Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

B THÔNG TIN VÀ

TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2021/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN XUẤT BẢN PHẨM SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật xuất bản ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm.

2. Các nhà xuất bản, cơ sở in và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN, QUY CÁCH, PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN

Điều 3. Điều kiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước

1. Điều kiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 12, Điều 16 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây viết tắt là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) và nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Điều kiện về đề tài xuất bản phẩm

a) Xuất bản phẩm về lý luận, chính trị.

b) Xuất bản phẩm cần phổ biến rộng rãi nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng yếu: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật; khoa học - công nghệ; kinh tế, nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hiểm họa, phục vụ cộng đồng.

c) Xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

d) Xuất bản phẩm phục vụ thiếu niên, nhi đồng; đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác.

3. Điều kiện về giao nhiệm vụ, đặt hàng thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước đối với nhà xuất bản: Nhà xuất bản có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ phù hợp để thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều 4. Quy cách, chất lượng xuất bản phẩm

1. Đối với xuất bản phẩm in

a) Xuất bản phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Thực hiện theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước do các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ban hành.

b) Xuất bản phẩm thuộc phạm vi quản lý của địa phương: Thực hiện theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và pháp luật về xuất bản.

c) Xuất bản phẩm thực hiện theo Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, tổ chức thực hiện: Thực hiện theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành phù hợp với pháp luật về xuất bản.

2. Đối với xuất bản phẩm điện tử

a) Hình thức xuất bản phẩm điện tử: Dạng văn bản, âm thanh, phim ảnh, đa phương tiện.

b) Định dạng xuất bản phẩm điện tử: Phù hợp với hệ thống phát hành xuất bản phẩm điện tử.

c) Chất lượng xuất bản phẩm điện tử: Nội dung văn bản, hình ảnh rõ nét, âm thanh rõ tiếng. Đối với phim ảnh minh họa trong sách điện tử, kích thước bảo đảm tối thiểu 320 x 240 pixel. Đối với xuất bản phẩm điện tử dạng phim ảnh, kích thước bảo đảm tối thiểu 640 x 480 pixel.

Điều 5. Phương thức thực hiện

1. Giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với bản thảo (bản mẫu), bao gồm các công đoạn:

a) Xây dựng đề tài, đề cương; tổ chức bản thảo (đặt nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, biên soạn hoặc dịch sang các ngôn ngữ khác nhau).

b) Thực hiện hoàn thiện bản thảo xuất bản phẩm, bao gồm: biên tập, đọc duyệt; thẩm định, hiệu đính nội dung bản thảo (nếu có); hoàn thiện bản mẫu (bao gồm cả bìa nếu xuất bản phẩm là sách).

2. Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện công đoạn in, phát hành xuất bản phẩm

a) Thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng in xuất bản phẩm đối với nhà xuất bản có cơ sở in trực thuộc đủ điều kiện in xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật và được giao nhiệm vụ, đặt hàng bản thảo (bản mẫu) xuất bản phẩm đó. Trường hợp nhà xuất bản không có cơ sở in trực thuộc đủ điều kiện in xuất bản phẩm thì tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để thực hiện in xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về xuất bản.

b) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để thực hiện phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp nhà xuất bản đủ điều kiện phát hành xuất bản phẩm điện tử thì thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng phát hành xuất bản phẩm điện tử theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Trường hợp xuất bản phẩm được thực hiện theo Chương trình, Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì áp dụng phương thức thực hiện theo Chương trình, Đề án được phê duyệt.

Điều 6. Về áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động xuất bản; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu xuất bản phẩm

1. Áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động xuất bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Chương III

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN THỰC HIỆN XUẤT BẢN PHẨM SỬ DỤNG NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG ĐƯỢC THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT THEO ĐỀ NGHỊ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Quản lý đề tài xuất bản phẩm, đề xuất dự toán kinh phí đặt hàng xuất bản phẩm hằng năm:

a) Trước ngày 15 tháng 02 của năm trước năm kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Xuất bản, In và Phát hành) có văn bản gửi các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản về định hướng đề tài xuất bản phẩm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị từng năm, từng giai đoạn.

b) Trước ngày 30 tháng 6 của năm trước năm kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Xuất bản, In và Phát hành) tổng hợp kế hoạch và đề xuất dự toán kinh phí thực hiện xuất bản phẩm gửi Bộ Tài chính, đồng thời gửi cơ quan chủ quản và nhà xuất bản để xây dựng kế hoạch thực hiện xuất bản phẩm của năm kế hoạch.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Xuất bản, In và Phát hành) duyệt danh mục đề tài, số lượng xuất bản phẩm. Thời hạn thực hiện không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của nhà xuất bản (văn bản đề nghị phải có ý kiến của cơ quan chủ quản nhà xuất bản).

d) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Xuất bản, In và Phát hành) kiểm tra việc thực hiện danh mục xuất bản phẩm của các nhà xuất bản.

2. Thẩm định giá đặt hàng xuất bản phẩm:

a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Kế hoạch - Tài chính) tổ chức thẩm định phương án giá đặt hàng bản thảo (bản mẫu) và giá in xuất bản phẩm (nếu có) theo quy định của Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời hạn thẩm định không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ văn bản đề nghị thẩm định phương án giá và hồ sơ kèm theo của nhà xuất bản.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Kế hoạch - Tài chính) tổng hợp kết quả thẩm định giá và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính quy định giá mua tối đa theo quy định pháp luật về giá.

c) Căn cứ quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính về giá mua tối đa đặt hàng bản thảo (bản mẫu) và giá in xuất bản phẩm (nếu có), Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Kế hoạch - Tài chính) thông báo cho các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản thực hiện.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhà xuất bản

1. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện xuất bản phẩm hằng năm của nhà xuất bản, bảo đảm nội dung xuất bản phẩm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

2. Chậm nhất đến ngày 20 tháng 5 của năm trước năm kế hoạch, cơ quan chủ quản nhà xuất bản phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện xuất bản phẩm năm kế hoạch.

3. Căn cứ giá mua tối đa đặt hàng xuất bản phẩm do Bộ Tài chính quy định, cơ quan chủ quản nhà xuất bản quyết định mức giá đặt hàng cụ thể đối với từng xuất bản phẩm.

4. Căn cứ nội dung xuất bản phẩm, kinh phí ngân sách nhà nước cấp, cơ quan chủ quản quyết định đối tượng phục vụ, số lượng và địa chỉ nhận xuất bản phẩm in hoặc địa chỉ đăng tải xuất bản phẩm điện tử.

5. Quản lý sử dụng ngân sách nhà nước được giao để thực hiện xuất bản phẩm thuộc Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.

6. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện xuất bản phẩm thuộc Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với nhà xuất bản trực thuộc.

Điều 9. Trách nhiệm của nhà xuất bản

1. Chậm nhất đến ngày 30 tháng 5 của năm trước năm kế hoạch, nhà xuất bản gửi kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện xuất bản phẩm đã được cơ quan chủ quản phê duyệt đến Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Căn cứ dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao; định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) và các chế độ quản lý sử dụng ngân sách nhà nước hiện hành để xây dựng danh mục xuất bản phẩm và phương án giá thực hiện xuất bản phẩm.

Phương án giá thực hiện xuất bản phẩm do nhà xuất bản báo cáo cơ quan chủ quản xem xét gửi Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc do nhà xuất bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định theo quy định pháp luật về giá. Thời gian gửi danh mục xuất bản phẩm và phương án giá đến Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30 tháng 6 năm kế hoạch.

3. Nhận nhiệm vụ, đặt hàng bản thảo (bản mẫu) xuất bản phẩm; nhận nhiệm vụ, đặt hàng hoặc tổ chức đấu thầu công đoạn in, phát hành xuất bản phẩm in và xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử theo Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định pháp luật liên quan và quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Thực hiện đăng ký xuất bản và quy trình xuất bản, phát hành xuất bản phẩm theo quy định pháp luật về xuất bản.

5. Thực hiện đúng danh mục xuất bản phẩm và gửi xuất bản phẩm đúng số lượng, đúng địa chỉ đã được phê duyệt; thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo quy định.

6. Trường hợp nhà xuất bản sử dụng bản thảo (bản mẫu) để in, phát hành thêm số lượng nhằm mục đích kinh doanh thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan chủ quản nhà xuất bản

1. Chỉ đạo nhà xuất bản trực thuộc xây dựng kế hoạch, dự toán, phương án giá đặt hàng thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Trung ương thuộc phạm vi quản lý.

2. Căn cứ quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này, quản lý việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Trung ương trong phạm vi dự toán kinh phí được giao theo quy định.

4. Thực hiện kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả sử dụng ngân sách Trung ương được giao để thực hiện xuất bản phẩm theo thẩm quyền và quy định pháp luật có liên quan.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện xuất bản phẩm theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Giao các cơ quan chuyên môn trực thuộc tham mưu quản lý giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật liên quan và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách địa phương, bảo đảm nội dung xuất bản phẩm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.

4. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện xuất bản phẩm theo thẩm quyền và quy định pháp luật có liên quan.

Điều 12. Điều chỉnh danh mục xuất bản phẩm

1. Danh mục xuất bản phẩm được điều chỉnh trong các trường hợp sau:

a) Đề tài đã được phê duyệt nhưng bản thảo không thực hiện được; thay đổi tên xuất bản phẩm cho phù hợp với nội dung sau biên tập; bổ sung hoặc thay đổi tên tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, dịch giả (đối với xuất bản phẩm dịch).

b) Thay đổi số lượng in xuất bản phẩm; hình thức, định dạng xuất bản phẩm điện tử đã được phê duyệt.

c) Nhà nước có sự điều chỉnh về dự toán kinh phí, giá đặt hàng thực hiện xuất bản phẩm.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 7 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP xem xét, quyết định việc điều chỉnh danh mục xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước.

Trường hợp xuất bản phẩm thực hiện theo Chương trình, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, tổ chức thực hiện thì cơ quan chủ quản nhà xuất bản xem xét, quyết định điều chỉnh danh mục xuất bản phẩm trên cơ sở thỏa thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản.

3. Thời gian điều chỉnh danh mục xuất bản phẩm (nếu có): Phải thực hiện trước thời điểm nhà xuất bản đề xuất phương án giá đặt hàng xuất bản phẩm và không muộn hơn ngày 30 tháng 6 năm kế hoạch.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xuất bản phẩm

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận và quản lý xuất bản phẩm theo quy định về quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Tổ chức sử dụng, khai thác có hiệu quả xuất bản phẩm.

3. Đối với thư viện công cộng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện việc luân chuyển xuất bản phẩm cho thư viện quận, huyện, thị xã hoặc tương đương theo đúng quy định pháp luật về thư viện.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Ban hành biểu mẫu

Mẫu biểu sử dụng trong quản lý giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, quy định của pháp luật về giá và các quy định của pháp luật có liên quan. Một số mẫu biểu được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù lĩnh vực xuất bản tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2022.

2. Thông tư số 07/2018/TT-BTTTT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.