Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 34/1999/TT-BTC NGÀY 1 THÁNG 4 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT

Căn cứ vào Luật thuế giá trị gia tăng số 02/QH ngày 10/5/1997; Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng; Nghị định số 102/1998/NĐ-CP ngày 21/12/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ vào Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp chế xuất như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư:

- Các doanh nghiệp chế xuất thành lập theo quy định tại Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ.

- Các tổ chức, cá nhân trong thị trường nội địa Việt Nam có quan hệ trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ với các doanh nghiệp chế xuất.

2. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng:

Đối tượng chịu thuế GTGT trong phạm vi áp dụng của Thông tư này bao gồm:

- Hàng hoá do các tổ chức, cá nhân trong thị trường nội địa cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất (kể cả hàng gia công cho doanh nghiệp chế xuất), trừ các đối tượng nêu tại Điểm 3, Mục I, Thông tư này.

- Hàng hoá, dịch vụ do các doanh nghiệp chế xuất cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong thị trường nội địa.

3. Đối tượng không chịu thuế GTGT:

- Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào doanh nghiệp chế xuất.

- Dịch vụ do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp cho các doanh nghiệp chế xuất.

- Hàng hoá của các doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài.

- Hàng hoá, dịch vụ trao đổi giữa các doanh nghiệp chế xuất với nhau.

- Dịch vụ do các tổ chức, cá nhân trong thị trường nội địa cung cấp cho các doanh nghiệp chế xuất.

- Hàng hoá, dịch vụ khác quy định tại Điều 4, Chương I, Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

4. Đối tượng nộp thuế GTGT:

Các tổ chức, cá nhân trong thị trường nội địa có quan hệ trao đổi, mua bán hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT với các doanh nghiệp chế xuất là đối tượng nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này.

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THUẾ GTGT

1. Đối với doanh nghiệp chế xuất:

Căn cứ quy định của Luật thuế GTGT và đặc điểm, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp chế xuất, các doanh nghiệp chế xuất không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT.

Khi xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài hay nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp chế xuất phải làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan KCN hoặc tại doanh nghiệp chế xuất theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và pháp luật hải quan Việt Nam.

Hàng hoá, dịch vụ trao đổi giữa các doanh nghiệp chế xuất với nhau không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Các doanh nghiệp chế xuất sử dụng hoá đơn bán hàng thông thường hoặc hoá đơn đặc thù đã được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định chung.

2. Đối với các tổ chức, cá nhân trong thị trường nội địa:

Các tổ chức, cá nhân trong thị trường nội địa có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT với các doanh nghiệp chế xuất là đối tượng nộp thuế GTGT. Việc đăng ký, kê khai tính thuế và nộp thuế thực hiện theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Một số hàng hoá chịu thuế GTGT được xác định cụ thể như sau:

- Hàng hoá từ thị trường nội địa xuất cho doanh nghiệp chế xuất, trừ các đối tượng nêu tại Điểm 3, Mục I, Thông tư này, được coi là hàng hoá xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 0%. Đối tượng xuất khẩu phải có đầy đủ các hồ sơ, chứng từ minh chứng là hàng thực tế đã xuất khẩu theo quy định tại Điểm 1, Mục II, Phần B, Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính.

Riêng đối với các loại sản phẩm có tính đặc thù như điện, nước thì phải có đầy đủ hoá đơn bán hàng và hợp đồng mua bán hợp lệ. Đối với các loại hàng hoá không thuộc diện phải làm thủ tục hải quan theo quy định như lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm... thì phải có đầy đủ hoá đơn bán hàng, hợp đồng mua bán và bảng kê bán lẻ theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 89/1998/TT-BTC.

- Hàng hoá do các doanh nghiệp chế xuất cung cấp vào thị trường nội địa được coi là hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Đối tượng nhập khẩu phải thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các vấn đề khác không hướng dẫn tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998; Thông tư số 175/1998/TT-BTC ngày 24/12/1998 và Thông tư số 20/1999/BTC ngày 10/2/1999 của Bộ Tài chính.

2. Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)