Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 32/1998/TT-BTC NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH THUẾ VÀ CÁC KHOẢN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH

Căn cứ các Luật thuế, Pháp lệnh thuế và các văn bản quy phạm pháp luật về các khoản thu ngân sách nhà nước hiện hành;
Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện chính sách thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp Nhà nước có đủ các điều kiện sau:

- Được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các tiêu thức quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 56-CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ quyết định là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích.

- Hoạt động công ích phù hợp với ngành nghề đăng ký trong giấy phép kinh doanh.

- Thực hiện chế độ sổ sách kế toán, sử dụng các chứng từ kế toán theo đúng chế độ hiện hành và theo dõi hạch toán riêng phần hoạt động công ích với các hoạt động kinh doanh khác.

- Thực hiện chế độ đăng ký nộp thuế và các khoản thu khác theo đúng quy định của pháp luật.

II. CÁC LOẠI THUẾ VÀ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH

Các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích đều phải thực hiện đăng ký, kê khai thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước với cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này như sau:

1. Thuế doanh thu:

Tất cả các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích phải thực hiện việc kê khai đăng ký và nộp thuế doanh thu theo đúng quy định của Luật thuế doanh thu, các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu.

Việc xét miễn thuế, giảm thuế doanh thu đối với hoạt động công ích theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 56-CP ngày 2/10/1996 được thực hiện như sau:

a) Đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích mới thành lập nếu có đủ điều kiện theo luật định, thì được xét miễn thuế, giảm thuế theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật thuế doanh thu và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu.

b) Đối với các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động công ích thì ngoài những hoạt động công ích được tạm thời chưa thu thuế doanh thu theo quy định của Luật thuế doanh thu và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu, các hoạt động công ích khác nếu không bù đắp được chi phí sản xuất hoặc chi phí cung ứng dịch vụ thì được xét giảm thuế doanh thu tương ứng với số lỗ, nhưng không quá 50% số thuế doanh thu phải nộp hàng năm.

Để có căn cứ xét giảm thuế doanh thu theo hướng dẫn trên, sau khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp công ích phải lập hồ sơ xin giảm thuế gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị. Hồ sơ xin giảm thuế gồm có:

- Đơn xin giảm thuế doanh thu của đơn vị nêu rõ nguyên nhân xin giảm thuế;

- Báo cáo tài chính năm của đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Báo cáo quyết toán thuế năm của đơn vị;

Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xét giảm thuế doanh thu thực hiện theo hướng dẫn tại phần D, mục III, Thông tư số 97 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính.

2. Thuế lợi tức:

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích có lợi tức chịu thuế đều phải kê khai nộp thuế lợi tức theo đúng quy định của Luật thuế lợi tức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức.

Việc xét giảm thuế lợi tức đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích theo quy định tại Điểm 2a, Điều 5 Nghị định số 56-CP được thực hiện như sau:

a) Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích mới thành lập nếu có đủ điều kiện theo luật định thì được xét miễn thuế, giảm thuế theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật thuế lợi tức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức.

b) Đối với các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động công ích được duyệt bổ sung vốn để tương ứng với nhiệm vụ công ích được giao, nếu có lãi được xét giảm thuế lợi tức bằng số vốn được duyệt bổ sung, nhưng mức giảm thuế tối đa không quá 50% số thuế lợi tức phải nộp trong năm xét giảm thuế.

Thủ tục, trình tự xét miễn, giảm thuế:

Để có cơ sở xét giảm thuế, đơn vị phải gửi hồ sơ xin giảm thuế đến cơ quan thuế có thẩm quyền, hồ sơ gồm có:

- Đơn xin giảm thuế có ý kiến xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý về việc đơn vị đủ điều kiện được xét giảm thuế và số thuế được xét giảm;

- Quyết định phê duyệt bổ sung vốn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Báo cáo tài chính năm và báo cáo quyết toán thuế năm của đơn vị;

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị có trách nhiệm kiểm tra xem xét số liệu và tình hình liên quan đến việc xét giảm thuế lợi tức, giải quyết các trường hợp thuộc thẩm quyền; các trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết phải có ý kiến và kiến nghị bằng văn bản kèm theo hồ sơ xin giảm thuế của đơn vị để gửi lên cơ quan thuế cấp trên xem xét quyết định; các hồ sơ tài liệu xét giảm thuế là bản gốc, nếu là bản sao phải có xác nhận sao y bản chính và đóng dấu của doanh nghiệp vào từng trang tài liệu có trong hồ sơ. Thẩm quyền xét giảm thuế:

Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm kiểm tra và quyết định hoặc kiến nghị lên cơ quan cấp trên quyết định việc giảm thuế cho từng trường hợp cụ thể theo đúng thẩm quyền như sau:

- Cục trưởng Cục thuế xét và quyết định giảm thuế cho các trường hợp có mức giảm thuế đến 100 triệu đồng.

- Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế xét và quyết định giảm thuế cho các trường hợp có mức giảm thuế trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính xét và quyết định giảm thuế cho các trường hợp có mức giảm thuế trên 500 triệu đồng.

Trường hợp sau khi xét giảm thuế theo Thông tư này doanh nghiệp vẫn không đủ số vốn cần bổ sung được duyệt, thì nhà nước sẽ xem xét cấp bổ sung vốn cho doanh nghiệp cho đủ số vốn cần bổ sung đã được duyệt.

3) Các khoản thu theo giá, khung giá hoặc phí do nhà nước quy định mà không cần phải có chi phí sản xuất hoặc dịch vụ:

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích có các khoản thu theo giá, khung giá hoặc phí do Nhà nước quy định mà không cần phải có chi phí sản xuất hoặc dịch vụ, thì sau khi trừ các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản thuế và các quỹ được trừ theo chế độ hiện hành, phần chênh lệch còn lại phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý các doanh nghiệp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra hướng dẫn đơn vị thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước theo đúng luật định và hướng dẫn tại Thông tư này. Để đảm bảo số thu được động viên kịp thời vào ngân sách nhà nước, hàng tháng cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải tiến hành kiểm tra doanh thu và chi phí thực tế của đơn vị và tạm thu phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí vào ngân sách nhà nước, mức tạm thu tối đa không quá 70% số chêng lệch đã được xác định.

4) Các loại thuế và các khoản thu NSNN khác đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các hướng dẫn về thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trước đây trái với hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp và cơ quan thuế phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn cho phù hợp.

Vũ Mộng Giao

(Đã Ký)