Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HOÁ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-VH/TT

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1975

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ KINH DOANH CÁC NGHỀ DO NGÀNH VĂN HOÁ QUẢN LÝ

Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 76-CP ngày 09-04-1974 ban hành Điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và phục vụ thuộc khu vực tập thể và cá thể; Bộ Tài chính cũng đã ra thông tư số 8-TC/TT ngày 25-08-1974 hướng dẫn chung việc thi hành điều lệ đó.

Ngành văn hoá có trách nhiệm thực hiện tốt bản điều lệ trên trong phạm vi của mình, dưới đây Bộ văn hóa hướng dẫn một số điểm cần thiết.

I. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN VĂN HOÁ HUYỆN, KHU PHỐ, THỊ XÃ TRONG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành văn hoá, đồng thời làm tốt nhiệm vụ thành viên của Hội đồng đăng ký kinh doanh, cần làm những việc cụ thể dưới đây:

1. Nắm vững yêu cầu phục vụ, khả năng phục vụ cùng với khả năng cung cấp vật tư mà đề xuất việc quy hoạch những nghề, những mặt hàng có thể tổ chức kinh doanh thuộc khu vực tập thể và cá thể. Trên tinh thần phát triển mạng lưới quốc doanh đến mức cần thiết mà quy hoạch mạng lưới kinh doanh tập thể và cá thể trong ngành.

2. Giúp Ủy ban hành chính xem xét, thẩm tra đơn xin cấp đăng ký kinh doanh và đề xuất ý kiến giải quyết. Đối với những người xin đăng ký kinh doanh một trong những nghề sau đây thì cần có giấy chứng nhận về tiêu chuẩn và tư cách hành nghề của cơ quan công an như chụp ảnh, in ảnh, phóng ảnh và tráng phim ảnh; cho thuê sách cũ v.v....

3. Không xét cấp đăng ký kinh doanh những nghề, những mặt hàng sẽ nói ở phần II, mục B dưới đây.

4. Hướng dẫn các tổ chức tập thể và các hộ cá thể được cấp đăng ký kinh doanh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp làm ăn phi pháp dưới mọi hình thức.

II. NHỮNG NGHỀ VÀ NHỮNG MẶT HÀNG THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH VĂN HOÁ

Bộ quy định những nghề, những mặt hàng được xét cấp đăng ký kinh doanh và không được xét cấp đăng ký kinh doanh như sau:

A. Được xét cấp đăng ký kinh doanh các nghề:

- Bán sách theo Quyết định số 06-QĐ ngày 03-01-1964 của Bộ văn hóa ban hành chế độ hoa hồng phát hành sách; mua bán sách cũ và cho thuê sách cũ; bán các văn hoá phẩm khác như ảnh chụp, bưu ảnh, bưu thiếp v.v....;

- Kẻ vẽ các loại quảng cáo, các loại tranh tết theo Thông tư số 2-TT/VH ngày 9-1-1972 của Bộ văn hóa;

- Sáng tác, phục chế các loại phù điêu, tượng (sáng tác và phát hành các tượng và phù điêu có hình lãnh tụ sẽ có quy định riêng);

- Chụp ảnh, in, phóng ảnh và tô màu ảnh theo Nghị định số 1408-NĐ/VH ngày 27-12-1957 của Bộ văn hóa;

- Sản xuất và sửa chữa nhạc cụ.

B. Không được cấp đăng ký kinh doanh các nghề:

- In, bao gồm bằng chữ rời ; in bằng các loại bản gỗ, đá, nhựa, chì, kẽm ; in chữ trên giấy ; in chữ trên phim;

- Mua, bán các loại phim, bao gồm phim điện ảnh, phim chụp ảnh, kể cả phim sống và phim đã quay, đã chụp;

- Mua, bán các loại giấy ảnh, thuốc ảnh, máy phóng và các loại dụng cụ về ảnh;

- Mua, bán đĩa hát các loại, kể cả bản nhạc, băng thu nhạc và các loại hình thức thu nhạc khác; mua, bán băng ghi âm các loại;

- Mua, bán vật cổ các loại (xem bản phụ lục kèm theo)

Không được cấp đăng ký kinh doanh cho các đoàn nghệ thuật tư nhân.

Cấm cấp đăng ký mua, bán các loại phim ảnh, văn hoá phẩm khác hoặc các loại tài liệu khác mang tính chất tuyên truyền : có nội dung lạc hậu, đồi truỵ hoặc không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của nước ta.

Không cấp đăng ký kinh doanh những nghề, những mặt hàng không thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hoá, như nghề làm phù hiệu, huy chương, huân chương,v.v...

III. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH DOANH

Chỉ xét cấp đăng ký kinh doanh cá thể đối với một số nghề, một số mặt hàng cá biệt có ít người làm, còn thì nên tập hợp những người kinh doanh cùng nghề, cùng mặt hàng ở cùng khu vực hành chính vào các hình thức tổ chức hợp tác xã để xét cấp đăng ký kinh doanh có tính cách tập thể.

Tổ nghề nghiệp:là hình thức thấp, có thể áp dụng cho những người làm nghề in ảnh, phóng và tô màu ảnh, kẻ vẽ tranh ảnh quảng cáo và truyền thần; sửa chữa các loại nhạc cụ... để họ tương trợ giúp đỡ nhau thực hiện điều lệ đăng ký, chấp hành tốt các chế độ, chính sách. Tổ viên tự mua bán, lời lỗ tự chịu, hoặc làm riêng, hưởng riêng. Tổ bầu ra tổ trưởng, có nội quy, có quỹ xã hội do tổ viên đóng góp để dùng vào việc sinh hoạt của tổ.

Tổ hợp tác:gồm những người kinh doanh cùng nghề, cùng mặt hàng, tự nguyện hợp tác với nhau về lao động, thiết bị kỹ thuật và tiền vốn, cùng kinh doanh, lỗ lãi cùng chịu. Tổ áp dụng nguyên tắc phân phối theo lao động. Tổ có quỹ xã hội để tương trợ nhau, có tích luỹ để mở rộng và cải tiến kinh doanh. Tổ có nội quy hoạt động, tổ bầu ra tổ trưởng, tổ phó, thủ quỹ, thư ký và kiểm soát viên điều khiển và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về công việc của tổ.

Hợp tác xã: Gồm nhiều tổ hợp tác hợp thành, hình thức này được áp dụng cho các nghề chụp ảnh, in, phóng và tô màu ảnh,v.v...

VI. VẤN ĐỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các Phòng văn hoá thông tin huyện, thị xã, khu phố có trách nhiệm phối hợp với chính quyền xã, các tiểu khu để hướng dẫn tổ chức việc kinh doanh trong ngành thuộc khu vực tập thể và cá thể được tốt, chính thức công nhận tổ trưởng và danh sách tổ viên. Các Sở, Ty văn hoá thông tin căn cứ thông tư số 681-VH/TT ngày 28-1-1958 của Bộ văn hóa về việc phân cấp quản lý trong ngành để thực hiện và chỉ đạo thực hiện trong địa phương, trong ngành được tốt.Bộ quy định hàng quý các Sở, Ty báo cáo tình hình thực hiện cho các Cục quản lý và đồng ý gửi cho Bộ (Vụ tài vụ).

Để thống nhất việc áp dụng một số chế độ, chính sách và thực hiện việc phân phối nguyên vật liệu cho một số mặt hàng trong công tác này; căn cứ sự phân công của Bộ, Bộ giao cho một số cơ quan nghiên cứu và trình Bộ ban hành các vấn đề sau đây:

- Cục điện ảnh nghiên cứu các chế độ chính sách cho các hợp tác xã chụp ảnh, in ảnh, phóng và tô màu ảnh;

- Cục điện ảnh phối hợp với Công ty vật tư ngành văn hoá thuộc Bộ nghiên cứu việc mua, nhận và phân phối các loại phim, các loại giấy ảnh, thuốc ảnh và các loại máy chụp ảnh phụ tùng;

- Cục mỹ thuật nghiên cứu những quy định về sáng tác và phát hành các tượng và phù điêu có hình lãnh tụ;

- Cục bảo tồn, bảo tàng giúp Sở Văn hoá thông tin Hà Nội nghiên cứu mở cửa hàng quốc doanh, giúp nhân dân mua bán trao đổi vật cổ.

Các cơ quan văn hoá các cấp cần thực hiện việc kiểm tra, kịp thời giúp Ủy ban hành chính giải quyết hoặc xử lý các vụ vi phạm chế độ, chính sách, các trường hợp làm ăn phi pháp, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan ở địa phương như thương nghiệp, tài chính, công an, v.v...và nếu có điều gì vướng mắc thì cần kịp thời báo cáo và xin ý kiến của Bộ.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Quỳ

BẢN PHỤ LỤC

(kèm theo Thông tư số 35-VH/TT ngày 14-5-1975 của Bộ văn hóa)

Căn cứ vào những quy định trong các văn bản hiện hành như Nghị định số 519-TTg ngày 29-10-1957 của Hội đồng Chính phủ quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích, Nghị định số 100-CP ngày 1-6-1966 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý xuất nhập khẩu văn hoá phẩm; Thông tư liên bộ số 1830-LT/TT ngày 25-1-1967 của Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài – Bộ văn hóa- Bộ Ngoại thương giải thích và hướng dẫn thi hành nông nghiệp Nghị định số 100-CP; Bộ ghi lại những quy định đó vào bản phụ lục này để thống nhất không cấp đăng ký cho kinh doanh các loại văn hoá phẩm và các đồ vật khác sau đây:

Di vật lịch sử và vật cổ gồm:

- Dụng cụ sản xuất bằng đá, đồng, sắt, gỗ, tre, nứa các phương tiện vận tải, các đồ nấu bếp bằng gốm, sành, sứ, đồng thau và các đồ dùng khác để trong nhà đã lâu đời, hoặc có nghệ thuật cao;

- Sản phẩm nghệ thuật lâu đời như tranh vẽ, hình khắc tượng, các phiến đá, mãnh gỗ có khắc, chạm nghệ thuật lâu đời;

- Các loại sách, vở in hoặc viết bằng bất cứ thứ chữ nào có giá trị về lịch sử, văn học, khoa học kỹ thuật nghề nghiệp, các tài liệu, các văn bản cũ, các đồ văn phòng, ấn loát, trang phục, ca nhạc, du hý đã lâu đời;

- Cân, đấu, thước đo và các thứ tiền tệ cũ như bạc nén, vàng thoi hoặc những vật gì khác trước kia dùng làm tiền;

- Binh khí, đồ dùng để thi hành những hình phạt thời trước;

- Những tài liệu, văn tự, những tài liệu cách mạng và kháng chiến;

- Những di vật của các danh nhân, của các lãnh tụ cách mạng.

Tác phẩm mỹ nghệ gồm:

- Những tác phẩm thể hiện cuộc sống, mỗi cái có giá trị riêng biệt như : bức hoạ, bức phù điêu...;

- Những đồ mỹ nghệ cổ mà nay không làm lại;

- Những đồ mỹ nghệ mới làm ra trong những năm gần đây, nhưng nay không làm lại nữa.

Đồ thờ cúng gồm: Những hiện vật thường bầy trên bàn thờ ở đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ, như : những cây đèn, bình hương, bát chén, hũ bằng sành, bằng sứ....vũ khí, nhạc cụ, y phục.