Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 37/2011/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2011

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 31/2008/QĐ-BGDĐT NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 2008 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BAN HÀNH QUY ĐỊNH BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 62/2007/QĐ-BGDĐT NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2007 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUY ĐỊNH NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TUYỂN DỤNG GIÁO VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP VÀ TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 về đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành; Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và triển khai việc kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm" và "Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên"như sau:

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 10 của "Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm" (sau đây gọi tắt là Quyết định 31/2008/QĐ-BGDĐT) như sau:

1. Điều 5, Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 5. Thủ tục Giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các cơ sở giáo dục đại học

1. Quy định về mẫu về tờ trình, đề án bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với từng đối tượng bồi dưỡng cho các cơ sở bồi dưỡng khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 của Quy định này. Cơ sở bồi dưỡng có nhu cầu đăng ký nhận nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cần lập hồ sơ đăng ký nhận nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, hồ sơ gồm có:

a) Tờ trình đăng ký nhận nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng (mẫu Tờ trình quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này);

b) Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng (mẫu Đề án quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này).

2. Quy trình giao nhiệm vụ:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo Điều 4 của Quy định này. Trường hợp cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ các điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trong trường hợp cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các điều kiện quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo kết quả thẩm định và nêu rõ lý do bằng văn bản.

3. Quy định số bộ hồ sơ là 01 bộ.”.

2. Điều 10, Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Thủ tục Đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

1. Hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng do cơ sở bồi dưỡng được giao nhiệm vụ quy định.

2. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cơ sở bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước khi xét tuyển.”.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 13 của Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên (sau đây gọi tắt là Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT) như sau:

1. Khoản 1, Điều 5, Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Đơn đăng ký dự tuyển viên chức (mẫu Đơn đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này). Người đăng ký dự tuyển phải cam kết trong đơn đăng ký dự tuyển về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành đã được thông báo công khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bản chụp văn bằng, chứng chỉ và giấy tờ liên quan khác nộp trong hồ sơ đăng ký dự tuyển; cam kết về việc tình nguyện phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo (nếu có)”.

2. Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Bản sao (không phải công chứng hoặc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền) các văn bằng, chứng chỉ và bảng kết quả học tập phù hợp với yêu cầu của ngạch dự tuyển, giấy chứng nhận thuộc đối tượng được hưởng ưu tiên trong tuyển dụng (nếu có). Khi trúng tuyển, người đăng ký tuyển dụng phải mang bản chính đến cơ quan tuyển dụng để đối chiếu.”

3. Bãi bỏ khoản 6, Điều 5, Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT.

4. Mục c, khoản 5, Điều 13, chương IV, Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT được sửa đổi như sau:

"c) Sau khi có quyết định công nhận kết quả tuyển dụng của cơ quan có thẩm quyền, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng làm việc theo quy định và báo cáo danh sách tuyển dụng về cơ quan có thẩm quyền quản lý giáo viên để kiểm tra, theo dõi."

Điều 4. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2011.

Điều 5. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.