BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43-TC/TCT/CS | Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 1991 |
Căn cứ các Luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế lợi tức và Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 203-HĐBT ngày 29- 6- 1991 quy định một số điều chi tiết thi hành các Luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế lợi tức, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện như sau:
I- ĐIỀU CHỈNH CÁC ĐỊNH MỨC BẰNG TIỀN TRONG CÁC LUẬT THUẾ:
Căn cứ vào chỉ số giá cả biến động từ tháng 6 năm 1990 (khi ban hành các Luật thuế) đến cuối tháng 6 năm 1991; căn cứ vào uỷ nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng tại Điều 1 Quyết định số 203- HĐBT Bộ Tài chính điều chỉnh các định mức bằng tiền trong các Luật thuế cho phù hợp với thời giá hiện hành, như sau:
A. Điều chỉnh mức doanh thu tính thuế bình quân tháng/1 hộ của hộ kinh doanh nhỏ đối với từng ngành ghi ở điều 14 của Luật thuế doanh thu, và điều 11 của Luật thuế lợi tức theo các mức dưới đây:
1. Ngành sản xuất, thương nghiệp: đến 6 triệu đồng,
2. Ngành ăn uống: đến 3 triệu đồng,
3. Ngành sản xuất gia công, xây dựng, vận tải, dịch vụ: đến 1, 5 triệu đồng.
B. Điều chỉnh mức xử phạt bằng tiền, quy định tại điểm 1-a của Điều 19 Luật thuế doanh thu, điểm 1-a của điều 20 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, điểm 1-a của điều 27 Luật thuế lợi tức, theo mức mới là 1 triệu đồng.
C. Điều chỉnh bằng tiền về thẩm quyền xử phạt của từng cấp cán bộ thuế, quy định tại điểm 1 của điều 20 Luật thuế doanh thu, điểm 1 của điều 21 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, điểm 1 của điều 28 Luật thuế lợi tức như sau:
Mức cũ Mức mới
50.000 đồng 100.000 đồng
200.000 đồng 400.000 đồng
500.000 đồng 1.000.000 đồng
Căn cứ điểm 3 của điều 18 Luật thuế doanh thu và điều 2 Quyết định số 203-HĐBT ngày 29-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành việc xét giảm thuế doanh thu, như sau:
1. Đối tượng được xét giảm thuế doanh thu:
a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở miền núi, gặp nhiều khó khăn, lỗ vốn không duy trì được hoạt động;
b) Một số ngành, nghề quan trọng không nằm trong diện phải sắp xếp lại (giải thể, sáp nhập), cần phải duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh nhưng có khó khăn khách quan, sau khi đã giảm miễn thu trên vốn, nhưng vẫn còn lỗ vốn, nếu không có sự chiếu cố thêm về thuế doanh thu thì không tồn tại được. Những ngành, nghề đó bao gồm:
- Sản xuất, sửa chữa cơ khí; các sản phẩm thuộc tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp;
- Khai thác, chế biến khoáng sản, lâm sản, thuỷ sản;
- Sản xuất sản phẩm cần thiết cho nhu cầu của địa phương bằng nguyên liệu tại chỗ (nông sản, lâm sản, thuỷ sản);
- Sản xuất những sản phẩm truyền thống của địa phương;
- Sản xuất tư liệu phục vụ các ngành kinh tế quốc dân, bao gồm cả sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, cây, con giống, hoá chất, vật liệu xây dựng;
- Cơ sở mới đầu tư đi vào sản xuất 1-2 năm đầu gặp khó khăn; sản xuất thử nghiệm chế tạo sản phẩm mới;
- Vận tải hành khách phục vụ nội thành, nội thị;
- Báo chí, xuất bản;
- Dịch vụ khoa học kỹ thuật.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh nói trên có khó khăn khách quan nếu bị lỗ vốn, không có khả năng nộp đủ thuế, Nhà nước phải trợ giá để duy trì hoạt động thì được xem xét giảm thuế doanh thu.
Danh mục các ngành nghề quan trọng cần được khuyến khích hỗ trợ về thuế doanh thu sẽ được Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hoá trong từng thời kỳ cho phù hợp với chủ trương đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.
2. Điều kiện được xét giảm thuế doanh thu:
Các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề ghi ở điểm 1 của mục II nói trên được xét giảm thuế doanh thu phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Cơ sở sản xuất kinh doanh không nằm trong diện phải sắp xếp lại (giải thể, sáp nhập...)
- Có giấy phép hoạt động ghi rõ ngành nghề, mặt hàng được phép sản xuất kinh doanh.
- Giữ sổ sách kế toán, chứng từ hoá đơn theo đúng chế độ của Nhà nước, được cơ quan thuế xác nhận; quyết toán được tình hình sản xuất kinh doanh, xác định đúng đắn, rõ ràng, lỗ lãi.
- Thực sự có khó khăn do nguyên nhân khách quan, không phải do buôn bán trái phép bị phạt và tịch thu hàng hoá hoặc bị lừa đảo làm mất hết vốn. Sau khi đã áp dụng biện pháp miễn thu sử dụng vốn, mà vẫn không duy trì được hoạt động.
3. Nguyên tắc thủ tục, mức xét giảm thuế doanh thu:
a) Đơn vị xin giảm thuế phải có đơn gửi đến cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế, thuyết minh đầy đủ tình hình, lý do và các điều kiện xin giảm thuế doanh thu theo các nội dung nói ở điểm 2 trên đây, phải gửi bản phiếu quyết toán tài chính và kèm theo bản giải trình cho đơn vị lỗ vốn.
b) Việc xét giảm thuế doanh thu được thực hiện theo nguyên tắc: xét tạm giảm từng kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng (tuỳ theo chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng mặt hàng) căn cứ vào quyết toán của 3 tháng trước hoặc 6 tháng trước số lỗ đã phát sinh trong quyết toán để quyết toán định mức tạm giảm cho 3 tháng hoặc 6 tháng tiếp theo và sẽ được quyết toán chính thức vào cuối năm; có thực lỗ mới được giảm thuế doanh thu, nếu không lỗ thì không được giảm thuế doanh thu.
c) Cơ quan thuế các cấp ở địa phương xem xét đơn xin giảm thuế doanh thu của từng cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cấp mình trực tiếp quản lý thu thuế, theo trình tự sau đây:
- Cán bộ thuế trực tiếp quản lý cơ sở nhận hồ sơ xin giảm thuế, kiểm tra kỹ nội dung và có nhận xét, báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo cơ quan thuế trực tiếp.
- Thủ trưởng cơ quan thuế xem xét và kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp, về mức tạm giảm thuế doanh thu cho từng trường hợp cụ thể tương ứng với số lỗ phát sinh của 3 tháng hoặc 6 tháng trước/mức tạm giảm tối đa không quá 50% số thuế doanh thu phải nộp theo Luật định.
d) Việc xét giảm thuế doanh thu chỉ áp dụng trong một số trường hợp cần thiết, cho một số đối tượng hạn chế sau khi đã áp dụng các biện pháp khác.
Hội đồng Bộ trưởng chỉ giao quyền xét giảm thuế doanh thu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nhưng để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính uỷ nhiệm việc xét tạm giảm thuế doanh thu từng quý, 6 tháng cho các cơ quan thuế sau đây:
- Tổng cục trưởng Tổng cục thuế xem xét, ra quyết định tạm giảm thuế doanh thu trong từng thời kỳ 3 tháng, 6 tháng và quyết định giảm thuế doanh thu khi có quyết toán năm cho các đơn vị kinh tế quốc doanh thuộc Trung ương quản lý.
- Cục trưởng Cục thuế xem xét, ra quyết định tạm giảm thuế doanh thu trong từng thời kỳ 3 tháng, 6 tháng và quyết định giảm thuế doanh thu khi có quyết toán năm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc địa phương, tỉnh, thành phố, quận, huyện quản lý. Riêng những đơn vị do địa phương quản lý có số thuế doanh thu xin tạm giảm hoặc xin quyết toán giảm thuế doanh thu.
2. Căn cứ vào quyết định mức tạm giảm thuế doanh thu cụ thể của từng cơ sở, cơ quan thuế ở địa phương thực hiện việc giảm thuế hàng quý, 6 tháng theo đúng thời gian quy định. Cuối năm khi quyết toán sản xuất kinh doanh, đồng thời phải quyết toán số thuế doanh thu được giảm cho từng cơ sở sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc có lỗ mới được giảm thuế doanh thu, nhưng mức giảm tối đa không quá mức giảm đã được Hội đồng Bộ trưởng quy định.
III- VỀ THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
Theo Điều 3 Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 203-HĐBT ngày 29-6- 1991 trước mắt, riêng đối với thuốc lá điếu và rượu các loại của các xí nghiệp quốc doanh sản xuất, được tạm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo các thuế suất dưới đây:
1. Đối với thuốc lá điếu có đầu lọc, sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu: 50%
2. Đối với thuốc lá điếu có đầu lọc, sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu trong nước: 40%.
3. Đối với thuốc lá điếu không có đầu lọc, xì gà: 30%.
4. Đối với rượu:
- Trên 40 độ: 55%
- Từ 30 độ đến 40 độ: 45%
- Dưới 30 độ, kể cả rượu nhẹ có ga, rượu thuốc được cơ quan y tế cấp giấy phép: 25%.
Các thuế suất nói trên được tính trên giá do cơ sở sản xuất mặt hàng đó bán ra.
Việc áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt như trên là để tạm thu kịp thời gắn với kết quả tiêu thụ các mặt hàng rượu và thuốc lá điếu. Đến cuối năm, khi có báo cáo quyết toán, sẽ xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho từng cơ sở phù hợp với thực tế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ cho giảm thuế phần bị lỗ, nhưng mức giảm tối đa không quá mức giảm của Hội đồng Bộ trưởng quy định.
IV- ĐỐI VỚI CÁC LỌAI PHÍ VÀ LỆ PHÍ
Việc thống nhất kiểm soát, quản lý thu các loại phí, lệ phí ở các ngành, các địa phương và quy định rõ chế độ quản lý, phân phối, sử dụng các loại phí, lệ phí, cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. Các Cục thuế cần điều tra, báo cáo các khoản phí, lệ phí mà các cấp, các ngành đang thực hiện trên địa bàn (theo công văn số 472-TC/TCT/NV4 ngày 17-6-1991 của Tổng cục thuế), tổng hợp báo cáo về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) trong tháng 8 năm 1991. Sau khi tổng hợp nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng có quy định chính thức, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cụ thể.
Trước mắt, việc quản thu các loại phí, lệ phí tạm thời thực hiện theo những quy định và hướng dẫn hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1991. Những điểm quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Phan Văn Dĩnh (Đã Ký) |
- 1 Công văn 6719/BNN-PC năm 2015 về văn bản quy định chi tiết các luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 203-HĐBT năm 1991 hướng dẫn các Luật Thuế doanh thu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế lợi tức do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Thông tư 45-TC/TCT năm 1990 hướng dẫn thi hành Luật thuế doanh thu do Bộ Tài chính ban hành
- 4 Thông tư 46-TC/TCT năm 1990 thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Luật Thuế Doanh thu 1990
- 6 Luật Thuế Lợi tức 1990
- 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 1990
- 1 Thông tư 46-TC/TCT năm 1990 thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 45-TC/TCT năm 1990 hướng dẫn thi hành Luật thuế doanh thu do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Quyết định 121/1999/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4 Công văn 6719/BNN-PC năm 2015 về văn bản quy định chi tiết các luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành