Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

B LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2015/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2015

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA, CẤP VÀ QUẢN LÝ VIỆC CẤP CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA

Căn cứ Luật việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyn hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một s điu của Luật việc làm về đánh giá, cấp chng chỉ kỹ năng ngh quốc gia;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về chứng chỉ kỹ năng ngh quốc gia, cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ kỹ năng ngh quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận, cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; đổi, cấp lại, hủy bỏ và thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; người đề nghị cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc công nhận, cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ, thu hồi và quản lý cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Chương II

CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA

Điều 3. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

1. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là chứng nhận một người lao động có đủ khả năng thực hiện các công việc đạt yêu cầu ở một bậc trình độ kỹ năng của một nghề.

2. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gồm có 05 (năm) loại được phân theo 05 (năm) bậc, từ bậc I đến bậc V, cụ thể như sau:

a) Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc I;

b) Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc II;

c) Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc III;

d) Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc IV;

đ) Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc V.

3. Hình thức và nội dung của chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo Mẫu tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Quy định số hiệu trên chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

1. Số hiệu chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gồm có: số thứ tự, mã hiệu vùng và năm cấp chứng chỉ.

2. Cách đánh số thứ tự và mã hiệu vùng của số hiệu chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

CẤP CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA

Điều 5. Thẩm quyền công nhận và cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện việc công nhận và cấp, đổi, cấp lại và hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

1. Hồ sơ đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đạt yêu cầu bao gồm:

a) Văn bản đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề theo Mẫu 01, Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Danh sách đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho những người đạt yêu cầu theo Mẫu 02, Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này và đính kèm theo từng người có tên trong danh sách 01 (một) ảnh màu nền màu trắng cỡ 03 x 04 cm kiểu chứng minh nhân dân của người đó;

c) Quyết định của người đứng đầu tổ chức đánh giá kỹ năng nghề công nhận kết quả đánh giá của ban giám khảo có kèm theo bản tổng hợp kết quả điểm bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành của người lao động tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia do ban giám khảo lập với đầy đủ thành viên trong ban giám khảo ký tên xác nhận kết quả đánh giá.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người đạt huy chương tại hội thi tay nghề thế giới, hội thi tay nghề ASEAN và người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại hội thi tay nghề quốc gia của Ban tổ chức thi tay nghề thực hiện theo Mẫu 01, Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị đổi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Hồ sơ đề nghị đổi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia quy định tại Điều 3 của Thông tư này cho người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trước ngày 15 tháng 5 năm 2015, gồm có:

1. Tờ khai đề nghị đổi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo Mẫu 02, Phụ lục 04 ban hành kèm Thông tư này và 01 (một) ảnh màu nền màu trắng cỡ 03 x 04 cm kiểu chứng minh nhân dân của người đó;

2. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã được cấp và bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng của người đó để đối chiếu.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được cấp lại trong các trường hợp có đề nghị sửa đổi một số nội dung ghi trên chứng chỉ đã cấp do người được cấp chứng chỉ có sự thay đổi, cải chính hộ tịch hoặc do chứng chỉ đã được cấp bị hư, hỏng do rách, nát hoặc bị mất. Hồ sơ đề nghị gồm có:

1. Tờ khai đề nghị cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo Mẫu 02, Phụ lục 05 ban hành kèm Thông tư này và 01 (một) ảnh màu nền màu trắng cỡ 03 x 04 cm kiểu chứng minh nhân dân của người đó;

2. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã được cấp (trừ trường hợp chứng chỉ đã cấp bị mất) và bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng của người đó để đối chiếu;

3. Đối với trường hợp có sự thay đổi, cải chính về hộ tịch phải gửi kèm bản sao chứng thực hộ tịch có nội dung thay đổi, cải chính hoặc bản chụp hộ tịch đó (xuất trình kèm bản chính để đối chiếu khi nộp trực tiếp).

Điều 9. Trình tự, thủ tục đề nghị công nhận và cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

1. Trình tự, thủ tục công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đạt yêu cầu được thực hiện như sau:

a) Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trực tiếp nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, quyết định công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Trình tự, thủ tục công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với người đạt huy chương tại hội thi tay nghề thế giới, hội thi tay nghề ASEAN và người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại hội thi tay nghề quốc gia được thực hiện như sau:

a) Ban tổ chức thi tay nghề trực tiếp nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, quyết định công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

3. Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với các trường hợp quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này được thực hiện như sau:

a) Người có nhu cầu đối chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc người có đề nghị cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trực tiếp nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 của Thông tư này hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và đổi hoặc cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; trường hợp không đổi hoặc không cấp lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 10. Hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

1. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã cấp bị hủy bỏ, thu hồi trong trường hợp sau:

a) Gian lận nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

b) Giả mạo giấy tờ, văn bản có trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

2. Khi phát hiện có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã cấp.

Điều 11. Trách nhiệm của người đề nghị công nhận và cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Người đề nghị công nhận và cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung trong hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định tại Thông tư này.

Chương IV

QUẢN LÝ VIỆC CẤP CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA

Điều 12. Công bố thông tin về cấp, đổi, cấp lại và hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

1. Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày quyết định công nhận và cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã cấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ về danh sách những người đã được cấp, đổi, cấp lại hoặc bị hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã cấp.

2. Thông tin được công bố trên trang điện tử phải bảo đảm chính xác và thường xuyên được cập nhật; bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm.

Điều 13. Báo cáo về việc cấp, đổi, cấp lại và hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

1. Định kỳ cuối tháng 6 và cuối tháng 12 hàng năm, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề gửi báo cáo các số liệu về người lao động tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đạt yêu cầu đã được cấp và nhận chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo từng bậc trình độ kỹ năng của từng nghề về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

2. Định kỳ cuối tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp và công bố tình hình cấp, đổi, cấp lại và hủy bỏ, thu hồi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; kiểm tra, đối chiếu và ghi đầy đủ, chính xác các nội dung trên chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

2. Tổ chức in và quản lý phôi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; quy định các biểu mẫu báo cáo, sổ sách quản lý nghiệp vụ liên quan đến cấp, đổi, cấp lại và chuyển phát chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

3. Ghi chép chính xác và đầy đủ các nội dung trong sổ sách quản lý nghiệp vụ và quản lý, lưu trữ sổ sách quản lý nghiệp vụ liên quan đến cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

4. Thiết lập hệ thống mạng thông tin kết nối với các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu về cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trên phạm vi toàn quốc và hệ thống báo cáo được tin học hóa phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo thuận tiện cho việc xử lý, tra cứu.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư này.

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề

1. Quyết định công nhận kết quả đánh giá của Ban giám khảo theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

2. Ghi chính xác, đầy đủ nội dung trong danh sách đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho những người đạt yêu cầu theo Mẫu 02, Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này; đối với các thông tin về cá nhân của từng người phải kiểm tra, đối chiếu với chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của từng người.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung trong hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định tại Thông tư này;

4. Ghi chép chính xác và đầy đủ các nội dung trong sổ chuyển, phát chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và quản lý, lưu trữ sổ chuyển, phát chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

5. Thực hiện việc chuyển, phát chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đến người được cấp chứng chỉ và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2015.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Thanh tra Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc đề nghị cấp, đổi, cấp lại chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trong phạm vi toàn quốc.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đạt yêu cầu tại các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.