Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-NV/DC

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1959

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM CẦN THIẾT VỀ SINH HOẠT VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị Thái Mèo, Việt Bắc
- Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng và khu vực Vĩnh Linh
- Ủy ban Hành chính các tỉnh, các thành phố

I. MẤY NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH SINH HOẠT VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ HIỆN NAY

Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp hoàn thành, chính quyền xã đã được tăng cường về chất lượng cũng như về số lượng. Số đông đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc thành phần cơ bản, là những người tiền tiến đại diện cho lực lượng sản xuất mới ở nông thôn, có nhiệt tình cách mạng xã hội chủ nghĩa, có tinh thần tích cực và ý thức phục vụ nhân dân. Đó là người ưu điêm căn bản, Nhưng hiện nay hoạt động của Hội đồng nhân dân còn gặp nhiều lúng túng thể hiện như sau:

1. Số đông đại biểu Hội đồng nhân dân chưa thấy hết vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân, chưa nhận rõ Hội đồng nhân dân có quyền quyết định những vấn đề gì, quyết định đến đâu và mỗi người phải làm như thế nào?

Cán bộ xã hội nói chung và ngay cả các đồng chí chủ chốt trong chính quyền và đoàn thể cũng chưa quan niệm đầy đủ vai trò và tác dụng của Hội đồng nhân dân, chưa xác định được trách nhiệm của mình đối với Hội đồng nhân dân, coi đại biểu Hội đồng nhân dân như cán bộ khác dưới quyền điều khiển của Ủy ban hành chính xã.

Nhân dân thì chưa thấy rõ Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện trực tiếp cho mình để chăm lo cải thiện đời sống cho mình, quản lý công việc Nhà nước nên coi như bầu xong Hội đồng nhân dân là hết trách nhiệm, không theo dõi, giúp đỡ ý kiến, phản ánh tình hình, nguyện vọng cho các đại biểu.

2. Hội nghị thường kỳ của Hội đồng nhân dân chưa có nề nếp, hội nghị bất thường quá nhiều. Nhiều nơi chưa phân biệt được tính chất, nội dung sinh hoạt của hội nghị thường kỳ và bất thường, còn lẫn lộn hội nghị Hội đồng nhân dân với hội nghị Quân Dân Chính.

Các cuộc họp Hội đồng nhân dân không được chuẩn bị chu đáo, có trường hợp chưa bàn bạc kỹ trong Ủy ban Hành chính trước khi đưa ra cuộc họp Hội đồng nhân dân. Việc triệu tập thường để sát đến hội nghị mới báo nên đại biểu không kịp thu xếp công việc nhà và cũng không có thì giờ để chuẩn bị ý kiến.

3.Quan hệ giữa các đại biểu với nhau, giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính, giữa đại biểu và cử tri nói chung rất lúng túng, không hiểu quan hệ để làm gì và cách thực hiện các quan hệ đó như thế nào?

Do những nhược điểm và khuyết điểm trên nên hoạt động của Hội đồng nhân dân hiện nay còn yếu, vai trò Hội đồng nhân dân chưa được đề cao, Hội đồng nhân dân chưa thể hiện rõ rệt là một cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

II. XÂY DỰNG NỀ NẾP SINH HOẠT VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CHO HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ

1. Cần quán triệt vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã:

Hội đồng nhân dân xã là cơ quan quyền lực Nhà nước ở xã, bao gồm những phần tử ưu tú trong nhân dân do nhân dân trực tiếp bầu ra để thay mặt cho nhân dân quản lý công việc Nhà nước và mưu lợi ích cho nhân dân.

Hội đồng nhân dân có quyền quyết định mọi việc quan trọng trong xã về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự trong phạm vi luật lệ quy định và chỉ thị, nghị quyết của cấp trên.

Hội đồng nhân dân có quyền quyết định về các kế hoạch kiến thiết kinh tế, văn hóa, xã hội, sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và các sự nghiệp hợp tác tương trợ và các công tác khác ở địa phương ; Hội đồng nhân dân có quyền thẩm tra báo cáo công tác của Ủy ban Hành chính cấp mình, kiểm soát chi thu tài chính địa phương và thẩm tra phê chuẩn dự toán chi thu; Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ bảo đảm quyền công dân, quyền bình đẳng của các dân tộc, chăm lo tài sản công cộng, giữ gìn an ninh trật tự chung. Ngoài các quyền hạn, nhiệm vụ trên, Hội đồng nhân dân có quyền bãi miễn các ủy viên Ủy ban Hành chính do mình bầu ra và đảm bảo chấp hành mọi pháp luật của Nhà nước, sắc lệnh, nghị định, nghị quyết của Chính phủ và của chính quyền cấp trên.

Nói chính quyền xã là bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính xã, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính là một khối thống nhất, nhưng mỗi bên có một cương vị khác.

Tuy chịu trách nhiệm về tất cả các công việc trong xã nhưng Hội đồng nhân dân không trực tiếp điều khiển và cũng không giải quyết công việc hành chính hàng ngày mà Hội đồng nhân dân chỉ thường kỳ hoặc bất thường dùng Hội nghị toàn thể các đại biểu để bàn bạc, quyết định rồi giao cho Ủy ban Hành chính đặt kế hoạch và chỉ đạo việc thực hiện. Trong Hội nghị Hội đồng nhân dân có thể phân công các đại biểu kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nghị quyết giúp Ủy ban hành chính (không nên lấy danh nghĩa Ủy ban hành chính phân công cho các đại biểu).

Tuy là đại biểu Hội đồng nhân dân, nhưng các đại biểu cũng là công dân trong xã nên có nhiệm vụ làm gương mẫu cho nhân dân trong việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, kế hoạch công tác của Ủy ban hành chính, đồng thời phải giải thích, giáo dục, vận động nhân dân tích cực thực hiện.

Trong khi thực hiện công tác hoặc trong công việc hàng ngày của cá nhân, các đại biểu chú ý lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng, thắc mắc của nhân dân để giải thích, phản ảnh với Ủy ban Hành chính hoặc đề xuất vấn đề thảo luận trong Hội nghị và cũng qua việc theo dõi các công tác để có ý kiến nhận xét, phê bình Ủy ban Hành chính về địa chỉ và kế hoạch công tác.

Đối với những đại biểu là cán bộ chuyên môn các ngành ở xã thì ngoài nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân còn phải chịu sự điều khiển của Ủy ban Hành chính về mặt chuyên môn và phải có ý thức tranh thủ và thông qua công tác chuyên môn mà làm tốt nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc ngược lại.

Ủy ban Hành chính xã do Hội đồng nhân dân xã bầu ra là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và là cơ quan hành chính của Nhà nước ở xã có nhiệm vụ nghiên cứu, định kế hoạch, chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và của cấp trên. Ủy ban Hành chính giải quyết công việc hành chính hàng ngày cho nhân dân. Ủy ban Hành chính phải chịu sự kiểm soát của Hội đồng nhân dân, phải báo cáo công tác với Hội đồng nhân dân.

2. Tính chất, nội dung sinh hoạt và cách làm việc, cách chuẩn bị cho hội nghị Hội đồng nhân dân xã:

a) Sinh hoạt hội nghị Hội đồng nhân dân :

+ Hội nghị thưòng kỳ: Điều 11 của Luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định sinh hoạt thường kỳ của Hội đồng nhân dân xã ít nhất 3 tháng một lần. Như vậy không phải cứng nhắc 3 tháng mới họp mà tùy tình hình cụ thể từng nơi có thể định một hay hai tháng sinh hoạt một lần. Nhưng điều cần thiết là phải có quy định dứt khoát vì đã nói là hội nghị thường kỳ tức là hội nghị phải họp đúng thời gian đã ấn định.

Hội đồng nhân dân họp thường kỳ để:

- Nghe Ủy ban Hành chính xã báo cáo sự thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã trong khóa họp trước và các chủ trương công tác cấp trên đưa về.

- Nghe Ủy ban Hành chính xã báo cáo dự án chương trình công tác rồi thảo luận biểu quyết.

- Nhận xét, phê bình Ủy ban Hành chính xã về việc chấp hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã và các chủ trương công tác của cấp trên. Nhận xét và phê bình sự hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Hội nghị bất thường: Ngoài các khóa họp thường kỳ, Hội đồng nhân dân có thể họp các phiên bất kỳ để quyết định một số công việc cần thiết. Không nên họp hội nghị bất thường nhiều quá, cần cân nhắc kỹ để đảm bảo đúng tính chất hội nghị của Hội đồng nhân dân.

Có thể họp hội nghị bất thường trong những trường hợp sau đây:

- Khi có những công tác quan trọng ở trên đưa về hoặc những việc đột xuất xảy ra trong xã, Ủy ban Hành chính không đủ thẩm quyền giải quyết và cũng không thể chờ đến cuộc họp thường kỳ sau.

- Khi chấp hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân gặp khó khăn trở ngại cần đề nghị đổi chủ trương cho sát.

- Khi có từ 1/3 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên yêu cầu.

b) Chuẩn bị cho hội nghị:

+ Ủy ban Hành chính phải báo tin họp tới đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 2, 3 ngày trước khi họp hội nghị. Trong khi báo phải nói rõ những vần đề sẽ bàn trong hội nghị để đại biểu chuẩn bị ý kiến trước khi đến họp. Mặt khác phải báo cáo lên Ủy ban hành chính huyện biết ngày giờ, nội dung cuộc họp để nếu cần Ủy ban hành chính huyện cử để biểu về dự. Trước ngày khai mạc hội nghị phải loan báo cho nhân dân biết (trừ những phiên họp kín)

Việc chuẩn bị cho hội nghị là một vấn đề hết sức cần thiết. Vì vậy đối với hội nghị thường kỳ hoặc bất thường của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Hành chính cũng phải chuẩn bị thật chu đáo. Chủ tịch cùng với các ủy viên trong bộ phận thường trực phải dự thảo bản báo cáo và chương trình công tác sau đó triệu tập toàn thể Ủy ban để nhất trí thông qua đồng thời dự kiến những vấn đề chính cần nêu ra trong hội nghị để Hội đồng nhân dân thảo luận.

Về phía các đại biểu Hội đồng nhân dân, sau khi nhận được giấy triệu tập, thì phải đi sâu nắm vững tình hình, trao đổi với các đại biểu khác, có khi phải hỏi ý kiển các đoàn thể, ý kiến các hợp tác xã, ý kiến một số nhân dân có liên quan hoặc am hiểu vấn đề để chuẩn bị ý kiến phát biểu trong hội nghị. Mặt khác, phải thu xếp công việc nhà để khi đến hội nghị tập trung tư tưởng làm việc có kết quả.

c) Trong hội nghị:

Phải triệt để phát huy dân chủ, làm cho hội nghị có một không khí bàn bạc sôi nổi. Thì giờ thảo luận phải nhiều hơn thì giờ nghe trình bày báo cáo. Đối với các vấn đề quan trọng phải để cho hội nghị trao đổi thật kỹ trước khi lấy biểu quyết. Ở những xã có nhiều dân tộc lại càng phải triệt để phát huy dân chủ, những vấn đề gì có liên quan đến dân tộc đó trước khi biểu quyết. Khi Hội đồng nhân dân biểu quyết thì phải ghi rành mạch thành quyết nghị vào biên bản để báo cáo lên trên và Ủy ban Hành chính thi hành.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân đều có quyền đề xuất vấn đề trước hội nghị. Tùy tính chất của từng vấn đề có thể thảo luận ngay ở hội nghị hoặc giao cho Ủy ban hành chính tiếp tục nghiên cứu rồi trình bày trong phiên họp sau hoặc trực tiếp báo cáo với các đại biểu đã đề xuất các vấn đề đó.

Trước khi kết thúc hội nghị, Hội đồng nhân dân cần có kế hoạch và phân công các đại biểu về báo cáo nghị quyết của Hội đồng nhân dân trước cử tri.
3. Giữ vững các quan hệ giữa Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban hành chính xã, giữa Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban Hành chính huyện, giữa đại biểu Hội đồng nhân dân và các cử tri:

a) Quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính xã:

- Quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính là quan hệ giữa cơ quan quyền lực với cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực ấy. Vì vậy phải đặt thành nề nếp thường xuyên và cả hai bên đều có trách nhiệm giữ vững quan hệ đó. Ngoài các cuộc họp thường kỳ và bất thường. Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ theo dõi công tác của Ủy ban Hành chính, theo dõi việc thực hiện các công tác trong nhân dân, phát hiện kịp thời những lệch lạc đồng thời góp ý kiến với Ủy ban Hành chính để uốn nắn kịp thời. Các đại biểu Hội đồng nhân dân ở xóm nào thì phản ảnh với ủy viên Ủy ban Hành chính ở xóm ấy hoặc trực tiếp báo cáo với bộ phận thường trực của Ủy ban.

Về phía Ủy ban Hành chính có nhiệm vụ giúp đỡ, theo dõi sự hoạt động của Hội đồng nhân dân bằng cách ủy viên Ủy ban ở xóm nào phải liên lạc, trao đổi với các đại biểu Hội đồng nhân dân ở xóm ấy để nắm tình hình đồng thời truyền đạt những chủ trương mới cho các đại biểu. Ở những xóm không có ủy viên thì bộ phận thường trực của Ủy ban phải đảm nhận công việc đó.

- Giữa các đại biểu Hội đồng nhân dân ở trong một xóm hoặc trong một hợp tác xã cũng cần trao đổi với nhau để giúp đỡ nhau thực hiện tốt các công tác của Hội đồng nhân dân.

b) Quan hệ giữa Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban Hành chính huyện:

Ủy ban Hành chính huyện là do Hội đồng nhân dân các xã trong huyện bầu ra. Vì vậy, Hội đồng nhân dân xã có nhiệm vụ theo dõi nhận xét sự chỉ đạo của huyện đối với xã qua các chủ trương kế hoạch công tác của Ủy ban Hành chính huyện đưa về xã. Việc này có thể làm trong các phiên họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân xã. Ở các Khu Tự trị, hội nghị Hội đồng nhân dân xã có mục nhận xét sự chỉ đạo của các cấp do mình bầu ra. Ngoài ra nếu thấy có vấn đề gì cần thiết phải góp ý kiến ngay thì các đại biểu Hội đồng nhân dân có thể trực tiếp phản ảnh với bộ phận thường trực của Ủy ban xã để báo cáo lên trên kịp thời. Các đại biểu có thể phản ảnh với ủy viên Ủy ban Hành chính huyện công tác ở xã hoặc gửi thư lên Ủy ban Hành chính huyện.

c) Quan hệ giữa đại biểu Hội đồng nhân dân và các cử tri:

Các đại biểu Hội đồng nhân dân cần có quan hệ mật thiết với cử tri là những người đã trực tiếp bầu ra mình. Nếu không đi sát gần gũi cử tri thì không làm được nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ xuống tận cử tri và cũng không thể nghe ngóng những thắc mắc, nguyện vọng của cử tri để có chủ trương công tác cho sát được. Tùy khả năng và hoàn cảnh công tác của mỗi đại biểu, Hội đồng nhân dân có thể phân công các đại biểu nắm tình hình trong một hay hai hợp tác xã hoặc một số tổ đổi công.

Hội đồng nhân dân phải chịu sự kiểm soát của cử tri vì thế các đại biểu có nhiệm vụ báo cáo công việc làm của mình cho cử tri biết. Những nơi có điều kiện thì nên tổ chức báo cáo sau các cuộc họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân hoặc ít nhất cũng phải có 2 lần trong một năm. Khi cần báo cáo với cử tri trong đơn vị bầu cử thì các đại biểu trong khu vực ấy có thể trao đổi với Ủy ban để thống nhất yêu cầu rồi phân công cho một đại biểu đứng ra báo cáo.

- Công tác của các đại biểu Hội đồng nhân dân không đòi hỏi phải thoát ly sản xuất, cũng không đòi hỏi phải chạy toàn xã mà chủ yếu là kết hợp qua công tác chuyên môn của mình phụ trách, qua công việc làm ăn hàng ngày mà tìm hiểu, thăm dò ý kiến và nguyện vọng trong nhân dân.

d) Về phía cử tri có nhiệm vụ giúp đỡ, ủng hộ các đại biểu Hội đồng nhân dân bằng cách tích cực thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, giúp đỡ các đại biểu trong công tác và đề đạt ý kiến nguyện vọng của mình với các đại biểu Hội đồng nhân dân. Mặt khác thường xuyên góp ý kiến phê bình, xây dựng để Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính làm tròn nhiệm vụ của nhân dân giao cho, và thi hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ.

Trên đây là một số điểm hướng dẫn về chế độ sinh hoạt và lề lối làm việc cho Hội đồng nhân dân xã.

Bộ đề nghị các tỉnh nghiên cứu kỹ thông tư này để có kế hoạch thực hiện và đặt trách nhiệm cho các huyện trực tiếp đi sát xã để hướng dẫn giúp đỡ tại chổ. Song song với việc tăng cường mở lớp bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân ở xã trong các cuộc hội nghị thường kỳ của Hội đồng nhân dân, Tỉnh, Huyện tổ chức cho các đại biểu thảo luận thông tư này có liên hệ kiểm điểm nhằm nâng cao nhận thức cho các đại biểu, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng nhân dân làm cho Hội đồng nhân dân phát huy đầy đủ tác dụng của mình xứng đáng là một cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện, các tỉnh cần theo dõi, kiểm tra báo cáo kết quả về cho Bộ biết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu