Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-NV

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 1961

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI HỌC

Kính gửi:

- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ
- Các cơ quan trực thuộc Phủ Thủ tướng
- Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

Căn cứ vào các chế độ đã ban hành đối với cán bộ, công nhân, viên chức đi học, Bộ Nội vụ thống nhất ý kiến với các Bộ liên quan giải quyết cụ thể một số đối tượng sau đây:

I. Công nhân, nhân viên miền Nam trong biên chế, sau khi tập kết ra Bắc được giới thiệu đi học các trường học sinh miền Nam, hiện nay đang học ở các trường Đại học, Trung cấp, Bổ túc văn hóa công nông:

Những công nhân, nhân viên miền Nam đã thực sự tham gia công tác thoát ly liên tục trong kháng chiến cho đến ngày được giới thiệu đi học các trường học sinh miền Nam (có sự xác nhận của cán bộ phụ trách cơ quan, đơn vị lúc bấy giờ) và hiện nay đang học ở các trường Đại học, Trung cấp, Bổ túc văn hóa công nông thì được hưởng chế độ cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế đủ tiêu chuẩn được giới thiệu đi học.

Những anh chị em này đi học đã lâu nên không có cơ sở xếp lương để định sinh hoạt phí: vì vậy được hưởng các quyền lợi sau đây:

1. Sinh hoạt phí mỗi tháng 32đ80.

2. Các chế độ ốm đau, thai sản v.v…

3. Không phải trả tiền nhà ở, điện, nước, tiền in tài liệu học tập.

4. Nếu đi học ở ngoài nước thì được để tiền lại ở trong nước như cán bộ, công nhân, viên chức đi học ở ngoài trên cơ sở 32đ80.

II. Cán bộ, công nhân, viên chức miền Nam đi sản xuất tập đoàn, hiện đang học các trường Đại học, Trung cấp, Bổ túc văn hóa công nông:

Chế độ đối với cán bộ, công nhân, viên chức miền Nam ở trong biên chế tình nguyện đi sản xuất tập đoàn, rồi được tái tuyển vào biên chế hoặc trước khi đi học tập đoàn ấy đã chuyển thành nông trường quốc doanh hay xí nghiệp quốc doanh, đã được quy định trong Thông tư số 13-NV ngày 11-03-1961 của Bộ Nội vụ. Riêng những cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế và cán bộ chủ chốt xã, v.v… trước khi đi học vẫn ở tập đoàn thì nay quy định cụ thể như sau:

Cán bộ, công nhân, viên chức miền Nam đi sản xuất tập đoàn, trước khi được giới thiệu đi học vẫn ở tập đoàn, nếu thuộc những đối tượng đã quy định trong công văn số 3072-BI ngày 15-08-1960 của Ủy ban Thống nhất thì suốt thời gian học tập vẫn hưởng sinh hoạt phí mỗi tháng 32đ80 như đã quy định trong công văn số 338-BI ngày 28-03-1960 của Ủy ban Thống nhất và được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, v.v… quy định trong Thông tư số 287-TTg ngày 21-11-1960 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 70-NV/CB ngày 16-12-1960 của Bộ Nội vụ.

Suốt trong thời gian học tập tất cả những anh chị em trên không phải trả tiền nhà ở, điện, nước và tiền in tài liệu học tập.

III.Lưu học sinh, nghiên cứu sinh là cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế.

Những cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế được giới thiệu đi học ở ngoài nước (lưu học sinh, nghiên cứu sinh), ngoài tiêu chuẩn về chính trị, văn hóa, tuổi, sức khỏe ra, còn phải có thời gian công tác thoát ly liên tục bằng thời gian quy định cho những đối tượng cán bộ, công nhân, viên chức đi học các trường Đại học, Trung cấp trong nước (cùng niên khóa) thì mới được hưởng quyền lợi ở trong nước như Thông tư số 287-TTg ngày 21-11-1960 đã quy định. Trường hợp có người không đủ tiêu chuẩn thâm niên đã quy định, thì thời gian học tập ngoại ngữ ở trong nước cũng như khi học ở ngoài nước, chỉ hưởng các chế độ như sinh viên, học sinh thường.

*

* *

Thông tư này thi hành từ ngày 01-07-1961. Riêng đối với lưu học sinh, nghiên cứu sinh là cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế, nhưng không đủ tiêu chuẩn thâm niên để hưởng quyền lợi trong nước, vì cần có thời gian để phổ biến, nên bắt đầu thi hành từ 01-08-1961.

Đề nghị các Bộ, các cơ quan phổ biến kỹ những văn bản đã ban hành cho các trường để bảo đảm việc thi hành chế độ sát, đúng và thống nhất.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Phan Kế Toại