Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-BYT/TT

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1969

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 15-CP NGÀY 24-01-1969 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚCTHÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG NAY SỨC KHỎE ĐÃ PHỤC HỒI

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Các Sở, Ty y tế,
- Hội đồng giám định y khoa trung ương, khu, tỉnh,thành phố, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường sắt

Ngày 24-01-1969 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 15-CP quy định chính sách đối với công nhân, viên chức thôi việc vì mất sức lao động nay sức khỏe đã phục hồi. Để thi hành thông tư này của Hội đồng Chính phủ, Liên bộ Nội vụ - Lao động đã hướng dẫn thực hiện theo Thông tư số 20-TT/LB ngày 04-08-1969.

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Bộ Y tế ra thông tư này để hướng dẫn các địa phương về việc tiến hành khám lại sức khỏe cho công nhân, viên chức mất sức lao động.

I. CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA CÁC CẤP

Từ trước đến nay việc khám sức khỏe cho công nhân, viên chức để giải quyết chế độ cho nghỉ việc, thôi việc vì mất sức lao động vẫn do Hội đồng giám định y khoa các cấp từ trung ương đến địa phương đảm nhiệm; do đó lần này việc khám sức khỏe để tuyển dụng lại công nhân, viên chức sau một thời gian nghỉ việc vì mất sức lao động nay đã phục hồi vẫn do Hội đồng giám định y khoa các cấp tiến hành. Để việc khám tuyển dụng lại được tốt và có chất lượng, Hội đồng giám định y khoa các cấp cần kiện toàn lại tổ chức, lề lối làm việc. Theo tinh thần Thông tư số 13-BYT/TT ngày 07-06-1962 của Bộ Y tế, thành phần Hội đồng giám định y khoa gồm các y sĩ, bác sĩ thuộc biên chế sở, ty y tế, bệnh viện kiêm nhiệm, Hội đồng không có bộ máy riêng; vì vậy phần lớn các buổi khám thường không đủ mặt các thành viên, hồ sơ bệnh án không đầy đủ; việc vận dụng tiêu chuẩn mất sức chưa bảo đảm khách quan, chính xác, cho nên trước mắt cần phải kiện toàn lại tổ chức này. Hội đồng giám định y khoa mỗi cấp, phải có một số cán bộ chuyên trách không kiêm nhiệm việc khác, phải có trụ sở làm việc riêng. Đối với những cán bộ kiêm nhiệm cần sắp xếp thời gian để có thể tham gia được đầy đủ trong các buổi khám của hội đồng.

- Tăng cường các buổi khám. Từ trước đến nay hàng tháng hoặc hàng tuần Hội đồng giám định y khoa mới tổ chức khám một, hai buổi, nếu cứ khám theo hình thức này sẽ không bảo đảm yêu cầu hiện nay, cho nên Hội đồng giám định y khoa các cấp, các địa phương cần nắm vững số lượng công nhân, viên chức cần khám tuyển lại trong đợt này mà tăng cường thêm các buổi khám ban ngày hoặc ban đêm, vì phải có kết luận trước của Hội đồng giám định y khoa về tình trạng sức khỏe của công nhân, viên chức thì sau đó các cơ quan có trách nhiệm mới xét đến việc bố trí công việc cho công nhân, viên chức.

- Đối với những cơ quan, công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp có nhiều công nhân, viên chức mất sức lao động nay cần khám để tuyển lại. Hội đồng có thể phối hợp với cơ quan để tổ chức những buổi khám dành riêng cho từng cơ quan.

II. NHỮNG VIỆC CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI ĐI VÀO KHÁM TUYỂN

1. Hội đồng giám định y khoa các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ban thương binh – xã hội, ban tổ chức dân chính của địa phương mình nắm số lượng công nhân, viên chức cần khám sức khỏe để đặt kế hoạch khám tuyển phù hợp với địa phương mình.

2. Đối tượng khám tuyển đã quy định trong thông tư hướng dẫn của Liên bộ Nội vụ - Lao động.

3. Công nhân, viên chức sau một thời gian mất sức lao động sức khỏe đã phục hồi đến khám để tuyển lại phải có hồ sơ khám trước đây của Hội đồng giám định y khoa.

Để chủ động trong khi khám, Hội đồng giám định y khoa cần liên hệ với ban thương binh – xã hội hoặc ban tổ chức dân chính nghiên cứu các hồ sơ trước đây của đối tượng định khám.

Mặt khác ban thương binh – xã hội hoặc ban tổ chức dân chính cần giới thiệu các đối tượng định khám đến bệnh viện địa phương để kiểm tra bệnh cũ, lập hồ sơ sức khỏe mới giúp cho Hội đồng có đầy đủ tài liệu để kết luận được chính xác và vô tư.

III. TIẾN HÀNH KHÁM VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT SAU KHI KHÁM

1. Trong các buổi khám sức khỏe để tuyển lại công nhân, viên chức sau một thời gian nghỉ việc vì mất sức lao động nên có đầy đủ các thành viên của Hội đồng (y tế, lao động, công đoàn, ban thương binh – xã hội, ban tổ chức dân chính) tham dự.

2. Khi khám cần phải đảm bảo khách quan, chính xác, tập thể kết hợp chặt chẽ giữa chuyên môn y tế với việc theo dõi từ trước đến nay của công đoàn, lao động, ban thương binh – xã hội, ban tổ chức dân chính. Nơi nào đã tổ chức được các tổ hưu trí, mất sức, Hội đồng cần tham khảo ý kiến của các tổ này để đánh giá sức khỏe của công nhân, viên chức.

3. Khi Hội đồng kết luận những trường hợp sức khỏe đã phục hồi có thể trở lại công tác được phải chú ý đến công việc người đó sẽ đảm nhiệm, tránh gán ép không bảo đảm cho sức khỏe cũng như cho công tác sau này; nếu cần thiết Hội đồng có thể đề nghị chuyển công tác khác cho phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại của công nhân, viên chức.

4. Sau khi khám xong không thông báo kết quả trực tiếp ngay cho đương sự, Hội đồng giám định y khoa sẽ thành lập hồ sơ gửi ban thương binh – xã hội và ban tổ chức dân chính tỉnh, thành để các ban này có kế hoạch bố trí sắp xếp công tác và có trách nhiệm thông báo cho đương sự sau.

Việc tuyển dụng lại công nhân, viên chức đã thôi việc vì mất sức lao động là một chính sách rất hợp tình, hợp lý, vừa tận dụng được khả năng lao động, kinh nghiệm chuyên môn của anh chị em trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống Mỹ cứu nước vừa bảo đảm đời sống lâu dài cho anh chị em. Trong việc khám tuyển lại, ngành y tế đóng góp phần quan trọng; vì vậy, các sở, ty y tế, Hội đồng giám định y khoa các cấp cần nghiên cứu kỹ các thông tư quy định tiêu chuẩn về mất sức lao động và thông tư hướng dẫn việc khám tuyển lại này để làm tốt công tác giám định y khoa đồng thời trình bày rõ với Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành để có sự giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết cho công tác.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Bác sĩ Nguyễn Văn Tín