Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41-TT-ĐTBD

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG THẦY GIÁO

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

-Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh

Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, căn cứ vào yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, ngành giáo dục đang tích cực chuẩn bị tiến hành cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng toàn diện trong việc đào tạo thanh thiếu niên trở thành những người lao động kiểu mới sẵn sàng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Để đảm bảo thực hiện cải cách giáo dục, cần chuẩn bị chu đáo và giải quyết tốt ba vấn đề lớn: thầy giáo, chương trình tài liệu, tổ chức, phương pháp học tập và cơ sở vật chất của giáo dục, trong đó vấn đề thầy giáo là quan trọng bậc nhất.

Hiện nay đội ngũ thầy giáo phổ thông các cấp lên đến trên 80.000 người. Hầu hết thầy giáo đều có nhiều cố gắng tiến bộ, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, văn hóa. Song nhìn chung, thầy giáo tuổi đời còn quá trẻ, tuổi nghề còn quá ít, trình độ giác ngộ cách mạng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn bị rất nhiều hạn chế nên chưa có thể làm trọn được trách nhiệm nặng nề mà Đảng và nhân dân đã giao phó.

Lâu nay ngành giáo dục đã tích cực đào tạo và bồi dưỡng thầy giáo và bước đầu đã thu được một số kết quả tốt, nhưng công tác đào tạo còn thiên về chạy theo số lượng, công tác bồi dưỡng còn có tính chất hình thức, tùy tiện và chắp vá.

Do đó, vấn đề quan trọng và cấp thiết đặt ra là cần xây dựng một đội ngũ thầy giáo đủ về số lượng, vừa vững vàng về tư tưởng chính trị, gương mẫu về đạo đức, vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa đảm bảo thể lực tốt để phục vụ sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp cách mạng đắc lực và lâu dài.

Muốn thế cần tích cực khẩn trương giải quyết hai vấn đề lớn: một là cải cách về căn bản hệ thống các trường sư phạm; hai là tích cực đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng trình độ mọi mặt của đội ngũ thầy giáo hiện nay lên ngang yêu cầu đào tạo mới. Cụ thể là:

1. Về đào tạo - Cải cách phương thức đào tạo và hệ thống sư phạm theo phương hướng chính quy và hoàn chỉnh. Phải đảm bảo tốt chất lượng tuyển sinh, chấm dứt lối đào tạo ngắn hạn. Thời gian đào tạo phải đủ để đảm bảo yêu cầu về các mặt giáo dục nhất là yêu cầu giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức và giáo dục nghiệp vụ chuyên môn. Hệ thống sư phạm các cấp quy định như sau:

- Đào tạo giáo viên cấp III, tuyển lớp 10 học năm năm.

- Đào tạo giáo viên cấp II, tuyển lớp 10 học hai năm tiến lên ba năm.

- Đào tạo giáo viên cấp I, tuyển lớp 7 học hai, ba năm tiến lên tuyển lớp 10 học hai năm.

- Đào tạo giáo viên mẫu giáo, tuyển học sinh lớp 7 học một năm.

Theo phương hướng đó, cần tăng cường lãnh đạo, củng cố tổ chức các trường, nâng cao chất lượng cán bộ giảng dạy, sửa đổi chương trình và kế hoạch học tập, tăng cường cơ sở vật chất.

2. Về bồi dưỡng – Phải coi là công tác trọng tâm, hàng đầu hiện nay để xây dựng đội ngũ thầy giáo.

Về lâu dài mà nói, nhiệm vụ bồi dưỡng là không ngừng nâng cao trình độ thầy giáo về mọi mặt để có được những thầy giáo lành nghề của mỗi cấp học. Nhưng trước mắt, để đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục, phải ra sức nâng cao trình độ thầy giáo lên ngang yêu cầu đào tạo mới. Coi nhiệm vụ bồi dưỡng là tiếp tục nhiệm vụ đào tạo còn chưa hoàn chỉnh.

Đối với tất cả các loại thầy giáo các cấp, cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng lập trường, tư tưởng chính trị, đạo đức trên cơ sở đó tăng cường tinh thần yêu nghề, yêu trẻ.

Đối với các thầy giáo chưa giảng dạy được toàn cấp thì trước hết cần bồi dưỡng văn hóa bằng hình thức tập trung nâng lên trình độ toàn cấp. Ở miền xuôi yêu cầu năm học 1964 – 1965 cần thanh toán về căn bản số giáo viên bán cấp. Ở miền núi có thể chậm hơn vài ba năm (ngày 04/8/1964 Bộ đã gửi công văn số 2694-TVKH dự kiến phân phối số lượng giáo viên cấp I, II đi dự các lớp bồi dưỡng tập trung của các tỉnh, nhằm chủ yếu giải quyết số giáo viên bán cấp).

Đối với các thầy giáo có trình độ giảng dạy toàn cấp cần bồi dưỡng một cách có kế hoạch, từng bước vững chắc nâng lên theo yêu cầu đào tạo mới. Việc học văn hóa có thể dùng hình thức tại chức, nhưng việc học các môn học khác như lý luận chính trị, nghiệp vụ, kỹ thuật, thể mỹ dục, kinh nghiệm cho biết nhất thiết phải bồi dưỡng bằng hình thức tập trung mới có kết quả.

Sau khi tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc các mặt yêu cầu và khả năng thực tế, Bộ chủ trương trong vòng mười năm cần nâng toàn thể đội ngũ thầy giáo hiện nay lên ngang yêu cầu mới, để đến năm 1975 tất cả các thầy giáo đều có thể giảng dạy theo chương trình cải cách.

Muốn thế mỗi giáo viên toàn cấp hiện nay cần có thời gian ít nhất ba năm học tại chức về các môn văn hóa và có thời gian ít nhất sáu tháng tập trung về các môn khác. Mỗi địa phương hàng năm cần đạt chỉ tiêu chiêu sinh học tại chức khoảng 1/6 tổng số thầy giáo và học tập trung khoảng 1/12 tổng số thầy giáo.

Trên đây là tóm tắt một số ý căn bản về chủ trương đào tạo, bồi dưỡng thầy giáo của Bộ trong năm học 1964 – 1965 và các năm tới.

Để thực hiện tốt các chủ trương đó, Bộ đề nghị các Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh lưu ý lãnh đạo các Sở, Ty Giáo dục tiến hành một số biện pháp lớn sau đây:

1. Vấn đề nhận thức - Cần làm cho mọi người thấy rõ công tác đào tạo và bồi dưỡng là công tác quan trọng, có tính chất quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục. Một khi, nhân vật trung tâm của giáo dục là thầy giáo được đào tạo tốt, bồi dưỡng tốt, thì có khả năng làm biến đổi bộ mặt nhà trường theo yêu cầu của Đảng, thông qua đó có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và sản xuất chung quanh.

Rõ ràng là nơi nào, ngành giáo dục được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy Đảng và chính quyền thì nơi đó giáo dục làm tốt trách nhiệm của mình và đóng góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế văn hóa của địa phương tiến lên.

2. Vấn đề nội dung – Bao gồm chương trình và tài liệu học tập. Bộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này, yêu cầu các địa phương không nên tự động đặt ra chương trình và tài liệu khác với những điều quy định của Bộ. Nếu khi xét thấy có loại chương trình nào đó có thể giao cho địa phương tự biên soạn thì Bộ sẽ có chỉ thị riêng.

3. Vấn đề cán bộ - Thầy giáo đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, cho nên thầy giáo làm công tác đào tạo và bồi dưỡng thầy giáo, lại cần phải quan tâm tuyển lựa thích đáng. Đề nghị nên chọn những cán bộ, giáo viên ưu tú nhất để tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đó là những người vừa có khả năng chuyên môn nghiệp vụ, vừa có khả năng tổ chức và chỉ đạo, vừa có khả năng nghiên cứu tổng hợp tình hình, đúc rút kinh nghiệm, biên soạn tài liệu.

Cần làm cho mỗi thầy giáo làm công tác đào tạo bồi dưỡng thấy rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quan của mình mà Đảng và Nhà nước giao phó.

4. Vấn đề thời gian - Việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm chính quy đã có kế hoạch thời gian rất chi tiết và cụ thể. Riêng việc bồi dưỡng thầy giáo, vấn đề thời gian có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Bộ quy định, mỗi giáo viên, theo học bồi dưỡng tại chức cần có ít nhất ba buổi một tuần để tự học; mỗi tháng ít nhất có hai ngày tập trung để nghe giải đáp, hướng dẫn; mỗi năm có ít nhất một tháng tập trung để ôn tập, thi lên lớp, thi tốt nghiệp. Do đó tránh điều động thầy giáo hội họp quá nhiều, tạo thời gian cho anh chị em học tập bồi dưỡng. Bộ sẽ hướng dẫn các Sở, Ty chuyên môn về việc sắp xếp thời gian cụ thể sao cho vừa đảm bảo bồi dưỡng tốt, vừa đảm bảo công tác tốt.

5. Vấn đề ngân sách – Ngân sách đào tạo và bồi dưỡng căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm mà ghi vào kế hoạch.

Riêng về bồi dưỡng, một mặt Bộ đã nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ giải quyết vấn đề ngân sách một cách toàn diện lâu dài, một mặt Bộ đề nghị Ủy ban hành chính căn cứ khả năng tích cực của địa phương, cố gắng kịp thời giải quyết vấn đề ngân sách bồi dưỡng để các Sở, Ty có thể lập kế hoạch và tiến hành thực hiện kế hoạch bồi dưỡng như chủ trương của Bộ.

6. Vấn đề kế hoạch – Các địa phương cần đặc biệt chú ý vấn đề này. Theo chỉ thị của Đảng, hết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phải phổ cập cấp I ở miền xuôi và ở vùng thấp, miền núi. Đây là một nhiệm vụ rất to lớn và khẩn trương phải thực hiện.

Do đó các địa phương cần tính toán kỹ số lượng các em đủ tuổi chưa theo học vỡ lòng và cấp I để có kế hoạch đào tạo thầy giáo đầy đủ, đồng thời lo vận động nhân dân xây dựng trường sở. Một khi phổ cập cấp I, thời gian năm, sáu năm nữa số trường, lớp cấp II sẽ phát triển rất mạnh, cho nên cũng cần tính toán cả kế hoạch đào tạo giáo viên cấp II cho ăn khớp. Nếu không nhìn xa trên cơ sở đường lối, phương hướng phát triển của ngành để có một kế hoạchđào tạocác loại giáo viên tương đối lâu dài thì hàng năm sẽ rất bị động bởi những vấn đề trước mắt.

Kế hoạch bồi dưỡng càng khó khăn phức tạp hơn, các địa phương cần nắm vững số lượng và trình độ mọi mặt của thầy giáo địa phương mình, phân loại bồi dưỡng có trọng tâm, có chỉ tiêu từng năm học, để thực hiện có chất lượng vững chắc quy hoạch bồi dưỡng chung của ngành.

7. Vấn đề trường sở và bộ máy - Với chủ trương và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng to lớn như đã trình bày ở trên, Bộ lưu ý Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh cần hướng dẫn các Sở, Ty duy trì, củng cố các cơ sở vật chất và bộ máy cán bộ, giáo viên của các trường sư phạm cấp I, cấp II hiện nay để tiếp tục sử dụng vào việc đào tạo bồi dưỡng thầy giáo ngay trong năm học này và ngày càng phát triển trong các năm sau.

Trường sở và bộ máy cán bộ, giáo viên của các trường sư phạm đều đã kinh qua một thời gian rút kinh nghiệm xây dựng, củng cố, phát triển mới hình thành. Cho nên cần chú ý tránh ý nghĩ và việc làm lấy trường sư phạm và bộ máy cán bộ, giáo viên trường sư phạm sử dụng vào những việc khác không phù hợp, sẽ gây trở ngại rất lớn về sau.

Riêng công tác bồi dưỡng là công tác trọng tâm hàng đầu để xây dựng đội ngũ thầy giáo vừa yêu cầu cao, vừa đối tượng rộng lớn, từ năm học 1964 – 1965 mỗi địa phương cần thành lập một trường bồi dưỡng cán bộ giáo viên (Những quy định cụ thể về trường bồi dưỡng, Bộ sẽ có Thông tư riêng ban hành tiếp).

Những nơi tạm ngừng nhiệm vụ đào tạo thầy giáo thì dùng cơ sở và bộ máy cán bộ giáo viên của các trường sư phạm phục vụ cho nhiệm vụ bồi dưỡng.

Những nơi vẫn còn nhiệm vụ đào tạo thì tận dụng cơ sở và bộ máy các trường sư phạm để phụ trách cả nhiệm vụ bồi dưỡng, nếu không đủ thì cần nghiên cứu tăng cường thêm.

Trên đây là những chủ trương, biện pháp then chốt của công tác đào tạo, bồi dưỡng thầy giáo. Nếu giải quyết tốt các vấn đề đó là tạo những điều kiện thuận lợi căn bản cho công tác đào tạo bồi dưỡng tiến lên. Ngược lại không giải quyết tốt các vấn đề đó thì công tác đào tạo bồi dưỡng sẽ ở tình trạng như hiện nay, và không sao đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của ngành.

Vì vậy, Bộ yêu cầu Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh tích cực đặt vấn đề nghiên cứu và giúp đỡ các Sở, Ty thực hiện tốt chủ trương đào tạo, bồi dưỡng của Bộ.

Sau khi nghiên cứu Thông tư này, các địa phương gặp khó khăn gì cụ thể sẽ trao đổi thêm với Bộ để cùng giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên