Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5-TT-BNV

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1992

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 5-TT-BNV NGÀY 31-7-1992 HƯỚNG DẪN VIỆC BỔ NHIỆM THANH TRA VIÊN CÁC CẤP TRONG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Pháp lệnh thanh tra ngày 1-4-1990 của Hội đồng Nhà nước, Nghị định số 19-HĐBT ngày 18-4-1991 của Hội đồng bộ trưởng, Thông tư số 3-TTNN ngày 22-4-1991 của Thanh tra Nhà nước. Bộ hướng dẫn việc bổ nhiệm thanh tra viên các cấp trong lực lượng Công an nhân dân như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN BỘ NHIỆM:

1. Đối tượng xét bổ nhiệm:

a/ Chỉ xét bổ nhiệm những người thuộc các tổ chức thanh tra Nhà nước bảo đảm thời gian công tác thanh tra ít nhất ở cơ quan, đơn vị khác chuyển sang thì nói chung phải có ít nhất 1 năm làm nghiệp vụ thanh tra, bao gồm:

- Những người trực tiếp đi thanh tra chuyên đề; thanh tra xét khiếu tố, tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn; nghiên cứu, tổng hợp.

- Những người đang giữ chức vụ quản lý ở các tổ chức thanh tra từ Phó trưởng phòng trở lên.

b/ Không bổ nhiệm những người tuy đang làm việc trong tổ chức thanh tra như: văn thư, đánh máy, lái xe, hậu cần người có thông báo nghỉ chờ hưu, người kiêm nhiệm công tác thanh tra; người bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên trong thời gian 3 năm gần đây nhưng chưa thật sự sửa chữa khuyết điểm; người sai phạm còn trong thời gian xét kỷ luật hoặc điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự; những người thuộc các tổ chức thanh tra Nhà nước nhưng không thực hiện những nhiệm vụ đã nêu ở mục (a).

2. Tiêu chuẩn xét bổ nhiệm:

Tiêu chuẩn xét bổ nhiệm thanh tra viên công an phải căn cứ vào Nghị định số 191-HĐBT ngày 18-6-1991 của Hội đồng bộ trưởng; Điều 3 quy chế thanh tra viên; Quyết định 34-QĐ-TTNN ngày 9-11-1991 của Tổng thanh tra Nhà nước và yêu cầu trình độ nghiệp vụ công an để làm cơ sở cho việc xét bổ nhiệm vào các cấp thanh tra viên.

Những người phẩm chất, năng lực, trình độ hiện tại và lâu dài không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định thì không xét bổ nhiệm, mà bố trí công tác khác phù hợp hoặc giải quyết theo chế độ của Ngành.

Một số vấn đề cần lưu ý khi vận dụng tiêu chuẩn bổ nhiệm:

- Phải căn cứ vào năng lực thực tế, và phẩm chất chính trị, ý thức trách nhiệm, tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý và tính trung thực, khách quan, thận trọng của cán bộ; vừa phải tính đến yêu cầu xây dựng đội ngũ thanh tra viên trong thời gian dài, vừa phải căn cứ vào tình hình thực tế đội ngũ cán bộ hiện nay. Vì thế, cần tránh khuynh hướng: chỉ chú trọng đến trình độ được đào tạo (bằng, cấp) mà ít chú ý đến năng lực thực tế hoặc chỉ chú trọng đến mức lương để chuyển ngang sang ngạch thanh tra viên mà không căn cứ vào năng lực thực tế và phẩm chất của cán bộ.

- Đối với những người chưa tốt nghiệp Đại học; chưa qua trường lý luận chính trị trung, cao cấp; chưa qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra mà có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, theo hướng dẫn 03 của Tổng thanh tra Nhà nước thì vẫn bổ nhiệm thanh tra viên. Song, trường hợp này chỉ áp dụng đối với việc xét bổ nhiệm thanh tra viên lần đầu, nếu lần thứ hai xét bổ nhiệm thanh tra viên ở cấp cao hơn thì phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

II. QUYỀN HẠN BỔ NHIỆM:

Điều 5 quy chế thanh tra viên ban hành kèm theo Nghị định 191-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng quy định:

- Bộ trưởng bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ đối với thanh tra viên cấp I.

- Tổng thanh tra Nhà nước bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng đối với thanh tra viên cấp II.

- Thanh tra viên cấp III do Bộ trưởng đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm.

Trong lực lượng công an, Bộ trưởng bổ nhiệm thanh tra viên cấp I theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ; Chánh thanh tra Bộ trao đổi ý kiến với Tổng cục Xây dựng lực lượng và thủ trưởng các đơn vị, địa phương có tổ chức thanh tra trước khi đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên cấp I. Chánh thanh tra Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng làm thủ tục đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên cấp II và cấp III.

Bộ trưởng có quyền miễn nhiệm thanh tra viên cấp I theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ. Chánh thanh tra Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng hoàn thành thủ tục, hồ sơ đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng miễn nhiệm thanh tra viên cấp II, cấp III.

III. THỦ TỤC BỔ NHIỆM

Trình tự thủ tục, hồ sơ bổ nhiệm thanh tra viên công an thực hiện theo hướng dẫn số 503-CV ngày 27-11-1991 của Tổng thanh tra Nhà nước.

Chánh thanh tra các đơn vị, địa phương có trách nhiệm giúp thủ trưởng làm thủ tục, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên, bao gồm:

1. Phiếu thanh tra viên: Do người được xét bổ nhiệm thanh tra viên ghi, cơ quan quản lý hồ sơ cán bộ ký xác nhận kèm theo 2 ảnh 3 x 4, sau ảnh ghi rõ họ tên, đơn vị công tác.

2. Bản nhận xét cán bộ.

- Chánh thanh tra các đơn vị, địa phương nhận xét, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị đối với cán bộ đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên các cấp.

- Chánh thanh tra Bộ nhận xét đối với cán bộ được đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên cấp I.

- Bộ trưởng nhận xét đối với cán bộ được đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên cấp II và cấp III.

3. Công văn đề nghị bổ nhiệm:

- Chánh thanh tra Bộ làm công văn đề nghị Bộ trưởng bổ nhiệm thanh tra viên cấp I.

- Bộ trưởng đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước bổ nhiệm thanh tra viên cấp II; đề nghị Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng bổ nhiệm thanh tra viên cấp III.

Đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên cấp II, cấp III ngoài bản nhận xét cán bộ còn kèm theo các tài liệu để chứng minh rõ năng lực cán bộ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng, Chánh thanh tra các đơn vị, địa phương tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thanh tra nghiên cứu, quán triệt thông tư của Bộ, nắm vững tiêu chuẩn thanh tra viên làm cơ sở cho việc bình xét bổ nhiệm các cấp thanh tra viên. Tiến hành rà soát cán bộ, chiến sĩ làm công tác thanh tra; đối chiếu với tiêu chuẩn, xác định đúng đối tượng bổ nhiệm thanh tra viên.

2. Tổ chức tham khảo ý kiến của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thanh tra đối với người dự kiến bổ nhiệm trước khi đề nghị Chánh thanh tra trình cấp thẩm quyền bổ nhiệm.

Thủ trưởng các đơn vị, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp và tổ chức thực hiện thông tư này.

Chánh thanh tra Bộ chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Bùi Thiện Ngộ

(Đã ký)