Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 386-BD

Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 1972

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP BẰNG CHO CÁN BỘ, GIÁO VIÊN TỐT NGHIỆP HÀM THỤ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC SƯ PHẠM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Ngày 10 tháng 03 năm 1972, Bộ Giáo dục đã ra Quyết định số 177-QĐ về việc cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và trung học sư phạm cho những giáo viên, cán bộ theo học tại chức đã tốt nghiệp các kỳ thi hàm thụ đại học sư phạm và trung học sư phạm.

Nay Bộ hướng dẫn cụ thể những đối tượng được cấp bằng và thủ tục cấp bằng như đã quy định trong điều 4 của quyết định.

I. ĐỐI TƯỢNG CẤP BẰNG

1. Cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm (hệ 2 năm) cho những cán bộ, giáo viên cấp II đã theo học hàm thụ đại học sư phạm hệ 2 năm với thời gian học từ 3 năm trở lên và đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp.

2. Cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm (hệ 3 năm) cho những cán bộ, giáo viên cấp II đã theo học hàm thụ đại học sư phạm hệ 3 năm với thời gian học từ 4 năm trở lên và đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp.

3. Cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm (hệ 4 năm) cho những cán bộ, giáo viên cấp II đã theo học hàm thụ đại học sư phạm hệ 4 năm với thời gian học từ 2 năm trở lên và đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp. Đối với những cán bộ giáo viên cấp III về học tập trung một năm tại trường đại học sư phạm sẽ do nhà trường nhận xét cụ thể về chất lượng từng khóa, từng người báo cáo Bộ để giải quyết cấp bằng.

4. Cấp bằng tốt nghiệp trung học sư phạm cho những cán bộ, giáo viên cấp I đã học theo chương trình hàm thụ sư phạm cấp II từ năm 1960 -1965 với thời gian học từ 3 năm trở lên; chương trình trung học hoàn chỉnh từ năm 1968 đến nay với thời gian học từ 4 năm trở lên và đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp.

5. Điều kiện chung cho tất cả những giáo viên, cán bộ được cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và trung học sư phạm từ ngày tốt nghiệp cho đến nay vẫn công tác tốt và không bị kỷ luật về phẩm chất đạo đức.

II. THỦ TỤC CẤP BẰNG

1. Bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và trung học sư phạm hệ tại chức theo đúng mẫu bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và trung học sư phạm của các trườnglớp tập trung tương đương, nhưng trong bằng ghi thêm câu thuộc hệ bồi dưỡng tại chức. Bằng tốt nghiệp đại học sư phạm do ông Hiệu trưởng đại học sư phạm ký. Bằng tốt nghiệp trung học sư phạm do ông Cục trưởng Cục đào tạo và bồi dưỡng ký.

2. Danh sách những người được cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hệ tại chức của các kỳ thi trước ngày có Quyết định số 177-QĐ của Bộ phải do ông Hiệu trưởng Trường đại học sư phạm kiểm tra chặt chẽ từng người đề nghị Bộ duyệt mới được cấp bằng.

3. Danh sách những người được cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm ở Trường đại học sư phạm và bằng tốt nghiệp trung học sư phạm hệ tại chức của các kỳ thi trước ngày có Quyết định số 177-QĐ phải do ông Giám đốc sở hoặc ông Trưởng ty Giáo dục và ông Hiệu trưởng trường trung học sư phạm bồi dưỡng kiểm tra chặt chẽ, có chữ ký xác nhận của Ủy ban hành chính tỉnh, thành đề nghị Bộ duyệt mới được cấp bằng.

4. Toàn bộ danh sách những người được cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và trung học sư phạm của các kỳ thi trước ngày có Quyết định số 177-QĐ của Bộ phải đánh thành 6 bản (3 bản lưu ở Bộ, 3 bản lưu ở trường đại học sư phạm hoặc ở sở, ty).

5. Những người tới lĩnh bằng tốt nghiệp đại học sư phạm ở trường đại học sư phạm và bằng tốt nghiệp trung học sư phạm ở Sở, ty phải nộp lại cho trường đại học sư phạm và sở, ty giấy chứng nhận tốt nghiệp đã cấp trước kia và giấy chứng nhận xét về công tác, về đạo đức của thủ trưởng đơn vị công tác có chữ ký xác nhận của thủ trưởng cấp trên (phòng huyện đối với cán bộ, giáo viên cấp I, cấp II: Sở, ty đối với cán bộ, giáo viên cấp III). Các trường đại học sư phạm và các Sở, Ty Giáo dục phải có nhiệm vụ lưu các giấy chứng nhận tốt nghiệp cũ sau khi giáo viên, cán bộ đến lĩnh bằng.

Chủ trương quyết định cấp bằng tốt nghiệp đại học sư phạm và trung học sư phạm cho những người học tập bồi dưỡng tại chức của Bộ là một chủ trương lớn, có ảnh hưởng tích cực tới toàn bộ công tác bồi dưỡng của ngành và đụng chạm đến quyền lợi của đại đa số giáo viên trong ngành. Vì vậy, Bộ yêu cầu các ông Hiệu trưởng Trường đại học sư phạm, các ông Giám đốc Sở Giáo dục, các ông Trưởng ty Giáo dục và các ông Hiệu trưởng Trường trung học sư phạm bồi dưỡng phải thực hiện thật nghiêm túc các quy định trong bản Quyết định số 177-QĐ và những điểm quy định trong bản hướng dẫn này.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG




Lê Liêm