Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2001/TT-BNN-CS

Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2001

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 141/2000/QĐ-TTG, NGÀY 11/12/2000 VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 28/2001/QĐ-TTG, NGÀY 9/3/2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ "VỀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ VÀ HƯỞNG LỢI ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VÀ CÁC XÃ THAM GIA DỰ ÁN KHU VỰC LÂM NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN TẠI CÁC TỈNH THANH HOÁ, QUẢNG TRỊ, PHÚ YÊN, GIA LAI THEO HIỆP ĐỊNH TÍN DỤNG SỐ 1515-VIE (SF)"

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 141/2000/QĐ-TTg, ngày 11/12/2000 về chính sách đầu tư và hưởng lợi đối với hộ gia đình, cá nhân và các xã tham gia dự án khu vực lâm nghiệp và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn taị các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Phú Yên và Gia Lai theo Hiệp định tín dụng số 1515-VIE(SF) và Quyết định số 28/2001/QĐ-TTg, ngày 9/3/2001 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 141/2000/QĐ-TTg, ngày 11/12/2000. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn một số nội dung sau đây để các tỉnh dự án thống nhất thực hiện:

I- VỀ CƠ CẤU CÂY TRỒNG:

1- Đối với vùng rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu: Ngoài các loài cây gỗ lớn, có thể trồng xen các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản có tàn che như cây rừng; số cây này được tính là cây phòng hộ chính.

2- Đối với vùng rừng sản xuất (bao gồm cả rừng phòng hộ ít xung yếu) : Chọn các loại cây có giá trị kinh tế cao (các loại cây rừng có chu kỳ ngắn cho thu hoạch nhanh, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, các loại cây đặc sản, cây thuốc .... có tán che như cây rừng)

Căn cứ cơ cấu trên và quy định của dự án, các tỉnh cần nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng cụ thể phù hợp với các vùng sinh thái thuộc địa phương mình, khuyến khích trồng các loại cây đa tác dụng để tạo thu nhập hàng năm cho các hộ tham gia dự án.

II- VỀ ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

1- Đối với Vùng rừng phòng hộ (xung yếu và rất xung yếu):

1.1- Bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh không trồng bổ sung:

- Mức khoán cho các hộ gia đình, cá nhân 50.000đồng/ha/năm, trong thời hạn 5 năm.

- Thiết kế phí 16.000đồng/ha

1.2- Trồng mới và khoanh nuôi tái sinh có kết hợp với trồng bổ sung cây lâm nghiệp:

Suất đầu tư do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn( Quyết định số 637/QĐ/BNN-KHCN, ngày 26/2/1999 ban hành Quy trình tạm thời điều tra xây dựng bản đồ dạng lập địa ; Hướng dẫn trồng rừng mới, xúc tiến tái sinh làm giàu rừng; Quy định các bước thực hiện trồng rừng mới và làm giàu rừng), định mức kinh tế-kỹ thuật của địa phương và Quyết định số 2318/ QĐ / BNN-PTLN, ngày 25/6/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt định mức suất vốn đầu tư cho 1ha trồng rừng mới và xúc tiến tái sinh làm giàu rừng áp dụng cho 4 tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Gia Lai, và Phú Yên thuộc dự án Khu vực lâm nghiệp và Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn ADB.

2- Đối với rừng sản xuất (bao gồm cả rừng phòng hộ ít xung yếu):

2.1- Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho các hộ gia đình tự bỏ vốn trồng rừng sản xuất là các loài cây gỗ đặc biệt quý hiếm có chu kỳ trên 30 năm, ưu tiên các loại cây có thể trồng được thuộc nhóm IA, IIA, quy định tại Nghị định số 18/HĐBT, ngày 17/ 01/ 1992 của Hội đồng Bộ trưởng;

2.2- Trồng cây lâm nghiệp (trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán và cây nông lâm kết hợp), Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho chu kỳ đầu không vượt quá 1,9 triệu đồng/ha; Uỷ Ban nhân dân tỉnh quyết định mức đầu tư cụ thể cho các hạng mục trồng cây lâm nghiệp, trên cơ sở thoả thuận với ADB như sau:

2.2.1- Trồng rừng tập trung trên đất đã được giao cho hộ gia đình và cá nhân: Hỗ trợ không quá 1,9 triệu đồng/ha;

2.2.2- Trồng cây nông lâm kết hợp: trồng cây lâm nghiệp, cây hàng rào xanh, cây cải tạo đất trong các khu vực canh tác theo phương thức nông lâm kết hợp : Hỗ trợ không quá 1,5 triệu đồng /ha.

2.2.3-Trồng cây phân tán (2000 cây tương đương 1ha trồng rừng): Hỗ trợ không quá 1,2 triệu đồng/ha.

3- Trồng cây cải tạo vườn tạp: Hỗ trợ 1triệu đồng/ha, mức hỗ trợ tối thiểu cho 1 vườn hộ là 0,3 triệu đồng.

4- Cải tạo, xây dựng các công trình hạ tầng (thuỷ lợi nhỏ, cung cấp nước sạch, đường giao thông liên thôn, trường tiểu học và trạm xá xã): Nhà nước đầu tư 90% tổng dự toán theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại do người hưởng lợi đóng góp.

5- Các hoạt động khuyến nông-khuyến lâm: Nhà nước đầu tư 100% cho các hoạt động: xây dựng mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn (kể cả cải tạo bãi chăn thả của cộng đồng và hộ gia đình), hội nghị đầu bờ, chi phí cho các hoạt động của cán bộ khuyến nông-khuyến lâm xã.

6- Các khoản chi phí khác:

6.1- Thiết kế phí trồng rừng phòng hộ và sản xuất, được thực hiện định mức thiết kế phí quy định tại Quyết định số 2318/QĐ/BNN-PTLN, ngày 25/6/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt định mức suất vốn đầu tư cho 1 ha trồng rừng mới và xúc tiến tái sinh làm giàu rừng áp dụng cho 4 tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Gia Lai và Phú Yên thuộc dự án Khu vực lâm nghiệp và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn ADB.

6.2- Các công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ rừng: đường băng cản lửa, các biển báo, cọc mốc, chòi canh lửa rừng, vật tư phòng trừ sâu bệnh hại: đầu tư theo thiết kế dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

III- VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ

Cơ chế quản lý vốn đầu tư và hỗ trợ thực hiện theo Thông tư số 26/1999/TT-BTC, ngày 10/3/ 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính cho Dự án khu vực lâm nghiệp và Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn do ADB tài trợ.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2001.

2- Căn cứ các nội dung quy định trong các Quyết định số 141/2000/QĐ-TTg ngày, 11/12/2000 và Quyết định số 28/ 2001/QĐ-TTg, ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đầu tư và hưởng lợi đối với các hộ gia đình, cá nhân và các xã tham gia dự án Khu vực lâm nghiệp và Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Phú Yên và Gia Lai theo Hiệp định tín dụng 1515-VIE (SF) và các nội dung hướng dẫn trên, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp và Uỷ ban nhân các tỉnh dự án có trách nhiệm hướng dẫn các dự án cơ sở thực hiện.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đẳng