BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2021/TT-BTC | Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2021 |
Căn cứ luật chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn thi hành khoản 6 Điều 138 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP) về nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Nhà đầu tư nước ngoài, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan;
b) Thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con;
d) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bản sao hợp lệ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc bản sao đã được đối chiếu khớp đúng với bản chính.
2. Đại diện có thẩm quyền của tổ chức nước ngoài là:
a) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Thư ký công ty, chủ sở hữu của tổ chức nước ngoài;
b) Người có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức nước ngoài hoặc theo thỏa thuận góp vốn hoặc theo các tài liệu tương đương của tổ chức nước ngoài có đủ thẩm quyền để ký các tài liệu đại diện cho tổ chức nước ngoài;
c) Người được đối tượng quy định tại các điểm a, b khoản này ủy quyền bằng văn bản có xác nhận bởi công chứng viên ở nước ngoài hoặc người được luật sư, công chứng viên ở nước ngoài xác nhận là đủ thẩm quyền đại diện cho tổ chức nước ngoài theo quy định pháp luật nước ngoài.
3. Đại diện giao dịch là cá nhân tại Việt Nam đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 138 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP được nhà đầu tư nước ngoài ủy quyền thực hiện các giao dịch, đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, công bố thông tin, báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật Việt Nam.
4. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan bao gồm các tổ chức nước ngoài là người có liên quan có quan hệ với nhau theo một trong các trường hợp sau:
a) Các quỹ nước ngoài, tổ chức nước ngoài được quản lý bởi cùng một công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài;
b) Quỹ của quỹ (fund of funds) hoặc các danh mục của cùng một quỹ, các quỹ con (sub-fund) của cùng một quỹ, quỹ chủ đạo được tài trợ vốn từ một hoặc nhiều quỹ nguồn (master-feeder fund);
c) Các danh mục đầu tư của cùng một quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khác nhau;
d) Các danh mục đầu tư của cùng một quỹ đầu tư nước ngoài hoặc của cùng một nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trường hợp lưu ký trên các tài khoản lưu ký khác nhau;
đ) Các quỹ nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài có cùng một đại diện giao dịch.
5. Ngân hàng lưu ký là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thành viên lưu ký.
Điều 3. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp
1. Nhà đầu tư nước ngoài mở 01 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại 01 ngân hàng lưu ký được phép kinh doanh ngoại hối để thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài mở 01 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại 01 ngân hàng lưu ký được phép kinh doanh ngoại hối để thực hiện hoạt động phát hành, hủy chứng chỉ lưu ký và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Khi nhận vốn ủy thác theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để tiếp nhận vốn của các nhà đầu tư nước ngoài không có tài khoản vốn đầu tư gián tiếp. Trong trường hợp này, tài khoản vốn đầu tư gián tiếp đứng tên công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
3. Mọi hoạt động chuyển tiền để thực hiện các giao dịch, đầu tư, các thanh toán khác liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động của tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài, nhận và sử dụng cổ tức, lãi được chia, mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài (nếu có) và các giao dịch khác có liên quan đều phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.
4. Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư gián tiếp thực hiện theo pháp luật về quản lý ngoại hối.
Điều 4. Tài khoản lưu ký chứng khoán
1. Sau khi được cấp mã số giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán theo quy định của pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
2. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký theo nguyên tắc cứ mỗi mã số giao dịch chứng khoán được cấp thì chỉ được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại 01 ngân hàng lưu ký duy nhất. Ngoài tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài được mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại công ty chứng khoán theo nguyên tắc tại mỗi công ty chứng khoán chỉ được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán.
3. Khi chuyển tài khoản lưu ký chứng khoán từ ngân hàng lưu ký cũ sang ngân hàng lưu ký mới, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài phải đóng tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký cũ sau khi chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản này sang tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký mới. Thủ tục chuyển khoản chứng khoán giữa các tài khoản lưu ký chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Điều 5. Nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
1. Nhà đầu tư nước ngoài, đại diện giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm các giao dịch đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam và các giao dịch thực hiện bởi người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan không nhằm mục đích tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán và các hành vi giao dịch bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
2. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp và quyết toán thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng khoán tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Nhà đầu tư nước ngoài, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin về các giao dịch chứng khoán theo pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo nguyên tắc sau:
a) Nhà đầu tư nước ngoài tự thực hiện hoặc chỉ định 01 thành viên lưu ký hoặc 01 công ty chứng khoán hoặc 01 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc văn phòng đại diện của mình (nếu có) hoặc 01 tổ chức khác hoặc ủy quyền cho 01 cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu và công bố thông tin theo quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán;
b) Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan có trách nhiệm chỉ định 01 thành viên lưu ký hoặc 01 công ty chứng khoán hoặc 01 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc văn phòng đại diện của mình (nếu có) hoặc 01 tổ chức khác hoặc ủy quyền cho 01 cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán;
Thông báo về việc chỉ định hoặc thay đổi tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi việc chỉ định hoặc ủy quyền có hiệu lực kèm theo bản sao hợp lệ Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ hoặc tài liệu tương đương của tổ chức được chỉ định; hoặc kèm theo bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cá nhân được ủy quyền.
c) Trường hợp có sự thay đổi số lượng nhà đầu tư nước ngoài trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan nhưng không có sự thay đổi về tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin thì tổ chức, cá nhân được chỉ định, ủy quyền báo cáo sở hữu, công bố thông tin có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi có sự thay đổi. Tài liệu báo cáo bao gồm:
- Bản cập nhật thay đổi về danh sách nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
- Văn bản chỉ định hoặc ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài mới về việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (trong trường hợp bổ sung nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia vào nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan).
d) Nhà đầu tư nước ngoài, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sở hữu chứng khoán của mình để tổ chức được chỉ định hoặc cá nhân được ủy quyền báo cáo sở hữu, công bố thông tin thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin theo quy định của pháp luật;
đ) Nhà đầu tư nước ngoài, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan thực hiện nghĩa vụ báo cáo sở hữu đồng thời với nghĩa vụ công bố thông tin. Nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Điều 6. Nghĩa vụ trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài
1. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khi cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm:
a) Tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
b) Khi cung cấp dịch vụ, tham gia đấu giá chứng khoán theo ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài thì công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải tách biệt riêng các lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư của nhà đầu tư trong nước (nếu có) và của chính mình, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam;
c) Có trách nhiệm phân bổ công bằng và hợp lý tài sản cho từng khách hàng phù hợp với hợp đồng đã giao kết.
2. Khi thực hiện giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, đại diện giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm:
a) Tuân thủ các quy định pháp luật chứng khoán và pháp luật liên quan;
b) Thực hiện theo đúng chỉ thị giao dịch và thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài, không trực tiếp đưa ra các quyết định đầu tư bao gồm việc lựa chọn loại chứng khoán, số lượng, mức giá, thời điểm thực hiện giao dịch khi chưa nhận được lệnh giao dịch, chỉ thị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
3. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam khi cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm bảo mật các thông tin về nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật liên quan và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xây dựng, vận hành hệ thống đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến, ban hành quy chế đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến.
5. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quy định chi tiết các hình thức nhắc nhở, khiển trách và đình chỉ việc sử dụng hệ thống đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến của thành viên lưu ký trong trường hợp thành viên lưu ký không nộp đầy đủ, đúng thời gian quy định danh mục hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và hồ sơ báo cáo thay đổi thông tin của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 146 và khoản 2 Điều 148 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
6. Trường hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có yêu cầu, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ đình chỉ hoặc chấm dứt việc sử dụng hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến của thành viên lưu ký.
7. Khi phát hiện thành viên lưu ký khai báo không trung thực thông tin để đăng ký mã số giao dịch chứng khoán, đăng ký mã số giao dịch chứng khoán khống hoặc không đúng đối tượng, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thực hiện đình chỉ hoặc chấm dứt việc sử dụng hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến của thành viên lưu ký sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong trường hợp này, thành viên lưu ký phải hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm, kể cả nghĩa vụ tài chính đối với các giao dịch đã thực hiện trên tài khoản giao dịch mở trên cơ sở mã số giao dịch chứng khoán đó.
8. Thành viên lưu ký chỉ được đăng ký mã số giao dịch chứng khoán, hủy bỏ mã số giao dịch chứng khoán, báo cáo thay đổi thông tin liên quan đến mã số giao dịch chứng khoán cho các tổ chức, cá nhân khi đã tiếp nhận đầy đủ danh mục hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 146, khoản 2 Điều 147 và khoản 2 Điều 148 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Ngoài các tài liệu đã được công chứng, chứng thực theo quy định, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao các tài liệu do thành viên lưu ký cung cấp.
9. Thành viên lưu ký phải lập và lưu trữ hồ sơ, chứng từ về các hoạt động lưu ký tài sản trên tài khoản lưu ký của các tổ chức, cá nhân được cấp mã số giao dịch chứng khoán và phải cung cấp khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
10. Thành viên bù trừ phải lưu giữ đầy đủ các chứng từ về bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của các tổ chức, cá nhân được cấp mã số giao dịch chứng khoán, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin và các tài liệu liên quan tới hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
1. Thành viên lưu ký phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định kỳ hàng tháng số liệu thống kê về tài khoản lưu ký và danh mục tài sản của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp thành viên lưu ký là chi nhánh tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam thì phải bổ sung báo cáo về hoạt động đầu tư, danh mục đầu tư của mình theo mẫu quy định tại phần III Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định kỳ 02 tuần một lần về hoạt động chu chuyển vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài trên các tài khoản này theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định kỳ hàng tháng về hoạt động quản lý danh mục đầu tư, đầu tư theo chỉ định cho nhà đầu tư nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định kỳ hàng tháng về hoạt động cấp mã số giao dịch chứng khoán theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Các công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước định kỳ (ngày, tháng, năm) về hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Đại diện giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo về hoạt động đầu tư theo chỉ định cho nhà đầu tư nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này khi có yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
7. Trường hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có yêu cầu, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, đại diện giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp báo cáo và cung cấp danh mục, số liệu, dữ liệu, các tài liệu khác có liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.
8. Thời hạn nộp các báo cáo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này như sau:
a) Trước 18h hàng ngày đối với các báo cáo ngày;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau ngày 15 hàng tháng (báo cáo 02 tuần đầu tháng) và trong thời hạn 03 ngày làm việc sau ngày kết thúc tháng (báo cáo 02 tuần cuối tháng) đối với báo cáo về hoạt động chu chuyển vốn của nhà đầu tư nước ngoài;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tháng đối với các báo cáo tháng;
d) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm đối với các báo cáo năm.
9. Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này như sau:
a) Đối với báo cáo hai tuần: tính từ ngày đầu tiên của tháng báo cáo đến ngày 15 của tháng báo cáo và từ ngày 16 của tháng báo cáo đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định);
b) Đối với báo cáo tháng: tính từ ngày đầu tiên của tháng báo cáo đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định);
c) Đối với báo cáo năm: tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm báo cáo (trừ số liệu phản ánh tại thời điểm nhất định).
10. Các báo cáo theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy kèm theo tệp dữ liệu điện tử hoặc trên hệ thống quản lý hoạt động nhà đầu tư nước ngoài của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải được lưu trữ trong thời gian tối thiểu là 05 năm.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 08 năm 2021 và thay thế Thông tư số 123/2015/TT-BTC ngày 18 tháng 08 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
2. Các hoạt động trong Thông tư này áp dụng đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện cho đến khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động theo quy định tại Luật Chứng khoán.
3. Các hoạt động trong Thông tư này áp dụng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cho đến khi Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con chính thức hoạt động theo quy định tại Luật Chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 8225/BTC-VP năm 2021 về rà soát các biện pháp chống nghẽn lệnh đã áp dụng do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán
- 4 Thông tư 89/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Thông tư 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, ..., bãi bỏ Thông tư 116/2014/TT-BTC hướng dẫn vấn đề tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản và Thông tư 43/2016/TT-BTC sửa đổi Điều 5 Thông tư 116/2014/TT-BTC hướng dẫn vấn đề về tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5 Luật Chứng khoán 2019
- 6 Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 7 Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 1 Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3 Thông tư 89/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Thông tư 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, ..., bãi bỏ Thông tư 116/2014/TT-BTC hướng dẫn vấn đề tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản và Thông tư 43/2016/TT-BTC sửa đổi Điều 5 Thông tư 116/2014/TT-BTC hướng dẫn vấn đề về tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4 Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5 Công văn 8225/BTC-VP năm 2021 về rà soát các biện pháp chống nghẽn lệnh đã áp dụng do Bộ Tài chính ban hành
- 6 Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành