Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2017//TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP QUY ĐỔI TỪ GIÁ TÍNH THUẾ TÀI NGUYÊN ĐỂ XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Căn cứ Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định phương pháp quy đổi từ giá tính thuế tài nguyên để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết khoản 5 Điều 69 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản và các cơ quan nhà nước có liên quan đến thực hiện công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Điều 3. Xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

1. Công thức xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (G):

G = Gtn x K

Trong đó:

a) G là giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở quy đổi từ giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng);

b) Gtn là giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành có hiệu lực tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đơn vị tính là đồng/đơn vị sản phẩm tài nguyên);

c) Kqđ là hệ số quy đổi được xác định từ giá tính thuế tài nguyên (đơn vị là đồng/đơn vị sản phẩm tài nguyên) sang giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đơn vị là đồng/đơn vị trữ lượng).

2. Nguyên tắc xác định hệ số quy đổi K:

a) Hệ số quy đổi Kqđ được xác định phụ thuộc vào chất lượng khoáng sản hoặc giá tính thuế tài nguyên (Gtn) quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hoặc hệ số nở rời (Hn) quy định tại điểm e khoản 3 Điều này;

b) Các trường hợp phải xác định hệ số quy đổi K được quy định tại Điều 4 Thông tư này; trường hợp áp dụng hệ số quy đổi Kqđ bằng 1 (Kqđ = 1) được quy định tại Điều 5 Thông tư này;

c) Việc xác định hệ số quy đổi K đối với từng nhóm, loại khoáng sản thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này;

d) Hệ số quy đổi Kqđ được làm tròn và lấy đến số thập phân thứ ba;

Ví dụ: K = 0,2532133, được làm tròn K = 0,253.

đ) Các thông số khi xác định hệ số quy đổi Kqđ được quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Các thông số khi xác định hệ số quy đổi K bao gồm:

a) Cm là hàm lượng kim loại trung bình trong mỏ được xác định bằng tổng trữ lượng kim loại chia (:) cho tổng trữ lượng quặng kim loại được ghi trong Quyết định do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, cụ thể theo công thức:

Cm = Qkl : Qq

Trong đó:

- Qkl là tổng trữ lượng kim loại được phê duyệt;

- Qq là tổng trữ lượng quặng kim loại ghi trong quyết định phê duyệt hoặc trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản.

Ví dụ: Quyết định phê duyệt trữ lượng ghi là 1.936.000 (tấn) quặng đồng nguyên khai tương ứng với trữ lượng kim loại Cu là 20.659 (tấn). Căn cứ công thức nêu trên, hàm lượng Cm được tính như sau:

Cm = 20.659 (tấn) : 1.936.000 (tấn) x 100% ≈ 1,067% (đã làm tròn)

b) Cmax là hàm lượng kim loại lớn nhất được quy định trong bảng giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

c) Cmin là hàm lượng kim loại nhỏ nhất được quy định trong bảng giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

d) C là hàm lượng kim loại được quy định trong bảng giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

đ) Ctq là hàm lượng trung bình của kim loại trong tinh quặng để xác định giá tính thuế tài nguyên;

e) Hn là hệ số nở rời để chuyển đổi thể tích từ trạng thái tự nhiên (khoáng sản chưa khai thác trong lòng đất) sang trạng thái nguyên khai (khoáng sản nguyên khai) được xác định theo đặc tính cơ lý của từng loại, nhóm khoáng sản và được làm tròn đến số thập phân thứ ba;

Ví dụ: Hn = 1,475128, được làm tròn Hn = 1,475.

g) D là thể trọng tự nhiên của khoáng sản (khối lượng khoáng sản ở trạng thái tự nhiên trên một đơn vị thể tích) được xác định trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đã được phê duyệt.

Điều 4. Trường hợp phải xác định hệ số quy đổi K

1. Giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành không có mức giá đối với khoáng sản nguyên khai (khoáng sản sau khai thác).

2. Giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có mức giá đối với khoáng sản nguyên khai (khoáng sản sau khai thác) nhưng có đơn vị tính (thứ nguyên) không cùng đơn vị tính với đơn vị trữ lượng khoáng sản được cấp phép.

Ví dụ: Trữ lượng khoáng sản cấp phép khai thác (trong lòng đất) có đơn vị là m3 (hoặc tấn), trong khi khoáng sản nguyên khai sau khai thác (đã nở rời) có đơn vị là m3.

Điều 5. Trường hợp áp dụng hệ số quy đổi K bằng 1 (K = 1)

Hệ số quy đổi K bằng 1 (K = 1) được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có mức giá đối với khoáng sản nguyên khai (khoáng sản sau khai thác).

Ví dụ: đá khối làm ốp lát; các loại nước khoáng; than sạch trong nguyên khai; cao lanh nguyên khai.

2. Giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có mức giá theo quặng kim loại tương ứng với trữ lượng khoáng sản được cấp ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản là quặng kim loại.

Cách xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho trường hợp này được quy định cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

Điều 6. Xác định hệ số quy đổi Kqđ đối với nhóm khoáng sản kim loại

1. Công thức xác định hệ số quy đổi K đối với các trường hợp giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo khoảng hàm lượng quặng kim loại:

a) Trường hợp hàm lượng kim loại thực tế trung bình trong mỏ (Cm) nằm trong các khoảng hàm lượng quặng kim loại đó thì giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bằng (=) giá tính thuế tài nguyên đã ban hành tương ứng ở khoảng hàm lượng quặng kim loại này, cụ thể theo công thức sau:

Kqđ = 1

Ví dụ: giá tính thuế tài nguyên do tỉnh TN được ban hành theo các khoảng hàm lượng quặng sunfua chì - kẽm (Pb + Zn) như sau:

Bảng 1

STT

Loại khoáng sản

Giá tính thuế TN (đồng/tấn)

1

Quặng sunfua chì - kẽm (hàm lượng chì + kẽm < 10%)

1.100.000

2

Quặng sunfua chì - kẽm 10% ≤ (hàm lượng Pb+Zn) < 15%

1.200.000

3

Quặng sunfua chì - kẽm 15% ≤ (hàm lượng Pb+Zn) < 20%

1.500.000

4

Quặng sunfua chì - kẽm 20% ≤ (hàm lượng Pb+Zn) < 25%

2.500.000

5

Quặng sunfua chì - kẽm (hàm lượng Pb+Zn ≥ 25%)

3.000.000

Sau khi xác định Cm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư này, nếu mỏ A1 có hàm lượng kim loại sunfua chì - kẽm trung bình trong mỏ Cm = 16,8% (Pb + Zn) thì giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được lấy đúng bằng giá tính thuế tài nguyên trong khoảng hàm lượng quặng sunfua chì - kẽm (Pb + Zn) từ 15% đến 20% là 1.500.000 đồng/tấn (Mục 3 Bảng 1 nêu trên); tương tự nếu mỏ A2 có hàm lượng kim loại sunfua chì - kẽm trung bình trong mỏ Cm = 24,5% (Pb + Zn) thì giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được lấy đúng bằng giá tính thuế tài nguyên trong khoảng hàm lượng quặng sunfua chì - kẽm (Pb + Zn) từ 20% đến 25% là 2.500.000 đồng/tấn (Mục 4 Bảng 1 nêu trên).

b) Trường hợp hàm lượng thực tế kim loại trung bình trong mỏ theo quyết định phê duyệt trữ lượng (Cm) lớn hơn hàm lượng quặng kim loại lớn nhất (Cmax) được quy định trong bảng giá tính thuế tài nguyên thì hệ số quy đổi K được xác định bằng hàm lượng thực tế kim loại trung bình (Cm) chia (:) cho hàm lượng quặng kim loại lớn nhất (Cmax), cụ thể theo công thức:

K = Cm : Cmax

Ví dụ: Theo quyết định phê duyệt trữ lượng, mỏ B có hàm lượng thực tế kim loại sunfua chì - kẽm (Pb + Zn) trung bình là Cm = 26%; trong khi tại bảng giá tính thuế tài nguyên do tỉnh TN ban hành có hàm lượng quặng sunfua chì - kẽm (Pb + Zn) lớn nhất là 25% (Mục 5 Bảng 1 nêu trên). Khi đó hệ số K được xác định là:

K = 26% (Cm) : 25% (Cmax) = 1,040

c) Trường hợp hàm lượng kim loại thực tế trung bình trong mỏ theo quyết định phê duyệt trữ lượng (Cm) nhỏ hơn hàm lượng quặng kim loại nhỏ nhất (Cmin) được quy định trong bảng giá tính thuế tài nguyên thì hệ số quy đổi K xác định bằng hàm lượng kim loại thực tế trung bình (Cm) chia (:) cho hàm lượng quặng kim loại nhỏ nhất (Cmin), cụ thể theo công thức:

K = Cm : Cmin

Ví dụ: Theo quyết định phê duyệt trữ lượng, mỏ X có hàm lượng thực tế kim loại sunfua chì - kẽm (Pb + Zn) trung bình Cm = 8%, trong khi tại bảng giá tính thuế tài nguyên của tỉnh TN ban hành có hàm lượng quặng sunfua chì - kẽm (Pb + Zn) nhỏ nhất là 10% (Mục 1 Bảng 1 nêu trên). Khi đó hệ số K được xác định là:

K = 8% (Cm) : 10% (Cmin) = 0,800

2. Trường hợp giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chỉ quy định mức giá duy nhất cho một giá trị hàm lượng quặng kim loại (C) thì hệ số quy đổi K xác định bằng hàm lượng kim loại thực tế trung bình (Cm) chia (:) cho hàm lượng quặng kim loại (C), cụ thể theo công thức:

K = Cm : C

Ví dụ: Theo quyết định phê duyệt trữ lượng, mỏ D có hàm lượng kim loại thiếc (Sn) thực tế trung bình trong mỏ là Cm = 0,41%, trong khi bảng giá tính thuế tài nguyên của tỉnh NA ban hành được quy về hàm lượng quặng kim loại thiếc (Sn) là 70%. Khi đó hệ số quy đổi K được xác định là:

K = 0,41% (Cm) : 70% (C) = 0,006 (làm tròn)

3. Trường hợp giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo tinh quặng kim loại thì hệ số quy đổi K xác định bằng hàm lượng kim loại thực tế trung bình (Cm) chia (:) cho hàm lượng trung bình của kim loại trong tinh quặng (Ctq), cụ thể theo công thức:

K = Cm : Ctq

Ví dụ : quặng đồng mỏ E có hàm lượng trung bình trong mỏ là Cm = 1,2% Cu, trong khi bảng giá tính thuế tài nguyên của tỉnh YB ban hành theo tinh quặng đồng (Cu) có hàm lượng trung bình là Ctq = 25,6%. Khi đó hệ số quy đổi K được xác định là:

K = 1,2% (Cm) : 25,6% (Ctq) = 0,047 (làm tròn)

4. Trường hợp giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cho nhiều kim loại, tinh quặng hoặc hợp phần có ích thì công thức xác định hệ số quy đổi K được xác định tương tự đối với mỗi một kim loại hoặc hợp phần có ích quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Ví dụ: Mỏ wonfram - đa kim được cấp phép khai thác Wolfram, Flourspar, Đồng, Bismut, bảng giá tính thuế tài nguyên có giá xác định theo tinh quặng đối với Wolfram, Flourspar, Đồng và giá theo kim loại đối với Bismut. Khi đó hệ số quy đổi K theo từng hợp phần có ích được xác định theo Bảng 2 dưới đây:

Bảng 2

Hợp phần có ích

Hàm lượng trung bình trong mỏ (Cm)

Hàm lượng tinh quặng trong bảng giá tính thuế tài nguyên

K

Vonfram (WO3)

0,2%

60%

0,003

Flourspar (CaF2)

8,08%

97%

0,083

Đồng (Cu)

0,18%

20%

0,009

Bismut (Bi)

0,1%

70%

0,001

Điều 7. Xác định hệ số quy đổi K đối với nhóm khoáng sản không kim loại

1. Công thức xác định hệ số quy đổi Kqđ đối với trường hợp giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành là giá khoáng sản nguyên khai nhưng có đơn vị tính (thứ nguyên) không cùng đơn vị tính với đơn vị trữ lượng:

a) Giá tính thuế tài nguyên là giá khoáng sản nguyên khai có đơn vị là đồng/m3 (m3 sau khai thác), trong khi đơn vị trữ lượng cấp phép khai thác là m3 (m3 trong lòng đất), hệ số quy đổi Kqđ được xác định theo công thức sau:

Kqđ = Hn

Ví dụ: đối với đá làm vật liệu xây dựng thông thường là khoáng sản rắn khi khai thác phải nổ mìn (đá cứng đã nổ mìn tơi), trong khi tại Phụ lục C - Bảng C1 - Hệ số chuyển thể tích từ đất tự nhiên sang đất tơi, Tiêu chuẩn Quốc gia số TCVN 4447 : 2012, hệ số Hn có giá trị trung bình bằng 1,475. Khi đó hệ số quy đổi K được xác định là:

K = Hn =1,475

b) Giá tính thuế tài nguyên là giá khoáng sản nguyên khai có đơn vị là đồng/m3 (m3 sau khai thác), trong khi đơn vị trữ lượng cấp phép là tấn (tấn trong lòng đất), hệ số quy đổi K được xác định theo công thức sau:

K = Hn : D

Ví dụ: theo Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đã được phê duyệt, mỏ đá vôi xi măng có thể trọng tự nhiên là D = 2,68, trong khi hệ số nở rời đối với đá vôi xi măng (đá cứng đã nổ mìn tơi) là Hn = 1,475. Khi đó hệ số quy đổi Kqđ được xác định là:

Kqđ = Hn : D = 1,475 : 2,68 = 0,550 (làm tròn)

2. Công thức xác định hệ số quy đổi K đối với trường hợp giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cho khoáng sản không kim loại theo hợp phần có ích là tỷ lệ phần trăm được xác định tương tự quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Ví dụ: Mỏ cao lanh - pyrophilit có hàm lượng Al2O3 trung bình thực tế theo quyết định phê duyệt trữ lượng là Cm = 20,16%, trong khi bảng giá tính thuế tài nguyên của tỉnh QN ban hành đối với đá caolanh - pyrophilit có hàm lượng Al2O3< 25% (C). Khi đó hệ số quy đổi K được xác định là:

K = 20,16% (Cm) : 25% (C) = 0,806 (làm tròn)

3. Hệ số nở rời Hn trong các công thức xác định K quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được xác định trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản; trong trường hợp khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản mà chưa có hệ số nở rời thì áp dụng theo Tiêu chuẩn Quốc gia số TCVN 4447 : 2012 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Phụ lục C - Bảng C1 - Hệ số chuyển thể tích từ đất tự nhiên sang đất tơi.

Điều 8. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2017.

2. Các Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp kể từ ngày Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì việc xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

3. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng Thông tin
điện tử Bộ TN&MT;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, PC, ĐCKS, B(80b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Linh Ngọc