BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40-TC/GTBĐ | Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1994 |
Căn cứ Điều 58 Chương V Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 242/HĐBT ngày 30 tháng 6 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;
Căn cứ vào các Hiệp định Hàng không đã ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ các nước;
Để thống nhất quản lý và sử dụng nguồn thu thương quyền vận tải hàng không từ các hãng hàng không nước ngoài, Bộ Tài chính quy định một số điểm như sau,
1. Nguồn thu thương quyền là nguồn thu của nhà nước phát sinh do không cân bằng vận chuyển giữa các hãng hàng không nước ngoài được chỉ định bay đối tác với các hãng hàng không trong nước, trong quá trình thực hiện hiệp định vận chuyển hàng không hoặc thảo thuận vận chuyển hàng không giữa Việt Nam với nước ngoài hoặc trong trường hợp các chuyến bay không thường lệ của các hãng hàng không nước ngoài được phép đi và đến Việt Nam.
2. Để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và của ngành, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các hãng hàng không trong nước thực hiện việc thu thương quyền phát sinh đối với các hãng hàng không nước ngoài.
1. Đối tượng thu thương quyền.
Đối tượng thu thương quyền bao gồm:
- Các Hãng hàng không nước ngoài được chỉ định bay đối tác với các hãng hàng không Việt Nam, thực hiện quyền chuyên chở hành khách, hàng hoá, hành lý đi và đến giữa hai nước trong quá trình thực hiện Hiệp định vận chuyển hàng không.
- Các chuyến bay thường lệ theo Hiệp định Chính phủ của hãng hàng không nước ngoài từ Việt Nam chuyên chở hành khách, hàng hoá, hành lý đi một nước thứ ba và ngược lại không trên cơ sở trao đổi cân bằng tải với các hãng hàng không của Việt Nam.
- Các chuyến bay thuê chuyến, trừ trường hợp chuyến bay có tính chất nhân đạo như chở bệnh nhân, người hồi hương.
2. Mức thu thương quyền.
Mức thu thương quyền do Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét quyết định hoặc uỷ quyền cho các hãng hàng không trong nước đàm phán, thoả thuận, trình Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phê duyệt.
3. Quản lý nguồn thu thương quyền.
a. Các hãng hàng không trong nước được chỉ định, căn cứ vào mức thu thương quyền đối với các hãng hàng không nước ngoài đã được Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phê duyệt có trách nhiệm tổ chức thu, mở sổ kế toán hạch toán đầy đủ số thu thương quyền phát sinh theo quy định hiện hành của pháp luật kế toán - thống kê và phải đăng ký nộp tiền thu thương quyền với cơ quan thuế địa phương trực tiếp quản lý.
b. Nguồn thu thương quyền được phân phối như sau:
- Giành tối đa không quá 100% tổng số thu thương quyền để bù đắp những chi phí cho công tác thu thương quyền như: đàm phán, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, quản lý phí, chi cho việc bán vé, tính toán, kiểm soát thu nhập được phân chia...
Cùng với việc hạch toán chi phí vận tải, các hãng hàng không có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi riêng các chi phí trực tiếp phát sinh cho công tác thu thương quyền.
- Giành 4% tổng số thu thương quyền để bổ sung quỹ khen thưởng chung cho các hãng hàng không, nhưng tổng quỹ khen thưởng bao gồm cả nguồn tiền thưởng từ lợi nhuận kinh doanh vận tải hàng không và nguồn thu thương quyền tối đa không vượt quá mức khống chế quỹ khen thưởng theo chế độ phân phối lợi nhuận hiện hành đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
- Phần còn lại (sau khi trừ chi phí và bổ sung quỹ khen thưởng) các hãng hàng không phải nộp vào ngân sách Nhà nước, thông qua hệ thống kho bạc nơi hàng không đặt trụ sở.
c. Hàng tháng, chậm nhất là ngày mồng 5, các hãng hàng không phải lập tờ khai theo mẫu biểu quy định gửi cơ quan thuế địa phương. Cơ quan thuế có trách nhiệm phối hợp và đôn đốc các hãng hàng không nộp tiền thu thương quyền vào ngân sách Nhà nước.
Hàng năm, cùng với việc phê duyệt quyết toán sản xuất kinh doanh cho các hãng hàng không, sẽ xác định chính thức số thu, số được chi và số phải nộp ngân sách Nhà nước từ nguồn thu thương quyền.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01.1.1994, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu và sửa đổi cho phù hợp.
Phạm Văn Trọng (Đã ký) |