Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2017/TT-BCT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 39/2013/TT-BCT NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2013 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BỔ SUNG, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH KHO XĂNG DẦU, KHO KHÍ HÓA LỎNG, KHO KHÍ THIÊN NHIÊN HÓA LỎNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 8 năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và quản lý đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng công trình kho xăng dầu, kho khí hóa lỏng, kho khí thiên nhiên hóa lỏng.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2013.

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 như sau:

“2. Việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng công trình kho ngoại quan hàng hóa; kho dầu thô, dầu nhờn, nhựa đường lỏng và các sản phẩm hóa dầu khác; bể xăng dầu và bồn chứa LPG của nhà máy lọc hóa dầu; bể xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; trạm nạp nhiên liệu cho ô tô; trạm nạp LPG vào chai; bể chứa xăng dầu chỉ phục vụ nhu cầu của lực lượng vũ trang, nhu cầu nội bộ của doanh nghiệp; trạm cấp, bồn chứa LPG/LNG của các hộ tiêu thụ công nghiệp, chung cư, tòa nhà cao tầng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Quản lý, thực hiện dự án đầu tư công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG.

1. Việc thực hiện quản lý dự án đầu tư công trình xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng công suất kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG phải căn cứ theo quy hoạch được duyệt, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng tại Luật Xây dựng, Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

2. Quản lý chất lượng công trình và bảo trì công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG thực hiện theo quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn đối với công trình công nghiệp dầu khí.

3. Các quy định an toàn công trình dầu khí đối với quản lý dự án đầu tư kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG được thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi đưa công trình vào sử dụng, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành công trình.

a) Khoảng cách an toàn đối với công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG phải được xem xét và tính toán sơ bộ khi lựa chọn địa điểm đầu tư và được nêu cụ thể trong nhiệm vụ thiết kế công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG, phù hợp với quy định tại Nghị định 13/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về an toàn công trình dầu khí trên đất liền.

b) Tài liệu quản lý an toàn đối với công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG được lập và chấp thuận theo quy định tại Quyết định số 04/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí.

c) Kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG thực hiện đánh giá định lượng rủi ro theo quy định tại Thông tư số 50/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 11:2012/BCT về mức độ rủi ro chấp nhận được trong đánh giá định lượng rủi ro cho các hoạt động dầu khí, xăng dầu, hóa chất và nhiệt điện.

d) Tài liệu quản lý an toàn của công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG được chấp thuận là căn cứ để thẩm định, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở.

4. Phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG.

a) Theo quy mô gồm dự án quan trng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C.

- Dự án quan trọng quốc gia: theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công;

- Dự án nhóm A: có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

- Dự án nhóm B: có tổng mức đầu tư từ 60 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng;

- Dự án nhóm C: có tổng mức đầu tư từ dưới 60 tỷ đồng.

b) Đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

c) Theo nguồn vốn sử dụng gồm dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án sử dụng vốn khác.

5. Phân cấp công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG để quản lý dự án đầu tư, xác định thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình và xác định năng lực của các cá nhân, tổ chức hoạt động xây dựng tham gia vào quá trình quản lý và thực hiện dự án như sau:

a) Kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG có tổng dung tích chứa trên 100.000m3: Công trình cấp đặc biệt;

b) Kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG có tổng dung tích chứa từ 5.000 m3 đến 100.000 m3: Công trình cấp I;

c) Kho xăng dầu có tổng dung tích chứa từ 210 m3 đến 5.000 m3; kho LPG, kho LNG có tổng dung tích chứa dưới 5.000m3: Công trình cấp II;

d) Kho xăng dầu có tổng dung tích chứa dưới 210 m3: Công trình cấp III.

6. Nội dung thực hiện đầu tư xây dựng công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG thực hiện theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 11 như sau:

“c) Là cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Công Thương, tổ chức thực hiện thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng, quản lý chất lượng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG theo thẩm quyền.

d) Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG.

đ) Báo cáo định kỳ về nội dung thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng; kế hoạch kiểm tra, kết quả kiểm tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng các công trình xây dựng kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG để gửi Bộ Xây dựng tổng hợp.”

4. Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d khoản 2 Điều 11 như sau:

“c) Tổ chức thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán; kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình và công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG trên địa bàn theo thẩm quyền.

d) Báo cáo định kỳ về nội dung thẩm định dự án, thiết kế, dự toán và quản lý chất lượng công trình của các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG theo quy định và gửi Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương để tổng hợp, theo dõi”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 02 năm 2018.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết/.