Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2015/TT-BCA

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2015

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THI ĐUA ĐỐI VỚI HỌC SINH TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG, TRẠI VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC BẮT BUỘC

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10-01-2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17-11-2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về thi đua đối với học sinh trường giáo dưỡng, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tiêu chuẩn thi đua; điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền nhận xét, đánh giá, xếp loại thi đua đối với học sinh, trại viên đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Học sinh đang chấp hành quyết định xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng (sau đây viết gọn là học sinh).

2. Trại viên đang chấp hành quyết định xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (sau đây viết gọn là trại viên).

3. Cơ quan, người có thẩm quyền xếp loại thi đua cho học sinh, trại viên đang chấp hành quyết định xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xếp loại thi đua cho học sinh, trại viên đang chấp hành quyết định xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại thi đua

1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và liên tục.

3. Bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện về thi đua cho học sinh, trại viên.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chuẩn thi đua đối với học sinh trường giáo dưỡng

1. Tiêu chuẩn thi đua

a) Tiêu chuẩn 1

Nhận rõ lỗi lầm của bản thân, thành khẩn, hối cải; trung thực khai báo, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp hết thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của học sinh và người khác mà mình biết.

b) Tiêu chuẩn 2

Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, Nội quy trường giáo dưỡng và các quy định khác có liên quan; tích cực ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi sai phạm; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ luật, trật tự, văn minh; không có lời nói, thái độ, hành động tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến tập thể học sinh hoặc học sinh khác.

c) Tiêu chuẩn 3

Tự giác, tích cực học tập, lao động, học nghề và các chương trình, nội dung giáo dục khác; kính trọng, lễ phép với thầy, cô giáo; thực hiện tốt kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động, học nghề; có ý thức bảo vệ tài sản, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong học sinh, trường giáo dưỡng.

d) Tiêu chuẩn 4

Tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh; tôn trọng tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của mình và học sinh khác, có ý thức giữ gìn sự đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng học tập, rèn luyện tiến bộ, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

2. Căn cứ tiêu chuẩn thi đua quy định tại khoản 1 Điều này, học sinh trường giáo dưỡng được xếp thi đua loại tốt, loại khá, loại trung bình và loại kém theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 5. Tiêu chuẩn thi đua đối với trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc

1. Tiêu chuẩn thi đua

a) Tiểu chuẩn 1

Nhận rõ lỗi lầm của bản thân, thành khẩn, hối cải; trung thực khai báo, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp hết thông tin về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trại viên và của người khác mà mình biết.

b) Tiêu chuẩn 2

Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, Nội quy cơ sở giáo dục bắt buộc và quy định của Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc; tích cực ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi sai phạm; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ luật, trật tự, văn minh; không có lời nói, thái độ, hành động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến tập thể trại viên hoặc trại viên khác.

c) Tiêu chuẩn 3

Tự giác, tích cực học tập, lao động, học nghề và chương trình, nội dung giáo dục khác của cơ sở giáo dục bắt buộc; tham gia đầy đủ ngày công lao động, hoàn thành định mức lao động được giao, thực hiện tốt kỷ luật, an toàn lao động, học nghề; có ý thức bảo vệ tài sản, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong cơ sở giáo dục bắt buộc, thúc đẩy phong trào thi đua trong trại viên.

d) Tiêu chuẩn 4

Tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh; tôn trọng tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của mình và người khác; có ý thức giúp đỡ nhau cùng học tập, lao động, rèn luyện tiến bộ, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

2. Căn cứ tiêu chuẩn thi đua quy định tại khoản 1 Điều này, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc được xếp thi đua loại tốt, loại khá, loại trung bình và loại kém theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 6. Xếp loại thi đua

1. Xếp thi đua loại tốt

Học sinh, trại viên thực hiện tốt các quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này và kỳ xếp loại trước xếp loại khá hoặc tốt thì được xếp loại tốt, cụ thể như sau:

a) Học sinh, trại viên thực hiện tốt tiêu chuẩn 1 quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này phải là người: nhận rõ lỗi lầm của bản thân, thành khẩn khai báo đúng, đầy đủ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân; ăn năn, hối cải, quyết tâm học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện tiến bộ, sửa chữa sai phạm; trung thực khai báo, tố giác, cung cấp hết thông tin về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật của học sinh, trại viên và người khác mà mình biết;

b) Học sinh, trại viên thực hiện tốt tiêu chuẩn 2 quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này phải là người: chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, Nội quy trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và quy định của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, kỷ luật, trật tự, văn minh; tích cực đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, hành vi sai phạm của những học sinh, trại viên khác; không có lời nói, thái độ, việc làm tiêu cực, xuyên tạc sự thật, gây chia rẽ, mất đoàn kết, làm ảnh hưởng xấu đến tập thể hoặc quá trình phấn đấu của học sinh, trại viên khác;

c) Học sinh, trại viên thực hiện tốt tiêu chuẩn 3 quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này phải là người: luôn nêu cao ý thức tự giác, tích cực, chăm chỉ trong học văn hóa, giáo dục công dân, lao động, học nghề và các chương trình, nội dung giáo dục khác; có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong học sinh, trại viên; có ý thức bảo vệ tài sản. Kết quả học văn hóa, học nghề và các chương trình, nội dung giáo dục khác phải đạt từ loại khá trở lên. Trại viên phải tham gia đầy đủ ngày công lao động, tích cực trong lao động, lao động có kỷ luật, hoàn thành định mức được giao; thực hiện tốt yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường;

d) Học sinh, trại viên thực hiện tốt tiêu chuẩn 4 quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này phải là người: có ý thức tự rèn luyện bản thân theo nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân và của người khác; quan tâm động viên, giúp đỡ học sinh, trại viên khác trong sinh hoạt, lao động, học tập, rèn luyện;

đ) Học sinh, trại viên bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải nộp tiền phạt theo quyết định xử phạt hành chính hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính của mình gây ra, thì phải nộp xong số tiền đó (có tài liệu chứng minh hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền). Nếu chưa nộp xong thì phải tích cực thực hiện, cụ thể như sau:

- Trường hợp học sinh, trại viên đã nộp tiền phạt được một phần hoặc được hoãn thi hành quyết định phạt tiền hoặc giảm, miễn tiền phạt theo quy định tại các Điều 76, 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì coi như đã tích cực thực hiện;

- Trường hợp học sinh, trại viên phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại nhưng chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần mà bên bị hại có văn bản không yêu cầu thực hiện nữa hoặc xác nhận đã nhận đủ số tiền phải bồi thường thiệt hại được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý vụ án đó xác nhận thì được coi là đã thực hiện xong;

- Đối với học sinh trường giáo dưỡng nếu cơ quan có thẩm quyền giao cho bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm nộp tiền phạt hoặc bồi thường thiệt hại, nếu những người đó đã thực hiện xong hoặc học sinh đó đã nhiều lần viết thư, liên lạc điện thoại, trực tiếp đề nghị bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện và đã thực hiện được một phần thì được coi là đã tích cực thực hiện.

2. Xếp thi đua loại khá

Học sinh, trại viên cơ bản thực hiện tốt các quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này và kỳ xếp loại trước đã được xếp loại trung bình, khá hoặc tốt thì được xếp loại khá.

Riêng tiêu chuẩn 3 chưa thực hiện tốt, thể hiện: Chưa thật sự tích cực trong lao động; kết quả học văn hóa, học nghề và các chương trình giáo dục khác phải đạt từ trung bình trở lên; có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong học sinh, trại viên nhưng chưa tiêu biểu. Đối với học sinh không tham gia lao động, học tập hoặc có tham gia lao động, học tập nhưng chưa thường xuyên hoặc chất lượng thấp vì ốm đau, bệnh tật thì phải có văn bản xác nhận của Bệnh xá trưởng.

Đối với trại viên nếu bị ốm, bệnh tật thường xuyên hoặc già yếu, không thể tham gia lao động, học tập hoặc tham gia không đầy đủ, không hoàn thành định mức được giao thì phải có văn bản xác nhận của Bệnh xá trưởng và được Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc đồng ý.

Ngoài ra, nếu học sinh, trại viên bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải thực hiện quyết định xử phạt hành chính là phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính của mình gây ra, nếu chưa thực hiện được thì học sinh, trại viên đó phải có bản cam kết tiếp tục thực hiện. Thân nhân học sinh, trại viên hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ đó. Đơn phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi công tác, học tập xác nhận.

Trường hợp học sinh, trại viên không còn ai là thân nhân (ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị, em vợ (hoặc chồng); cô, dì, cậu, mợ, chú bác, cháu ruột) hoặc vẫn còn thân nhân nhưng không có nơi cư trú nhất định và không liên lạc được với họ, thì phải có đơn trình bày hoàn cảnh (có xác nhận của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc) và cam kết thực hiện sau khi chấp hành xong quyết định.

3. Xếp thi đua loại trung bình

Học sinh, trại viên không đủ điều kiện xếp loại khá, tốt hoặc đã vi phạm Nội quy trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xếp loại kém trong kỳ xếp loại trước đó nhưng đã phấn đấu sửa chữa thì xếp loại trung bình.

4. Xếp thi đua loại kém

Học sinh, trại viên không thừa nhận lỗi lầm của mình gây ra, không chịu học tập, rèn luyện, chây lười lao động hoặc vi phạm pháp luật, Nội quy trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên trong kỳ xếp loại hoặc cố tình khiếu nại trái quy định pháp luật về quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc về vấn đề khác có liên quan đến việc chấp hành quyết định của học sinh, trại viên thì xếp loại kém.

Điều 7. Xếp loại thi đua trong trường hợp lập công

1. Học sinh, trại viên lập được công theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10-01-2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc, cứu được tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng thì xếp loại thi đua của kỳ đó được nâng lên một bậc. Trong trường hợp cứu được tài sản có giá trị trên hai mươi triệu đồng, cứu được người đang trong tình trạng nguy hiểm hoặc nhiều lần lập công thì xếp loại thi đua của kỳ đó được nâng lên hai bậc.

2. Học sinh, trại viên phát hiện, cung cấp nguồn tin giúp trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc ngăn chặn, phòng, chống được âm mưu, hành động gây mất trật tự, an toàn, chống phá, trốn trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; bắt được học sinh, trại viên trốn; ngăn chặn, phòng chống được hành vi phá hoại của người khác hoặc học sinh, trại viên phạm tội trong thời gian ở trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm đã được Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc Công an quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công an cấp huyện) trở lên xác nhận bằng văn bản, quyết định khen thưởng, thì xếp loại thi đua kỳ đó được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Kỳ đánh giá, xếp loại thi đua

1. Học sinh, trại viên được xếp loại thi đua theo 03 kỳ: Tuần, tháng, quý.

2. Học sinh, trại viên chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc từ bốn ngày trở lên thì xếp loại thi đua chấp hành quyết định tuần; từ ba tuần trở lên thì xếp loại thi đua chấp hành quyết định tháng; đã được xếp loại từ hai tháng trở lên thì xếp loại thi đua chấp hành quyết định quý.

Những học sinh, trại viên không đủ thời gian xếp loại thi đua chấp hành quyết định trong kỳ đánh giá, xếp loại thi đua vẫn phải kiểm điểm, đánh giá các mặt học tập, lao động, rèn luyện để làm cơ sở cho việc bình xét, đánh giá quá trình tiếp theo.

Điều 9. Định kỳ đánh giá, xếp loại thi đua

1. Định kỳ đánh giá kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định theo tuần tính từ ngày thứ bảy tuần trước đến ngày thứ sáu tuần sau.

2. Định kỳ đánh giá kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định theo tháng tính từ ngày 26 tháng trước đến ngày 25 tháng sau.

3. Định kỳ đánh giá kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định theo quý được tính như sau:

a) Quý I tính từ ngày 26 tháng 11 năm trước đến ngày 25 tháng 2 năm sau;

b) Quý II tính từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 25 tháng 5;

c) Quý III tính từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 25 tháng 8;

d) Quý IV tính từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 25 tháng 11.

Điều 10. Điều kiện xếp loại thi đua định kỳ

1. Xếp thi đua loại tốt

a) Xếp loại thi đua theo tuần: Các ngày trong tuần đều được đánh giá thái độ, kết quả chấp hành quyết định tốt;

b) Xếp loại thi đua tháng

- Các tuần trong tháng đều được đánh giá xếp loại tốt;

- Đối với các tháng có bốn tuần thì ít nhất phải có hai tuần xếp loại tốt, trong đó tuần cuối cùng phải xếp loại tốt, hai tuần còn lại xếp loại khá. Đối với các tháng có năm tuần thì ít nhất phải có ba tuần được xếp loại tốt, trong đó tuần cuối cùng phải xếp loại tốt, hai tuần còn lại xếp loại khá. Chỉ xếp loại tốt cho những học sinh, trại viên mà kỳ xếp loại tháng liền kề trước đó được xếp loại khá, tốt;

Trường hợp học sinh, trại viên mới đủ thời gian xếp loại là ba tuần, thì cả ba tuần đó đều phải xếp loại tốt hoặc tuần đầu xếp loại khá, hai tuần sau xếp loại tốt;

c) Xếp loại thi đua theo quý

Cả 03 tháng đều xếp loại tốt hoặc hai tháng xếp loại tốt, trong đó tháng cuối cùng phải xếp loại tốt, tháng còn lại xếp loại khá. Chỉ xếp loại tốt cho những học sinh, trại viên mà kỳ xếp loại thi đua quý liền kề trước đó được xếp loại khá, tốt (trừ trường hợp lập công).

Đối với học sinh, trại viên mới đủ thời gian xếp loại thi đua 02 tháng, thì cả 02 tháng đều xếp loại tốt hoặc tháng thứ nhất xếp loại khá, tháng thứ hai xếp loại tốt (trừ trường hợp lập công);

2. Xếp thi đua loại khá

a) Xếp loại thi đua theo tuần: Các ngày trong tuần đều được đánh giá thái độ, kết quả chấp hành quyết định loại khá;

b) Xếp loại thi đua theo tháng

- Các tuần trong tháng đều được đánh giá xếp loại khá;

- Đối với các tháng có bốn tuần, thì ít nhất phải có hai tuần xếp loại khá hoặc tốt, trong đó tuần cuối cùng phải xếp loại khá hoặc tốt hai tuần còn lại xếp loại trung bình. Đối với các tháng có năm tuần thì ít nhất phải có ba tuần được xếp loại khá hoặc tốt, trong đó tuần cuối cùng phải được xếp loại khá hoặc tốt hai tuần còn lại xếp loại trung bình;

Chỉ xếp loại khá cho học sinh, trại viên mà kỳ xếp loại thi đua tháng liền kề trước đó được xếp loại trung bình, khá, tốt (trừ trường hợp lập công);

Đối với học sinh, trại viên mới đủ thời gian xếp loại ba tuần, thì cả ba tuần đều xếp loại khá hoặc tuần đầu xếp loại trung bình, hai tuần sau xếp loại khá hoặc tuần đầu xếp loại trung bình, tuần thứ hai xếp loại khá, tuần thứ ba xếp loại tốt;

c) Xếp loại thi đua theo quý

Ba tháng trong quý xếp loại khá hoặc có hai tháng xếp loại khá hoặc tốt, trong đó có tháng thứ ba xếp loại khá hoặc tốt, tháng còn lại xếp loại trung bình. Chỉ xếp loại khá cho những học sinh, trại viên mà kỳ xếp loại quý liền kề trước đó được xếp loại trung bình trở lên (trừ trường hợp lập công);

Đối với học sinh, trại viên mới đủ thời gian xếp loại hai tháng, thì cả hai tháng đều được xếp loại khá hoặc tháng đầu xếp loại trung bình, tháng thứ hai xếp loại khá (trừ trường hợp lập công).

3. Xếp thi đua loại trung bình

a) Xếp loại thi đua theo tuần: Các ngày trong tuần đều được đánh giá thái độ, kết quả chấp hành quyết định loại trung bình;

b) Xếp loại thi đua theo tháng

- Tất cả các tuần đều xếp loại trung bình hoặc các tuần đầu xếp loại khá, tốt nhưng tuần cuối cùng xếp loại trung bình;

- Đối với các tháng có bốn tuần, thì ít nhất có ba tuần xếp loại trung bình, trong đó tuần cuối cùng phải xếp loại trung bình, tuần còn lại xếp loại kém;

- Đối với các tháng có năm tuần thì ít nhất phải có bốn tuần được xếp trung bình, trong đó tuần cuối cùng phải xếp loại trung bình, tuần còn lại xếp loại kém;

- Đối với học sinh mới đủ thời gian xếp loại, thì tất cả các tuần xếp loại trung bình hoặc hai tuần đầu xếp loại khá, tốt nhưng tuần cuối cùng xếp loại trung bình;

c) Xếp loại thi đua theo quý

- Ba tháng trong quý xếp loại trung bình;

- Hai tháng đầu xếp loại trung bình, tháng còn lại xếp loại khá hoặc tốt;

- Hai tháng đầu xếp loại tốt hoặc khá, tháng thứ ba xếp loại trung bình;

- Tháng đầu xếp loại kém, tháng thứ hai xếp loại trung bình, tháng thứ ba xếp loại khá hoặc tốt.

Đối với học sinh, trại viên mới đủ thời gian xếp loại thi đua hai tháng, thì cả hai tháng đều xếp loại trung bình hoặc tháng đầu xếp loại tốt hoặc khá, tháng sau xếp loại trung bình.

4. Xếp thi đua loại kém

Học sinh, trại viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại trung bình, khá, tốt được quy đinh tại Điều 6 và khoản 1, 2, 3 Điều này hoặc vi phạm pháp luật, Nội quy trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên nhưng các tuần sau đó của tháng hoặc các tháng sau đó của quý không chuyển biến, tiến bộ rõ rệt thì xếp loại kém.

Điều 11. Trình tự, thủ tục xếp loại thi đua

Trình tự, thủ tục xếp loại thi đua cho học sinh, trại viên thực hiện theo quy định sau:

1. Bản kiểm điểm của học sinh, trại viên

Dựa vào 4 tiêu chuẩn thi đua quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này, học sinh, trại viên tự viết bản kiểm điểm trong quý về kết quả chấp hành quyết định của mình; tự nhận xét, đánh giá kết quả học tập, lao động, rèn luyện; nêu phương hướng phấn đấu trong thời gian tới và tự nhận xếp loại trong quý đó. Trường hợp học sinh, trại viên chưa biết chữ hoặc ốm đau không thể tự viết được thì phải nhờ học sinh, trại viên khác viết hộ, sau khi nghe lại, đồng ý với nội dung đã viết thì ký tên hoặc điểm chỉ vào bản kiểm điểm, có chữ ký xác nhận của giáo viên chủ nhiệm phụ trách đội (tổ) học sinh (sau đây viết gọn là giáo viên chủ nhiệm), Cảnh sát quản giáo phụ trách đội (tổ) trại viên (sau đây viết gọn là quản giáo).

2. Trong tất cả các cuộc họp tuần, tháng, quý về đánh giá, bình xét xếp loại thi đua chấp hành quyết định cho học sinh, trại viên, giáo viên chủ nhiệm, quản giáo phải chủ trì cuộc họp, từng học sinh, trại viên tự kiểm điểm quá trình chấp hành quyết định của mình (nếu họp xếp loại quý thì từng học sinh, trại viên phải đọc bản kiểm điểm của mình trước tập thể đội (tổ)); tập thể tham gia ý kiến, sau đó biểu quyết bằng hình thức giơ tay, nếu có ít nhất hai phần ba học sinh, trại viên dự họp đồng ý thì được đưa vào danh sách đề nghị xếp loại. Kết quả cuộc họp đánh giá, bình xét, xếp loại thi đua tuần, tháng, quý đều phải ghi thành biên bản.

3. Định kỳ họp đội (tổ) học sinh, trại viên

a) Ngày thứ 6 hàng tuần, đội (tổ) học sinh, trại viên họp đánh giá, bình xét, xếp loại tuần. Trên cơ sở kết quả bình xét, xếp loại tuần của đội (tổ) học sinh, trại viên, giáo viên chủ nhiệm, quản giáo rà soát, xếp loại thi đua cho từng học sinh, trại viên và thông báo cho học sinh, trại viên biết;

b) Ngày 25 hàng tháng, đội (tổ) học sinh, trại viên họp đánh giá, bình xét, xếp loại thi đua tháng. Trên cơ sở kết quả bình xét, xếp loại tháng của đội (tổ) học sinh, trại viên, giáo viên chủ nhiệm, quản giáo rà soát, lập danh sách đề nghị xếp loại thi đua tháng cho học sinh, trại viên và chuyển cho Đội trưởng Đội Giáo vụ, hồ sơ hoặc Đội trưởng Đội Giáo dục, hồ sơ báo cáo Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc Phó Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Phó Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phụ trách giáo dục được uỷ quyền duyệt, ký tên, sau đó thông báo cho học sinh, trại viên biết;

c) Ngày 25 tháng 02, đội (tổ) học sinh, trại viên họp đánh giá, bình xét, xếp loại tháng 2 và quý I; ngày 25 tháng 5, đội (tổ) học sinh, trại viên họp đánh giá, bình xét, xếp loại tháng 5 và quý II; ngày 25 tháng 8, đội (tổ) học sinh, trại viên họp đánh giá, bình xét, xếp loại tháng 8 và quý III; ngày 25 tháng 11, đội (tổ) học sinh, trại viên họp đánh giá, bình xét, xếp loại tháng 11 và quý IV. Trên cơ sở kết quả bình xét, xếp loại quý của đội (tổ) học sinh, trại viên, giáo viên chủ nhiệm, quản giáo rà soát, lập danh sách xếp loại thi đua quý cho từng học sinh, trại viên và đề nghị Tiểu ban hoặc Hội đồng xếp loại thi đua chấp hành quyết định.

4. Tiểu ban xét, đề nghị xếp loại thi đua chấp hành quyết định của phân hiệu trường giáo dưỡng, phân khu cơ sở giáo dục bắt buộc

a) Đối với các trường giáo dưỡng có phân hiệu, cơ sở giáo dục bắt buộc có phân khu thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định thành lập tại mỗi phân hiệu hoặc phân khu một Tiểu ban xét, đề nghị xếp loại thi đua chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc cho học sinh, trại viên, do Phó Hiệu trưởng phụ trách phân hiệu, Phó Giám đốc phụ trách phân khu làm Trưởng tiểu ban. Các ủy viên gồm: Trưởng phân hiệu, Trưởng phân khu, cán bộ trực ban, trực cơ sở, trinh sát, y tế, giáo viên chủ nhiệm, quản giáo phụ trách đội (tổ) học sinh, trại viên, chỉ huy lực lượng Cảnh sát bảo vệ và cán bộ giáo vụ, giáo dục làm ủy viên thư ký;

b) Trên cơ sở đề nghị xếp loại thi đua chấp hành quyết định quý của giáo viên chủ nhiệm, quản giáo, Tiểu ban xếp loại thi đua chấp hành quyết định của phân hiệu, phân khu họp xét, đề nghị xếp loại thi đua chấp hành quyết định cho học sinh, trại viên của phân hiệu, phân khu. Khi họp xét đến đội (tổ) học sinh, trại viên nào thì giáo viên chủ nhiệm, quản giáo báo cáo danh sách đề nghị xếp loại của đội (tổ) đó và giải trình các vấn đề mà các thành viên dự họp nêu ra; sau đó tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay, nếu có ít nhất hai phần ba thành viên Tiểu ban nhất trí thì được đưa vào danh sách đề nghị xếp loại. Sau đó, hoàn thành hồ sơ, danh sách gửi Hội đồng xếp loại thi đua chấp hành quyết định của trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

5. Hội đồng xếp loại thi đua chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc

a) Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định thành lập Hội đồng xếp loại thi đua chấp hành quyết định theo quý cho học sinh, trại viên, thành phần Hội đồng bao gồm:

- Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc - Chủ tịch Hội đồng;

- Phó Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Phó Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phụ trách công tác giáo dục - Ủy viên Thường trực;

- Phó Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phụ trách phân hiệu, Phó Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phụ trách phân khu - uỷ viên;

- Trưởng phân hiệu, Trưởng phân khu - Ủy viên;

- Đội trưởng Đội Giáo vụ - hồ sơ (đối với trường giáo dưỡng); Đội trưởng Đội Giáo dục - hồ sơ (đối với cơ sở giáo dục bắt buộc) - Ủy viên thư ký;

- Đội trưởng Đội Giáo viên chủ nhiệm (đối với trường giáo dưỡng); Đội trưởng Đội Cảnh sát quản giáo (đối với cơ sở giáo dục bắt buộc) - Ủy viên;

- Đội trưởng Đội Giáo viên văn hóa (đối với trường giáo dưỡng) - Ủy viên;

- Đội trưởng Đội Trinh sát (đối với cơ sở giáo dục bắt buộc) - Ủy viên;

- Đội trưởng Đội Lao động sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề - Ủy viên;

- Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ (đối với trường giáo dưỡng); Đội trưởng Đội Cảnh sát bảo vệ - cơ động (đối với cơ sở giáo dục bắt buộc) - Ủy viên;

- Bệnh xá trưởng - Ủy viên;

- Cán bộ trực ban khu nội trú học sinh trường giáo dưỡng - Ủy viên;

- Cán bộ hồ sơ học sinh, trại viên - Ủy viên;

b) Hội đồng xếp loại thi đua chấp hành quyết định của trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc họp xét, xếp loại thi đua chấp hành quyết định cho học sinh, trại viên trên cơ sở đề nghị của Tiểu ban xét, đề nghị xếp loại thi đua chấp hành quyết định của phân hiệu, phân khu. Khi xét đến phân hiệu, phân khu nào thì Phó Hiệu trưởng phụ trách phân hiệu, Phó Giám đốc phụ trách phân khu hoặc Trưởng phân hiệu, Trưởng phân khu báo cáo danh sách học sinh, trại viên đề nghị xếp loại của phân hiệu, phân khu đó và giải trình các vấn đề mà thành viên dự họp nêu ra. Hội đồng tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay, nếu có ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng nhất trí thì được thông qua;

c) Các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không có phân hiệu, phân khu thì Hội đồng họp, xếp loại thi đua chấp hành quyết định cho học sinh, trại viên của đội (tổ) nào thì giáo viên chủ nhiệm, quản giáo phụ trách đội (tổ) đó tham dự, trình bày cụ thể từng trường hợp, đề xuất xếp loại cho học sinh, trại viên và giải trình các vấn đề mà thành viên dự họp nêu ra. Hội đồng xem xét và biểu quyết xếp loại thi đua chấp hành quyết định bằng hình thức giơ tay cho từng trường hợp, nếu có ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng nhất trí thì được thông qua;

d) Căn cứ kết quả họp Hội đồng xếp loại thi đua chấp hành quyết định, Đội trưởng Đội Giáo vụ - hồ sơ, Đội trưởng Đội Giáo dục - hồ sơ tổng hợp, chuyển cho giáo viên chủ nhiệm, quản giáo ghi vào mẫu Bản nhận xét, đánh giá xếp loại thi đua chấp hành quyết định, kèm theo bản kiểm điểm của từng học sinh, trại viên của đội (tổ) mình phụ trách, sau đó chuyển lại cho Đội trưởng Đội Giáo vụ - hồ sơ, Đội trưởng Đội Giáo dục - hồ sơ kiểm tra, trình Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc Phó Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Phó Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phụ trách công tác giáo dục được uỷ quyền duyệt, ký tên, đóng dấu và thông báo công khai cho toàn thể học sinh, trại viên.

Điều 12. Quản lý, lưu trữ kết quả xếp loại thi đua

1. Kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định cho học sinh, trại viên phải lưu vào hồ sơ của từng học sinh, trại viên, gồm:

a) Bản nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định theo quý (kèm theo bản kiểm điểm của học sinh, trại viên trong quý đó) của từng học sinh, trại viên. Đối với học sinh, trại viên chưa đủ thời gian xếp loại quý phải lưu bản kiểm điểm của thời gian chưa được xếp loại;

b) Quyết định khen thưởng đối với học sinh, trại viên lập công; giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của học sinh, trại viên ốm đau, bệnh tật;

c) Các loại hóa đơn, chứng từ, tài liệu về hoãn, miễn và nộp tiền phạt, bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính của học sinh, trại viên gây ra;

d) Đơn khiếu nại, tố cáo của học sinh, trại viên về kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định và thông báo trả lời khiếu nại của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc;

đ) Các tài liệu khác liên quan đến việc xếp loại thi đua chấp hành quyết định của học sinh, trại viên (nếu có).

2. Kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định của từng học sinh, trại viên phải được nhập vào phần mềm cơ sở dữ liệu học sinh, trại viên. Các sổ sách, biên bản cuộc họp, danh sách xếp loại thi đua của giáo viên chủ nhiệm, quản giáo, Tiểu ban, Hội đồng xếp loại thi đua chấp hành quyết và phải được lưu trữ, quản lý theo chế độ công tác hồ sơ của Bộ Công an.

3. Định kỳ hàng quý, sau khi hoàn thành xếp loại thi đua chấp hành quyết định cho học sinh, trại viên, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc gửi báo cáo tổng hợp kết quả xếp loại thi đua chấp hành quyết định về Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để theo dõi, tổng hợp.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2015 và thay thế Quyết định số 417/2003/QĐ-BCA(V26) ngày 02-7-2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn và xếp loại thi đua của trại viên cơ sở giáo dục.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để có hướng dẫn kịp thời.