BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 323-TT/GTVT | Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 1997 |
Căn cứ Nghị định số 45-CP ngày 29-4-1997 của Chính phủ ban hành Điều lệ mẫu Hợp tác xã Giao thông vận tải.
Căn cứ Điều 1, Điều 6 Nghị định số 02-CP ngày 02-01-1997 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp đối với hợp tác xã.
Căn cứ các Điều 13, 14, 15, 28 Nghị định số 16-CP ngày 21-02-1997 của Chính phủ về chuyển đổi, đăng ký hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã.
Nhằm tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể một số điểm dưới đây :
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG ĐIỀU LỆ MẪU VÀ THÔNG TƯ NÀY
1. Các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề về giao thông vận tải áp dụng Điều lệ Mẫu hợp tác xã Giao thông vận tải ban hành kèm theo Nghị định số 45-CP ngày 29-4-1997 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Các hợp tác xã kinh doanh ngành nghề xây dựng công trình giao thông, đóng mới, phục hồi, sửa chữa phương tiện thiết bị giao thông vận tải ngoài việc tuân theo Điều lệ Hợp tác xã Giao thông vận tải còn phải tuân theo Điều lệ mẫu Hợp tác xã Công nghiệp và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 44-CP ngày 29-4-1997 của Chính phủ và hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Thông tư này không áp dụng đối với các loại hình tổ hợp tác.
II. THÀNH LẬP VÀ CHUYỂN ĐỔI HỢP TÁC XÃ GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Các sáng lập viên thành lập hợp tác xã giao thông vận tải phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật - Hợp tác xã và phải có trình độ hiểu biết về ngành nghề giao thông vận tải mà hợp tác xã dự định sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trình tự, thủ tục thành lập hợp tác giả giao thông vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 12, 13 của Luật Hợp tác xã.
2. Các hợp tác xã giao thông vận tải chuyển đổi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16-CP ngày 21-2-1997 của Chính phủ và các quy định tại Thông tư này. Cơ quan quản lý giao thông vận tải các cấp có trách nhiệm giúp đỡ các hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt là các hợp tác xã có quy mô lớn, phạm vi hoạt động liên tỉnh hoặc quốc tế thì Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) giúp đỡ hợp tác xã làm các thủ tục chuyển đổi, sửa đổi bổ sung Điều lệ Hợp tác xã và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
3. Hội nghị thành lập hợp tác xã hoặc Đại hội xã viên chuyển đổi hợp tác xã phải có sự tham gia của cơ quan quản lý giao thông vận tải theo quy định sau :
a) Phòng giao thông vận tải cấp huyện tham gia đối với Hợp tác xã giao thông vận tải có phạm vi hoạt động trên địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
b) Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) tham gia đối với hợp tác xã giao thông vận tải có phạm vi hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố và liên tỉnh.
c) Cục quản lý chuyên ngành, các Vụ chức năng tham gia đối với hợp tác xã giao thông vận tải có phạm vi hoạt động quốc tế.
4. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thích hợp với các loại hình hợp tác xã giao thông vận tải.
a) Loại hình hợp tác xã giao thông vận tải tập trung sản xuất, kinh doanh, thích hợp với các hợp tác xã làm nhiệm vụ kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, xếp dỡ hàng hóa, bến xe, bến thủy nội địa thuộc huyện, sửa chữa, phục hồi, đóng mới phương tiện thiết bị giao thông vận tải, xây dựng duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, dịch vụ vận tải.
Đối với loại hình hợp tác xã tập trung sản xuất, kinh doanh, bộ máy quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã chịu trách nhiệm tổ chức mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, xã viên cùng hưởng lợi nhuận, cùng chịu rủi ro. Hợp tác xã sử dụng vốn góp của xã viên để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Phương tiện, vật tư và cơ sở hạ tầng của hợp tác xã thuộc sở hữu của hợp tác xã.
b) Loại hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ : thích hợp với các hợp tác xã làm nhiệm vụ kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đường bộ và đường thủy nội địa.
Đối với loại hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, trừ các xã viên làm công tác quản lý và dịch vụ của hợp tác xã, lực lượng xã viên chủ yếu của hợp tác xã phải có phương tiện vận tải sở hữu riêng tự quản lý, khai thác phương tiện của mình và tự chịu trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật. Tùy theo đặc điểm, nhiệm vụ của hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, Điều lệ Hợp tác xã và cam kết kinh tế giữa hợp tác xã và xã viên phải quy định cụ thể loại dịch vụ hợp tác xã cung cấp cho xã viên, trách nhiệm về tài chính của hợp tác xã và của xã viên trong việc khai thác phương tiện vận tải thuộc sở hữu của xã viên.
c) Loại hình hợp tác xã giao thông vận tải hỗn hợp vừa thực hiện tập trung sản xuất vừa thực hiện dịch vụ hỗ trợ thích hợp với các hợp tác xã giao thông vận tải, vừa có cơ sở hạ tầng, phương tiện, máy móc thiết bị thuộc sở hữu hợp tác xã, vừa huy động được các chủ phương tiện tham gia vào hợp tác xã để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa hoạt động của hợp tác xã. Cơ chế tổ chức quản lý và điều hành loại hình hợp tác xã này phải phù hợp với các đối tượng xã viên và được phản ánh đầy đủ vào Điều lệ Hợp tác xã được Hội nghị thành lập hoặc Đại hội xã viên thông qua.
5. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà hợp tác xã lựa chọn phải được ghi cụ thể vào Điều lệ của hợp tác xã để làm cơ sở cho việc cấp Giấy phép hành nghề và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã.
6. Vốn điều lệ hợp tác xã giao thông vận tải.
Tùy theo loại hình hợp tác xã giao thông vận tải, vốn điều lệ do Hội nghị thành lập hợp tác xã hoặc Đại hội xã viên chuyển đổi hợp tác xã thông qua, cần đảm bảo mức để duy trì hoạt động quản lý, thực hiện các hợp đồng kinh tế trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã và dự phòng rủi ro.
III. CẤP GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Giấy phép hành nghề giao thông vận tải do cơ quan có thẩm quyền cấp cho hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề dưới đây trước khi hợp tác xã xin đăng ký kinh doanh :
a) Vận tải biển (kể cả viễn dương và ven biển).
b) Vận tải hàng hóa, hành khách bằng phương tiện cơ giới đường bộ (kể cả liên tỉnh, nội tỉnh và quốc tế).
c) Vận tải hàng hóa, hành khách bằng phương tiện cơ giới đường thủy nội địa (kể cả liên tỉnh, nội tỉnh và quốc tế).
d) Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng.
e) Vận tải hành khách bằng phương tiện thô sơ đường bộ, đường thủy nội địa.
g) Xếp dỡ hàng hóa bằng phương tiện cơ giới.
h) Dịch vụ vận tải.
i) Bến xe, bến thủy nội địa thuộc phạm vi huyện.
k) Sửa chữa, phục hồi, đóng mới phương tiện, thiết bị giao thông vận tải.
l) Duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông.
2. Điều kiện cấp Giấy phép hành nghề giao thông vận tải :
a) Hợp tác xã phải có số lượng xã viên tối thiểu theo quy định tại Điều 1, Điều lệ mẫu Hợp tác xã giao thông vận tải ban hành kèm theo Nghị định số 45-CP ngày 29-4-1997 của Chính phủ.
b) Các thành viên Ban Quản trị, Ban Kiểm soát của hợp tác xã phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 14, Điều 17 của Nghị định số 45-CP ngày 29-4-1997, đối với một số chuyên ngành giao thông vận tải còn phải đảm bảo các điều kiện sau đây :
b.1) Chủ nhiệm :
Đối với các hợp tác xã vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển có quy mô lớn hoạt động ở phạm vi liên tỉnh, quốc tế, hợp tác xã dịch vụ vận tải, hợp tác xã xếp dỡ cơ giới và hợp tác xã đóng mới phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, hợp tác xã duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, chủ nhiệm phải có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải từ trung cấp chuyên nghiệp, hoặc tương đương trở lên.
Đối với các hợp tác xã vận tải cơ giới quy mô nhỏ vận chuyển nội tỉnh, nội quận, huyện, hợp tác xã ở miền núi, hải đảo, hợp tác xã bến xe, bến thủy nội địa thuộc huyện, hợp tác xã vận tải thô sơ, chủ nhiệm chỉ cần có kinh nghiệm trong công tác quản lý hợp tác xã.
- Đã qua lớp bồi dưỡng pháp luật giao thông vận tải do các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính hoặc các trường nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải mở và được cấp chứng chỉ.
- Đã công tác trong ngành Giao thông vận tải tối thiểu là 3 năm.
b.2) Các thành viên khác của Ban Quản trị : phải có các điều kiện như Chủ nhiệm hợp tác xã nhưng thời gian công tác trong ngành Giao thông vận tải là 2 năm.
b.3) Thành viên Ban Kiểm soát : phải có kiến thức về quản lý, về kinh tế, tài chính.
b.4) Kế toán trưởng hợp tác xã : phải qua trường lớp đào tạo (theo quy định của Bộ Tài chính).
c) Chủ sở hữu phương tiện của các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ phải qua lớp bồi dưỡng pháp luật về giao thông vận tải do các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính hoặc các trường nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải mở và được cấp chứng chỉ.
d) Các hợp tác xã thành lập mới, cán bộ quản lý và điều hành phải đủ các điều kiện quy định tại mục b. Đối với các hợp tác xã chuyển đổi thì sau 18 tháng cán bộ quản lý và điều hành phải có trình độ như quy định tại mục b.
3. Thủ tục cấp Giấy phép hành nghề :
a) Hợp tác xã nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép hành nghề giao thông vận tải cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề. Hồ sơ gồm :
- Đơn xin cấp Giấy phép hành nghề.
- Biên bản hội nghị thành lập hợp tác xã (theo mẫu 04/ĐKKD-HTX ban hành kèm theo Thông tư số 4-BKH/QLKT ngày 29-3-1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
- Điều lệ hợp tác xã đã được thông qua tại Hội nghị thành lập hợp tác xã hoặc Đại hội xã viên chuyển đổi hợp tác xã (kèm theo danh sách xã viên, địa chỉ, số vốn góp).
- Phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Danh sách trích ngang lý lịch của Ban Quản trị, Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng (kèm theo bản sao các văn bằng, chứng chỉ có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện hay của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ đó).
b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét nếu đủ điều kiện thì cấp cho hợp tác xã Giấy phép hành nghề giao thông vận tải. Nếu hợp tác xã không đủ điều kiện được cấp Giấy phép hành nghề thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề phải trả lời cho hợp tác xã bằng văn bản.
4. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao thông vận tải :
a) Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép hành nghề cho các hợp tác xã kinh doanh vận tải viễn dương, hợp tác xã dịch vụ vận tải.
b) Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy phép hành nghề cho các hợp tác xã kinh doanh vận tải biển nội địa và vận tải biển quốc tế trên các tuyến gần (đi Campuchia, Trung Quốc, Đông Nam Á, Đông Bắc Á).
c) Cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép hành nghề cho các hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải quốc tế bằng phương tiện vận tải đường bộ.
d) Cục Đường sông Việt nam cấp Giấy phép hành nghề cho các hợp tác xã vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải quốc tế bằng phương tiện vận tải thủy nội địa.
e) Các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) cấp Giấy phép hành nghề cho các hợp tác xã vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh, nội tỉnh bằng phương tiện cơ giới đường bộ, đường thuỷ nội địa, hợp tác xã vận tải hành khách bằng phương tiện thô sơ, hợp tác xã xếp dỡ cơ giới, hợp tác xã bến xe, bến thủy nội địa thuộc huyện, hợp tác xã duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông.
5. Thời hạn có giá trị của Giấy phép hành nghề giao thông vận tải gồm hai loại :
a) Loại có giá trị từ 6 tháng đến 18 tháng cấp tạm thời cho các hợp tác xã mà Ban Quản trị, Ban Kiểm soát hoặc Kế toán trưởng chưa đủ điều kiện quy định tại mục b, điểm 2, phần III của Thông tư này.
b) Loại có giá trị 5 năm cấp cho các hợp tác xã có đủ các điều kiện quy định.
6. Giấy phép hành nghề giao thông vận tải áp dụng theo mẫu thống nhất. Cơ quan cấp Giấy phép hành nghề được thu và sử dụng lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
7. Hợp tác xã thay đổi, bổ sung ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc thay đổi phạm vi hoạt động phải xin cấp lại Giấy phép hành nghề.
8. Việc cấp Giấy phép hành nghề cho các Hợp tác xã sửa chữa, phục hồi, đóng mới phương tiện, thiết bị giao thông vận tải thực hiện theo Quyết định số 940-QĐ/PC/KHKT ngày 20-5-1991 của Bộ Giao thông vận tải.
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Các hợp tác xã Giao thông vận tải đã thành lập hoặc chuyển đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã và Nghị định số 16-CP ngày 21-2-1997 trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải xin cấp Giấy phép hành nghề theo những quy định tại Thông tư này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các Cục quản lý chuyên ngành, các Vụ chức năng tham mưu, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình triển khai có gì vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Đào Đình Bình |