Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 47/2014/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

CÔNG BỐ VÙNG NƯỚC CÁC CẢNG BIỂN THUỘC ĐỊA PHẬN TỈNH ĐỒNG NAI, TỈNH BÌNH DƯƠNG VÀ KHU VỰC QUẢN LÝ CỦA CẢNG VỤ HÀNG HẢI ĐỒNG NAI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tại Công văn số 9415/UBND-CNN ngày 05 tháng 11 năm 2013; Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương tại Công văn số 1494/GTVT-KCHTGT ngày 15 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư công bố vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai.

Điều 1. Công bố vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương

Công bố vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương bao gồm các vùng nước sau:

1. Vùng nước cảng biển Đồng Nai:

a) Vùng nước cảng biển Đồng Nai khu vực sông Thị Vải;

b) Vùng nước cảng biển Đồng Nai khu vực sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu;

c) Vùng nước cảng biển Đồng Nai khu vực sông Đồng Nai.

2. Vùng nước cảng biển Bình Dương.

Điều 2. Phạm vi vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương

Phạm vi vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương tính theo mực nước thủy triều lớn nhất, được quy định cụ thể như sau:

1. Phạm vi vùng nước cảng biển Đồng Nai bao gồm:

a) Phạm vi vùng nước cảng biển Đồng Nai khu vực sông Thị Vải:

Được giới hạn từ đường vĩ tuyến 10°38’24” N chạy dọc theo hai bờ sông về phía thượng lưu đến đường kinh tuyến 106°59’12”E, cách mép bến cảng chuyên dụng Vedan Phước Thái 3.800m về phía thượng lưu.

b) Phạm vi vùng nước cảng biển Đồng Nai khu vực sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu:

Được giới hạn từ ranh giới bên phải mép luồng cảng biển (tính từ biển vào) đến bờ sông Nhà Bè về phía thượng lưu cầu cảng Phú Đông 1.800m và bờ sông Lòng Tàu về phía hạ lưu cầu cảng Sanrimjohap Vina 1.300m.

c) Phạm vi vùng nước cảng biển Đồng Nai khu vực sông Đồng Nai:

Được giới hạn bởi đường thẳng cắt ngang sông cách cầu Đồng Nai 150m về phía hạ lưu, chạy dọc theo bờ sông phía tỉnh Đồng Nai và mép tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia đến đường thẳng cắt ngang sông cách mép cầu cảng STC-GAS 500m về phía hạ lưu.

2. Phạm vi vùng nước cảng biển Bình Dương được giới hạn bởi đường thẳng cắt ngang sông Đồng Nai cách cầu Đồng Nai 150m về phía hạ lưu, chạy dọc theo bờ sông phía tỉnh Bình Dương và mép tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia đến đường thẳng cắt ngang sông cách mép cầu cảng tổng hợp Bình Dương 300m về phía hạ lưu.

3. Ranh giới vùng nước cảng biển quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định trên Hải đồ số 1059 xuất bản năm 2013 của Cơ quan Thủy đạc Vương quốc Anh. Các đường kinh tuyến, vĩ tuyến quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được áp dụng theo Hệ tọa độ VN-2000 và được chuyển sang các Hệ tọa độ tương ứng như sau:

STT

Hệ tọa độ VN-2000

Hệ tọa độ WGS - 84

Vĩ độ (N)

Kinh độ (E)

Vĩ độ (N)

Kinh độ (E)

1

10°38’24”

10°38’20”N

2

106°59’12”

106°59’18”E

Điều 3. Vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, khu nước, vùng nước có liên quan khác

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức công bố vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão cho tàu thuyền vào, rời các cảng biển thuộc tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và khu nước, vùng nước khác theo quy định.

Điều 4. Trách nhiệm của Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai và các Cảng vụ Hàng hải liên quan

1. Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai có trách nhiệm:

a) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và pháp luật có liên quan đối với hoạt động hàng hải tại các bến cảng và vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương;

b) Căn cứ vào tình hình thực tế về thời tiết, sóng gió, mớn nước và trọng tải của tàu thuyền, chỉ định vị trí cụ thể cho tàu thuyền neo đậu, chuyển tải và tránh bão trong vùng nước theo quy định, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

c) Thực hiện thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải trong vùng nước các cảng biển thuộc tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, kể cả tàu thuyền vào các cảng biển thuộc tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương nhưng phải neo đậu, chuyển tải tại khu chuyển tải Gò Gia;

d) Thông báo cho Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu biết: tên, quốc tịch, các thông số kỹ thuật chính và những thông tin cần thiết khác của tàu thuyền, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền đi vào vùng đón trả hoa tiêu Vũng Tàu; việc điều động tàu thuyền rời vị trí do Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chỉ định để vào vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương chậm nhất 01 giờ trước khi tàu thuyền rời vị trí;

đ) Phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bảo đảm trật tự, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu thuyền vào, rời các cảng biển thuộc tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương nhưng phải đón trả hoa tiêu, kiểm dịch, neo đậu, chuyển tải, tránh bão trong vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

e) Phối hợp với Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm trật tự, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng trên sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương nhưng phải neo đậu, tránh bão trong vùng nước cảng biển thành phố Hồ Chí Minh;

g) Thông báo cho Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh biết tên, quốc tịch, hô hiệu, các thông số kỹ thuật chính và các thông tin cần thiết khác của tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng trên sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền đến vùng nước cảng biển thành phố Hồ Chí Minh; riêng tàu thuyền rời cầu cảng, bến cảng trên sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai phải thông báo trước khi tàu thuyền rời cầu cảng, bến cảng.

2. Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế về thời tiết, sóng gió, mớn nước và trọng tải của tàu thuyền vào, rời các cảng biển thuộc tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, chỉ định vị trí cụ thể cho tàu thuyền đón trả hoa tiêu, kiểm dịch, neo đậu, chuyển tải, tránh bão trong vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và thông báo kịp thời cho Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai.

3. Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế về thời tiết, sóng gió, mớn nước và trọng tải của tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng trên sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương nhưng phải neo đậu, tránh bão trong vùng nước cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, chỉ định vị trí cụ thể cho tàu thuyền neo đậu, tránh bão và chậm nhất 01 giờ kể từ khi nhận được thông báo của Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai phải xác báo cho Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai biết.

4. Những vụ việc phát sinh của tàu thuyền xảy ra tại vùng nước cảng biển do Cảng vụ hàng hải nào quản lý thì Cảng vụ hàng hải đó chủ trì giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp vụ việc xảy ra tại ranh giới vùng nước cảng biển của hai Cảng vụ hàng hải thì do Cảng vụ hàng hải nơi tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng đó chủ trì giải quyết

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2014. Bãi bỏ Quyết định số 48/2007/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trang thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng