp theo quy định tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH.

4. Mẫu bằng, chứng chỉ tốt nghiệp; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng, chứng chỉ tốt nghiệp trong đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH đối với trình độ cao đẳng, trung cấp và Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định và việc thực hiện trách nhiệm quản lý về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với trường cao đẳng và đào tạo trình độ cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học đối với cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Thông tư này.

2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định.

Điều 14. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

1. Thực hiện trách nhiệm quản lý về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với trường cao đẳng và đào tạo trình độ cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học đối với cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Thông tư này.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định.

Điều 15. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trực thuộc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trực thuộc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định.

2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học của các các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trực thuộc thực hiện theo quy định.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trách nhiệm quản lý về đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của Thông tư này.

2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định.

Điều 17. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Thực hiện trách nhiệm quản lý về đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của Thông tư này.

2. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định.

3. Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 36 Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH đối với trình độ cao đẳng, trung cấp và Khoản 2 Điều 33 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp.

Điều 18. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp

1. Báo cáo đăng ký đào tạo theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

2. Tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định của Thông tư này.

3. Thực hiện chế độ báo cáo về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH đối với trình độ cao đẳng, trung cấp và Khoản 1 Điều 33 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH đối với trình độ sơ cấp.

Điều 19. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2018.

2. Các khóa đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học tuyển sinh, khai giảng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục tổ chức thực hiện theo các quy định trước đó cho đến khi kết thúc khóa đào tạo.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát hiện những điểm mới phát sinh, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn hoặc bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.