THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT |
Số: 506-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1957 |
VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN PHÁP CHẾ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: | -Các vị Bộ trưởng |
Ngày 26 tháng 10 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra nghị định số 504-TTg thành lập Vụ Pháp chế tại Thủ tướng phủ.
Nghị định số 209-TTg ngày 17 tháng 5 năm 1957 định lại nhiệm vụ và tổ chức Văn phòng các Bộ cũng đã nói đến các bộ phận pháp chế đặt tại Văn phòng Bộ.
Những tổ chức và quy định mới này nhằm đáp ứng nhu cầu chỉnh đốn công tác pháp chế ở các cơ quan trung ương và bảo đảm sự tôn trọng nền pháp trị dân chủ trong mọi tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính quyền.
Thông tư này giải thích về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của các cơ quan pháp chế.
I. VỤ PHÁP CHẾ CỦA THỦ TƯỚNG PHỦ
A – Nhiệm vụ : Căn cứ vào điều 2 nghị định số 504-TTg ngày 26 tháng 10 năm 1957, Vụ Pháp chế Thủ tướng phủ có những nhiệm vụ cụ thể sau đây :
1) Giúp Thủ tướng phủ trong việc nghiên cứu hoặc soát lại về mặt pháp lý các dự án luật và sắc luật của Thủ tướng phủ và các Bộ để đệ trình Hội đồng Chính phủ, Quốc Hội hay Ban thường trực Quốc hội; nghiên cứu hoặc soát lại về mặt pháp lý các dự án sắc lệnh, nghị định thông tư của Thủ tướng Chính phủ.
- Tham gia ý kiến về mặt pháp lý với các Bộ mỗi khi cần thiết, trong việc xây dựng các nghị định, thông tư của Bộ.
- Nghiên cứu giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề pháp lý.
- Theo dõi việc ban hành và kiểm soát về mặt pháp lý các văn bản của Thủ tướng phủ, các Bộ và Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố. Đề ghị sửa đổi hay hủy bỏ những văn bản ban hành trái với các luật lệ và đường lối, chính sách hiện hành.
2) Làm các thủ tục về việc ban bố và ban hành các đạo luật, sắc luật, sắc lệnh và nghị định, thông tư của Thủ tướng Chính phủ.
3) Xuất bản Công báo, sưu tầm các luật lệ, soạn và xuất bản các tập luật lệ.
4) Góp ý kiến với các cơ quan chính quyền và đoàn thể sở quan về việc phổ biến các luật lệ trong cán bộ và trong nhân dân bằng các phương tiện như đăng báo, yết thị, phát thanh, tổ chức nói chuyện, viết tài liệu theo lối vấn đáp, v v..
B – Tổ chức : Vụ Pháp chế gồm các bộ phận sau đây :
1) Ba bộ phận nghiên cứu phụ trách các phần việc :
- Nội chính (phụ trách cả các việc về quốc phòng và ngoại giao)
- Kinh tế tài chính.
- Văn hóa xã hội.
2) Bộ phận xuất bản Công báo và lưu trũ tài liệu.
Chi tiết tổ chức Vụ Pháp chế sẽ quy định sau.
II. CÁC BỘ PHẬN PHÁP CHẾ Ở CÁC BỘ
1) Nhiệm vụ của các bộ phận pháp chế ở các Bộ là :
- Nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo luật lệ do các bộ phận chuyên môn hay các cơ quan thuộc Bộ thảo ra để Bộ ban hành hoặc gửi lên cấp trên xét duyệt.
- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến công tác của Bộ; nghiên cứu góp ý kiến về mặt pháp lý vào các dự thảo luật lệ chung của cơ quan khác gửi đến.
- Làm các thủ tục về việc ban hành các nghị định, thông tư của Bộ.
- Góp ý kiến với các cơ quan thuộc Bộ và các cơ quan chính quyền và đoàn thể sở quan để phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của Chính phủ và của Bộ ban hành.
- Sưu tầm các luật lệ, soát lại các văn bản của Bộ và cơ quan trực thuộc về mặt pháp lý. Đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản ban hành không hợp lệ hoặc trái với các luật lệ hiện hành và các nguyên tắc pháp lý chung.
2) Tổ chức: tùy theo khối lượng công tác, bộ phận pháp chế của Bộ có thể tổ chức thành Phòng hay một bộ phận đặt trong Văn phòng Bộ hay một cơ quan trực thuộc Bộ như Phòng Pháp chế thuộc Ban Thanh tra ở Bộ Lao động, Ban nghiên cứu pháp luật ở Bộ Tư Pháp. Điều cốt yếu là phải có cán bộ, có năng lực về văn hóa và chuyên môn để phụ trách công tác pháp chế : lúc đầu hãy tổ chức một bộ phận, khi nào công tác phát triển đên mức độ cần thiết thì thành lập Phòng.
III. QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA CÁC CƠ QUAN PHÁP CHẾ VỚI NHAU VÀ VỚI CÁC CƠ QUAN KHÁC
Muốn cho công tác pháp chế ở các Bộ sau này làm được tốt, nguyên tắc tổ chức các cơ quan pháp chế ở Trung ương là :
1) Không tập trung công việc nghiên cứu và dự thảo các luật lệ vào một cơ quan duy nhất của Chính phủ.
2) Các Bộ lãnh trách nhiệm chủ yếu trong công tác xây dựng các luật lệ, tức là thể hiện các chính sách của mình vào văn bản để ban hành.
Trong thời gian đầu Vụ Pháp chế Thủ tướng phủ chủ yếu làm nhiệm vụ hướng dẫn các bộ phận pháp chế của các Bộ, làm công tác nghiệp vụ : trong quá trình làm công tác pháp chế các bộ phận này sẽ được xây dựng và củng cố. Sau này nhiệm vụ thường xuyên của Vụ Pháp chế đối với các tổ chức pháp chế của các Bộ là theo dõi và góp ý kiến với các Bộ về công tác pháp chế.
Dựa vào mấy nguyên tắc này, chế độ công tác giữa Vụ Pháp chế với các Văn phòng Chủ nhiệm của Thủ tướng phủ và các Bộ có thể quy định như sau :
1) Nói chung tất cả các dự thảo luật lệ và văn bản có tính chất pháp quy[1] của các Văn phòng Chủ nhiệm của Thủ tướng phủ và của các Bộ đều phải chuyển đến Vụ Pháp chế để nghiên cứu và tham gia ý kiến.
Đối với các văn bản quyết định về những trường hợp cá nhân (nghị định bổ nhiệm cán bộ, khen thưởng v.v ..) thì không phải gửi đến Vụ Pháp chế.
2) Vụ Pháp chế tham gia ý kiến nhằm bảo đảm các văn bản của các ngành các cấp được phù hợp với các nguyên tắc pháp trị dân chủ, với các luật lệ và đường lối, chính sách hiện hành.
3) Vụ Pháp chế chỉ tham gia ý kiến để các cơ quan phụ trách dự thảo sửa chữa, không làm thay. Mỗi khi xét cần, Vụ Pháp chế sẽ trao đổi ý kiến với Ban nghiên cứu pháp luật của Bộ Tư pháp.
4) Dự thảo luật, sắc luật, sắc lệnh, nghị định Thủ tướng Chính phủ của các Bộ gửi lên Thủ tướng Chính phủ phải theo đúng thủ tục đã quy định trong thông tư số 149-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1957 tức là phải có kèm theo :
- Tờ trình Hội đồng Chính phủ.
- Các dự thảo nghị định, thông tư quy định các chi tiết thi hành.
- Hồ sơ đầy đủ về vấn đề đề nghị.
5) Các Bộ sau khi ban hành một văn bản có tính chất pháp quy phải gửi bản sao đến Vụ Pháp chế để theo dõi.
IV. CÁC BỘ PHẬN PHÁP CHẾ Ở CÁC VĂN PHÒNG ỦY BAN HÀNH CHÍNH KHU, TỈNH VÀ THÀNH PHỐ.
Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố thường ra những quy tắc về cảnh sát, những thể lệ quy định những chi tiết thi hành các luật lệ của Chính phủ và những thông tư, chỉ thị để thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các văn bản này nói chung còn nhiều thiếu sót về phương diện pháp chế.
Như vậy việc đặt một bộ phận pháp chế tại Văn phòng Ủy ban cũng cần thiết để dần dần đưa công tác pháp chế của Ủy ban vào nền nếp.
Nhiệm vụ của bộ phận pháp chế của Văn phòng Ủy ban khu, tỉnh, thành phố có thể định như sau :
- Nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo, nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị của Ủy ban.
- Phối hợp với các cơ quan chính quyền và đoàn thể sở quan để phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của cấp trên và của Ủy ban Hành chính ban hành.
- Sưu tầm các luật lệ cần thiết cho Ủy ban. Soát lại các văn bản của cơ quan chính quyền cấp dưới về mặt pháp lý.
Về tổ chức và chế độ công tác, các Ủy ban sẽ căn cứ vào các điều quy định trên đây đối với các cơ quan pháp chế ở trung ương và yêu cầu thực tế ở địa phương mà quy định cho được tốt. Điều cốt yếu cũng phải là tìm cán bộ có năng lực đảm nhiệm và tổ chức dần dần từng bước.
Trên đây là những điều quy định bước đầu về tổ chức các cơ quan pháp chế các cấp.
Đối với một số cán bộ và Ủy ban, công tác pháp chế có thể là rất mới mẻ, cần được xây dựng nhiều về nội dung cũng như về lề lối làm việc.
Để làm công tác này được tốt, đề nghị các Bộ và Ủy ban :
1) Cho nghiên cứu kĩ tình hình công tác pháp chế hiện nay ở Bộ và Ủy ban đối chiếu với những yêu cầu từ công tác này, để xây dựng một bộ phận pháp chế đặt trong Văn phòng Bộ và Ủy ban.
2) Trong quá trình làm công tác pháp chế từ nay về sau cần đặt quan hệ mật thiết với Vụ Pháp chế Thủ tướng phủ để trao đổi ý kiến và kinh nghiệm.
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
[1] Văn bản có tính chất pháp quy là những văn bản đặt các luật lệ, hoặc là những văn bản quy định các chi tiết thi hành hoặc giải thích việc thi hành các luật lệ.