Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-TT

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 1956

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VIỆC ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ NỘI VỤ - TÀI CHÍNH – GIÁO DỤC ẤN ĐỊNH VIỆC TRẢ PHỤ CẤP DẠY THÊM CHO GIÁO VIÊN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:
Đồng kính gửi

- Các Khu, Ty Giáo dục, Sở Giáo dục Hà Nội, Hải Phòng
- UBHC cơ sở liên khu và khu
- UBHC thành phố Hà Nội, Hải Phòng
- UBHC các tỉnh

Liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Giáo dục vừa ban hành Nghị định số 331-NĐ ngày 2/6/1956 ấn định việc trả phụ cấp dạy thêm cho giáo viên các cấp thuộc ngành Giáo dục. Bộ giải thích sau đây một số điểm cần thiết để các địa phương thi hành được đúng.

I. - MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

1. - Ngành Giáo dục lĩnh một trách nhiệm quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 1956 để khôi phục kinh tế và bước đầu phát triển văn hóa. Để giúp ngành Giáo dục hoàn thành được kế hoạch, hiện nay Chính Phủ rất quan tâm săn sóc đến ngành Giáo dục về mọi mặt, đặc biệt là về mặt chiếu cố giáo viên.

Việc Chính Phủ cho sửa đổi lại phụ cấp dạy thêm giờ cho giáo viên trong hoàn cảnh kinh tế hiện thời chứng tỏ điều đó và là một cố gắng lớn của Chính Phủ về mặt Tài chính.

2. - Việc tăng phụ cấp dạy thêm trong hoàn cảnh hiện nay của Ngành Giáo dục nhằm mục đích:

a) Giải quyết một phần vấn đề thiếu giáo viên hiện nay trong khi chưa đào tạo đủ giáo viên cung cấp cho nhu cầu.

b) Bồi dưỡng phần nào cho anh em giáo viên phải dạy thêm để đảm bảo được chất lượng giảng dạy.

II. - THỂ THỨC ÁP DỤNG

1. - Sắp xếp các trường chuyên nghiệp để hưởng phụ cấp dạy thêm.

Ngoài số giờ tối đa đã quy định chung và riêng cho từng trường chuyên nghiệp, các giáo viên dạy tại các trường đó nếu dạy thêm sẽ hưởng phụ cấp dạy thêm theo quy định như sau:

- Giáo viên trường Sư phạm sơ cấp, Sư phạm bình dân hưởng theo giá biểu cấp 2.

- Giáo viên trường Sư phạm trung cấp, ngoại ngữ hưởng theo giá biểu cấp 3.

- Giáo viên trường Bổ túc văn hóa dạy chương trình cấp nào hưởng theo giá biểu cấp đó.

2. - Đối tượng áp dụng Nghị định ấn định phụ cấp dạy thêm.

Là tất cả giáo viên quốc lập nằm trong biên chế của ngành Giáo dục (trừ giáo viên lưu dụng đã có chế độ đặc biệt), hiện đang giảng dạy tại các trường thuộc ngành Giáo dục.

Riêng giáo sư và giảng viên đại học đã có quy định riêng.

3. - Những điểm chú ý trong việc trả phụ cấp dạy thêm.

a) Về số giờ tối đa được dạy thêm:

Điều 2 của Nghị định 331-NĐ-LB có quy định là số giờ dạy thêm của giáo viên không qúa 6 tiếng hàng tuần đối với cấp 2, 3 và dự bị đại học và không quá 1 lớp đối với giáo viên cấp 1. Việc quy định như vậy nhằm mục đích bảo đảm chất lượng giảng dạy và sức khỏe cho giáo viên. Các cấp lãnh đạo nhà trường cần nắm vững điểm này để tránh tình trạng công cho anh em dạy thêm quá sức.

b) Trường hợp dạy trong vụ hè:

Nếu vì nhu cầu công tác, giáo viên phải dạy cả trong vụ nghỉ hè ngoài chương trình niên khóa hàng năm, thì những giờ dạy trong vụ hè đó đều được coi như giờ dạy thêm và được tính trả phụ cấp.

Tuy nhiên vì tình hình tài chính còn eo hẹp, số phụ cấp dạy thêm hưởng hàng tháng trong vụ hè không quá lương bản thân cho mỗi giáo viên.

c) Việc cử giáo viên dạy thêm và giấy tờ thanh toán:

- Căn cứ vào nhu cầu nhà trường. Hiệu trưởng đề nghị danh sách giáo viên phải dạy thêm lên Ty Giáo dục duyệt (trường hợp các trường trực thuộc Khu thì do Khu duyệt).

Gặp trường hợp bất thần phải cử giáo viên dạy thêm, thì một mặt Hiệu trưởng cử tiến hành việc cử người dạy thêm, một mặt báo cáo lên Ty hoặc Khu Giáo dục.

- Hàng tháng Hiệu trưởng sẽ cấp giấy chứng nhận cho các giáo viên dạy thêm để làm chứng từ thanh toán. Giấy chứng nhận phải ghi rõ:

- Họ và tên, giáo viên cấp nào.

- Dạy thêm cấp nào, lớp nào.

- Để dạy thêm trong tháng mấy giờ hoặc mấy ngày.

- Tiền phụ cấp được lĩnh, thuộc kinh phí tháng nào.

4. - Vấn đề truy lĩnh phụ cấp dạy thêm từ 1/1/1956.

Điều 6 của Nghị định số 331-NĐ-LB có quy định việc trả phụ cấp dạy thêm cho giáo viên bắt đầu từ 1/1/1956.

Như vậy các Khu, Ty Giáo dục trong khi tỉnh truy lĩnh cho anh em cần chú ý 2 điểm:

a) Khi tính số giờ dạy thêm cho từng giáo viên thì căn cứ vào số giờ tối đa đã quy định để biết những giáo viên nào dạy thêm và đã dạy thêm bao nhiêu:

Số giờ tối đa từ 1/1/1956 đến nay chia ra 2 giai đoạn:

- Từ 1/1/1956 đến 31/3/1956 số giờ tối đa giảng dạy hàng tuần của giáo viên vẫn áp dụng theo thông tư số 48-TT-TKV ngày 31/11/1951 của Bộ Giáo dục.

- Từ 1/4/1956 trở đi thì áp dụng theo Nghị định số 286-NĐ ngày 8/5/1956 của Bộ.

b) Số giờ dạy thêm tính ruy lĩnh phụ cấp từ 1/1/1956 cho đến nay thống nhất lấy 6 tiếng một tuần là tối đa đối với cấp 2, 3 và dự bị đại học (tuy rằng trong thông tư số 48-TT-TKV quy định số giờ dạy thêm tối đa hàng tuần của giáo viên là 8 tiếng) và không quá 1 lớp đối với giáo viên cấp 1.

Vấn đề phụ cấp dạy thêm này được ban hành sẽ gây một niềm phấn khởi và tin tưởng vào chính sách của Đảng và Chính phủ trong hàng ngũ anh em giáo viên. Nhân dịp này các cấp lãnh đạo cần:

1) Một mặt kịp thời giải thích cho anh em nhận rõ thấy mục đích ý nghĩa của việc sửa đổi lại phụ cấp dạy thêm giờ để:

- Đẩy mạnh tinh thần thi đua hoàn thành tốt Kế hoạch Nhà nước năm 1956.

- Ra sức đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Như vậy việc phổ biến sâu rộng những văn bản quy định về phụ cấp thêm là cần thiết. Yêu cầu các địa phuơng sẽ phổ biến các văn bản trên xuống cho từ trường và chỉ thị cho nhà trường kịp thời tổ chức một buổi hướng dẫn việc nghiên cứu cho toàn thể giáo viên.

2) Một mặt khác, các Khu, Ty cố gắng chuẩn bị kinh phí để việc thanh toán tiền truy lĩnh cho anh em được nhanh chóng.

Trong quá trình áp dụng, các địa phương thấy điểm gì còn mắc mứu thì báo cáo ngay cho Bộ biết để giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên