Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 33/2000/TT-BTC NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHOÁN BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH THUỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Quyết định số 230/1999/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với một số cơ quan thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan thực hiện thí điểm khoán như sau:

1/ Đối tượng thực hiện khoán chi:

Đối tượng áp dụng các quy định tại Thông tư này là những cơ quan đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt phương án thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Quyết định số 230/1999/QĐ-TTg ngày 17/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ.

2/ Các nội dung thực hiện khoán chi:

Các cơ quan thí điểm được khoán các khoản chi thường xuyên bao gồm:

1. Tiền lương

2. Tiền công

3. Phụ cấp lương

4. Tiền thưởng

5. Phúc lợi tập thể

6. Các khoản thanh toán cho cá nhân

7. Chi thanh toán dịch vụ công cộng

8. Vật tư văn phòng

9. Thông tin, tuyên truyền, liên lạc

10. Hội nghị

11 Công tác phí

12. Chi phí thuê mướn

13. Chi đoàn ra

14. Chi đoàn vào

15. Chi sửa thường xuyên tài sản cố định

16. Chi phí nghiệp vụ chuyên môn

17. Chi khác

3/ Các nội dung không thực hiện khoán chi:

1. Chi sửa chữa theo chu kỳ, sửa chữa lớn trang thiết bị, phương tiện làm việc và trụ sở, nhà công vụ.

2. Chi mua sắm tài sản cố định, cải tạo, xây dựng trụ sở, nhà công vụ;

3. Chi đào tạo cán bộ, công chức.

4/ Việc xây dựng dự toán:

Hàng năm cơ quan thực hiện khoán chi xây dựng dự toán căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán NSNN. Việc xây dựng dự toán cần chi tiết thành hai nội dung:

4.1. Dự toán đối với các nội dung khoán chi:

a/ Dự toán đối với các nội dung khoán chi được xây dựng dựa trên những căn cứ sau:

- Chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

- Tổng quỹ tiền lương được xác định trên cơ sở số biên chế được giao, lương cấp, bậc chức vụ của cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993, Nghị định số 175/1999/NĐ-CP ngày 15/12/1999 của Chính phủ và các văn bản qui phạm pháp luật khác có liên quan đến chế độ chính sách tiền lương.

Tiêu chuẩn định mức, chế độ chi tiêu tài chính của Nhà nước và hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân thành phố phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.

- Tình hình thực hiện chi tiêu của cơ quan các năm 97, 98, 99.

b/ Dự toán được xem xét điều chỉnh trong các trường hợp sau:

- Nhà nước bổ sung, sửa đổi chính sách tiền lương.

- Nhà nước bổ sung sửa đổi các tiêu chuẩn định mức, chế độ trong việc sử dụng các khoản chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước,

- Sáp nhập, chia tách đơn vị thực hiện khoán do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

- Một số trường hợp đặc biệt khác do Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền: Nâng lương trước thời hạn cho những người về hưu sớm; bổ sung trợ cấp cho cán bộ, công chức được giải quyết thôi việc theo quy định tại Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức; các đoàn ra, đoàn vào có tính chất đặc biệt phát sinh ngoài dự kiến.

4.2. Dự toán đối với các nội dung không khoán chi:

Dự toán đối với các nội dung không khoán chi được xây dựng căn cứ vào các quy định hiện hành về xây dựng dự toán năm kế hoạch.

5/ Phân bổ dự toán kinh phí:

Sau khi nhận được số dự toán được giao, cơ quan thí điểm phân bổ kinh phí theo nội dung chi hàng năm và định kỳ hàng quý như sau:

- Đối với kinh phí được giao khoán: phân bổ vào mục chi khác (Mục 134) của Mục lục ngân sách nhà nước.

- Đối với nội dung kinh phí không giao khoán: phân bổ theo mục đích sử dụng phù hợp với Mục lục ngân sách nhà nước.

- Gửi toàn bộ Hồ sơ phân bổ dự toán chi của cơ quan đến cơ quan tài chính và Kho bạc nhà nước đồng cấp để làm căn cứ cấp phát kinh phí.

6/ Cấp phát kinh phí:

Căn cứ vào dự toán kinh phí hàng quý, do cơ quan thí điểm gửi, cơ quan tài chính tiến hành cấp phát kinh phí về đơn vị thông qua Kho bạc nhà nước. Kinh phí cấp phát theo hình thức Hạn mức kinh phí.

- Đối với kinh phí giao khoán được cấp vào mục chi khác (134).

- Đối với kinh phí không giao khoán cấp theo nội dung sử dụng phù hợp với Mục lục NSNN.

7/ Thanh toán kinh phí:

Đối với kinh phí khoán chi: Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trích, chuyển kinh phí theo đề nghị chi của chủ tài khoản. Chủ tài khoản chịu trách nhiệm về quyết định chi tiêu theo đúng chính sách chế độ Nhà nước và theo hướng dẫn của Thông tư này.

- Đối với kinh phí không khoán chi: Kho bạc Nhà nước căn cứ vào dự toán kinh phí của cơ quan hàng quý, tháng thực hiện cấp phát, thanh toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Đối với những khoản mua sắm sửa chữa đơn vị phải thực hiện đấu thầu mua sắm, sửa chữa theo quy định hiện hành.

8/ Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm được:

Các cơ quan thí điểm thực hiện giảm biên chế và tiết kiệm các khoản chi hành chính dưới mức kinh phí khoán được cơ quan tài chính xác nhận sau quyết toán hàng quý, năm thì cơ quan thí điểm được sử dụng cho những nội dung sau:

- Nâng thu nhập cho cán bộ, công chức trong cơ quan theo mức quy định của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ 70% số kinh phí tiết kiệm được. Nội dung chi này được hạch toán vào mục 108 trong Mục lục ngân sách Nhà nước.

- Khen thưởng cho cán bộ, công chức 20% nguồn kinh phí tiết kiệm. Nội dung chi này được hạch toán vào mục 104 trong Mục lục ngân sách Nhà nước.

- Phúc lợi của cơ quan 10%. Nội dung chi này được hạch toán vào mục 105 trong Mục lục ngân sách Nhà nước.

- Hỗ trợ cho các cán bộ, công chức của cơ quan thuộc đối tượng tinh giảm biên chế, giải quyết nghỉ hưu sớm... (nếu có). Nội dung chi này được hạch toán vào mục 105 trong Mục lục ngân sách Nhà nước.

Các tỷ lệ trên có tính chất hướng dẫn, tuỳ theo tình hình thực hiện tiết kiệm chi, thủ trưởng đơn vị quyết định các tỷ lệ chi tăng thu nhập, khen thưởng và phúc lợi cho phù hợp.

Trường hợp chi không hết số kinh phí tiết kiệm được, cơ quan được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng cho việc bổ sung thu nhập, khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ công chức trong cơ quan.

9/ Kế toán và quyết toán kinh phí:

Các đơn vị thực hiện thí điểm khoán chi hành chính thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo quy định tại Quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; và thực hiện quyết toán kinh phí theo Quy định tại Thông tư số 103/1998/BTC-TT, ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính.

- Đối với kinh phí khoán chi: Cơ quan quyết toán kinh phí thực chi theo đúng các mục chi của Mục lục ngân sách Nhà nước, kèm theo bản thuyết minh quyết toán năm, phân tích số kinh phí tiết kiệm được trong năm, sử dụng kinh phí tiết kiệm để bổ sung thu nhập, chi khen thưởng, phúc lợi. Số kinh phí tiết kiệm sử dụng không hết trong năm được hạch toán vào các quỹ bổ sung thu nhập, khen thưởng, phúc lợi để chuyển số dư sang năm sau tiếp tục sử dụng.

- Đối với kinh phí không khoán chi: Quyết toán theo quy định hiện hành. Kinh phí không sử dụng hết đối với các nội dung chi này phải hoàn trả ngân sách nhà nước.

Các phương án khoán chi sau khi được phê duyệt cần gửi về Ban Tổ chức - Cán Bộ Chính phủ và Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát việc thực hiện. Các đơn vị khoán chi thực hiện chế độ báo cáo kế toán và chịu sự kiểm tra giám sát tài chính của cơ quan tài chính các cấp theo chế độ tài chính hiện hành và các quy định của Thông tư này.

10/ Điều khoản thi hành:

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2000 (ngày Quyết định số 230/1999/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành). Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)