BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39-TC/TCT | Hà Nội, ngày01 tháng07 năm 1991 |
Thi hành Quyết định số 156-HĐBT ngày 16-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi bổ sung chế độ đối với hàng hoá, ngoại tệ của người đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác, học tập ở nước ngoài mang theo hoặc gửi về nước và Quyết định số 157-CT ngày 16-5-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ đối với hàng hoá và ngoại tệ của Việt kiều mang theo khi về nước, thăm gia đình và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về nước giúp đỡ người thân. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định cụ thể tại các quyết định nói trên như sau:
I- ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐI HỢP TÁC LAO ĐỘNG, HỢP TÁC CHUYÊN GIA, HỌC TẬP, CÔNG TÁC Ở NƯỚC NGOÀI.
1. Về đối tượng được miễn thuế nhập khẩu phi mậu dịch:
Theo quy định tại điều 1 và điều 3 của Quyết định số 156-HĐBT ngày 16-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng thì các cá nhân công dân Việt Nam được Nhà nước cử đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác và học tập ngắn hạn hay dài hạn không phân biệt ở nước nào, thì được miễn thuế nhập khẩu phi mậu dịch đối với hàng hoá mang theo hoặc gửi về nước theo các định mức miễn thuế sau đây:
2. Về định mức miễn thuế và phương pháp xác định:
a) Số lần gửi hoặc mang hàng hoá về nước được miễn thuế:
- Trong thời gian được Nhà nước cử đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác, học tập ở nước ngoài mỗi người trong mỗi năm (tính theo năm dương lịch từ 1-1 đến 31-12) không phân biệt mang hay gửi hàng về nước nhiều lần thì cũng chỉ được miễn thuế một lần (mang hoặc gửi hàng về lần đầu tiên trong năm).
- Đối với những người có thời gian ở nước ngoài nhiều năm và các năm trước không gửi hoặc mang hàng hoá về nước thì từ nay trở đi cũng chỉ được miễn thuế một lần trong năm bằng hình thức gửi hoặc mang hàng hoá về nước.
b) Định mức hàng hoá được miễn thuế:
Định mức hàng hoá được miễn thuế trong mỗi lần gửi hoặc mang về nước được miễn thuế nói ở điểm a trên đây bao gồm định mức theo mặt hàng và định mức theo giá trị hàng hoá, cụ thể là:
+ Nếu hàng hoá mang hoặc gửi về nước là 2 xe bánh gắn máy hoặc tivi và video thì được miễn thuế 1 chiếc xe máy hoặc một chiếc tivi và một đầu video. Trường hợp chủ hàng chỉ mang 1 tivi hoặc 1 đầu video thì đựơc miễn thuế 2 tivi hoặc 2 chiếc đầu video tuỳ theo sự lựa chọn của chủ hàng còn các mặt hàng khác nếu được phép nhập khẩu thì phải nộp thuế nhập khẩu phi mậu dịch (đối với những mặt hàng có trong biểu thuế).
+ Nếu hàng hoá mang hoặc gửi về nước không có mặt hàng là xe 2 bánh gắn máy và tivi, đầu video thì chủ hàng được miễn thuế theo trị gia lô hàng theo các mức dưới đây (số hàng còn lại phải nộp thuế nhập khẩu phi mậu dịch).
- Trị giá 1000 USD đối với hàng khuyến khích nhập khẩu.
- Trị giá 500 USD đối với hàng hạn chế nhập khẩu.
- Trường hợp lô hàng có cả hai loại hàng khuyến khích và hạn chế nhập khẩu thì chủ hàng được lựa chọn một trong hai định mức miễn thuế nói trên. Nếu cả hai loại hàng mang hoặc gửi về đều chưa đủ theo định mức miễn thuế này thì được tính gộp cả hai loại hàng cho đủ định mức để miễn thuế. Việc tính gộp 2 loại hàng được xác định theo tỷ lệ 1 USD hàng hạn chế bằng 2 USD hàng khuyến khích nhập khẩu.
VD : Ông Nguyễn Văn A đi hợp tác lao động ở Đức, trong năm có gửi về lần đầu là 1 lô hàng có trị giá 1200 USD trong đó 800 USD là hàng khuyến khích nhập khẩu và 400 USD là hàng hạn chế nhập khẩu.
Nếu ông A chọn hàng miễn thuế là hàng khuyến khích nhập khẩu thì ngoài 800 USD hàng khuyến khích nhập khẩu được miễn thuế thì ông A còn được xét miễn thuế cho 100 USD = (1000 USD - 800 USD)/2 hàng hạn chế nhập khẩu. Như vậy tổng trị giá số hàng được miễn thuế của ông A là 900 USD.
Ngược lại nếu ông A chọn hàng hạn chế nhập khẩu là hàng miễn thuế thì theo tỷ lệ 1/2 ngoài số hàng hạn chế nhập khẩu trị giá 400 USD, ông A còn được xét miễn thuế cho 200 USD = (500 USD - 400 USD) x 2 là trị giá hàng khuyến khích nhập khẩu. Như vậy tổng trị giá số hàng được miễn thuế của ông A là 600 USD.
c) Phương pháp xác định mức hàng miễn thuế: Căn cứ bảng kê các mặt hàng mang hoặc gửi về đã thống kê theo tiêu thức hàng khuyến khích nhập khẩu, hàng hạn chế nhập khẩu (danh mục 2 loại hàng này do Bộ Thương nghiệp quy định). Căn cứ bảng giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch do Bộ Tài chính ban hành, cơ quan Hải quan tính trị giá cho các mặt hàng đã được thống kê. Đồng thời căn cứ tỷ giá tính thuế giữa đồng Việt Nam và USD tại thời điểm kiểm hàng hoá và định mức miễn thuế để xác định tổng trị giá hàng được miễn thuế bằng tiền Việt Nam.
Trên cơ sở những căn cứ nêu trên và đề nghị của chủ hàng cơ quan Hải quan đối chiếu để xác định cụ thể số lượng các mặt hàng được miễn thuế theo định mức cho chủ hàng.
d) Về thời gian tính thuế và thu giữ đối với hàng là xe hai bánh gắn máy, tivi và đầu video; Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 20-5-1991 trở đi đối với số xe 2 bánh gắn máy, tivi và đầu video vượt định mức khi về đến cửa khẩu thì chủ hàng hoặc người nhận hàng phải nộp thuế nhập khẩu phi mậu dịch. Kể từ ngày 21-8-1991 trở đi, toàn bộ số xe hai bánh gắn máy, tivi và đầu video mang về vượt định mức đều bị coi là hàng nhập khẩu trái phép và bị thu giữ để xử lý theo các quy định hiện hành.
3. Việc mang hoặc gửi ngoại tệ về nước để mua hàng miễn thuế:
Theo quy định tại Quyết định số 156-HĐBT ngày 16-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng thì toàn bộ người Việt Nam đi lao động, chuyên gia, công tác hoặc tập ở nước ngoài chỉ được miễn thuế theo các định mức đã hướng dẫn ở trên.
Đối với người Việt Nam lao động tại Irắc vừa qua về nước thì vẫn được mua hàng miễn thuế theo quy định tại điểm 4 công văn số 1058-PPLT ngày 9-4- 1991 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Việc bán hàng miễn thuế cho các đối tượng này được thực hiện theo tinh thần công văn số 406-TC-TCT/NV3 ngày 30-5-1991 của Tổng cục thuế.
Riêng lao động Việt Nam tại Đức đã về nước trước ngày 20-5-1991 trước mắt tạm ngừng, chờ chủ trương giải quyết của HĐBT.
1. Theo quy định tại Quyết định số 157-CT ngày 16-5-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì tất cả những hàng hoá được phép nhập khẩu của Việt kiều mang theo khi về nước thăm gia đình và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về giúp đỡ người thân thì đều phải nộp thuế nhập khẩu phi mậu dịch và lệ phí Hải quan. Khi về nước thăm gia đình thì được miễn thuế nhập khẩu đối với số hành lý và đồ dùng cá nhân theo tiêu chuẩn quy định của Hải quan.
2. Việc thu thuế nhập khẩu phi mậu dịch đối với hàng hoá được phép nhập khẩu của các đối tượng trên được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 391-HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 62- TCT/CT ngày 10-12-1990 của Bộ Tài chính. Đối với những hàng hoá là vật tư, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất của Việt kiều và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang về nước thì căn cứ vào chính sách khuyến khích nhập khẩu của Nhà nước trong từng thời gian, Bộ Tài chính sẽ xem xét miễn giảm thuế phi mậu dịch đối với từng trường hợp cụ thể.
1. Việc miễn thuế đối với hàng hoá mang hoặc gửi về của người Việt Nam đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia công tác và học tập ở nước ngoài về do ngành Hải quan tổ chức thực hiện theo đúng định mức miễn thuế quy định tại Quyết định số 156-HĐBT và Thông tư này.
Bộ Tài chính giao cho Tổng cục thuế phối hợp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những quy định trên của ngành Hải quan.
2. Thông tư này thay thế các văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Tài chính về thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu của các đối tượng trên.
Phan Văn Dĩnh (Đã Ký) |
- 1 Quyết định 156-HĐBT năm 1991 sửa đổi chế độ đối với hàng hoá và ngoại tệ do những người đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác và học tập ở nước ngoài mang theo hoặc gửi về nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2 Quyết định 157-CT năm 1991 về chế độ đối với hàng hoá và ngoại tệ của Việt kiều mang theo khi về nước thăm gia đình và của người Việt nam định cư ở nước ngoài gửi về nước giúp đỡ người thân do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Thông tư 62-TC/TCT năm 1990 hướng dẫn thi hành Nghị định 391-HĐBT về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng được phép Xuất khẩu, Nhập khẩu phi mậu dịch do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 4 Nghị định 391-HĐBT năm 1990 Hướng dẫn điều 32 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng được phép xuất, nhập khẩu phi mậu dịch