Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1962

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 46-THỦ TƯỚNG NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1962 CỦA BỘ VỀ CẢI TIẾN VÀ SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN, HIỆU TRƯỞNG

Trong Thông tư số 46-TT ngày 24-10-1962 về cải tiến và sửa đổi chế độ công tác của giáo viên, Hiệu trưởng các trường, Bộ đã quy định rõ vị trí của nhà trường xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ chủ yếu của người giáo viên và các chế độ công tác, sinh hoạt học tập.
Để thực hiện tốt các chế độ đã ban hành, Bộ giải quyết và hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể ở dưới đây:

Điều 1. – Nhiệm vụ của giáo viên:

Theo tinh thần Thông tư của Bộ thì giáo viên ngoài nhiệm vụ dạy ở các trường phổ thông còn có nhiệm vụ dạy Bổ túc văn hoá (hoặc hàm thụ).

Nhưng cần chú ý mấy điểm sau đây:

Đối với giáo viên cấp III phải sắp xếp thì giờ cho anh chị em có thể tự nghiên cứu bồi dưỡng thêm để dạy cấp III Phổ thông cho tốt, vì nói chung giáo viên cấp III hiện nay chưa đảm bảo chất lượng. Các lớp Bổ túc văn hoá cấp III cần quy định chặt chẽ hơn và nên mở có hạn, phục vụ đúng đối tượng, tránh tràn lan và không để cho giáo viên chạy theo các lớp mở không đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng của phổ thông và Bổ túc văn hoá.

Đối với giáo viên cấp II thì giờ dành cho Bổ túc văn hoá có thể nhiều hơn vì hiện nay Bổ túc văn hoá cấp II là chính, nhưng cũng nhằm phục vụ trước hết những đối tượng chính.

Riêng về Khu, Sở, Ty để đảm bảo cho Hội đồng nhà trường làm đầy đủ nhiệm vụ đã đề ra, cần có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị giáo viên cho đủ số lượng theo tỷ số của Bộ đã quy định.

Trong điều kiện chưa đủ giáo viên thì trong một chừng mực nhất định có thể bố trí cho giáo viên dạy thêm giờ, nhưng để đảm bảo chất lượng và giữ gìn sức khoẻ cho giáo viên, số giờ dạy thêm ngoại tiêu chuẩn quy định không được quá 6 giờ một tuần. Ví dụ: số giờ tối đa của một giáo viên cấp III phải là 16 giờ, nếu cần thiết phải dạy thêm thì chỉ dạy đến 22 giờ là tối đa, nếu là giáo viên cấp II thì chỉ dạy đến 24 giờ là tối đa.

Đối với giáo viên Văn, việc soạn chấm bài có phần vất vả hơn, cần nghiên cứu bố trí cho hợp lý, không nên để cho một giáo viên phụ trách đến ba lớp Văn. Nơi nào có thể sắp xếp được mà không tăng thêm số lượng giáo viên thì đối với giáo viên Văn dạy 2 lớp nên rút 2 giờ, dạy 3 giờ lớp (trường hợp thật cần thiết) nên rút 3 giờ. Nếu không rút giờ được thì miễn cho anh chị em một số công tác ngoại khoá.

Điều 2. – Chế độ sinh hoạt hội họp học tập:

Một điều quan trọng các cấp lãnh đạo giáo dục cũng như toàn thể giáo viên phải đặc biệt quan tâm là hợp lý hoá chế độ công tác sinh hoạt học tập. Bộ đã ra Quyết định số 847-QĐ ngày 06-12-1961 quy định các chế độ này nhưng đến nay các địa phương chưa nghiêm chỉnh thực hiện.

Trong Thông tư quy định chế độ công tác lần này, Bộ ghi lại, và có sửa đổi cho hợp lý hơn, phân biệt nhiệm vụ giảng dạy Bổ túc văn hoá của giáo viên và thì giờ dành cho giáo viên tự bồi dưỡng về văn hoá.

Bộ đề nghị các cấp lãnh đạo giáo dục hướng dẫn thực hiện cho tốt và Bộ cũng đề ra cho toàn thể anh chị em giáo viên nhiệm vụ phấn đấu thực hiện tốt chế độ công tác, sinh hoạt học tập.

Bộ giải thích thêm các điểm dưới đây:

a) Gọi công tác làm thêm trong giờ chính quyền là những công tác mà chính quyền quy định, khối lượng cộng lại đủ 48 giờ, tương đương với khối lượng công tác mà cán bộ chính quyền các ngành các cấp phải làm, những giờ làm những việc này không nhất thiết phải ăn khớp với giờ hành chính.

Ví dụ: Giờ dạy hàm thụ, dạy Bổ túc văn hoá quy định vào giờ chính quyền nhưng nếu vì điều kiện học tập của học viên phải dạy vào buổi tối thì những giờ dạy hàm thụ hay Bổ túc văn hoá buổi tối mà nhà trường đã phân công cho giáo viên được tính vào trong giờ chính quyền.

Nhưng tốt hơn là nhà trường nên sắp xếp làm thế nào để cho những công tác quy định làm trong giờ chính quyền được tiến hành ban ngày. Những buổi tối nên dành cho sinh hoạt Đảng, Đoàn thể hành dành cho giáo viên tự học.

b) Những sinh hoạt không cần thiết thì nên tránh. Những điều gì có thể phổ biến sau hay trước những giờ dạy thì nên tranh thủ phổ biến.

Những điều gì giáo viên có thể nghiên cứu, trong báo chí thì nên hướng dẫn cho anh chị em nghiên cứu, không nhất thiết mọi việc đều phải họp, mất nhiều thì giờ ảnh hưởng đến công tác chính.

Mỗi lần họp cần chuẩn bị kỹ, nên họp nhanh gọn, có chất lượng, tránh kéo dài.

Điều 3. Chế độ lên lớp của giáo viên

Về căn bản số giờ lên lớp theo quy định trước không thay đổi nhưng trong số giờ lên lớp theo quy định mới, nếu số giờ dạy ở phổ thông chưa đủ tiêu chuẩn phải bố trí dạy Bổ túc văn hoá cho đủ tiêu chuẩn. Ngoài số giờ tiêu chuẩn mới được tính phụ cấp.

Dạy ở cấp I ngoài phụ trách một lớp có nhiệm vụ dạy thêm 2 giờ Bổ túc văn hoá nữa.

Dạy ở cấp II, III có thể do bố trí chương trình, một số giáo viên dạy số giờ ít hơn giáo viên khác thì có thể dạy thêm Bổ túc văn hoá nhiều hơn cho đủ tiêu chuẩn.

Ví dụ: một giáo viên dạy 2 lớp Văn, 8 và 9 mỗi tuần là 10 giờ. Nơi nào giáo viên chưa bố trí đủ số giờ tối đa thì giáo viên dạy 2 lớp Văn được rút bớt 2 giờ. Giáo viên này chỉ nên phân công dạy thêm 4 giờ Bổ túc văn hoá (hoặc hàm thụ) là nhiều.

- Những giáo viên dạy môn ngoại ngữ cấp III nếu chỉ dạy học sinh mới bắt đầu học ngoại ngữ từ năm thứ 1, 2, 3 thì cũng hưởng theo tiêu chuẩn giờ dạy tối đa của giáo viên cấp II nghĩa là 18 giờ một tuần. Phụ cấp dạy thêm giờ hưởng theo tiêu chuẩn của cấp II nếu phải dạy quá 18 giờ một tuần.

Những giáo viên do bố trí chương trình phải dạy ở cả hai cấp học II và III thì hưởng theo tiêu chuẩn của cấp III nếu giáo viên ấy đã dạy một số giờ ít nhất bằng 1/2 số giờ tiêu chuẩn tối đa của giáo viên cấp III (dạy Bổ túc văn hoá ở cấp nào thì được tính giờ theo tiêu chuẩn cấp ấy).

Thí dụ: một giáo viên dạy Nga văn ở cấp II là 8 giờ và ở cấp III là 6 giờ cộng với 2 giờ dạy Bổ túc văn hoá cấp III. Như vậy để giáo viên ấy hưởng theo tiêu chuẩn của giáo viên cấp III vì đã dạy được 1/2 số giờ tiêu chuẩn cấp III.

Một giáo viên dạy Trung tâm và Bổ túc văn hoá ở cấp II là 14 giờ và ở cấp III là 6 giờ. Như vậy là giáo viên ấy hưởng theo tiêu chuẩn của giáo viên cấp II vì chưa dạy đến 1/2 số giờ tiêu chuẩn cấp III. Hai giờ dạy thừa ở cấp III sẽ lĩnh phụ cấp dạy thêm giờ theo gia biểu của cấp III.

- Những giáo viên dạy ở nhiều trường khác nhau thì tính cộng tất cả số giờ dạy ở các trường lại để tính. Nếu tổng số giờ dạy vượt tiêu chuẩn tối đa mới được tính trả phụ cấp. Khu, Sở, Ty, Phòng giáo dục có trách nhiệm chỉ định một trong số trường mà giáo viên đó đến dạy nhiều giờ nhất để thanh toán phụ cấp nếu giáo viên đó dạy quá giờ tiêu chuẩn tối đa;

- Giáo viên dạy kỹ thuật công nông nghiệp vì chế độ lên lớp chưa thống nhất nên tạm thời quy định như giáo viên dạy Văn hoá (cấp nào theo cấp ấy) với tiêu chuẩn sau đây:

+ Lên lớp dạy lý thuyết công nông nghiệp và lên lớp dạy Bổ túc văn hoá (kết hợp với kỹ thuật khoa học) mỗi giờ lên lớp được tính như một giờ dạy văn hoá.

+ Hướng dẫn học sinh thực hành trong các xưởng trường, vườn trường cứ 2 giờ hướng dẫn thực hành được coi như một giờ lên lớp dạy lý thuyết. Nhưng giờ lao động hàng tuần cùng với học sinh nhằm mục đích sản xuất ra của cải vật chất hoặc tham gia lao động xây dựng trường số không nằm trong chương trình nội khoa không được tính vào giờ lên lớp.

- Giáo viên chính trị hiện nay đang còn thiếu, thường thường mỗi trường chỉ có một giáo viên hoặc không có, các giáo viên khác hoặc Hiệu trưởng Hiệu phó dạy kiêm nhiệm. Có nơi vì thiếu giáo viên nên phải tổ chức dạy lớp ghép hoặc theo khối. Trường hợp này cần được chiếu cố như sau:

+ Tập trung từ 200 đến 400 học sinh lại giảng bài được rút bớt 2 giờ lên lớp mỗi tuần.

+ Tập trung từ 400 học sinh trở lên được rút bớt 4 giờ lên lớp mỗi tuần.

Những giờ được coi như giờ lên lớp chính thức là: giờ giảng lý thuyết, giờ giải đáp thắc mắc chung theo chương trình, giờ tổng kết chung theo chương trình.

Ngoài ra, những giờ báo cáo thời sự hàng tuần, báo cáo ngoại khoa, giờ dự thảo luận tổ, giờ phụ đạo… được coi đó là nhiệm vụ của giáo viên chính trị, không được tính vào số giờ lên lớp.

- Đối với một số môn như sinh vật, địa lý, chính trị ở trường phổ thông mỗi lớp học có ít giờ (1, 2 tiết) nên trong một trường chỉ có một giáo viên dạy môn ấy, phải dạy rất nhiều lớp khác nhau, soạn nhiều giáo án, chấm bài kiểm tra nhiều, thì có thể rút bớt một hai giờ lên lớp mỗi tuần với điều kiện không tăng thêm biên chế hoặc có thể miễn dạy Bổ túc văn hoá hoặc một số công tác ngoại khoá khác.

Điều 4. Cách quản lý và phân phối nhiệm vụ dạy Bổ túc văn hoá hoặc hàm thụ.

Những giờ dạy ở trường phổ thông Sư phạm, trường phổ thông công nông nghiệp, dạy hàm thụ và Bổ túc văn hoá nếu nằm trong số giờ tiêu chuẩn (16 giờ ở cấp III và 18 ở cấp II) thì không được tính trả phụ cấp.

Ngoài số giờ tiêu chuẩn ra nếu còn dạy thêm thì được tính trả phụ cấp dạy thêm giờ như đã quy định ở điều 1.

Nguyên tắc tính như sau:

Dạy đủ giờ tiêu chuẩn ở trường phổ thông, Sư phạm, phổ thông công nông nghiệp hoặc hàm thụ, nếu phải dạy thêm giờ cho phổ thông, Sư phạm, phổ thông công nông nghiệp hoặc hàm thụ thì phụ cấp do ngân sách Nhà nước đài thọ, nếu dạy thêm giờ cho Bổ túc văn hoá thì phụ cấp do quỹ Bổ túc văn hoá đài thọ.

- Dạy đủ giờ tiêu chuẩn ở phổ thông Sư phạm hàm thụ và Bổ túc văn hoá, nếu phải dạy thêm giờ cho Bổ túc văn hoá thì phụ cấp do quỹ Bổ túc văn hoá đài thọ.

Để đảm bảo việc quản lý giờ dạy và điều hoà lao động chung của giáo viên trong trường, hiệu trưởng xét khối lượng công tác, khả năng và thì giờ của từng giáo viên mà phân phối, bố trí giờ dạy Bổ túc văn hoá cho hợp lý, Ban giám hiệu trường Bổ túc văn hoá tại chức hoặc đơn vị tổ chức trường lớp Bổ túc văn hoá thu tiền học phí của học viên và thanh toán cho giáo viên phải thông qua Hiệu trưởng các trường có giáo viên được cử đến dạy. Vấn đề này, Khu, Sở, Ty hoặc Phòng giáo dục có trách nhiệm đứng ra tổ chức các trường lớp Bổ túc văn hoá hoặc hàm thụ, cử người phụ trách (có phụ cấp giám hiệu theo Nghị định 199-NĐ ngày 01-05-1959) và cùng với các trường đảm bảo kế hoạch phân phối quản lý trường lớp Bổ túc văn hoá cho chặt chẽ, tổ chức và theo dõi việc thanh toán phụ cấp cho chu đáo, không để tình trạng mạnh ai nấy dạy, ai không muốn dạy thì thôi, không ai tổ chức hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo chương trình.

Do có một số giờ dạy Bổ túc văn hoá nằm trong số giờ tiêu chuẩn không được tính trả phụ cấp nên có trường hợp học viên Bổ túc văn hoá phải đóng học phí ít hơn so với trước kia. Ban giám hiệu Bổ túc văn hoá tại chức cần tính toán quy định thu tiền học phí sao cho đủ số chi phí phụ cấp giáo viên, phụ cấp giám hiệu, chi phí dầu đèn, học phẩm, không nên cứ thu như trước khi có quy định mới này để được dôi số tiền ra chi phí các khoản không cần thiết hoặc dùng liên hoan lãng phí vô ích.

Điều 5. Cách thi hành việc rút bớt giờ cho Hiệu trưởng.

- Việc rút bớt giờ cho Hiệu trưởng, Hiệu phó tại các trường cấp II, III thực hiện được tương đối dễ dàng. Trái lại sẽ rất khó khăn và phức tạp đối với Hiệu trưởng các trường cấp I vì một mặt phải rút bớt buổi dạy cho Hiệu trưởng, mặt khác phải đảm bảo nguyên tắc sư phạm. Sau đây là mấy nguyên tắc hướng dẫn các trường cấp I trong việc sắp xếp người dạy thay cho Hiệu trưởng.

Ngoài Hiệu trưởng ra chỉ nên phân công cho một giáo viên phụ trách dạy thêm tại lớp của Hiệu trưởng (giáo viên này sẽ hưởng phụ cấp những buổi thay Hiệu trưởng).

Trước hết nên sử dụng giáo viên lớp song song với lớp của Hiệu trưởng phụ trách, rồi đến giáo viên trong trường có nhiều khả năng, dạy lâu năm nếu trường không có những lớp song song.

- Nên phân công cho Hiệu trưởng dạy ở các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 2) không nên bố trí dạy ở lớp sắp thi tốt nghiệp;

- Nếu có giáo viên dạy thay thì nhất thiết Hiệu trưởng phải thực hiện rút bớt giờ dạy, tránh tình trạng cứ để Hiệu trưởng vẫn dạy đủ số giờ như các giáo viên, trừ trường hợp bất đắc dĩ và được Sở, Ty hoặc Phòng giáo dục duyệt từ đầu năm học, Hiệu trưởng mới dạy vào giờ được rút bớt và được tính trả phụ cấp. Nguyên tắc chung là Hiệu trưởng không có phụ cấp dạy thêm giờ;

- Hiệu trưởng các trường phổ thông cấp I hoặc Hiệu phó trường ghép cấp I với cấp II (trường phổ thông bảy năm - từ lớp 1 đến lớp 7) có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính và cơ quan giáo dục địa phương trực tiếp lãnh đạo các lớp vỡ lòng về mọi mặt tổ chức và nghiệp vụ theo tinh thần Thông tư số 25-TT-TC ngày 02-05-1961.

Điều 6. – Chế độ kiêm nhiệm các mặt công tác:

- Công tác lao động chung toàn trường cần phân công cho giáo viên kỹ thuật công nông nghiệp vì công tác này gắn bó chặt chẽ với nghiệp vụ của giáo viên. Nếu vì lý do nào đó không phân công được cho giáo viên kỹ thuật công nông nghiệp thì giáo viên nào được phân công kiêm nhiệm phụ trách lao động chung toàn trường được rút bớt mỗi tuần lễ từ 1 đến 2 giờ. Nếu là Hiệu trưởng hay Hiệu phó kiêm nhiệm thì không được bớt;

- Tổ trưởng chuyên môn ở cấp II, III mới rút bớt giờ;

- Nhóm trưởng chuyên môn ở các trường cấp I Phổ thông không rút bớt giờ.

Giáo viên kiêm tổng phụ trách đội ở các trường cấp I không rút bớt giờ nhà trường nên miễn cho giáo viên ấy việc dạy Bổ túc văn hoá và một số công tác ngoại khoá khác;

- Nữ giáo viên có con mọn gặp nhiều khó khăn có thể miễn công tác dạy Bổ túc văn hóa và một số công tác ngoại khóa khác;

Ngoài những biện pháp để thực hiện tốt các chế độ công tác đã đề ra trong Thông tư, nhà trường cần bố trí cho giáo viên thường xuyên ở sát nhiệm Sở ngoài những giờ lên lớp trong những ngày làm việc, khi đi xa từ một ngày trở lên phải xin phép Hiệu trưởng trường. Nhà trường cần cố gắng giải quyết chỗ ăn ở cho giáo viên để có thể gần trường tiện việc làm việc tập thể với nhau. Việc bố trí thời gian biểu cũng hết sức tránh tình trạng nể nang thu xếp có ngày dạy 5, 6 tiết, có ngày nghỉ hoàn toàn ảnh hưởng đến sức khoẻ của giáo viên.

Trên đây Bộ hướng dẫn chung một số trường hợp tương đối phổ biến, các Ty, Sở, Phòng cần nghiên cứu vận dụng cho sát với tình hình cụ thể. Trong khi áp dụng có những khó khăn mắc mứu gì cần kịp thời báo cáo về Bộ để bổ sung thêm.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên